Thư gửi các cộng đoàn thánh hiến trong giáo phận Bắc Ninh
Anh chị em sống đời tận hiến quý mến
Cùng với Hội Thánh toàn cầu, giáo phận chúng ta vừa qua đã khai mạc năm Đời Sống Thánh Hiến và cử hành ngày Đời Sống Thánh Hiến. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Mùi đồng thời bước vào Mùa Chay, tôi xin ngỏ lời với anh chị em, không chỉ với tư cách giám mục giáo phận mà cả với tư cách một người sống đời thánh hiến như anh chị em, để nhờ ơn Chúa chúng ta cùng nhau vững bước và tiến bước trong tình hình cụ thể với ước nguyện ‘Đất chúng ta trổ sinh hoa trái’ (Tv 84/85,11).
1. Chúng ta cảm tạ Chúa cho giáo phận được sinh ra và lớn lên với hai gia đình tận hiến là Dòng Tên như người trồng và Dòng Đaminh như người tưới. Đó là những vị thừa sai đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, rời bỏ quê hương yên vui, xông pha giữa bao khó khăn và nguy hiểm, chỉ vì muốn Tin Mừng cứu độ đến được với mọi người. Dấu ấn của những người tận hiến rất đậm nét trong lich sử giáo phận. Hiện nay, số người tận hiến trong giáo phận đông nhất trong suốt gần 400 năm qua và gồm đủ thành phần: nam và nữ, giáo sĩ và những người không chức thánh, chiêm niệm và tông đồ, dòng và tu hội đời, trực thuộc Tòa Thánh và thuộc quyền giáo phận. Những người tận hiến là quà tặng quý báu của Thiên Chúa cho Hội Thánh nói chung và giáo phận nói riêng. Đời sống và hoạt động của những người tận hiến đang góp phần đáng trân trọng vào chương trình mục vụ và truyền giáo của giáo phận. Với lòng biết ơn chân thành và sâu xa, mỗi người chúng ta đừng bao giờ quên Thiên Chúa ‘đã làm cho tôi những điều cao cả’ (Lc 1,49), như mẫu mực của mọi người tận hiến là Mẹ Maria hân hoan diễn tả trong kinh Ngợi Khen mà Hội Thánh không ngừng nhắc lại suốt 20 thế kỷ. Trong tinh thần ấy, chúng ta hãy hăng say tiếp bước những bậc tiền nhân trở nên thực sự là ‘hương thơm của Đức Kitô’ như thánh Phaolô nói (2 Cr 2,15), giữa Hội Thánh cũng như trong xã hội.
2. Để cử hành Năm Đời Sống Thánh Hiến theo đúng ý của Hội Thánh, chúng ta có thể dựa vào 3 tài liệu: (1) Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21.11.2014 công bố Năm Đời Sống Thánh Hiến, (2) Bài tường thuật dưới tựa đề “Hãy đánh thức thế giới”của Antonio Spadaro về buổi gặp gỡ thân mật giữa Đức Thánh Cha và bề trên Tổng Quyền các dòng nam vào tháng 11 năm 2013, (3) Thư luân lưu “Hãy vui lên” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ ngày 2.2.2014. Chúng ta cũng nên học hỏi lại những giáo huấn của Công Đồng Vaticano II trong hiến chế Ánh sáng muôn dân và sắc lệnh Đức ái trọn hảo, tông huấn Đời sống thánh hiến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và tông huấn Niềm vui của Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Những cử hành bên ngoài dù tổ chức chu đáo và long trọng đến đâu cũng chỉ có ý nghĩa và hoa trái khi chúng ta thực sự đào sâu và đổi mới bản thân cũng như các cộng đoàn theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Ngoài ra, mỗi gia đình thánh hiến cũng nên ôn lại lịch sử của mình, từ giai đoạn sáng lập đến những thăng trầm, nhất là gương mẫu các vị thánh, để nhận ra Chúa đã dẫn dắt các thế hệ trước thế nào và vào thời điểm này phải tiếp bước các bậc tiền nhân thế nào.
3. Khởi từ những gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể đặc biệt nhấn mạnh đến 3 điểm: niềm vui của Tin Mừng, ơn gọi ngôn sứ và đánh thức thế giới. Nhân loại mọi thời mọi nơi nói chung và những người trong xã hội chúng ta nói riêng luôn luôn khao khát niềm vui. Trong thế giới hiện nay, niềm vui đôi khi rất mong manh vì nhiều người chỉ dựa trên hưởng thụ vật chất hay những tương quan nhân văn, trong khi bầu khí hận thù, bạo động, chiến tranh, khủng bố thường xuyên đe dọa. Hội Thánh được hưởng niềm vui của Đức Kitô: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20); “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22); “Niềm vui của anh em sẽ trọn vẹn” (Ga 16,24). Trong niềm tin ấy, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4). Đó là niềm vui của những người biết mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Niềm vui của Chúa chính là điều thế gian cần đến và những người tận hiến được mời gọi cách đặc biệt để bày tỏ và chuyển đến cho xã hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ở đâu có người tận hiến, ở đấy có niềm vui.”
4. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tính cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành cho tu sĩ, nhưng chung cho mọi người. Riêng tu sĩ theo Chúa Giêsu bằng một cách thức đặc biệt, cách thức ngôn sứ.” Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9). Các tín hữu không theo một học thuyết, một lý tưởng, một đảng phái, hay theo một ai khác, nhưng theo Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa nhưng sống như con người, đồng thời là con người nhưng sống như Con Thiên Chúa. Đó là điều mới không chỉ cách đây 20 thế kỷ nhưng là mới đối với mọi nơi mọi thời. Người thiết lập một thực tại mới được gọi là Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Bài giảng trên núi (Mt 5-7) được coi như bản hiến chương của Nước Trời. Trong Cựu Ước, giữa dân Do Thái xuất hiện những khuôn mặt đặc biệt được gọi là ngôn sứ. Đó là những người không thuộc về cơ cấu pháp lý hay hành chính của dân, nhưng nhận sứ mệnh trực tiếp từ Thiên Chúa. Qua đời sống và lời nói, họ mời gọi hàng lãnh đạo cũng như dân chúng trung thành với Giao Ước. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các tu sĩ đóng vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh xã hội và thế giới hiện nay. Với đời sống cầu nguyện, chúng ta là người của Thiên Chúa, được sai đến giúp con người sống như con cái Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu. Với đời sống huynh đệ, đặc biệt trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em của nhau và của mọi người. Với đời sống phục vụ, chúng ta làm mọi việc vì yêu mến, khiêm tốn như một người tôi tớ. Với đời sống theo ba lời khuyên Phúc Âm, chúng ta mời gọi mọi người thay đổi lối sống theo Hiến chương Nước Trời, để hướng đến một Trời Mới Đất Mới. Chúng ta sống khác người đời không phải vì lập dị, nhưng vì là người của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu mà phần nào các ngôn sứ đã phác họa trong Cựu Ước.
5. “Hãy đánh thức thế giới”: đó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đặc biệt những người tận hiến. Thánh Phaolô đã ghi lại bài hát trong nghi thức Thánh Tẩy thời các thánh tông đồ: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14). Sau khi nguyên tổ phạm tội, cả loài người đã chìm vào giấc ngủ kiêu căng và ích kỷ, vô cảm và gian ác, từ đó phát sinh mọi tội lỗi và đau khổ. Các bậc hiền nhân và thánh nhân đã cố gắng thắp lên những ngọn nến để nhân loại khỏi chìm trong bóng tối. “Hãy nâng tâm hồn lên” (Tv 24/25,1; 65/86,4): đó là lời mời gọi từ trời cao, vì trên mặt đất chỉ con người mới có khả năng nâng tâm hồn lên. Phải làm gì để đánh thức thế giới? Trước hết chính chúng ta phải để cho Lời Chúa đánh thức hằng ngày, để cho Mình Máu Đức Kitô biến đổi liên tục, nhờ đó được Đấng là ánh sáng dùng làm những tia sáng soi chiếu thế gian. Được sống trong Nước Thiên Chúa là ‘công chính, bình an và hoan lạc của Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), chúng ta được trao sứ mệnh giới thiệu và dẫn đưa từng người và mọi người đến với Chúa Giêsu, lấy tám mối phúc thật của Chúa thay thế cho bảy mối tội đầu của thế gian. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta vững tin Chúa Giêsu phục sinh đang hướng dẫn lịch sử nhân loại và Trời Mới Đất Mới không chỉ là ảo tưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu một thí dụ trong ngôn sứ Dacaria: “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dc 8,23). Ngôn sứ Isaia cũng tiên báo: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3).
6. Ngoài đời sống, các ngôn sứ cũng loan báo sứ điệp của Chúa bằng việc làm. Hiện nay, đa số công việc của chúng ta là giáo dục, y tế, mục vụ, chăm sóc những người kém may mắn… Tinh thần phục vụ và hi sinh của những người tận hiến thường là âm thầm nhưng đã nên gương sáng cho các thành phần Dân Chúa cũng như những người chưa biết Chúa. Các linh mục dòng phục vụ ở những nơi nhỏ bé và khó khăn đã mở ra những chiều kích mới cho sứ vụ của giáo phận. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhở về vùng ngoại vi, về một Hội Thánh chân tay lấm láp, mình mẩy bầm dập, về những người bé nhỏ chung quanh chúng ta… Đó là lời mời gọi Thiên Chúa gửi đến cho toàn thể Hội Thánh qua vị mục tử Chúa đã chọn. Là những người tận hiến, ước gì chúng ta cũng là những chiến sĩ tiên phong. Khởi hứng từ năm Đời Sống Thánh Hiến này, từng gia đình tận hiến và ngay cả từng người chúng ta có thể nghe được điều Chúa đã tỏ bày với ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Chúng ta hãy lấy tất cả lòng nhiệt thành của vị ngôn sứ mà đáp lại: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” (Is 6,8).
Mỗi sáng đọc kinh Chúc Tụng, đến câu “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76), chúng ta hãy tâm niệm Chúa đang nói với chính mỗi người tận hiến chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, các thánh từng sống đời thánh hiến và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin Chúa cho chúng ta luôn được hưởng niềm vui của những người tận hiến cho Chúa, và chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.
Bắc Ninh Tết Ất Mùi 2015
+Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Giám mục Bắc Ninh
Anh chị em sống đời tận hiến quý mến
Cùng với Hội Thánh toàn cầu, giáo phận chúng ta vừa qua đã khai mạc năm Đời Sống Thánh Hiến và cử hành ngày Đời Sống Thánh Hiến. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Mùi đồng thời bước vào Mùa Chay, tôi xin ngỏ lời với anh chị em, không chỉ với tư cách giám mục giáo phận mà cả với tư cách một người sống đời thánh hiến như anh chị em, để nhờ ơn Chúa chúng ta cùng nhau vững bước và tiến bước trong tình hình cụ thể với ước nguyện ‘Đất chúng ta trổ sinh hoa trái’ (Tv 84/85,11).
1. Chúng ta cảm tạ Chúa cho giáo phận được sinh ra và lớn lên với hai gia đình tận hiến là Dòng Tên như người trồng và Dòng Đaminh như người tưới. Đó là những vị thừa sai đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, rời bỏ quê hương yên vui, xông pha giữa bao khó khăn và nguy hiểm, chỉ vì muốn Tin Mừng cứu độ đến được với mọi người. Dấu ấn của những người tận hiến rất đậm nét trong lich sử giáo phận. Hiện nay, số người tận hiến trong giáo phận đông nhất trong suốt gần 400 năm qua và gồm đủ thành phần: nam và nữ, giáo sĩ và những người không chức thánh, chiêm niệm và tông đồ, dòng và tu hội đời, trực thuộc Tòa Thánh và thuộc quyền giáo phận. Những người tận hiến là quà tặng quý báu của Thiên Chúa cho Hội Thánh nói chung và giáo phận nói riêng. Đời sống và hoạt động của những người tận hiến đang góp phần đáng trân trọng vào chương trình mục vụ và truyền giáo của giáo phận. Với lòng biết ơn chân thành và sâu xa, mỗi người chúng ta đừng bao giờ quên Thiên Chúa ‘đã làm cho tôi những điều cao cả’ (Lc 1,49), như mẫu mực của mọi người tận hiến là Mẹ Maria hân hoan diễn tả trong kinh Ngợi Khen mà Hội Thánh không ngừng nhắc lại suốt 20 thế kỷ. Trong tinh thần ấy, chúng ta hãy hăng say tiếp bước những bậc tiền nhân trở nên thực sự là ‘hương thơm của Đức Kitô’ như thánh Phaolô nói (2 Cr 2,15), giữa Hội Thánh cũng như trong xã hội.
2. Để cử hành Năm Đời Sống Thánh Hiến theo đúng ý của Hội Thánh, chúng ta có thể dựa vào 3 tài liệu: (1) Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21.11.2014 công bố Năm Đời Sống Thánh Hiến, (2) Bài tường thuật dưới tựa đề “Hãy đánh thức thế giới”của Antonio Spadaro về buổi gặp gỡ thân mật giữa Đức Thánh Cha và bề trên Tổng Quyền các dòng nam vào tháng 11 năm 2013, (3) Thư luân lưu “Hãy vui lên” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ ngày 2.2.2014. Chúng ta cũng nên học hỏi lại những giáo huấn của Công Đồng Vaticano II trong hiến chế Ánh sáng muôn dân và sắc lệnh Đức ái trọn hảo, tông huấn Đời sống thánh hiến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và tông huấn Niềm vui của Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Những cử hành bên ngoài dù tổ chức chu đáo và long trọng đến đâu cũng chỉ có ý nghĩa và hoa trái khi chúng ta thực sự đào sâu và đổi mới bản thân cũng như các cộng đoàn theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Ngoài ra, mỗi gia đình thánh hiến cũng nên ôn lại lịch sử của mình, từ giai đoạn sáng lập đến những thăng trầm, nhất là gương mẫu các vị thánh, để nhận ra Chúa đã dẫn dắt các thế hệ trước thế nào và vào thời điểm này phải tiếp bước các bậc tiền nhân thế nào.
3. Khởi từ những gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể đặc biệt nhấn mạnh đến 3 điểm: niềm vui của Tin Mừng, ơn gọi ngôn sứ và đánh thức thế giới. Nhân loại mọi thời mọi nơi nói chung và những người trong xã hội chúng ta nói riêng luôn luôn khao khát niềm vui. Trong thế giới hiện nay, niềm vui đôi khi rất mong manh vì nhiều người chỉ dựa trên hưởng thụ vật chất hay những tương quan nhân văn, trong khi bầu khí hận thù, bạo động, chiến tranh, khủng bố thường xuyên đe dọa. Hội Thánh được hưởng niềm vui của Đức Kitô: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20); “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22); “Niềm vui của anh em sẽ trọn vẹn” (Ga 16,24). Trong niềm tin ấy, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4). Đó là niềm vui của những người biết mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Niềm vui của Chúa chính là điều thế gian cần đến và những người tận hiến được mời gọi cách đặc biệt để bày tỏ và chuyển đến cho xã hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ở đâu có người tận hiến, ở đấy có niềm vui.”
4. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tính cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành cho tu sĩ, nhưng chung cho mọi người. Riêng tu sĩ theo Chúa Giêsu bằng một cách thức đặc biệt, cách thức ngôn sứ.” Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9). Các tín hữu không theo một học thuyết, một lý tưởng, một đảng phái, hay theo một ai khác, nhưng theo Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa nhưng sống như con người, đồng thời là con người nhưng sống như Con Thiên Chúa. Đó là điều mới không chỉ cách đây 20 thế kỷ nhưng là mới đối với mọi nơi mọi thời. Người thiết lập một thực tại mới được gọi là Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Bài giảng trên núi (Mt 5-7) được coi như bản hiến chương của Nước Trời. Trong Cựu Ước, giữa dân Do Thái xuất hiện những khuôn mặt đặc biệt được gọi là ngôn sứ. Đó là những người không thuộc về cơ cấu pháp lý hay hành chính của dân, nhưng nhận sứ mệnh trực tiếp từ Thiên Chúa. Qua đời sống và lời nói, họ mời gọi hàng lãnh đạo cũng như dân chúng trung thành với Giao Ước. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các tu sĩ đóng vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh xã hội và thế giới hiện nay. Với đời sống cầu nguyện, chúng ta là người của Thiên Chúa, được sai đến giúp con người sống như con cái Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu. Với đời sống huynh đệ, đặc biệt trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em của nhau và của mọi người. Với đời sống phục vụ, chúng ta làm mọi việc vì yêu mến, khiêm tốn như một người tôi tớ. Với đời sống theo ba lời khuyên Phúc Âm, chúng ta mời gọi mọi người thay đổi lối sống theo Hiến chương Nước Trời, để hướng đến một Trời Mới Đất Mới. Chúng ta sống khác người đời không phải vì lập dị, nhưng vì là người của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu mà phần nào các ngôn sứ đã phác họa trong Cựu Ước.
5. “Hãy đánh thức thế giới”: đó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đặc biệt những người tận hiến. Thánh Phaolô đã ghi lại bài hát trong nghi thức Thánh Tẩy thời các thánh tông đồ: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14). Sau khi nguyên tổ phạm tội, cả loài người đã chìm vào giấc ngủ kiêu căng và ích kỷ, vô cảm và gian ác, từ đó phát sinh mọi tội lỗi và đau khổ. Các bậc hiền nhân và thánh nhân đã cố gắng thắp lên những ngọn nến để nhân loại khỏi chìm trong bóng tối. “Hãy nâng tâm hồn lên” (Tv 24/25,1; 65/86,4): đó là lời mời gọi từ trời cao, vì trên mặt đất chỉ con người mới có khả năng nâng tâm hồn lên. Phải làm gì để đánh thức thế giới? Trước hết chính chúng ta phải để cho Lời Chúa đánh thức hằng ngày, để cho Mình Máu Đức Kitô biến đổi liên tục, nhờ đó được Đấng là ánh sáng dùng làm những tia sáng soi chiếu thế gian. Được sống trong Nước Thiên Chúa là ‘công chính, bình an và hoan lạc của Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), chúng ta được trao sứ mệnh giới thiệu và dẫn đưa từng người và mọi người đến với Chúa Giêsu, lấy tám mối phúc thật của Chúa thay thế cho bảy mối tội đầu của thế gian. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta vững tin Chúa Giêsu phục sinh đang hướng dẫn lịch sử nhân loại và Trời Mới Đất Mới không chỉ là ảo tưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu một thí dụ trong ngôn sứ Dacaria: “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dc 8,23). Ngôn sứ Isaia cũng tiên báo: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3).
6. Ngoài đời sống, các ngôn sứ cũng loan báo sứ điệp của Chúa bằng việc làm. Hiện nay, đa số công việc của chúng ta là giáo dục, y tế, mục vụ, chăm sóc những người kém may mắn… Tinh thần phục vụ và hi sinh của những người tận hiến thường là âm thầm nhưng đã nên gương sáng cho các thành phần Dân Chúa cũng như những người chưa biết Chúa. Các linh mục dòng phục vụ ở những nơi nhỏ bé và khó khăn đã mở ra những chiều kích mới cho sứ vụ của giáo phận. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhở về vùng ngoại vi, về một Hội Thánh chân tay lấm láp, mình mẩy bầm dập, về những người bé nhỏ chung quanh chúng ta… Đó là lời mời gọi Thiên Chúa gửi đến cho toàn thể Hội Thánh qua vị mục tử Chúa đã chọn. Là những người tận hiến, ước gì chúng ta cũng là những chiến sĩ tiên phong. Khởi hứng từ năm Đời Sống Thánh Hiến này, từng gia đình tận hiến và ngay cả từng người chúng ta có thể nghe được điều Chúa đã tỏ bày với ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Chúng ta hãy lấy tất cả lòng nhiệt thành của vị ngôn sứ mà đáp lại: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” (Is 6,8).
Mỗi sáng đọc kinh Chúc Tụng, đến câu “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76), chúng ta hãy tâm niệm Chúa đang nói với chính mỗi người tận hiến chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, các thánh từng sống đời thánh hiến và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin Chúa cho chúng ta luôn được hưởng niềm vui của những người tận hiến cho Chúa, và chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.
Bắc Ninh Tết Ất Mùi 2015
+Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Giám mục Bắc Ninh