Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 23 mùa Thường niên năm A 07-9-2014

“Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong,”
“Vô số là Xuân chiếm mọi lòng.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Từ)
Mt 18: 15-20
Xuân trong xuân ngoài, vẫn là Xuân. Thứ Xuân không cần nhắc nhở, mọi người vẫn cứ nhớ. Nhớ và thương, như lời thánh-sử ghi ở trình-thuật để người đọc còn nhớ và thương như Đức Chúa thương nhớ hết mọi nguời, ở chợ đời.
Sống giữa chợ đời, người đi Đạo thường bước những bước chân âm thầm dõi theo gót chân của Đức Chúa, Đấng từng trải với đời.
Ở với đời, người nhà Đạo thường nhận ra các khác biệt không tránh khỏi. Khác về tư tưởng, lập trường. Khác, cả về xử thế, lẫn thương yêu. Nơi nhà Đạo, ý từ thanh thoát ta vẫn có, thường là lời khuyên: “Anh em đừng mắc nợ ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Tương thân tương ái không là ý từ vu vơ. Nhưng, là lời dặn khuyên nên có với ta, trong hành trình yêu thương giữa chợ đời. Chính vì thế, khi các nam thanh nữ tú dắt nhau đến nhà thờ đăng ký thực hiện lời dạy nói trên, vị chủ chăn đề nghị họ trả lời hai câu hỏi rất dễ làm:

1- Anh/chị thương nhất điều gì nơi người mình trao thân gởi phận?
2- Anh/chị thích nhất điểm gì nơi bản thân mình?

Câu hỏi thứ nhất, xem ra không khó đối với người trẻ. Đã đưa nhau đến đây, người nào cũng sẵn mang một “bồ” chữ với đủ các lý do còn rất mới. Mặc dù đôi lúc, các lý do ấy có làm người nghe thêm phấn khởi, hoặc người đọc đâm nản chí.
Câu hỏi thứ hai, xem ra dễ gây lúng túng hơn, và lớp người trẻ không dễ gì trả lời nhanh gọn, nhẹ nhàng. Chí ít, là với những người sắp trở thành “đức” lang quân/“ông” chồng. Bởi lẽ, một số bạn thấy khó đề cao điểm son của mình, thứ của trời cho mà mọi người trân trọng như báu vật, rất hiếm quý.
Có người chỉ trả lời cho qua, rồi thôi; hoặc, coi đó như ý kiến của bạn bè ngoài cuộc. Có khi, họ lại biện luận: bọn con không muốn khoe khoang, nổ bạo; nhưng... Thậm chí, nhiều anh chị còn trẻ những vẫn cố tránh né câu trả lời, vì xấu hổ. Như thể bảo rằng: thời buổi này mà còn khoe khoang cái “tôi đáng ghét” kia, tức là huênh hoang không hợp thời.
Thật sự ra, câu hỏi ở trên là trọng tâm của bài đọc hôm nay: “Hãy yêu người thân cận như thương yêu chính mình”. Cùng kiểu nói, nhưng ta không thể vừa ghét chính mình, lại vừa cho mình là người ngoan đạo, kiểu mẫu. Bởi, nói như thánh Phaolô: yêu thương chính mình không có nghĩa cưng nâng, chiều chuộng cái thân xác đớn hèn này.
Nhưng, đó là viên đá góc-cạnh, mục tiêu của sứ vụ rao giảng nơi người tín hữu Đức Kitô: “hãy yêu thương nhau như Chúa vẫn yêu ta.”
Đã đành là, thánh Phaolô thừa biết có khác biệt giữa việc yêu thương chính mình với tôn thờ thân xác. Và, tình yêu Thiên Chúa, ta chỉ có thể biểu lộ qua cách thức ta yêu thương chính mình, cho phải đạo; và, biết tôn trọng thân xác của mình cách lành mạnh, thế thôi.
Nói rõ hơn, không thể bảo rằng mình thương người thân cận, nếu ta không yêu thương chính mình. Nếu ta tự đánh giá quá thấp, có lẽ cũng cần đến người khác đến lấp đầy khoảng cách khác biệt, để mọi người có thể yêu thương chính mình.
Cuộc sống đời thường, tương quan giữa người đời không thể minh chứng và duy trì một cách tốt đẹp, nếu nó không phát xuất từ lòng yêu thương, chính bản thân.
Hội thánh cũng có bổn phận khuyên răn con cái mình biết yêu thương lẫn nhau như thương yêu chính mình. Lâu nay ta được dạy, là: hãy hãm mình, phạt xác/đánh tội hoặc từ bỏ bản thân mình; bởi, có như thế mới chứng tỏ được sự khác biệt giữa người đi Đạo với người ở ngoài. Điều này cũng đúng, thôi.
Nhưng, lời khuyên trên không thể được dùng làm như cái cớ để ta dựa vào đó, mà ghét bỏ chính mình. Các tác giả tu đức, lâu nay vẫn coi đặc tính trên đây như phương cách dẫn đưa ta đến gần với Chúa. Đồng thời, đó còn là căn bản cho lòng yêu thương phục vụ người đồng loại, nữa.
Trong các tác giả được kể, có thánh I-Nhã, với nhiều năm kinh nghiệm về tu đức, đã nhận ra rằng: ta là kẻ sai phạm làm nhiều điều quấy, nên Chúa mới thương yêu chúng ta. Thánh nhân cũng quả quyết: ân huệ lớn lao Chúa tặng ban cho mỗi người, là: cho dù ta có coi lỗi phạm như điều sai trái; nhưng ta vẫn không bị nó đánh gục.
Vả lại, một khi thấy được sức mạnh nơi tình Chúa thương mình, ta mới cảm nhận được lời mời gọi khẩn thiết quyết theo Ngài mà dấn bước, theo tư thế của những người con của sự sáng.
Tin Mừng hôm nay, còn cho thấy Đức Giêsu nhắm thẳng vào tính hủy diệt nơi bản chất con người phàm trần. Ngài vẫn khuyên: những ai tuy không yêu thương người đồng loại như đã được dạy, vẫn phải đối xử với họ cho phải phép. Vẫn phải tôn trọng họ và cho họ cơ hội để được đón nhận ơn tha thứ và kiên nhẫn chờ cho trở nên thành phần của gia đình nữa.
Thách đố của đời sống người Kitô-hữu còn là dấu chỉ chứng tỏ cho người đời thấy tình thương yêu và tha thứ của Chúa. Và, lúc nào cũng vậy, Giáo Hội mới là đơn vị cuối cùng, có quyền uy loại bỏ người nào đó ra khỏi cộng đoàn.
Bởi thế nên, ta vẫn có giới hạn đối với chính mình. Điều này, buộc chúng ta phải thẩm định kỹ xem những gì người khác đã nói, và làm. Chí ít, là khi họ tự cho mình là người dấn bước theo chân Chúa, mà lại sai quấy.
Dựa vào tình yêu và lòng nhân tha thứ của Chúa, không có nghĩa là: cứ để mọi việc trôi qua mà không suy xét kỹ. Chính tình yêu của Chúa, kêu gọi mọi người có hối cải liên tục. Ta chỉ có thể chứng thực điều này theo mức độ cảm nghiệm từ Chúa, từ người khác; và, theo phương cách yêu thương, tha thứ nhau.
Trả lời câu hỏi: Anh/chị thích nhất điểm nào nơi bản thân mình? tức là nhận ra rằng đức tính căn bản ở trên, đã đâm rễ sâu, nơi chính mình. Cuối cùng, một đời đi Đạo là một đời biết yêu. Yêu người đồng loại. Yêu chính mình.
Trong tâm tình cảm-nhận tình thương yêu trong cuộc đời đi Đạo và sống Đạo, cũng nên ngâm tiếp lời còn bỏ dở, rằng:

“Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong,”
Vô số là Xuân chiếm mọi lòng.
Mỗi người đều có xuân riêng cả,
Thiếp viết Xuân lên mảnh lụa hồng.”
(Hàn Mặc Từ - Nhớ Thương)

Xuân nhớ và thương như thế, chắc hẳn là Xuân của mọi thời. Những nhớ và thương yêu hết mọi người vào mọi thời, như Lời Chúa còn nhắc nhở mọi người, mãi không nguôi.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch.