VIỆT NAM BẤT DIỆT HAY SẼ MẤT ? (2)

(tiếp theo)

Khi được tin Tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát, cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch (Trung hoa Dân quốc, đã phán xét: Về Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề trong việc vụ ám sát xấu xa này. Trung hoa Dân quốc mất đi một người bạn tâm đầu ý hợp… Tôi khâm phục ông Diệm, ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu, Việt Nam có lẽ phải mất đến 100 năm nữa mới tìm được một lãnh tụ cao quí như vậy. Đã hơn 50 năm đã trôi qua, ước mong, với sự dũng cảm và lòng yêu nước của giới trẻ mang dòng máu Tiên Rồng có thể thu ngắn thời gian này.

Linh cảm ngày bọn Tướng hành động mưu phản, Tổng thống Diệm đã tâm sự : « Quân đội Hoa kỳ sẽ vào Việt Nam và khi Mỹ rút đi, họ sẽ chạy theo ». (Họ là các Tướng làm đảo chánh do Trần Thiện Khiêm làm đầu và những kẻ chạy theo Quyết nghị 36 đảng cộng sản để đánh phá Cộng đồng Người Việt tỵ nạn bằng đua nhau ‘ăn nhậu’ với ‘thứ trưởng’ Nguyễn Thanh Sơn hay những vị khoa bảng được Nguyễn Minh Triết ‘tuyển’ về nước ăn Tết, chi bởi tiền thuế đồng bào trong nước đóng. Một số khác chửi nhau thậm tệ và tục tỉu bằng e mail, làm gương xấu giới trẻ hải ngoại).

Qua tác phẩm ‘Chính Đề Việt Nam’, ông Ngô Đình Nhu đã cảnh cáo hiểm họa xâm lăng của Trung cộng ngày nay : « Sự lệ thuộc Nga Hoa và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta.

Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách trống trị một lần nữa (tr.212).

II. - TÌNH ĐỒNG CHÍ VIỆT-TRUNG CỘNG SẢN.

1.- Đặc tính người cộng sản.

a./ Gian dối. Sau ngày 30.04.1975, nhiều cư dân Sài gòn truyền cho nhau chuyện : « Ông Nguyễn Văn Thiệu nói có một câu ‘Thật’ đúng Sự Thật, điều kiện ắc có và đủ để ông được nổi tiếng, là : « Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm ». Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết : « Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp ‘song sinh’ trong một thể chế chính trị hiện đại… Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải… Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch… ». Hơn 6 tháng đã trôi qua, không một điều đề cập đến đã được thực hiện.

b./ Tàn bạo. Người cộng sản Trung quốc tàn sát sinh viên tham gia Mùa Xuân Thiên an môn [7.000 người chết (6.000 thường dân và 1.000 binh sĩ) theo tình báo NATO (Minh ước Bắc đại tây dương); 10.000 người chết, ước tính của Khối Sô viết]. Họ còn tàn bạo hơn đối với người dân nước khác, như hình ảnh cho thấy sự dã man đối với các phụ nữ Việt trong trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 (Theo Tàu cộng : 50 ngàn bộ đội Việt chết và phần chúng 20 ngàn quân). Đảng Cộng sản Việt Nam đã tàn sát hàng ngàn người trong các cuộc Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc và cũng cùng số đó trong các trại học tập cải tạo, khu kinh tế mới và cải tạo công thương nghiệp tại Miền Nam sau ngày 30.04.1975.

c./ Dùng luật ‘rừng’ của kẻ mạnh đàn áp người yếu. Đảng Tàu cộng chiêu dụ và cưởng bách đảng viên Việt cộng dâng đất, biển cho chúng. Sau đó, đám Việt cộng đàn áp người yêu nước và đe dọa những người dân khác để biến họ thành kẻ vô cảm… Trong quá khứ, nhiều trí thức, khoa bảng đã phải tranh nhau để chiếm những địa vị cao trong cuộc ‘Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xơ, đánh cho Trung quốc’ như Lê Duẩn đã khuyến dụ bọn đồng chí. Do đó, Đảng cộng sản Việt Nam đã vay nợ để mua vũ khí hầu gây chiến và giết hàng triệu đồng bào hầu thực hiện cái gọi là ‘thống nhất’.

Ngày 18.01.2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hà tĩnh khánh thành đền thờ Lê Duẩn, trị giá 5 tỷ đồng, có bảng đề ‘Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc’ và còn thêm câu ‘Toàn Đảng, toàn quân, toàn đân cùng học tập tư tưởng đạo đức đồng chí Lê Duẩn’ như lời dụ dỗ hàng triệu thanh niên đi vào chổ chết để nhuộm đỏ miền Nam theo lệnh Cộng sản Liên xô và Trung quốc và, cuối cùng, toàn nước Việt chỉ còn là một vùng tự trị của Tàu cộng.

III.- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT CHUẨN BỊ.

A. Đảng hóa Quân đội. Trung tướng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình cho đăng bài ‘Không thể chấp nhận quan điểm ‘Quốc gia hóa quân đội’’ trên báo ‘Quân đội Nhân dân’ ngày 12.12.2012. Ông viết : « Thực chất của quan điểm ‘quốc gia hóa quân đội’ là đòi quân đội phải trung lập, ‘phi đảng hóa’, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội mất định hướng chính trị, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy bị suy yếu, bị tha hóa biến chất và mất sức chiến đấu; đồng thời làm cho Đảng không nắm được quân đội, dẫn đến mất vai trò đảng cầm quyền, đưa đất nước lâm vào tình trạng mất ổn định và suy thoái. »

B. Chống Mỹ và người Việt hải ngoại.

1/- Ngày 29.12.2012, nhân tổ chức kỷ niệm 40 năm cái cộng sản Hà nội gọi là chiến thắng ‘Điện Biên Phủ trên không’ (Quân lực Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker II, B 52 Mỹ oanh tạc Hà nội để buộc Bắc Việt tái họp và ký hoà ước Paris), Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, viết một bài viết đăng trên tạp chí ‘Quốc phòng Toàn dân’ kêu gọi sử dụng tinh thần ‘chống đế quốc Mỹ’ như Thủ Tướng Dũng chống lực lượng thù địch bây giờ. Lực lượng thù địch đó, theo ông, không ai khác hơn là người Việt hải ngoại, tác nhân Diễn biến hòa bình. Ông lên án Diễn biến hòa bình và cho đó là hình thái của một cuộc ‘chiến tranh xâm lược’ nhắm vào Việt Nam cộng sản. Ông khẳng khái, ‘đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược Diễn biến hòa bình sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; khi có cơ hội, chúng sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược’.

2/- Ngày 01.01.2013, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, bày tỏ quan điểm của chính phủ Việt Nam đối với sự tham gia của các quốc gia trong vấn đề Biển Đông :

a. Việt Nam luôn xem Trung quốc là cùng ý thức hệ và hai chữ đồng chí lúc nào cũng quan trọng trong các cuộc đối thoại cấp quốc gia. Hai nước cùng chung một ý thức hệ Cộng sản sẽ giúp cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội dễ dàng hơn : « Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam ».

b. Việt Nam xem sự tham gia của Hoa kỳ vào Biển Đông phát xuất từ lợi ích kinh tế của nước này và cảnh giác rằng không để lịch sử lập lại.

c. Các cuộc biểu tình chống Trung quốc hoàn toàn không có lợi mà trái lại làm cho Trung quốc viện cớ để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam.

C. Sửa đổi Hiến Pháp.

Thực thi Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23.11.2012 của Quốc hội, ngày 02.01.2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân từ ngày 02.01 đến 31.03.2013.

Ngày 01.03.2013, linh mục Giuse Dương Hữu Tình, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến và trao Thư góp ý của Ban Thường vụ HĐGMVN cho Thường trực Ban biên tập - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Một văn thư nêu lên những ý kiến rất tích cực và đầy đủ khiến chúng ta cần đọc lại :

Ý thức trách nhiệm công dân, nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Thường vụ kính gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhân dân cả nước một số nhận định và góp ý.

I. Quyền con người

Bản Dự thảo đã dành cả chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã được chính thức nhìn nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người (10.12.1948), và Việt Nam cũng đã ký kết. Bản Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người. Vấn đề là làm thế nào để những quyền ấy được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật trong thực tế?

Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì tất cả mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phạm là tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác.

Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện. Do đó, để quyền con người thật sự được “Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật” (điều 15), chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số điều.

Dự thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo (điều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tư do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khã nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.

Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Nếu cần một nền tảng, chúng tôi thiết nghĩ đó phải là truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, chứ không phải một hệ ý thức nào khác. Truyền thống văn hóa ấy đã được hình thành trãi qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn. Nền văn hóa đó chính là nền tảng cho đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, những tư tưởng mới có thể và cần được đón nhận để bổ túc cho phong phú, nhưng không thể thay thế. Có như vậy mới mong giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc giữa những thay đổi mau chóng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l. Hiến pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.

2 . Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam.

3 . Nêu rõ nội dung quyền được sống (đối chiếu với điều 21 Dự thảo): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.

4 . Nêu rõ quyền tự do ngôn luận (đối chiếu điều 26 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.

5 . Nêu rõ quyền tự do tôn giáo (đối chiếu điều 25 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập... Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế...

II. Quyền làm chủ của nhân dân

Quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” (Lời nói đầu). Vì thế việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh. Ðồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l. Hiến pháp cần phải làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân, không chỉ bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hiến pháp, và có thể thi hành trong thực tế. Bản Dự thảo khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Ðiều 2). Nhưng trong thực tế, công nhân, nông dân và trí thức là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Thực tế đó cho thấy khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết.

2. Ðể tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (X. điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.

3. Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Ðiều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.

4. Hiến pháp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo...

III. Thi hành quyền bính chính trị

Quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ðể những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mổi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển.

Nguyên nhân sâu xa là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục đường lối như thế.

Một đàng, điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; đàng khác, điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?

Bản Dự thảo cũng dành nhiều chương dài để nói về Quốc Hội (điều 74-90), về Chủ tịch nước (điều 91-98), về Chính phủ và Thủ tướng (điều 99-106). Không có chương nào và điều nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền. Ðang khi đó, thực tế là Tổng bí thư nắm quyền hành cao nhất vì cũng theo Dự thảo, đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (điều 4)! Như thế phải chăng đảng ở trên luật pháp và ngoài luật pháp, chứ không lệ thuộc luật pháp? Nếu đảng cầm quyền đã lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội, thì còn cần gì Quốc hội, cần gì đến Tòa án!

Những phân tích trên cho thấy sự mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp. Sự bất hợp lý này dẫn đến tình trạng bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, là nguồn gốc của những bất công, dẫn đến bất ổn xã hội, kìm hãm sự phát triển lành mạnh và bền vững của đất nước.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l . Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.

2 . Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.

3. Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.

Kết luận

Những nhận định và góp ý của chúng tôi chỉ nhằm mục đích góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân. Chúng tôi ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam.

Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 01 năm 03 năm 2013

TM. Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chủ tịch : Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội (đã ký)

Tổng thư ký : Cosma Hoàng Văn Ðạt, Giám mục Bắc Ninh (đã ký).

Hà Minh Thảo