Trên đây, chúng tôi đã đề cập tới việc Thánh Luca lồng các dữ kiện trong tin mừng của ngài vào một cái khung lịch sử. Điều ấy có đủ để biến ngài thành một sử gia hay không? Đây là một vấn đề đã được đem ra tranh luận từ lâu. Và cuộc tranh luận này đưa lại khá nhiều giải đáp không có tính cách quyết đáp, tuy đại đa số nghiêng về quan điểm coi Thánh Luca sử dụng sử học như chiếc áo để trình bày nền thần học của mình: một thần học gia lấy sử học làm phương tiện.

I. Sử gia

Cho tới thế kỷ 19, ít có người thắc mắc về tính lịch sử của những điều Thánh Luca ghi lại trong tin mừng của ngài. Nhưng đến thế kỷ 19, các nhà duy lý của Đức bắt đầu chỉ trích các sai lầm về sử học trong Tin Mừng Luca. Về khía cạnh này, thiết nghĩ ta nên xét qua một số điểm sau đây liên quan đến Tiểu Vương Lyxania của Abilên (Lc 3:1), liên quan đến biên giới giữa Galilêa và Giuđêa nói chung, và liên quan đến cuộc kiểm tra dân số và Tổng Trấn Quiriniô của Syria (2:2).

1. Lyxania

Trước nhất, vấn đề là: Lyxania, con trai Pơtôlêmi, đã bị Mark Anthony giết 30 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra, nên không thể là tiểu vương Abilên, khi Gioan Tẩy Giả bắt đầu thừa hành sứ vụ, nghĩa là sau đó 60 năm, như Thánh Luca ghi lại. Điều này đúng, vì quả tình, Lyxania, con trai Pơtôlêmi, bị Mark Anthony giết chết theo lời xúi giục của Cleopatra (Josephus, “Ant.” XV,iv,1). Nhưng Josephus gọi ông này là “vua”, nên đồng tiền mang hàng chữ “Lyxania tiểu vương và thượng tế” không biết có ám chỉ về ông hay không. Sau khi ông chết, vương quốc của ông dần dần bị phân chia thành ít nhất 4 vùng. Một người có tên là Zenodorus đã chiếm lãnh các đất đai của Lyxania vào năm 23 trước CN, nhưng sau đó, Trachonitis được tách ra để ban cho Hêrốt. Lúc Zenodorus chết vào năm 20 trước CN, Ulatha và Panias của ông được Augustô lấy ban cho Hêrốt. Vùng đó được Dion Cassius gọi là tiểu quốc của Zenodorus. Có điều, trên một đền đài ở Heliopolis, người ta thấy có hàng chữ “Zenodorus, con trai tiểu vương Lyxania”. Đa số các nhà nghiên cứu đoan chắc đấy chính là Zenodorus ta đang bàn. Nhưng ta nên nhớ: Lyxania đệ nhất, tức Lyxania bị Mark Anthony giết, vốn không có tước hiệu “tiểu vương” như trên đã nói. Và hàng chữ kia cho thấy có sự liên kết về gia phả giữa hai dòng họ Lyxania và Zenodorus, và do đó rất có thể hai tên này được sử dụng lẫn cho nhau.

Vả lại, một tiểu quốc khác được cắt ra từ lãnh thổ của Zenodorus nằm về phía đông giữa Chalcis và Đamát, mang tên là Abila hay Abilên. Abila thường được Josephus nhắc đến như là một tiểu quốc và trong “Ant.” XVIII, vi,10, ông gọi nó là “tiểu quốc của Lyxania”. Năm 41 CN, Claudius ban “Abila của Lyxania” cho Agrippa I (“Ant.” XIX, v, 1). Năm 41 CN, Agrippa II tiếp nhận Abila “trước đây vốn là tiểu quốc của Lyxania” (Ant. XX, vii,1).

Từ các trích dẫn trên, ta thấy trước năm 37 CN, có một tiểu quốc tên Abila thuộc một người của dòng Lyxania. Lyxania này không thể là Lyxania bị Mark Anthony giết chết. Vì lúc ông này cai trị, Abilên chỉ là một khu rất nhỏ, hầu như vô danh. Ông cai trị một vùng lớn hơn nhiều, nên không ai lại đi gọi ông là tiểu vương Abilên cả. Kết luận hợp lý duy nhất, theo Emil Schurer (1844-1910) (1), là phải giả thiết rằng sau này, khu vực Abilên đã được tách ra khỏi vương quốc Chalcis, và được cai trị bởi một Lyxania trẻ trong tư cách tiểu vương”. Sự hiện hữu của một Lyxania trẻ đã được chứng minh bằng một bản khắc với nội dung như sau: một người có tên Nymphaios, được Lyxania phóng thích, đã xây một con phố và dựng một đền thờ vào thời “các Hoàng Đế Augustô”. Lối nói Augusti Sebastoi (các hoàng đế Augustô) ở số nhiều chưa bao giờ được dùng trước thời Augustô qua đời vào năm 14 CN. Vị sebastoi đầu tiên chính là Tibêriô, sống vào khoảng 50 năm sau Lyxania đệ nhất. Nên Thánh Luca hoàn toàn chính xác khi cho rằng vào năm thứ 15 triều Tibêriô, có người mang tên Lyxania làm tiểu vương Abilên.

2. Biên giới giữa Giuđêa và Galilêa

Theo tác giả I. Howard Marshall (2), Thánh Luca được coi như một sử gia thế kỷ thứ nhất với những hiểu biết chính xác về vùng Tiểu Á và khu vực Biển Aegean. Thực vậy, trong lãnh vực địa dư và chính trị của thế giới Hy Lạp cũng như lãnh vực luật pháp Rôma và nền hành chánh tại các tỉnh của Đế Quốc, Thánh Luca là một hướng dẫn viên đáng tin cậy, dù có người như H. Conzelmann (3) cho rằng Thánh Luca không chính xác về địa dư của Palestine. Cứ chiếu theo trình thuật của ngài, Galilêa và Giuđêa là hai vùng tiếp giáp nhau. Vì ngài cho thấy Chúa Giêsu làm việc cùng một thời điểm ở cả Giuđêa lẫn Galilêa như thể hai vùng kế cận nhau, thậm chí Galilêa còn là một phần của Giuđêa. Nhưng, theo Conzelmann, không đúng như thế, vì hai vùng này không có chung một biên giới mà nằm hai bên Samaria. Muốn đi từ vùng này qua vùng kia, người ta phải một là băng qua Samaria (Ga 4:3tt) hai là theo Decapolis (Thập Tỉnh) đi xuống phía đông sông Giođan, băng qua Perêa trước khi vượt sông Giođan một lần nữa theo hướng tây gần Giêricô (xem Mc 10:1,46).

Về phản biện này, trước nhất, cần lưu ý: nếu Thánh Luca sai, thì những người như Pliny (4) cũng đều sai cả. Vì theo Pliny, Giuđêa trải dài và rộng quá cả Iđumêa và Samaria. Phần gần Syria của nó được gọi là Galilêa, phần gần Arabia và Ai Cập của nó được gọi là Perêa. Điều này chính xác vì Giuđêa là tên của một vùng bao gồm Perêa và Galilêa. Vả lại, bao lâu Galilêa và Giuđêa (theo nghĩa hẹp) đặt dưới sự cai trị của cùng một người thì vẫn có thể được coi là thuộc cùng một lãnh thổ. Đây là trường hợp xẩy ra năm 41 CN trở đi khi cả Galilêa lẫn Giuđêa được đặt dưới quyền kiểm soát của Hêrốt Agrippa I, rồi từ năm 44 CN được đặt dưới quyền cai trị của một tổng trấn Rôma duy nhất đặt thủ phủ tại Xêdarêa thuộc Samaria. Việc ấy cũng diễn ra thời Hêrốt Đại Vương. Chỉ sau cái chết của ông này, Galilêa mới bị tách ra khỏi Giuđêa để đặt dưới sự kiểm soát của Hêrốt Antipa (tới năm 39 CN) và Hêrốt Agrippa I (39-41 CN)… Điều này cho thấy nhiều phần trong vương quốc của Hêrốt Đại Vương tiếp tục được coi thuộc cùng một lãnh thổ. Tên Giuđêa vì thế được dùng chỉ toàn vùng. Chính Tacitus (Annales, XII, 54) cũng nói tới việc Giuđêa được chia thành Galilêa và Samaria; nói cách khác, Giuđêa là khu vực chung gồm cả Galilêa.

3. Cuộc kiểm tra dân số của Quiriniô

Chi tiết về cuộc kiểm tra này gây nhiều tranh cãi gắt gao hơn. Đại cương, phe chỉ trích tính chính xác lịch sử của chúng nêu ra hai điểm quan trọng sau đây: không có ghi chép nào về cuộc kiểm tra như Thánh Luca đề cập; cũng không có ghi chép nào về việc Quiriniô làm tổng trấn Syria vào thời điểm đó. Về điểm thứ nhất, phe này nhấn mạnh thêm rằng dù có cuộc kiểm tra dân số đi chăng nữa, thì Thánh Giuse cũng không cần phải lặn lội về Bêlem để đăng ký vì theo thể thức Rôma, ngài có thể đăng ký tại thủ phủ nơi sinh sống, tức đâu đó, tại Galilêa. Về điểm thứ hai, họ nhấn mạnh rằng sử sách của Syria không cho thấy Quiriniô làm tổng trấn lúc ấy.

Nhưng thực ra, theo Paul Maier (5), Hoàng Đế Augustô có ra lệnh làm 3 cuộc kiểm tra dân số tại các tỉnh Rôma, được ghi lại trong Res Gestae (mộ chí) của ông. Những cuộc kiểm tra này diễn ra thường xuyên và nhằm cả đối tượng công dân lẫn không công dân Rôma, như các cuộc kiểm tra dân số tại Gaul (năm 27 trước CN và năm 12 trước CN), tại Kyrênê (năm 7 trước CN) và tại Ai Cập (năm 9 trước CN) (6). Cũng có những ghi chép cho thấy thỉnh thoảng những cuộc kiểm tra dân số này cũng diễn ra tại các vương quốc chư hầu như Apamea (7).

Ngoài ra, các ghi chép còn tới ngày nay cho thấy: thỉnh thoảng Rôma vẫn thích ứng phong tục địa phương vào các cuộc kiểm tra dân số này (8), như họ vốn làm trong các lãnh vực khác như miễn thuế vào mỗi năm sabát (Josephus, Antiquities XIV, 201-10) và được tự do giữ một số thực hành tôn giáo như ngày sabát và nhiều nghi thức khác (Josephus, Antiquities, XIV, 241-43). Nên không lạ gì Thánh Giuse, theo phong tục Do Thái, đã lặn lội về quê cha đất tổ để đăng ký. Vả lại, người ta đã khám phá ra sự kiện này: vào năm 104 CN, Vivius Maximus từng ra sắc chỉ buộc rằng "Điều chủ yếu là mọi người phải trở về quê quán để kiểm tra dân số”. Điều này trùng hợp với các bản giấy sậy của Ai Cập, có cùng niên hiệu 104 CN, với cùng nội dung: các công dân phải trở về quê cha đất tổ để đăng ký kiểm tra dân số (9).

Điểm thứ hai tức phản biện chống việc Quiriniô làm tổng trấn Syria và thực hiện cuộc kiểm tra dân số lúc Chúa Giêsu sinh ra là điều khó khăn hơn để nói khác đi. Nhưng ta có thể lưu ý hai điều sau đây: thứ nhất, hiện có những bút tích cho thấy Quiriniô đảm nhiệm nhiều chức vụ, ngay tại Syria, trước khi làm tổng trấn ở đó vào năm 6 CN. Thứ hai, chứng cớ bản văn và văn phạm giúp người ta có thể đọc bản văn của Thánh Luca theo cách khác, một cách không đòi Quiriniô làm tổng trấn Syria vào lúc Chúa Giêsu sinh ra.

Trước nhất, đa số học giả cho rằng nếu trước đây, Quiriniô có lần đã làm tổng trấn Syria, thì lúc đó không phải là thời điểm được Thánh Luca nói tới. Điều ấy rõ ràng đã được Josephus xác nhận khi quả quyết rằng P. Quinctilius Varus làm tổng trấn Syria cho tới sau ngày Hêrốt qua đời (10), tức vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 4 trước C.N. Bởi thế, một số học giả cho rằng cuộc kiểm tra dân số do Varus khởi đầu đã được người kế vị ông ta hoàn tất, và người ấy được đoán là Quiriniô. Về phương diện này, Darrell L. Bock và Paul L. Maier (11) cho hay: kiểm tra dân số là một công việc vĩ đại, cần nhiều năm mới hoàn tất, như cuộc kiểm tra dân số tại Gaul kéo dài tới 40 năm. Cũng có người cho rằng Quiriniô giữ một chức vụ nào đó lúc Chúa Giêsu sinh ra như Ủy Viên đặc nhiệm lo việc kiểm tra dân số (a legatus ad census accipiendos) (12), một giả thuyết có thể đúng vì không ai biết đích xác chức vụ của Quiriniô vào thời điểm này, chỉ biết ông ta được Rôma chỉ định phải làm sao giảm thiểu nguy cơ nổi loạn của người miền Pisidia vào giữa các năm 12 và 2 trước CN. Trong tư cách này, ông là viên chức quân sự cao nhất tại Cận Đông và được Hoàng Đế Augustô tín nhiệm. Vị hoàng đế này biết rõ các xáo trộn trong lãnh thổ của Hêrốt Đại Vương, nên rất có thể đã nhờ người bạn thân tín Quiriniô của mình tiến hành một cuộc kiểm tra dân số tại Syria trước khi Hêrốt qua đời.

Một điều nữa cũng được Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản năm 1914, nêu ra là: ở những tỉnh có nhiều xáo trộn trong Đế Quốc Rôma, đôi khi có đến hai viên chức cai trị cùng một cấp bậc. Như vào thời Caligula, việc cai trị Châu Phi đã được phân chia như sau: quân vụ và ngoại vụ được đặt dưới quyền kiểm soát của vị đại diện hoàng đế gọi là hegemon (tổng trấn, như trong Tin Mừng Luca) trong khi nội vụ được đặt dưới quyền kiểm soát của một tổng đốc (proconsul) thông thường.

Dù sao, cũng cần nhấn mạnh rằng để bất cứ những gì nói trên có nghĩa, ta cũng không được đọc Tin Mừng Luca theo lối hiện nay. Nghĩa là, về phương diện kỹ thuật, việc đăng ký của Thánh Giuse và Đức Mẹ không xẩy ra dưới thời cai trị của Quiriniô và Quiriniô không là tổng đốc Syria vào lúc ấy. Về phương diện này, có học giả đề nghị hai cách hiểu hạn từ protē (đầu tiên) trong Lc 2:2 (13): một là hiểu prōtē, vốn chỉ tối thượng cấp (superlative), như một từ chỉ so sánh, và do đó, câu Lc 2:2 được đọc là “cuộc kiểm tra này diễn ra trước [cuộc kiểm tra] mà Quiriniô, tổng đốc Syria, [tiến hành]; hai là hiểu prōtē như một trạng từ và do đó câu Lc 2:2 được đọc là “cuộc kiểm tra này diễn ra trước khi Quiriniô làm tổng đốc Syria” (14).

II. Thần học gia

Vì những khó khăn trên, đa số các học giả ngày nay có khuynh hướng không muốn nhấn mạnh tới khía cạnh lịch sử của Tin Mừng Luca, mà nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh thần học. Nhà thần học Anh Giáo I. Howard Marshall, trong cuốn “Luke, Historian & Theologian” (15), đã cố gắng rất nhiều trong ý muốn chứng minh Thánh Luca là một sử gia hàng đầu, theo cả nghĩa cổ điển lẫn tính đáng tin cậy, như trên đã trình bày. Nhưng cuối cùng, học giả này cũng đã nghiêng về phía thần học hơn nơi các trước tác của Thánh Luca.

Marshall cho rằng ta chỉ có thể nói đến tính cách sử học của thánh Luca theo nghĩa cổ sử, một nền sử học chú trọng nhiều đến việc thu thập tài liệu. Các nhà sử học cổ điển cũng nhằm thuật truyện chứ không hẳn chứng cớ, cốt sao tạo được hiệu quả thích thú nơi người đọc; ở khía cạnh này, có người cho họ giống các nhà thực hành tu từ học. Bên cạnh các soạn tác lịch sử, Marshall cho rằng cổ thời còn một hình thức nữa gọi là truyện lịch sử (historical romances). Các tác phẩm của những người như Lucian và Philostratus, chuyên viết về những nhà giảng thuyết tôn giáo cũng như những người làm phép lạ (16), có lẽ đã cung cấp ngữ cảnh văn chương cho Thánh Luca.

Marshall cũng so sánh Thánh Luca với sử gia gần cùng thời với ngài là Josephus (17). Phần lớn trình thuật của Josephus trong Lịch Sử Chiến Tranh Do Thái chịu ảnh hưởng bởi quan điểm muốn vinh danh dân tộc Do Thái của ông, dù ông có được nhiều nguồn sử liệu quí giá, đáng tin cậy. Tuy nhiên, có thể nói Thánh Luca gần gũi hơn với lối viết lịch sử của các tác giả Cựu Ước, là những người luôn lấy hoạt động của Thiên Chúa để giải thích các diễn biến lịch sử, theo nghĩa, chính Thiên Chúa kiểm soát, ra sáng kiến và dùng con người loan báo trước các sự kiện. Thánh Luca cũng thế, ngài luôn luôn nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử. Tác phẩm của ngài được coi như để thuật lại sự tiếp diễn của lịch sử từng đã được ghi lại trong Cựu Ước. Nghĩa là ngài viết lịch sử theo một quan điểm đặc thù, muốn lần rở lại hoạt động của Thiên Chúa trong các diễn biến lịch sử, không những bằng các chuyện kể về phép lạ mà còn coi dòng lịch sử nói chung như là kết quả của hành động Thiên Chúa, khác với các sử gia thế tục.

Nói như thế không có nghĩa lối viết của Thánh Luca có thiên kiến (tendentious) và không chính xác. Theo Marshall, muốn đánh giá tin mừng của ngài, phải dựa vào các nguồn tài liệu được ngài sử dụng và cách ngài sử dụng các tài liệu ấy. Về nguồn tài liệu, như trên ta đã thấy, phần lớn ngài lấy từ hai nguồn “Mc” và “Q”. Các nguồn ấy phát xuất từ các chứng nhân tận mắt hoặc những nhà truyền giảng Lời Chúa ngay từ những ngày đầu tiên. Có nhiều dấu ấn cho thấy các nguồn này nhập thân được nhiều truyền thống có giá trị của Palestine. Thánh Luca đặc biệt giữ nguyên mẫu mực của Thánh Máccô trong trình thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu. Sự đóng góp của ngài phần lớn thuộc phạm vi duyệt lại bút pháp hoặc tái sắp xếp các tài liệu.

Tóm lại, đối với Marshall, Thánh Luca vừa là sử gia vừa là thần học gia. Hay nói theo E. Kasermann, "Ta chỉ có thể hiểu ngài như một sử gia nếu trước nhất hiểu ngài như một thần học gia" (18). Quan tâm hàng đầu của Thánh Luca không hẳn là lịch sử, theo nghĩa, ngài chỉ bằng lòng với việc ghi chép lại các sự kiện lịch sử của quá khứ hay theo nghĩa ngài chỉ ghi lại các sự kiện thần học vốn được giảng dạy trong Giáo Hội sơ khai rồi mặc cho chúng chiếc áo lịch sử. Trái lại, Thánh Luca quan tâm tới việc: sứ điệp về Chúa Giêsu và về Giáo Hội sơ khai phải được đặt căn bản trên lịch sử đáng tin cậy. Ngài sử dụng lịch sử để phục vụ thần học. Chính vì thế, theo Marshall, tước hiệu phúc âm gia hay người truyền giảng tin mừng (evangelist) là thích hợp hơn cả, vì hạn từ này bao hàm cả lịch sử lẫn thần học. Thực vậy, Thánh Luca không viết thần học vì thần học mà là trình bày sứ điệp Kitô Giáo cách nào đó để cổ vũ và củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngài là mục tiêu rao giảng tin mừng.

Đây cũng là quan điểm của phần lớn các học giả Công Giáo như Léon-Dufour và Fitzmyer. Như trên đã nói, đối với Léon-Dufour, Thánh Luca vừa là sử gia vừa là thần học gia, một người loan báo tin mừng, một người sử dụng sử học phục vụ thần học; nơi ngài, các hình thức phát biểu thế tục chỉ là cái áo khoác mặc cho thực tại Kitô Giáo bên trong: các “biến cố” lịch sử là việc công bố Tin Mừng; “truyền thống” lịch sử đồng thời cũng là “truyền thống” tôn giáo, chủ thể mang ơn cứu rỗi Kitô Giáo; các dữ kiện cung cấp cho Thêôphilô trước hết là huấn giáo Kitô Giáo; sự bảo đảm lịch sử có ý dành cho ông có mục tiêu củng cố đức tin Kitô Giáo của ông. Nói như thế không có nghĩa làm giảm giá trị sử học của Tin Mừng Luca. Léon-Dufour (19) quả quyết rằng giống các tin mừng Nhất Lãm khác, Tin Mừng Luca là một trình thuật được lưu truyền trong một điều kiện tối hảo về văn bản. Người ta có thể an tâm qui nó cho một tác giả thế kỷ thứ nhất, nó thuật lại lịch sử một sự kiện vốn không mâu thuẫn với lịch sử phàm tục, nó mô tả một môi trường có niên biểu từ thời kỳ sự kiện kia diễn ra, nó quả là một tài liệu lịch sử, một sách lịch sử. Chỉ có điều, các sự kiện trong lịch sử này, từ trong nội tại, được nối kết với việc giải thích về chúng. Léon-Dufour gọi nó “là sách giáo lý ghi chép lịch sử”. Nên người ta không thể mong đợi ở nó các đặc điểm của những sách lịch sử hiện đại. Ấy thế nhưng nó có mục tiêu “tiểu sử” nằm bên dưới mục tiêu giáo lý. Vì nó là Tin Mừng được lưu truyền về một sự kiện đã xẩy ra trước đó. Nó là một sách lịch sử, dù không phải chỉ là một sách lịch sử.

Léon-Dufour cũng cho rằng khoa phê bình nội bản đã củng cố tính lịch sử của Tin Mừng Luca: đây không phải là một sách biện hộ hay hộ giáo, đầy những lý tưởng hóa, mà chỉ nhằm thuật lại một sự kiện trần truồng, không dấu diếm: tác giả hoàn toàn dấu mặt, các môn đệ được mô tả đầy đủ với những giới hạn nhiều khi đáng buồn cười, các phép lạ được thuật lại bằng những hạn từ và cung cách chừng mực, cả đến chính Đức Kitô cũng có những “yếu điểm” của Người: Người thấp hơn Cha Người, Người không biết cả ngày giờ chung cục thế giới, giáo thuyết của Người bị nhiều người chống đối, nhưng Người không tìm cách làm cho nó đỡ “khó nghe” hơn. Tuy nhiên, theo Léon-Dufour, khi Thánh Luca nhận dạng “các nhân chứng tận mắt” của mình như “những người phục vụ lời” Chúa, thì ngài trở thành khó hiểu đối với một người Hy Lạp ngoại đạo; vì ngài đã trở thành nhà truyền giảng Tin Mừng.

Khía cạnh thần học vì thế được nhấn mạnh nhiều hơn. Sự thay đổi nhấn mạnh nơi các học giả nghiên cứu về Tin Mừng Luca này, theo linh mục Fitzmyer (20), xẩy ra vào khoảng năm 1950. Từ trước đến năm đó, các nghiên cứu về tin mừng này tập chú nhiều vào khía cạnh lịch sử, coi Thánh Luca như một sử gia. Sự tập chú này một phần do điều được linh mục Fitzmyer gọi là viễn ảnh lịch sử (historical perspective) của Thánh Luca, một phần do nhiều chi tiết được lồng vào các trình thuật khiến chúng được sự hỗ trợ bên ngoài Thánh Kinh. Nhưng từ sau năm 1950, các học giả tập chú nhiều hơn vào các khía cạnh văn học và thần học trong các trước tác của Thánh Luca. Khía cạnh sử học bị đặt thành vấn đề.

Theo linh mục Fitzmyer, một phần của vấn đề chính là lời mở đầu của Tin Mừng Luca, trong đó, Thánh Luca rõ ràng phân biệt ngài với các “nhân chứng tận mắt” của các biến cố được tường thuật. Đàng khác, toàn bộ việc sọan tác của ngài cho thấy nó xẩy ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất. Thành thử, trình thuật của ngài về Chúa Giêsu khó có thể được coi là việc phúc trình tại chỗ. Lời mở đầu trang trọng này cũng cho thấy trình thuật của Thánh Luca sẽ thấu đáo (pasin), lần rở lại nguyên khởi (anothen), có thứ tự (kathexes) và chính xác (akribos). Bốn đặc điểm đó sử gia nào cũng mơ ước. Nhưng người ta sợ chúng chỉ là một mục tiêu, một đoan hứa của Thánh Luca mà thôi, vì theo linh mục Fitzmyer, ngài không đạt được mục tiêu ấy trong trình thuật kiểm tra dân số (Lc 2:1-2), trong thời điểm Anna và Caipha làm thượng tế (Lc 3:2)…

Đã đành, khó có thể phán đoán một sử gia thuộc thế kỷ thứ nhất theo tiêu chuẩn sử gia hiện đại. Nhưng theo linh mục Fitzmyer, ngay từ cổ thời, người ta đã phân biệt sự kiện với hư cấu rồi. Chính Lucian thành Samosata, thuộc thế kỷ thứ hai CN, đã viết cuốn “Làm Thế Nào Để Viết Lịch Sử” trong đó, ông đưa ra nhiều qui luật khiến độc giả hiện đại phải ngạc nhiên: “Trách vụ duy nhất của sử gia là kể lại sự việc như nó đã xẩy ra” (số 39, hos eprachthe eipein); “Đây… là điều đặc thù đối với lịch sử: chỉ hy sinh cho sự thật mà thôi” (số 40, mone thyteon te aletheia). Lucian không sống xa Thánh Luca bao nhiêu. Và dù không sử gia nào tránh khỏi việc giải thích các biến cố và do đó tính khách quan hoàn toàn là điều gần như không thể có, nhưng theo linh mục Fitzmyer, ta phải nhận rằng mục tiêu của Thánh Luca khi thuật lại câu truyện về Chúa Giêsu không đơn thuần, và cả không chủ yếu, là mục tiêu của một sử gia cổ thời trong văn hóa Hy Lạp. Chính đó là điểm dị biệt giữa nhà truyền giảng tin mừng Luca và cả các sử gia cổ cũng như hiện đại. Bởi vì quan tâm sử học của ngài phục vụ mục tiêu thần học; ngài coi các “biến cố” được ngài tường thuật như những ứng nghiệm, nên trọn (Lc 1:1) (21) và điều này cho thấy ngài đặt quan tâm sử học phụ thuộc quan tâm thần học.

Nhận định trên của linh mục Fitzmyer có thể gây ngỡ ngàng cho độc giả Công Giáo. Nhưng theo ngài, không một văn kiện tín lý nào của Giáo Hội từng đề cập đến sự linh hứng của Thánh Kinh hay không một cuộc thảo luận của các thần học gia nào từng tìm cách giải thích giáo huấn này chủ trương rằng hiệu quả chính thức và cần thiết của linh hứng là tính sử học. Linh hứng Thánh Kinh không biến thành lịch sử điều vốn không là lịch sử hay có ý định là lịch sử. Sự bảo đảm hàm chứa trong linh hứng Thánh Kinh liên quan tới sự thật, nhưng sự thật đây thường không có nghĩa đen mà là nghĩa loại suy (analogous), khác với hình thức văn tự được sử dụng, khác với chính sự thật lịch sử. Vả lại, không phải mọi quả quyết ở thì quá khứ, cả trong hình thức kể truyện, nhất thiết đều có nghĩa “sử học” cả. Ta cần phải lượng định xem chúng phúng dụ hay biểu tượng đến mức nào trước khi kết luận sự thật lịch sử của chúng. Nếu chúng có tính lịch sử, ta có cách để lượng định chúng bên ngoài sự linh hứng. Về điểm này, ta nên tham khảo huấn thị năm 1964 của Ủy Ban Thánh Kinh “Về Sự Thật Lịch Sử Của Các Tin Mừng” (22).

III. Viễn ảnh lịch sử

Nhưng nếu tính sử học của Tin Mừng Luca có bị đặt thành vấn đề đi chăng nữa, thì viễn ảnh lịch sử là điều khá hiển nhiên trong tin mừng này. Thực vậy, theo linh mục Fitzmyer (23), quan tâm chính của Thánh Luca là neo chặt câu truyện về Chúa Giêsu cũng như câu truyện tiếp theo về Giáo Hội của Người vào thời gian hay đúng hơn vào lịch sử con người.

A. Định vị biến cố Chúa Kitô trong thời gian

Chỉ có Thánh Luca liên hệ biến cố Chúa Kitô và việc công bố biến cố đó với những con người, những thời điểm, những định chế, và thời kỳ của lịch sử thế giới. Dấu chỉ đầu tiên chứng minh viễn ảnh lịch sử nơi Thánh Luca là việc ngài sử dụng hạn từ diegesis, tường thuật (Lc 1:1) gần như để đặt tên cho soạn phẩm của mình, thay vì hạn từ euangelion, tin mừng của Thánh Máccô (Mc 1:1). Khi dùng như thế, ngài đã bước chân theo các văn sĩ và sử gia Hy Lạp. Nhà tu từ học Hy Lạp thế kỷ thứ hai CN, Theon, định nghĩa hạn từ này như một trình thuật trình bày các sự việc đã xẩy ra hay có thể đã xẩy ra. Định vị thời gian dĩ nhiên hàm chứa trong câu định nghĩa ấy và trong ý hướng của Thánh Luca.

Nhưng thử hỏi: ngài đã định vị thời gian ra sao? Có thể nói, ngài nối kết câu truyện về Chúa Giêsu với lịch sử thế giới bằng ba cách: nối kết nó với lịch sử Rôma, nối kết nó với lịch sử Palestine và nối kết nó với lịch sử Giáo Hội.

a. Nối kết với lịch sử Rôma: Trước hết, ngài liên kết việc sinh hạ Chúa Giêsu với sắc lệnh của Hoàng Đế Augustô về việc kiểm tra dân số toàn đế quốc Rôma (Lc 2:1). Cuộc kiểm tra dân số diễn ra tại Syria đặt dưới sự điều động của Tổng Đốc Quiriniô (2:2). Về điều này, ta đã đề cập tới một vài khó khăn. Ở đây, ta chỉ nhấn mạnh tới ý hướng của Thánh Luca: ngài muốn định vị việc ra đời của Đấng khai sáng ra Kitô Giáo trong thế giới Rôma, có liên hệ với lịch sử Rôma.

Thứ đến, khởi đầu thừa tác vụ của Gioan Tẩy Giả, người rao giảng thống hối, dọn đường cho Đấng Kitô, được Thánh Luca định niên biểu là năm thứ mười lăm triều Hoàng Đế Tibêriô (giữa tháng Tám hay tháng Chín, năm 28 CN) và dưới thời Philatô làm tổng trấn Giuđêa (26-36 CN) (Lc 3:1). Việc định niên biểu này cũng giúp định niên biểu cho ngày khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu vì Người được Gioan làm phép rửa, trước khi ông bị chém đầu.

b. Nối kết với lịch sử Palestine: Trong Tin Mừng Luca, việc ra đời của Gioan Tẩy Giả được loan báo cho cha ông vào “thời Hêrốt làm vua Giuđêa” (Lc 1:5). Niên hiệu này, cùng với việc loan báo sau đó 6 tháng về việc ra đời của Chúa Giêsu (Lc 1:36) và việc Người sinh ra vào thời có cuộc kiểm tra dân số dưới triều Hoàng Đế Augustô (Lc 2:1-6) cho thấy Thánh Luca có ý hướng liên kết hai vĩ nhân này với lịch sử Palestine.

Cũng thế, trong khi các tin mừng gia khác mô tả sự xuất hiện của Chúa Giêsu trước tổng trấn Giuđêa là Phôngxiô Philatô (xem Mt 27:2), thì duy một mình Thánh Luca sử dụng ông này để định một niên biểu khi thuật rằng Gioan được gọi vào sa mạc “khi Phôngxiô Philatô làm tổng trấn Giuđêa” (3:1), tức giữa các năm 26 và 36 CN. Thánh Luca cũng thuật lại việc Chúa Giêsu xuất hiện trước Phôngxiô Philatô trong trình thuật khổ nạn của mình (Lc 23:1-5), nhưng ngoài ra, ngài còn thêm một liên kết khác với lịch sử Palestine mà các tin mừng khác đều bỏ qua đó là việc Philatô cho dẫn Chúa Giêsu tới Hêrốt Antipa, tiểu vương Galilê (4 trước CN – 39 CN).

Ngoài ra, tuy các thượng tế Anna và Caipha đều được mọi tin mừng nhắc tới trong trình thuật khổ nạn (Mt 26:3; Mc 14:53; Lc 22:54; Ga 18:13, 24), nhưng duy Thánh Luca nhắc đến họ để định niên biểu cho việc khởi đầu ơn gọi rao giảng của Gioan Tẩy Giả “thời Anna và Caipha làm thượng tế” (Lc 3:2).

c. Nối kết với lịch sử Giáo Hội: Việc nối kết này được thực hiện với Công Vụ Tông Đồ, vốn được coi là cái hậu của câu truyện về Chúa Giêsu. Nên nhớ, chỉ có Thánh Luca có cái hậu này mà thôi, và việc ngài nối kết câu truyện về Chúa Giêsu với Giáo Hội Kitô có mục tiêu hộ giáo, nhằm chứng minh Kitô Giáo là một tôn giáo hợp pháp trong thế giới Rôma. Như trên đã thấy, trình thuật tuổi thơ trong Tin Mừng Luca muốn lồng Chúa Giêsu vào Do Thái Giáo của Palestine ngay từ lúc mới sinh. Và dù không phải là mục tiêu chính của Công Vụ Tông Đồ, nhưng không ai chối cãi được rằng Thánh Luca lưu tâm tới việc mô tả Kitô Giáo như là một phát khởi hợp lý và là một tiếp tục của Do Thái Giáo. Và nếu Do Thái Giáo có quyền hiện hữu trong thế giới Rôma, thì Kitô Giáo cũng có quyền như thế. Lưu tâm này, thoạt đầu không rõ ràng, nhưng càng về sau, nó càng rõ ràng hơn. Trước nhất là việc ba lần, Philatô tuyên bố Chúa Giêsu vô tội trong trình thuật khổ nạn (Lc 23:4, 14, 22) rồi một cách gián tiếp, trong tuyên bố Thánh Phaolô vô tội về cuối sách Công Vụ (Cv 23:29; 25:25; 26:30-32; 28:21); đây là các tuyên bố của cả người Rôma lẫn người Do Thái.

B. Lịch sử cứu rỗi

Linh mục Fitzmyer cho rằng viễn ảnh lịch sử trên đây là một phần trong quan tâm lịch sử lớn hơn của Thánh Luca, tức quan niệm về lịch sử cứu rỗi (salvation-history). Đây không hẳn là quan niệm riêng của Thánh Luca, vì Thánh Phaolô và cả Thánh Mátthêu cũng quan tâm tới nó. Nhưng nơi Thánh Luca, nó mang ý nghĩa đặc biệt: lịch sử cứu rỗi không hẳn là việc nhận dạng lịch sử như cứu rỗi, mà đúng hơn là việc cứu rỗi bước vào lịch sử. Thánh Luca đặc biệt đề cập tới việc xuất hiện hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử con người qua việc ra đời của Chúa Giêsu thành Nadarét. Người không xuất hiện như tận cùng của lịch sử, hay như tận cùng một phát triển có tính lịch sử. Mà đúng hơn, Người được quan niệm như tận cùng của một thời kỳ lịch sử và như khởi đầu của một thời kỳ lịch sử khác, và tất cả những điều này đều là biểu hiện của một kế hoạch để Thiên Chúa đem cứu rỗi tới cho những ai thừa nhận và chào đón kế hoạch đó.

1. Kế hoạch cứu rỗi

Nhiều yếu tố trong các trước tác của Thánh Luca cho thấy quan niệm của ngài về lịch sử cứu rỗi. Thứ nhất, ngài thỉnh thoảng xa gần nói tới một “kế hoạch” căn bản của Thiên Chúa để cứu rỗi nhân loại, một kế hoạch đang được thể hiện trong hoạt động của Chúa Giêsu. Ngài dùng nhiều hạn từ để chỉ kế hoạch này. Trong Lc 7:30, ngài minh nhiên sử dụng cụm từ “kế sách Thiên Chúa” (he boule tou theou), một kế sách bị biệt phái và kinh sư làm hư khi từ khước phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Chỉ có chỗ này trong Tin Mừng Luca đã sử dụng boule. Nó sẽ xuất hiện trở lại nhiều lần trong Công Vụ, như tại Cv 2:23, lúc Thánh Phêrô đề cập tới kế hoạch dứt khoát của Thiên Chúa và việc biết trước kế hoạch ấy sẽ được thể hiện nơi Chúa Kitô; tại Cv 4:28, khi nói tới kế hoạch và bàn tay Thiên Chúa sắp xếp cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu; tại Cv 13:36 nói tới vai trò của Đavít trong Cựu Ước có liên quan tới kế sách của Thiên Chúa; và tại Cv 20:27, khi Thánh Phaolô nói với các trưởng lão Êphêsô về kế hoạch của Thiên Chúa (24). Ngoài ra, Thánh Luca còn sử dụng hạn từ thelema chỉ ý, hay ý muốn Thiên Chúa, như trong lời cầu nguyện lúc hấp hối của Chúa Giêsu tại Vườn Cây Dầu: “đừng theo ý con, mà là theo ý Cha” (Lc 22:42) hay trong Cv 21:14; 22:14. Trong Cv 1:7, kế hoạch này hàm ẩn trong thẩm quyền Chúa Cha trong việc ấn định thời giờ và kỳ hạn.

Thứ hai, Thánh Luca sử dụng một số thành ngữ đề cập tới việc Thiên Chúa đã định trước những điều vừa xẩy ra: “Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định” (Lc 22:22). Chúa Giêsu được rao giảng như Đấng đã được Thiên Chúa đặt từ trước làm thẩm phán của người sống và người chết (Cv 10:42). Cả cuộc trở lại của Thánh Phaolô nữa cũng được mô tả là được Thiên Chúa xếp đặt trong kế hoạch cứu rỗi của Người (Cv 22:14; 26:16).

Thứ ba, ý niệm kế hoạch cứu rỗi hàm chứa sự tất yếu thường được các trước tác của Thánh Luca liên kết với những điều Chúa Giêsu nói hay làm, với những gì xẩy tới được như nên trọn của Thánh Kinh, và với hoạt động của một số Kitô hữu. Sự tất yếu này thường được phát biểu bằng động từ không ngôi dei, “điều tất yếu là…”. Người ta cũng tìm thấy kiểu nói này trong các tin mừng Máccô (8:31) và Mátthêu (16:21) (25), nhưng trong các trước tác của Thánh Luca, nó được dùng khá thường xuyên: Lc 2:49; 4:43; 9:22; 13:33; 17:25; 19:5; 21:9; 22:37; 24:7,26,44…

Thứ bốn, việc thi hành hay thể hiện kế hoạch này thường được Thánh Luca nói đến như là “nên trọn”. Dĩ nhiên việc nên trọn, nhất là việc nên trọn các lời tiên tri, không phải là độc hữu của Thánh Luca. Các tin mừng Mátthêu và Gioan đều có dùng nó. Nhưng việc Thánh Luca dùng nó được liên kết với ý niệm lịch sử cứu rỗi của ngài vì ngài thấy nhiều biến cố diễn ra chỉ dưới khía cạnh này. Trong 9 chương đầu, ý niệm này chỉ xuất hiện lẻ tẻ nhưng về cuối Tin Mừng và nhất là trong Công Vụ, nó xuất hiện thường xuyên hơn. Cả động từ pleroun (26) (Lc 1:20; 4:21; 9:31; 21:24; 24:44) lẫn động từ sympleroun (27) (9:51) đều được Thánh Luca dùng để diễn tả sự nên trọn hay ứng nghiệm này. Động từ telein (28) cũng được ngài dùng theo nghĩa này: Lc 18:31; 22:37. Đôi khi, ngài cũng giải thích các đoạn văn Cựu ước, dù tự chúng không có tính tiên tri, không những theo nghĩa tiên tri, mà còn theo nghĩa tiên đoán nữa. Xin xem Lc 18:31; 22:37; 24:44; Cv 13:29; 10:43. Nhưng nơi Thánh Luca, sự nên trọn này không chỉ giới hạn trong các lời hứa của Cựu Ước, vì ngài còn thấy nhiều điều khác xẩy ra như những nên trọn của kế hoạch Thiên Chúa nghĩa là được thực hiện hay đạt được. Chúa Giêsu, trong Tin Mừng Luca, nói tới phép rửa Người đang phải đối diện và Người khắc khoải vì nó biết bao cho tới lúc nó hoàn tất (Lc 12:50). Cũng thế, Môsê và Êlia được mô tả khi đang đàm đạo với Chúa Giêsu trong cảnh hiển dung, đã “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9:31). Lc 21:24 cũng theo chiều hướng này.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh tới ý niệm nên trọn, plerophorein, trong Lời Mở Đầu của Tin Mừng Luca. Đây là hình thức văn hoa và chính thức của Hy Lạp, dùng để xác định nghĩa cho các “biến cố” của Sách, “những biến cố đã được nên trọn giữa chúng ta” (1:1). Các biến cố này là các biến cố trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội sơ khai, không những được đặt trong khuôn khổ lịch sử Rôma và lịch sử Palestine đương đại, mà còn được liên hệ với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Thứ năm, kế hoạch Thiên Chúa liên quan tới việc cứu rỗi nhân loại được Thánh Luca nhấn mạnh một cách đặc biệt. Trong các tin mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Luca là tin mừng duy nhất dành cho Chúa Giêsu tước hiệu “Đấng Cứu Rỗi” (Lc 2:11). Với việc xuất hiện của Người, khía cạnh này trong kế hoạch của Chúa Cha đã được thực hiện: “Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến với nhà này” (Lc 19:9). Ơn cứu rỗi được Isaia nhắc đến (Is 25:9; 26:18; 45:17;61:1) đã được Thánh Luca minh nhiên mô tả như đã được thực hiện trong thừa tác vụ và con người của Chúa Giêsu (Lc 4:18-21; 7:22). Vì sự kiện các động từ và danh từ nhắc đến ơn cứu rỗi rất năng được sử dụng trong các trước tác của Thánh Luca, nên có lẽ phải nhấn mạnh tới lịch sử cứu rỗi (salvation), hơn là lịch sử cứu chuộc (redemption). Thánh Luca quả không tránh né ý niệm “cứu chuộc” được thực hiện trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (xem Lc 1:68; 2:38; 21:28), nhưng rõ ràng ý niệm này không được dùng thường xuyên và không quan trọng bằng ý niệm cứu rỗi.

2. Các giai đoạn của lịch sử cứu rỗi

Ta vừa thảo luận qua kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa và nhấn mạnh rằng kế hoạch đó đã được thực hiện trong hoạt động của Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Giờ đây, ta nên xét xem kế hoạch này đã tác động ra sao đối với lịch sử con người.

Theo linh mục Fitzmyer (29), trong những năm gần cuối thế kỷ 20, các học giả tranh luận với nhau về việc có mấy giai đoạn trong lịch sử cứu rỗi của Thánh Luca. Có học giả cho là chỉ có hai, tức giai đoạn hứa hẹn và giai đoạn nên trọn. Chỉ có điều ở giai đoạn nên trọn, người ta thấy có cả thừa tác vụ của Chúa Giêsu lẫn thừa tác vụ của các môn đệ Người hay của Giáo Hội. Nên có học giả cho rằng có đến ba giai đoạn trong lịch sử cứu rỗi trong các trước tác của Thánh Luca. Vì, hứa hẹn và nên trọn không phải là các ý niệm chỉ của riêng Thánh Luca, và chúng không đủ nói lên sự phân biệt mà Thánh Luca muốn nói đến giữa thừa tác vụ của Chúa Giêsu và thừa tác vụ của các môn đệ, dù quan niệm 2 giai đoạn có ưu điểm là nhấn mạnh được liên tục tính giữa hai thừa tác vụ này, một liên tục tính mà Thánh Luca cũng muốn có. Sự phân biệt giữa hai thừa tác vụ này khá rõ trong cung cách Thánh Luca thuật lại biến cố lên trời. Ngài thực hiện việc ấy đến hai lần: một lần vào cuối Tin Mừng và một lần nữa ở đầu Công Vụ. Sự phân biệt này cũng được hàm ý trong câu hỏi của các môn đệ ngỏ với Chúa Phục Sinh, “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc It-ra-en chăng?” (Cv 1:6). Câu hỏi này, trong tâm trí các môn đệ, ngụ ý một thời kỳ khác với thời kỳ thừa tác vụ của Chúa Giêsu, lúc Người chưa khôi phục vương quốc.

Vì Thánh Luca không kết thúc trình thuật của ngài với biến cố lên trời, mà còn thêm một cái hậu và mô tả một sơ truyền (kerygma) không những được Chúa Giêsu công bố mà còn được cả các môn đệ của Người công bố nữa như là phần lịch sử cứu rỗi do Chúa Thánh Thần đóng vai nổi bật, nên chủ trương ba giai đoạn hiện được nhiều học giả ủng hộ. Theo H. Conzelmann (30), ba giai đoạn hay ba thời ký đó là: Thời Kỳ It-ra-en, từ sáng thế cho tới lúc Gioan Tẩy Gỉa bị cầm tù; Thời Kỳ Chúa Giêsu, từ thừa tác vụ công khai của Người tới lúc Người lên trời; Thời Kỳ Giáo Hội Chịu Thử Thách, từ lúc Chúa Giêsu lên trời tới ngày Người Đến Lần Thứ Hai (Parousia).

Việc phân chia trên dựa vào ba đoạn chủ yếu sau đây trong các trước tác của Thánh Luca: (a) Tại Lc 16:16, Chúa Giêsu nói tới hai thời kỳ đầu như sau: “cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các tiên tri; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo”. So sánh với nguồn “Q” trong Tin Mừng Mátthêu 11:12, nơi cụm từ “còn từ thời đó” bị bỏ đi, ta thấy Thánh Luca đã cố tình đưa vào một lằn ranh thời gian. (b) Tại Lc 22:35-37, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: từ nay, phải mang theo túi tiền, bao bị, kể cả gươm nữa, trong khi trước đó, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Người ngăn cấm những món như vậy (Lc 10:4). Nghĩa là Thời Kỳ Chúa Giêsu không cần những thứ ấy, nhưng Thời Kỳ Giáo Hội Chịu Thử Thách thì cần. (c) Lc 4:21 cho thấy Chúa Giêsu tới hội đường Nadarét và giải thích đoạn Isaia 61:1-2: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quí vị vừa nghe”. Chúa công bố sự ứng nghiệm của lời Thiên Chúa hứa trong Thời Kỳ It-ra-en qua miệng tiên tri Isaia và liên hệ sự ứng nghiệm đó với thừa tác vụ vừa được Người khởi đầu. Như thế, “hôm nay” được dùng làm mốc thời gian cho Thời Kỳ Chúa Giêsu, không những tách biệt với Thời Kỳ It-ra-en, mà còn với Thời Kỳ Giáo Hội nữa, vì, theo quan điểm của Thánh Luca, thời kỳ thứ hai là thời kỳ cứu rỗi, thời kỳ mà Giáo Hội luôn coi như một thời kỳ trong đó ơn cứu rỗi đã được thực hiện một lần dứt khoát.

Thời kỳ đầu tiên của lịch sử cứu rỗi là thời kỳ của Luật và các tiên tri, thời kỳ mà cả Gioan Tẩy Giả cũng thuộc về, ngài là tiên tri sau cùng và cao cả nhất (Lc 7:26-28) của thời kỳ ấy. Về phương diện này, Conzelmann cho rằng Thánh Luca cố tình “phân vùng địa dư” để tách biệt hai thừa tác vụ của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu: Gioan chỉ quanh quẩn quanh vùng sông Giođan, chứ không tới các vùng Galilê, Giuđêa và Giêrusalem như Chúa Giêsu. Hơn nữa, theo Thánh Luca, Gioan Tẩy Giả bị cầm tù trước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và ngài không cho biết Chúa Giêsu chịu phép rửa của ai (Lc 3:19-22). Một điểm nữa cũng cần lưu ý là trong truyền thống tiền Luca, Gioan là người đứng ở hừng đông một thời đại mới, là đấng dọn đường cho Chúa Giêsu, là Êlia tái thế, nhưng theo Conzelmann, trong Tin Mừng Luca, ngài không có được bất cứ vai trò nào như vậy cả. Thánh Luca cố tình cho thấy ngài thuộc thời kỳ trước đó, là tiên tri vĩ đại nhất của Thời Kỳ It-ra-en. Trái lại, với Chúa Giêsu xuất hiện tại một nơi khác, một thời kỳ khác đã bắt đầu với lịch sử cứu rỗi.

Thời kỳ thứ hai của lịch sử cứu rỗi là thời kỳ cứu rỗi tuyệt vời, bắt đầu từ thừa tác vụ của Chúa Giêsu, chứ không hẳn bắt đầu từ lúc Người mới sinh, nghĩa là từ lúc nước Thiên Chúa được loan báo và ơn cứu rỗi được hoàn tất, một thời kỳ độc đáo, không thể lặp lại được. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ Giáo Hội chịu thử thách, lúc Chúa Thánh Thần đóng vai trò hướng dẫn cộng đồng Kitô hữu trong sinh hoạt hàng ngày của họ, lúc họ thấy ngày quang lâm của Chúa Giêsu không gần kề như họ nghĩ. Thánh Luca trước tác trong thời kỳ thứ ba này, bằng cách nhìn trở lui thời kỳ thứ hai, coi nó như thời kỳ, trong đó, ơn cứu rỗi đã được hoàn tất và sự “bắt đầu” thực sự đã xẩy ra. Conzelmann còn lưu ý tới việc Thánh Luca sử dụng hạn từ arche (khởi đầu) để không nói tới lúc Chúa Giêsu sinh ra mà tới lúc Người bắt đầu thừa tác vụ (xem Lc 3:23; 23:5; Cv 1:1, 22; 10:37).

Theo linh mục Fitzmyer, cách phân chia của Conzelmann có nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên, nó có điểm yếu lớn là đã cho rằng trình thuật tuổi thơ tại Lc 1-2 không phải của Thánh Luca. Vả lại, cách giải thích câu 16:16 của Conzelmann không hẳn chính xác. Giới từ mechri (cho tới) có thể được hiểu theo hai nghĩa: “cho tới và bao gồm cả Gioan” (có Gioan trong đó), và “cho tới lúc Gioan xuất hiện” (không có Gioan trong đó). Linh mục Fitzmyer cho rằng phải hiểu cụm từ ấy theo nghĩa sau, nghĩa là cho tới lúc Gioan xuất hiện, nói cách khác, giống Chúa Giêsu, Gioan là khuôn mặt của giao thời, đứng cả trong hai thời kỳ của lịch sử cứu rỗi. Sự song hành giữa hai tác nhân của kế hoạch cứu rỗi này là điều Thánh Luca muốn nhấn mạnh. Mặt khác, những câu đầu của chương 3, tức chương liền sau trình thuật tuổi thơ, là để đánh dấu một cách long trọng “khởi đầu” Thời Kỳ Chúa Giêsu. Những câu này mô tả Gioan Tẩy Giả như vị tiền hô của Chúa Giêsu. Ông không phải là Đấng Mêxia, ông là người giới thiệu Đấng ấy; ông phải thi hành sứ mệnh và hoàn tất sứ mệnh ấy (Cv 13:25) trong Thời Kỳ Chúa Giêsu. Cũng cần nên nhớ, một trong các tiêu chuẩn được Thánh Phêrô đưa ra trong việc chọn người thay thế Giuđa Iscariốt, là người này phải đồng hành với các môn đệ lúc Chúa Giêsu còn ở với họ, “kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa” (Cv 1:22). Câu này rõ ràng hỗ trợ cho việc hiểu giới từ mechri theo nghĩa thứ hai trên đây.

Do đó, theo linh mục Fitzmyer, ba giai đoạn trong lịch sử cứu rỗi có thể được phân chia như sau:

a) Thời Kỳ It-ra-en, từ sáng thế tới lúc Gioan Tẩy Giả xuất hiện: đây là thời kỳ của Luật và các tiên tri (Lc 1:5-3:1);

b) Thời Kỳ Chúa Giêsu, từ phép rửa của Gioan Tẩy Giả tới lúc Chúa Giêsu lên trời: đây là thời kỳ Chúa Giêsu thi hành sứ vụ, qua đời và được hiển dương (Lc 3:2-24:51);

c) Thời Kỳ Giáo Hội, từ lúc Chúa Giêsu lên trời tới ngày ngài lại đến: đây là thời kỳ truyền bá lời Chúa (Lc 24:52-Cv 1:3-28:31).

Điều quan trọng nên lưu ý là dù Thánh Luca không nhấn mạnh tới vai trò tiền hô của Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng ngài không loại trừ tước hiệu ấy. Thực vậy, trong Lc 7:26-27, Chúa Giêsu cho cử tọa hay: Gioan Tẩy Giả “hơn cả tiên tri nữa” vì ông là người Thánh Kinh (Malaki 3:1) từng tiên báo: “này Ta sai sứ giả Ta đi trước mặt Con, ngài sẽ dọn đường cho Con đến!”.

Điều cũng nên lưu ý là theo Thánh Luca, Chúa Giêsu cũng là một nhân vật thuộc Thời Kỳ It-ra-en (cho tới khi Người chịu phép rửa của Gioan). Điều này rất quan trọng đối với nền thần học của Thánh Luca và là lý do tại sao ta không thể bỏ qua trình thuật tuổi thơ của ngài. Bởi vì Thánh Luca hết sức quan tâm tới việc trình bày đấng sáng lập ra Kitô Giáo như người được lồng vào chính lịch sử It-ra-en.

Một nhận định nữa là đối với Thánh Luca, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Thời Kỳ Chúa Giêsu là thời điểm trong đó ơn cứu rỗi đã được hoàn tất và ngài, khi viết trong Thời Kỳ Giáo Hội, luôn tìm cách neo chặt giáo huấn của Giáo Hội đương thời vào thời kỳ đó. Không phải vì Thời Đại Giáo Hội không là một thời của cứu rỗi, nhưng vì ngài muốn nhấn mạnh tới liên tục tính của hai thời kỳ này: điều được Chúa Giêsu công bố về chính Người và về Nước Thiên Chúa nay được tiếp tục trong sơ truyền tông đồ; ơn cứu rỗi đã được hoàn tất vào một thời điểm của lịch sử, nhưng hiệu quả của nó tiếp tục được dành sẵn cho con người nhân bản của mọi thế hệ trong Giáo Hội Thử Thách.

__________________________________________________________________________________________________________

Ghi Chú

(1) The History of the Jewish People in the Age of Jesus Christ (1885-1891)

(2) Luke, Historian and Theologian, Paternoster Press, Paperback Edition, 1979

(3) Die Mitte der Zeit (nghĩa đen: The Middle of Time, dịch sang tiếng Anh: The Theology of St Luke), Tubingen 1954

(4) Pliny, (23 CN –79 CN), là một tác giả, một nhà tự nhiên học, một triết gia tự nhiên, một chỉ huy hải quân thời đầu Đế Quốc Rôma, và là bạn thân của HĐ Vespasian. Trong những lúc thư nhàn ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và địa dư.

(5) Xem “The Date of the Nativity and the Chronology of Jesus’ Life,” trong Chronos, Kairos, Christos: Nativity and Chronological Studies Presented to Jack Finegan, Jerry Vardaman và Edwin M. Yamauchi chủ biên [Winona Lake, IN: Eisenbrauns, 1989], tr. 114; xem thêm Res Gestae Divi Augusti: The Achievements of the Divine Augustus, P. A. Brunt và J. M. Moore [in lại, New York: Oxford University Press, 1970], tr. 22–23). Schürer, dù cho rằng không liên lụy tới công dân Rôma, nhưng cũng nhận rằng thời Hoàng Đế Augustô, nhiều cuộc kiểm tra dân số đã diễn ra tại các tỉnh của Đế Quốc (History of the Jewish People, 1:411).

(6) Harold Walter Hoehner, Chronological Aspects, tr. 14–15; Jack Finegan, Handbook of Biblical Chronology: Principles of Time Reckoning in the Ancient World and Problems of Chronology in the Bible[Peabody, MA: Hendrickson, 1998], tr. 305).

(7) Apamea, nằm ở hữu ngạn Sông Orontes, nơi sản xuất ra nhiều vị vua dòng Seleucid và là thủ phủ của Apamene. Xem Finegan, Handbook of Biblical Chronology, tr. 305; Paul L. Maier, “The Date of the Nativity,” tr. 114; Harold Walter Hoehner, Chronological Aspects, tr. 16.

(8) Harold Walter Hoehner, Chronological Aspects, tr. 15; W. M. Ramsay, Was Christ Born at Bethlehem? A Study on the Credibility of St. Luke (London: Hodder and Stoughton, 1898), tr. 186–87; D. J. Hayles, “The Roman Census and Jesus’ Birth: Was Luke Correct? Part 1: The Roman Census System,” Buried History 9 (December 1973).

(9) Harold Walter Hoehner, Chronological Aspects, tr. 15; I. Howard Marshall, Luke, tr. 101.

(10) Josephus nhắc đến cái chết của Hêrốt trong Antiquities XVII, 191 và sau đó mô tả vai trò của Varus trong Antiquities XVII, 221,250, 286, 299.

(11) Darrell L. Bock, Luke 1:1–9:50, Baker Academic, 1994; Paul L. Maier, The Date of the Nativity and the Chronology of Jesus’ Life.

(12) Emil Schürer, History of the Jewish People, 1:424; Darrell L. Bock, Luke 1:1–9:50, tr. 908.

(13) Xem cuộc thảo luận trong Harold W. Hoehner, Chronological Aspects, p. 21; Raymond E. Brown, Birth of the Messiah, Anchor Bible, lần in cập nhật (18 tháng 5, 1999), tr. 39.

(14) Xem Daniel B. Wallace, Greek Grammar Beyond the Basics: An Exegetical Syntax of the New Testament (Grand Rapids: Zondervan, 1996), tr. 304. Trong số người ủng hộ, có F. F. Bruce, New Testament History [Garden City: Doubleday, 1980], tr. 32, số 1. Về câu hai, xem Wallace, Greek Grammar, 305. Trong số người ủng hộ có Hoehner (Chronological Aspects, tr. 21).

(15) Paternoster Press, London, paperback edition, 1979

(16) Lucian thành Samosata (khoảng 125 –180 CN) là một nhà tu từ học Hy Lạp, tác giả cuốn Truyện Thật (nhưng không thật như lời dẫn nhập của ông thú nhận), được coi là tiểu thuyết gia tiên phong của nền văn minh Tây Phương. Trong tác phẩm hư cấu có tính trình thuật bằng văn suôi này, ông thuật lại một cách hài hước các câu truyện thần kỳ của Homer trong Odyssey cũng như nhiều truyện tưởng tượng khác vốn quen thuộc thời ông. Ông cũng là tác giả cuốn truyện hài hước Ký Sự Người Hành Hương trong đó, người hành hương Proteus lợi dụng lòng tốt và cả tin của các Kitô hữu. Đây là một trong những cái nhìn ngoại đạo đầu tiên đối với Kitô Giáo. Còn Philostratus (khoảng 170/172-247/250), là nhà ngụy biện Hy Lạp, tác giả Đời Apollonius Thành Tyana, Đời Các Nhà Ngụy Biện… Tiếng là về đời những nhân vật có thực, nhưng đây không hẳn theo nghĩa tiểu sử mà chỉ là những ấn tượng khác thường về những người đại diện cho một thái độ nào đó trong xã hội.

(17) Titus Flavius Josephus (37 – c. 100) là sử gia Do Thái thế kỷ thứ nhất. Tác giả Lịch Sử Chiến Tranh Do Thái và Thời Cổ Đại Của Người Do Thái. Được hoàng đế Rôma sủng ái, ông trở thành công dân Rôma, lấy tên Rôma và trong cuộc đấu tranh chống Rôma, ông khuyên người Do Thái đầu hàng, khiến họ coi ông là tên phản bội.

(18) Essays on New Testament Themes, 1964

(19) Đã dẫn, tr. 317.

(20) Fitzmyer, đã dẫn, tr. 14

(21) Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “đã được thực hiện”, tuy nhiên, bản Hy Lạp là peplerophoremenon, do động từ plerophorein, nguyên ngữ có nghĩa: đem đến chỗ viên mãn, đã nên trọn. Xem Fitzmyer, đã dẫn, tr.292

(22) AAS 56 [1964] 712-718).

(23) Fitzmyer, đã dẫn tr. 171tt.

(24) Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) dịch chữ này nhiều lối khác nhau: “ý định” tại Lc 7:30, Cv 13:36 và Cv 20:27; “kế hoạch” tại Cv 2:23; “ý muốn… đã định trước” tại Cv 4:28.

(25) Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “phải” (Người phải đi Giêrusalem).

(26) Bản CGKPV, “ứng nghiệm”

(27) Bản CGKPV, “đã tới ngày”

(28) Bản CGKPV, “hoàn tất”

(29) J. A. Fitzmyer, đã dẫn, tr.181tt.

(30) H. Conzelmann, The Theology of St Luke, New York, Harper, 1960.