Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha nói ngày nay Chúa Giêsu vẫn đang khóc

Hôm nay, Chúa Giêsu đang khóc khi cánh cửa trái tim của chúng ta, của các vị mục tử trong Giáo Hội, đóng lại trước mặt Ngài không nhận ra Đấng mang lại hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét như trên trong thánh lễ buổi sáng thứ Năm 20 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Nhận xét về bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Chúa Giêsu khóc vì Giêrusalem, vì dân thành này đã không nhận ra Đấng mang lại hòa bình. Chúa khóc vì dân tộc mà Chúa đã chọn đã "đóng cửa con tim" mình. Họ không có thời gian để mở cửa. Họ đã quá bận rộn, quá tự mãn. Và ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục gõ cửa như đã từng gõ cửa trái tim của Giêrusalem. Ngài gõ cửa tâm hồn anh chị em; tâm hồn chúng ta, tâm hồn của Giáo Hội. Người dân thành Giêrusalem quá hài lòng với lối sống của họ và không cần đến Chúa: họ không nhận ra rằng họ cần sự cứu rỗi. Đây là lý do tại sao họ đã đóng cửa trái tim lòng mình với Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa đã khóc vì thành Giêrusalem, như Ngài đang khóc vì Giáo Hội của Ngài, vì chúng ta ngày nay "

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

"Tại sao thành Giêrusalem không chào đón Chúa. Bởi vì dân thành ấy hài lòng với những gì họ có, và không muốn có bất kỳ rắc rối nào. Nhưng, như Chúa nói trong Phúc Âm – ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm’. Thành này đã lo sợ được Chúa viếng thăm, và sợ cả những ân sủng nhưng không của Ngài. Dân thành này cảm thấy an toàn trong mớ kiến thức mà nó có thể hiểu được, chúng ta cảm thấy an toàn vì những điều chúng ta thủ đắc được ... nhưng cuộc thăm viếng của Chúa, và những ngạc nhiên mà Ngài mang đến là những điều chúng ta không muốn tiếp nhận"

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: "Giêrusalem sợ điều này: đó là sợ được cứu rỗi bởi những bất ngờ của Chúa. Người ta sợ Chúa, là vị hôn phu của mình, là người yêu dấu của mình. Và vì thế Chúa khóc. Khi Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài, Ngài mang lại niềm vui, Ngài dẫn chúng ta đến sự hoán cải. Tất cả chúng ta đều sợ hạnh phúc là niềm vui mà Chúa mang đến, bởi vì chúng ta không thể kiểm soát nó. Chúng ta lo sợ sự hoán cải có nghĩa là để cho Chúa dẫn dắt chúng ta theo thánh ý Ngài chứ không phải theo ý muốn của chúng ta.

"Giêrusalem, hài lòng, hạnh phúc vì đền thờ hoạt động mạnh. Các tư tế thực hiện những lễ toàn thiêu, người hành hương tấp nập, các thầy thông luật đã sắp xếp tất cả mọi thứ, đâu vào đó ... Và tất cả những điều răn đã là quá rõ ràng! Tất cả những điều này đã đóng cửa con tim Giêrusalem". Thập tự giá, là "giá của từ chối" - cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa Giêsu và những gì khiến Chúa "thường khóc ngày hôm nay cho Giáo Hội Ngài".

"Tôi tự hỏi: Hôm nay, chúng ta là những người Kitô hữu hiểu biết về đức tin, về Giáo Lý, là những người đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật, phải chăng những Kitô hữu chúng ta, những mục tử của chúng ta đã quá hài lòng với chính mình, với sự sắp xếp tất cả mọi thứ đâu vào đó và chúng ta không cần một chuyến viếng thăm mới của Chúa? Trong khi Chúa tiếp tục gõ cửa mỗi người chúng ta, các mục tử trong Giáo Hội của Ngài. Cánh cửa con tim chúng ta, Giáo Hội chúng ta, các mục tử của chúng ta không chịu mở ra. Và Chúa khóc, thậm chí cả ngày hôm nay ".

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người kiểm điểm lương tâm của mình, "chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân, như thể ngay lúc này đây chúng ta đang đứng trước mặt Thiên Chúa".

2. Hoán cải là một ân sủng

Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta phải suy nghĩ rất nghiêm túc về đời sống Kitô hữu của chúng ta. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về sự băng hoại, về thói giả hình và ngài kêu gọi chúng ta hoán cải. Chúng ta cần nhận thức rằng hoán cải là một ân sủng, "Đó là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong Thánh lễ sáng thứ Ba 18 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài đã trình bày những suy tư của ngài dựa trên các bài đọc trong ngày trích từ Chương 3 sách Khải Huyền và Tin Mừng theo Thánh Luca mô tả lúc Chúa Giêsu gặp gỡ người thu thuế Giakêu.

Trong bài đọc thứ nhất, Chúa đòi hỏi các Kitô hữu ở Laodicea phải hoán cải bởi vì họ đã trở thành "thờ ơ". Họ sống trong một "sự thoải mái về tinh thần". Họ nghĩ:. "Tôi làm những gì có thể, nhưng tôi cảm thấy an bình và không muốn bị quấy rầy với những điều lạ" Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo những người "vui sống, những người nghĩ rằng không có gì đáng chê trách: tôi đi lễ Chúa Nhật, tôi cầu nguyện một vài lần, tôi cảm thấy tốt lắm, tôi sống trong ân sủng của Thiên Chúa, tôi giàu có" và "tôi không cần bất cứ điều gì, tôi ok lắm. "Điều này là trạng thái tâm lý của tình trạng tội lỗi.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cảm thấy thoải mái về tinh thần là một trạng thái của tội lỗi." Chúa đã đưa ra những lời rất nặng nề cho những ai như thế "Ta muốn nhổ ngươi ra khỏi miệng Ta"

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Cũng có một lời gọi thứ hai" cho "những người sống bằng ngoại hình, cho các Kitô hữu chỉ có ngoại hình." Đó là những người tin rằng họ vẫn còn sống nhưng thực ra họ đã chết. Và Chúa đòi hỏi họ phải thận trọng. "Những tín hữu ngoại hình - Đức Thánh Cha nói - là những Kitô hữu khăn liệm: họ đã chết." Và Chúa "kêu gọi họ hoán cải".

"Có phải tôi cũng chỉ là một trong những Kitô hữu ngoại hình? Tôi còn sống bên trong, tôi có còn một đời sống tâm linh nữa không? Tôi còn nghe Chúa Thánh Thần nói không, tôi có tiến về phía trước không? Nếu tất cả mọi thứ có vẻ tốt, không có gì đáng chê trách bản thân, tôi có một gia đình tốt, mọi người không nói xấu tôi, tôi có tất cả mọi thứ cần, thì hãy coi chừng”.

Lời gọi hoán cải thứ ba dành cho Giakêu "lãnh đạo những người thu thuế, và giàu có. Ông ta tham nhũng, làm việc cho người nước ngoài, cho những người La Mã, và đã phản bội quê hương của mình".

"Ông ấy giống như nhiều nhà lãnh đạo chúng ta đã biết:.... Những người tham nhũng, thay vì phục vụ nhân dân, lại coi người dân như đối tượng để phục vụ bản thân. Có một số người như thế và trên thế giới người ta không thích những hạng người như thế. Tuy ông ta tham nhũng nhưng tâm hồn ông đã không chết. Ông cảm thấy một cái gì đó bên trong và Chúa Thánh Thần đã làm việc bên trong con người ấy. Lời của Thiên Chúa đi vào trái tim ông và hoán cải con người tham nhũng này ngay lập tức. Vì vậy, Giakêu hứa hẹn trả lại bốn lần những gì ông đã đánh cắp của người khác”

Đức Thánh Cha kết luận rằng: trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn tất cả chúng ta "suy nghĩ nghiêm túc về sự hoán cải của chúng ta, để chúng ta có thể di chuyển về phía trước trên con đường đời sống Kitô của chúng ta".

3. Hãy chăm sóc các chiên của Thầy

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 10h sáng Chúa Nhật 30 tháng 11, là Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến với Thánh Lễ đại trào tại Đền Thờ Thánh Phêrô. 5 năm trước đây vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, ngày cầu nguyện cho sự thánh hiến hàng giáo sĩ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã khai mạc Năm Linh Mục kéo dài cho đến ngày 11 tháng 6 năm 2010.

Nhận định về biến cố này, Đức Hồng Y Cláudio Hummes nói:

“Thực sự là, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em, những việc mà chúng ta phải lên án và trách cứ cách dứt khoát, không nhân nhượng. Những người này phải trả lẽ về hành động của mình trước mặt Chúa và trước toà án, kể cả toà án dân sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng cầu nguyện cho họ để họ được ơn hoán cải thiêng liêng và đón nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Về phần mình, Giáo Hội quyết tâm không che giấu cũng không giảm thiểu những tội ác như thế. Trên hết mọi sự, chúng ta đứng về phía các nạn nhân và muốn hỗ trợ việc chữa trị cho họ cũng như những quyền lợi họ bị xúc phạm.

Đàng khác, tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng. Trong Năm Linh mục, Giáo Hội tìm cách ngỏ lời với xã hội về vấn đề này. Bất cứ ai có lương tri và thiện ý đều thấy rõ đây là sự thật.”

Năm Đời Sống Thánh Hiến là thời gian thuận tiện để chúng ta quan tâm, nhìn nhận và gắn bó cách đặc biệt với hàng linh mục cao quý cũng như hết thảy những người sống đời thánh hiến đã tận tuỵ thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria.

Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh". Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Ðức Giêsu bảo các ông: "Ðem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Ðức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn".

Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy".

4. Đức Thánh Cha nói: Đừng tạo ra những nhóm đặc quyền trong Giáo Hội

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 17 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã cảnh cáo các tín hữu chống lại việc hình thành một Giáo Hội đóng kín xa cách với dân Chúa.

Đức Thánh Cha nói rằng từng nơi từng lúc xảy ra trường hợp là chúng ta hình thành nên một não trạng ưa chuộng những môi trường đóng kín, trong đó xem ra chỉ có một nhóm người được chọn có thể đến gần Chúa trong khi những người khác thì không thể được. Chúa là để dành riêng cho một ít người ưu tuyển, không phải cho mọi người.

Thái độ này làm con người xa lìa Thiên Chúa, vì họ không biết làm thế nào để nhận ra Chúa nơi những người khác.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

"Con người bị gạt ra ngoài lề này không thể đạt đến Chúa, vì nhóm này - với một ý ngay lành, nhắc nhở anh chị em rằng: cánh cửa đã đóng lại. Điều này xảy ra thường xuyên, giữa các tín hữu chúng ta khi chúng ta tìm thấy Chúa, mà không nhận ra, chúng ta đang tạo ra một loại Giáo Hội đóng kín. Không chỉ có các linh mục, hay các giám mục, nhưng cả các tín hữu cũng thường nói với chính mình 'chúng tôi là những người đang ở với Chúa,' mặc dù trong suốt con đường tìm về với Ngài, chúng ta không nhìn thấy nhu cầu của Ngài, chúng ta không tìm Chúa, là Đấng đang đói khát, đang tù tội, đang phải nằm nhà thương."

Ngài cảnh cáo rằng:

"Khi trong Giáo Hội, các tín hữu, các mục tử, trở thành một nhóm như thế này ...thì đó không phải là Giáo Hội - 'ecclesial', nhưng là một giáo chúng - 'ecclesiastical' gồm những người được hưởng đặc quyền gần gũi với Chúa, những người bị cám dỗ để quên đi tình yêu đầu tiên của họ - một tình yêu thật đẹp mà Chúa dành cho tất cả chúng ta, bất kể chúng ta là ai, khi Chúa kêu gọi chúng ta, và cứu rỗi chúng ta. Đây là một cám dỗ dành cho tất cả các môn đệ: đó là quên đi tình yêu đầu tiên, quên đi xuất xứ của chúng ta, và xấu hổ về nó."

"Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng này là không bao giờ tách ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Xin cho chúng ta đừng bao giờ gia nhập vào giáo chúng các môn đệ đặc quyền, là những người đã ngoảnh mặt lại với Giáo Hội của Thiên Chúa, đang đau khổ, đang cầu xin ơn cứu độ, đang cầu xin cho có được đức tin, đang khao khát lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy xin ân sủng để trung thành với Thiên Chúa, mà không đòi hỏi Chúa phải ban cho chúng ta những đặc quyền, là những thứ tách chúng ta ra khỏi dân Chúa."

5. Ơn gọi nên thánh của tất cả mọi tín hữu.

Tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, hôm thứ Tư 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã nói về ơn gọi nên thánh của tất cả các tín hữu.

Lấy ý từ bài đọc ngắn trích từ thư thứ Nhất của thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ các tín hữu hãy nên thánh trong mọi hành động và cách cư xử, theo lời Chúa dạy “các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng một món quà lớn của Công đồng chung Vatican 2 là đã phục hồi quan niệm về Giáo Hội dựa trên tình hiệp thông và cũng đã đặt lại nguyên tắc quyền bính và phẩm trật trong viễn tượng ấy. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng tất cả mọi Kitô hữu, trong tư cách là những người đã chịu phép rửa, đều có cùng phẩm giá trước mặt Chúa và có chung cùng một ơn gọi đó là ơn gọi nên thánh (Xc LG 39-42). Giờ đây chúng ta tự hỏi: ơn gọi tất cả mọi người nên thánh hệ tại điều gì? và làm sao chúng ta thực hiện ơn gọi ấy?

Trước tiên chúng ta phải ý thức rõ rằng sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta. Sự thánh thiện là một hồng ân, là món quà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi Chúa nhận lấy chúng ta, làm cho chúng ta được mặc lấy Ngừơi, cho chúng ta được trở nên như Người. Trong thư gửi tín hữu Ephêso, thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định rằng ”Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình vì Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh” (Ep 5,25-26). Quả thực sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của Giáo Hội: đó là sự tái khám phá mình trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, trong cuộc sống và tình yêu sung mãn của Chúa. Vì thế, chúng ta hiểu rằng sự thánh thiện không phải chỉ là đặc quyền của vài người: sự thánh hiện là một hồng ân đưcơ trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh như sau:

Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng, để nên thánh, không nhất thiết phải là Giám Mục, linh mục, hay tu sĩ.. Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh! Bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành những người có khả năng xa rời những công việc thường nhật, để hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Nhưng không phải như vậy! Có người nghĩ thánh thiện là nhắm mắt, nét mặt như trên tấm ảnh các thánh. Nhưng không phải như thế, thánh thiện là điều cao cả, sâu xa hơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta! Đúng hơn, chính nhờ sống chứng tá Kitô của mình, trong những công việc bận bịu hằng ngày với tình yêu thương và chứng tá Kitô mà chúng ta được mời gọi nên thánh. Và mỗi người, trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Nếu là người thánh hiến, thì hãy nên thánh bằng cách vui sống sự tận hiến và sứ vụ của mình. Nếu bạn là người kết hôn, thì hãy nên thánh trong sự yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ mình, như Chúa Kitô đã làm với Giáo Hội. Nếu bạn là tín hữu không kết hôn, thì hãy nên thánh bằng cách chu toàn công việc của mình trong sự lương thiện và khả năng chuyên môn và dành thời gian để phục vụ anh chị em mình.

Có người vặn lại: “Nhưng thưa cha, con làm việc trong một hãng xưởng.. con làm kế toán viên, với toàn những con số, ở đó con không thể nên thánh được...”. Có chứ, bạn có thể nên thánh tại nơi bạn đang làm việc. Thiên Chúa ban cho bạn ơn nên thánh. Thiên Chúa hiệp thông với bạn”. Mỗi ngày ta có thể nên thánh, nghĩa là cởi mở đón nhận ơn thánh, biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện.

Nếu bạn là người cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại, thì hãy nên thánh bằng cách hăng say dạy cho các con các cháu biết và theo Chúa Giêsu. Và điều này đòi nhiều kiên nhẫn, để trở thành cha mẹ tốt, ông bà tốt, và việc nên thánh đến trong sự kiên nhẫn ấy, thực thi đức kiên nhẫn. Bạn là giáo lý viên, là nhà giáo dục hay người thiện nguyện ư? Hãy nên thánh bằng cách trở thành dấu chỉ hữu hình về tình thương của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài cạnh chúng ta. Vì thế, mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Ở nhà, trên đường, trong công việc, tại nhà thờ. Anh chị em đừng nản chí trên con đường nên thánh. Chính Thiên Chúa ban ơn thánh cho bạn. Điều duy nhất mà Chúa yêu cầu, đó là chúng ta ở trong tình hiệp thông với Chúa và phục vụ anh chị em mình.

Về điểm này, mỗi người chúng ta có thể xét mình một chút, để xem cho đến nay ta đã đáp lại lời mọi gọi nên thánh của Chúa như thế nào? Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài không gọi chúng ta thi hành cái gì nặng nề, buồn thảm.. Thực tế hoàn toàn khác hẳn! Đó là lời mời gọi chia sẻ niềm vui của Chúa, sống và vui mừng dâng hiến mỗi lúc trong cuộc sống chúng ta, đồng thời biến nó thành một món quà yêu thương cho những người ở cạnh chúng ta. Nếu chúng ta hiểu điều đó, thì tất cả đều thay đổi và có một ý nghĩa mới, bắt đầu bằng những điều nhỏ bé mỗi ngày.

Một bà đi chợ để mua đồ ăn và thấy một bà láng giếng và họ bắt đầu nói chuyện, và rồi đến những điều nói hành nói xấu. Bà ấy nói: “Không, không, tôi không thể nói xấu một ai cả”. Đó là một bước tiến về sự thánh thiện, điều ấy giúp bạn nên thánh hơn. Rồi về nhà, đứa con xin bạn nói chuyện một chút về những chuyện tưởng tượng. Bạn nói: ”Ba mệt lắm, hôm nay ba đã làm việc nhiều lắm”. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe con, thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Rồi đến cuối ngày ai cũng mệt, nhưng nếu bạn nói: chúng ta hãy cầu nguyện! thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Chúa Nhật, chúng ta đi lễ và rước lễ, và thỉnh thoảng xưng tội, thanh tẩy chúng ta, đó là một bước tiến đến sự thánh thiện! Rồi lòng kính mến Đức Mẹ, tôi đọc kinh mân côi và cầu nguyện. Đó là một bước tiến đến sự thánh thiện.. Có bao nhiêu bước tiến nho nhỏ để nên thánh.. Mỗi bước tiến về sự thánh thiện, làm cho chúng ta trở thành những người tốt lành hơn, được giải thoát khỏi tính ích kẻ và thái độ khép kín vào mình, cởi mở đối với các anh chị em và những nhu cầu của họ.

Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Các bạn thân mến, trong thư thứ I của Thánh Phêrô, có lời nhắn nhủ này được gửi đến chúng ta: ‘Mỗi người hãy sống theo ơn thánh đã nhận lãnh, dùng ơn ấy để phục vụ tha nhân, như những người quản lý tốt đối với ơn thánh đa dạng của Thiên Chúa. Ai nói thì hãy nói với những lời của Thiên Chúa, ai thi hành một chức vụ, thì hãy chu toàn với nghị lực đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô” (4,10-11).

Đó là lời mời gọi nên thánh! Chúng ta hãy vui mừng đón nhận lời mời ấy và nâng đỡ nhau, vì con đường dẫn đến sự thánh thiện chúng ta không đi một mình, mỗi người lo cho mình, nhưng chúng ta cùng nhau tiến bước, trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội, được Chúa Giêsu yêu thương và làm cho trở nên thánh thiện”.