Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III

Những Thách Đố về Mục Vụ Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hoá



Chương II



Sự Hiểu Biết và chấp nhận Thánh Kinh và các tài liệu Hội Thánh về hôn nhân và gia đình



8. Hội Thánh trong thời đại chúng ta được đặc trưng bằng một sự tái khám phá rộng về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh. Sự phục hồi về Thánh Kinh này trong lòng Hội Thánh, đã đánh dấu, một cách khác, đời sống của các giáo phận, giáo xứ và cộng đồng Hội Thánh. Tuy nhiên, nhiều câu trả lời và ý kiến đã nhận được nhấn mạnh đến sự hiểu biết, việc truyền thông và đón nhận các giáo huấn của Hội Thánh về gia đình đã xảy ra dưới những hình thức rất đa dạng, tuỳ thuộc vào đời sống gia đình, những tế bào của Hội Thánh và bối cảnh văn hóa. Ở những nơi có truyền thống Kitô giáo mạnh mẽ, với việc mục vụ được tổ chức tốt, chúng ta thấy có những người nhạy cảm với giáo lý Kitô giáo về hôn nhân gia đình. Còn ở những nơi khác, vì nhiều lý do, có nhiều Kitô hữu không biết gì về sự hiện diện của những giáo huấn này.

Sự hiểu biết về Giáo Huấn của Thánh Kinh về gia đình

9. Nói chung, chúng ta có thể nói rằng ngày nay giáo huấn của Thánh Kinh, đặc biệt là của Tin Mừng và các Thư Thánh Phaolô, được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả các Hội Đồng Giám Mục quả quyết rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để Thánh Kinh trở thành nền tảng của tâm linh và đời sống của các Kitô hữu, đặc biệt là đối với các gia đình. Từ một số trả lời, người ta cũng ghi nhận rằng có một số đông các tín hữu ước muốn hiểu biết thêm về Thánh Kinh.

10. Từ quan điểm này, việc đào tạo giáo sĩ được coi là quyết định, đặc biệt là chất lượng của các bài giảng, là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhấn mạnh (x. EG 135-144). Thật vậy, bài giảng là một công cụ đặc quyền để giới thiệu Thánh Kinh cho các tín hữu, theo bình diện Hội Thánh và đời sống hằng ngày. Nhờ sự giảng dạy đầy đủ, dân Chúa biết đánh giá cao vẻ đẹp của Lời Chúa, là điều lôi cuốn và an ủi gia đình. Ngoài các bài giảng, một công cụ quan trọng khác là việc tổ chức, trong các giáo phận và giáo xứ, các khóa học có thể giúp các tín hữu tiếp cận Thánh Kinh một cách đầy đủ. Điều được đề nghị là đừng có quá nhiều sáng kiến mục vụ, nhưng dùng Thánh Kinh trong việc sinh động hoá mọi mục vụ về gia đình. Bất kỳ trường hợp nào trong đó Hội Thánh được mời gọi để chăm sóc cho các tín hữu, trong khung cảnh gia đình, là cơ hội để việc Phúc Âm hoá các gia đình được công bố, áp dụng và đánh giá cao.

Sự Hiểu Biết về các tài liệu của Huấn Quyền

11. Dân Thiên Chúa, một cách tổng quát, dường như không mấy hiểu biết về các tài liệu Công Đồng và hậu Công Đồng của Huấn Quyền về gia đình. Chắc chắn rằng những người có liên quan đến lãnh vực thần học có một số hiểu biết nào đó. Tuy nhiên, những văn bản này dường như không thấm nhuần sâu xa vào não trạng của các tín hữu. Một số người trả lời thậm chí thú nhận thẳng thắn rằng các tài liệu này không được tất cả các tín hữu biết đến. Trong khi một số câu trả lời khác cho thấy rằng đôi khi các tài liệu ấy được coi, đặc biệt là với giáo dân, là những người không được chuẩn bị trước, như những văn kiện "dành riêng" cho một số ít người. Chắc chắn rằng khó mà bắt tay vào việc học hỏi các văn bản này. Thường thì phải có người đã chuẩn bị sẵn, có khả năng giới thiệu các bài đọc của các văn kiện ấy, vì các tài liệu ấy có vẻ khó tiếp cận. Trên hết, người ta cảm thấy cần phải biết rõ bản chất chủ yếu của chân lý được xác quyết trong các tài liệu.

Nhu cầu chuẩn bị chu đáo cho các linh mục và các thừa tác viên

12. Một số ý kiến nhận được đã quy trách nhiệm cho các mục tử về việc thiếu phổ biến các kiến thức này, theo ý kiến của một số tín hữu, thì chính họ không biết một cách sâu xa về những chủ đề của các tài liệu về hôn nhân gia đình, hoặc có vẻ không có những phương tiện để khai triển những chủ đề này. Từ một số ý kiến khác nhận được, chúng ta có thể thấy rằng các mục từ đôi khi không phù hợp và thiếu chuẩn bị để đối phó với những vấn đề liên quan đến tính dục, khả năng sinh sản và truyền sinh, vì vậy các ngài thường không thích bàn đến những vấn đề này. Một số câu trả lời cho thấy có những người không hài lòng với một số linh mục, là những vị có vẻ không quan tâm đến một số giáo huấn về luân lý nào đó. Sự bất đồng của các ngài với giáo lý của Hội Thánh tạo ra sự mập mờ giữa Dân Chúa. Do đó, một số người yêu cầu rằng chính các linh mục phải được chuẩn bị tốt hơn và có tính thần trách nhiệm hơn trong việc giải thích Lời Chúa và trình bày các tài liệu của Hội Thánh về hôn nhân và gia đình.

Một chấp nhận cách đa dạng giáo huấn của Hội Thánh

13. Một số Hội Đồng Giám Mục ghi nhận rằng, khi được truyền thụ cách sâu xa, giáo huấn của Hội Thánh với vẻ đẹp đích thực của nó, là vẻ đẹp nhân bản và Kitô giáo, được phần lớn của các tín hữu nhiệt tình đón nhận. Khi chúng ta có thể trình bày một cái nhìn tổng thể về hôn nhân và gia đình, theo đức tin Kitô giáo, thì người ta nhận ra chân lý‎, sự thiện hảo và vẻ đẹp của chúng. Giáo huấn được chấp nhận một cách rộng rãi hơn ở nơi nào có một cuộc hành trình đức tin thực sự của các tín hữu, chứ không chỉ có sự tò mò thất thường về những điều Hội Thánh nghĩ về luân l‎ý tính dục. Đàng khác, nhiều người trả lời đã xác nhận rằng ngay cả khi giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân gia đình được biết rõ ràng, nhiều Kitô hữu tỏ ra khó mà chấp nhận giáo huấn ấy một cách hoàn toàn. Nói chung, thì có một phần những yếu tố, mặc dù quan trọng, của giáo lý Kitô giáo, bị chống đối ở những mức độ khác nhau, chẳng hạn như việc điều hoà sinh sản, ly dị và tái hôn, đồng tính luyến ái, chung sống ngoài hôn nhân, chung thuỷ, quan hệ tính dục trước hôn nhân, thụ thai nhân tạo, vv. Ngược lại, nhiều câu trả lời cho thấy rằng giáo huấn của Hội Thánh về nhân phẩm và tôn trọng sự sống con người dễ dàng được chấp nhận cách rộng rãi hơn, ít ra là theo nguyên tắc.

14. Các ‎ý kiến cho thấy rằng cần phải có một sự hoà nhập tốt hơn giữa các giáo huấn về tâm linh và luân lý‎ về gia đình, là điều dẫn đến một sự hiểu biết hơn về Huấn Quyền của Hội Thánh trong lãnh vực luân l‎ý gia đình. Một số trả lời ghi nhận tầm quan trọng của việc đề cao những yếu tố của nền văn hóa địa phương, là điều có thể trợ giúp trong sự hiểu biết về giá trị của Tin Mừng; đó là trường hợp của phần lớn các nền văn hóa Á Châu, thường tập trung vào gia đình. Trong bối cảnh này, một số Hội Đồng Giám Mục cho rằng sẽ không mấy khó khan để hoà hợp giáo huấn của Hội Thánh về gia đình với những giá trị xã hội và luân l‎ý của những dân tộc hiện diện trong các nền văn hóa ấy. Đồng thời chúng ta cũng phải chú ý đến tầm quan trọng của việc trao đồi văn hóa trong việc loan báo Tin Mừng của gia đình. Cuối cùng, những câu trả lời và ý kiến đã nhận được làm nổi bật sự cần thiết phải thiết lập những đường hướng đào tạo cụ thể và khả thi, mà nhờ đó chúng ta có thể giới thiệu những chân lý đức tin liên quan đến gia đình, đặc biệt là để có thể đề cao giá trị sâu xa của con người và của đời sống.

Một số lý do của khó khăn trong việc chấp nhận

15. Một số Hội Đồng Giám Mục cho thấy rằng l‎ý do của việc có nhiều phản đối chống lại những giáo huấn của Hội Thánh về luân l‎ý gia đình là sự vắng mặt của một kinh nghiệm Kitô giáo thật sự, một cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Đức Kitô, là điều mà bất cứ trình bày nào về giáo thuyết, dù có đúng đi chăng nữa, cũng không thể thay thế được. Trong phạm vi này, nhiểu người phàn nàn về thiếu sót của một việc mục vụ chỉ quan tâm đến ban phát các bí tích mà không liên kết với một kinh nghiệm Kitô giáo thật sự hấp dẫn. Ngoài ra, phần lớn các câu trả lời làm nổi bật sự tương phản càng ngày càng gia tăng giữa các giá trị được Hội Thánh đề ra về hôn nhân gia đình và tình trạng văn hóa xã hội khác nhau trên toàn cầu. Câu trả lời cũng nhất trí liên quan đến lý do chính của việc khó chấp nhận các giáo huấn của Hội Thánh: sự lan tràn và xâm lấn của những kỹ thuật mới; ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng; nền văn hóa theo chủ nghĩa khoái lạc; thuyết tương đối; thuyết duy vật; chủ nghĩa cá nhân; các chủ nghĩa thế tục đang lớn mạnh; sự thịnh hành của những tư tưởng dẫn đến tự do hóa quá trớn về luân lý‎ theo nghĩa ích kỷ; sự mong manh của các mối quan hệ giữa cá nhân; một nền văn hóa chối từ sự lựa chọn dứt khoát, bị chi phối bởi bất an, tạm thời, đặc trưng của một "xã hội lỏng lẻo", "dùng một lần", "mọi sự tức thời"; những giá trị được hỗ trợ bởi cái gọi là "nền văn hóa lãng phí" và "tạm bợ" như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nhắc nhở.

16. Một số người nhắc lại những trở ngại do sự thống trị lâu dài của các ý thức hệ vô thần ở nhiều quốc gia, trong đó đã tạo ra một thái độ ngờ vực giáo dục tôn giáo nói chung. Những trả lời khác đề cập đến những khó khăn mà Hội Thánh gặp phải trong việc đương đầu với các nền văn hóa bộ lạc và truyền thống, trong đó hôn nhân có đặc tính rất khác so với đặc tính Kitô giáo, chẳng hạn như việc ủng hộ chế độ đa thê hay những quan điểm khác trái ngược với ý tưởng về hôn nhân như bất khả phân ly và một vợ một chồng. Kitô hữu sống trong những môi trường ấy chắc chắn cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hội Thánh và của các cộng đồng Kitô hữu.

Khuyến khích một sự hiểu biết nhiều hơn về Huấn Quyền

17. Nhiều câu trả lời nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm ra những cách thức mới để truyền đạt giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân gia đình. Điều này lệ thuộc nhiều vào sự trưởng thành của Hội Thánh địa phương, truyền thống của nó và các tiềm năng thực sự có sẵn trong vùng. Trên hết, chúng ta đặc biệt công nhận sự cần thiết phải đào tạo những người làm mục vụ có khả năng truyền thông sứ điệp Kitô giáo một cách thích hợp với nền văn hóa. Trong mọi trường hợp, hầu hết những người trả lời nói rằng, ở cấp quốc gia, có một Ủy Ban Mục vụ Gia Đình và một Chỉ Nam Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình. Nói chung thì các Hội Đồng Giám Mục cung cấp các giáo huấn của Hội Thánh qua các tài liệu, các hội nghị chuyên đề và các sáng kiến khác; ở cấp giáo phận cũng thế, công việc được thực hiện qua các cơ quan và các hội đồng. Chắc chắn có những câu trả lời cho thấy tình trạng khó khăn của các tổ chức Hội Thánh ở những nơi thiếu các nguồn kinh tế và nhân lực để tổ chức dạy giáo lý gia đình một cách liên tục.

18. Nhiều người nhắc lại rằng thật quan trọng để thiết lập mối quan hệ với các trung tâm đại học thích hợp và được chuẩn bị cho những vấn đề về gia đình, về trình độ giáo lý, tinh thần và chăm sóc mục vụ. Một số câu trả lời nói về những liên hệ quốc tế có lợi giữa các đại học và các giáo phận, ngay cả ở lãnh vực ngoại vi của Hội Thánh để cổ võ những thời điểm đào tạo kỹ năng về hôn nhân và gia đình. Một thí dụ được trích dẫn nhiều lần trong các câu trả lời là sự hợp tác với Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II để Nghiên Cứu về Hôn nhân và gia đình ở Roma, trong đó có nhiều trung tâm khác nhau trên thế giới. Về vấn đề này, một số Hội Đồng Giám Mục nhắc lại tầm quan trọng của việc phát triển kiến thức của Thánh Gioan Phaolô II về thần học thân xác, trong đó ngài đề ra một tiếp cận hiệu quả cho các chủ đề về gia đình, với sự nhạy cảm về đời sống và nhân chủng học, mở ra cho những nhu cầu mới của thời đại chúng ta.

19. Cuối cùng, điều quan trọng là những bài bài giáo lý thông thường về về hôn nhân gia đình không thể chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị của các cặp nam nữ kết hôn; trái lại cần phải có một chương trìng giáo lý năng động, có tính thử nghiệm, qua các nhân chứng, cho thấy vẻ đẹp của những gì Tin Mừng và các tài liệu Huấn Quyền của Hội Thánh về gia đình truyền thông cho chúng ta. Một thời gian dài trườc khi sẵn sàng kết hôn, những người trẻ cần được giúp đỡ để biết những gì Hội Thánh dạy và tại sao Hội Thánh lại dạy như thế. Nhiều câu trả lời làm nổi bật vai trò của cha mẹ trong việc dạy giáo lý cụ thể về gia đình. Họ đóng một vai trò không thể thay thế được trong việc đào luyện con em về Kitô giáo liên quan đến Tin Mừng về gia đình. Nhiệm vụ này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa về ơn gọi của họ trong ánh sáng của giáo lý Hội Thánh. Việc làm nhân chứng của họ đã là một bài giáo lý sống động không những chỉ trong Hội Thánh mà còn ở ngoài xã hội.

(còn tiếp)

Nguyên bản: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20140626_instrumentum-laboris-familia_fr.html#Abr%C3%A9viations