Giải đáp phụng vụ: Khi Mình Thánh được cất vào Nhà Tạm, tín hữu đứng lên không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi Mình Thánh được cất lại vào Nhà Tạm sau rước lễ, liệu người ta được yêu cầu đứng lên không? Tôi tự hỏi tại sao như thế, nếu tôi vừa rước lễ xong? - T. Z., Messina, Ý.


Đáp: Có nhiều câu hỏi liên quan đến sự thực hành này gần đây, trước hết tại Ý, nhưng còn tại các nước khác nữa. Trong một số trường hợp, độc giả chúng tôi mô tả các nghi thức chi tiết về việc đưa Mình Thánh cất lại vào Nhà Tạm, thậm chí còn hộ tống với nến sáng, như trong một cuộc rước kiệu Thánh Thể. Trong các tình huống này, các tín hữu được yêu cầu đứng lên.

Lý do đưa ra cho việc giới thiệu thực hành này là rằng nó tạo thành một phần của một nỗ lực để khôi phục lại sự tôn trọng và lòng sùng kính đối với Mình Thánh Chúa. Trong khi đây là một mục tiêu đáng khen ngợi, tôi đã nghi ngờ rằng đó là thời điểm tốt nhất để làm sự ấy, và hình như nó có vẻ trái với các chỉ dẫn rõ ràng từ Tòa Thánh.

Trước hết, về tư thế của các tín hữu, số 43 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói như sau:

"43. Tín hữu đứng: từ đầu ca nhập lễ, hoặc khi vị tư tế tiến tới bàn thờ, cho đến hết lời nguyện nhập lễ; khi hát A-lê-lu-ia trước Tin Mừng; khi công bố Tin Mừng; khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện các tín hữu; từ lời mời “Anh em hãy cầu nguyện” (Orate fratres) trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ, trừ những gì sẽ nói sau.

“Còn ngồi: khi đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp ca trước Tin Mừng, khi nghe diễn giảng và khi sửa soạn lễ phẩm cho phần dâng lễ; và tùy nghi khi giữ thinh lặng thánh sau hiệp lễ.

“Sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Những người không quì khi truyền phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quì gối sau truyền phép.

“Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Thường Lễ của Sách Lễ Rôma, sao cho phù hợp với cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh Lễ. Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô “Thánh Thánh Thánh” (Sanctus) cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và trước Rước lễ, khi linh mục đọc “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ecce Agnus Dei), thì đó là điều đáng khen nên duy trì.

“Ðể có sự đồng nhất về cử chỉ và điệu bộ trong cùng một cử hành, các tín hữu phải tuân theo lời hướng dẫn của phó tế hay thừa tác viên giáo dân, hay vị tư tế theo như các sách phụng vụ qui định” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Vì một số người giải thích số này (số 43) là buộc các tín hữu phải đứng trong toàn bộ thời gian Rước lễ, Tòa Thánh đã trả lời cho một nghi vấn được công bố trong tạp chí chính thức "Notitiae" (số 39 [2003] trang 533):

"Ở nhiều nơi, các tín hữu có thói quen quỳ cầu nguyện riêng, hay ngồi sau khi họ trở về chỗ ngồi của mình sau khi đã Rước lễ trong Thánh Lễ. Liệu các điều khoản của “Ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma” cấm sự thực hành này không?

"℟. Trả lời là không, và có một lý do.

"Lý do là rằng qua các qui định của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 43, một đàng muốn đưa ra, với giới hạn rộng rãi, sự đồng nhất về cử chỉ và điệu bộ trong cộng đoàn cho một số phần của việc cử hành Thánh Lễ, và một đàng không phải qui định tư thế quá cứng nhắc, để cho ai muốn vẫn quỳ hoặc ngồi sẽ tự do để làm như vậy".

Vì vậy, dường như là không đúng, khi bắt buộc các tín hữu thích ứng với một tư thế đặc biệt sau khi Rước lễ.

Thứ đến, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không nêu ra tầm quan trọng của việc đưa Mình Thánh trở lại Nhà Tạm như để đảm bảo một nghi thức chi tiết. Xin mời đọc:

"163. Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm.

Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh; ngài vừa tráng chén, vừa đọc thầm: "Lạy Chúa, miệng chúng con..." (Quod ore sumpsimus), và dùng khăn lau chén mà lau. Nếu tráng chén trên bàn thờ, thì sau đó người giúp lễ sẽ đem bình và chén xuống bàn phụ. Cũng có thể để bình chưa tráng, nhất là khi có nhiều bình, trên một khăn thánh ở bàn thờ hay bàn phụ, che đậy lại tùy nghi, để liền sau lễ, khi giải tán dân chúng rồi, sẽ tráng” (Bản dịch Việt ngữ như trên).

Như vậy, không có gì ở đây vốn gợi ý một nghi thức rõ ràng. Đây là một câu hỏi thực hành, được thực hiện trong việc tráng chén. Trong khi cần duy trì sự tôn kính, không cần phải nhấn mạnh quá mức thời điểm này.

Tuy nhiên, Sách Lễ nói rõ rằng chính linh mục hay phó tế, chứ không phải một thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, sẽ thực hiện công việc cất Mình Thánh và tráng chén trong Thánh Lễ. Linh mục hay phó tế cần bái gối khi đóng cửa nhà tạm.

Tôi tin rằng có nhiều lý do tại sao đây không phải là thời điểm thích hợp, cho việc nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thánh Thể. Trước hết, như được nói trong các chữ đỏ được nêu ra trên đậy, thời điểm này chưa bao giờ là một thời điểm đặc biệt trang trọng của Thánh Lễ. Thứ đến, và quan trọng hơn, chúng ta vẫn đang trong bối cảnh của việc cử hành Thánh Lễ, và sự nhấn mạnh tại thời điểm này chính là sự cám tạ Chúa, vì đã chia sẻ hy tế này qua việc Rước lễ. (Zenit.org 7-4-2015)

Nguyễn Trọng Đa