Nặng Với Quê Hương Một Tấm Lòng

Giới thiệu bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ


Trần Trung Đạo

Cách đây hơn 4 năm, cũng tại thành phố Boston này, lần đầu tiên tôi có duyên được nghe Linh mục Nguyễn Hữu Lễ nói về những áp bức nhân quyền và đấu tranh tôn giáo đang diễn ra tại Việt Nam. Dựa theo những ý chính trong buổi nói chuyện của Cha, tôi đã viết thành một bài tâm bút có tên "Theo Bước Chân Người Linh Mục". Trong bài viết, tôi nhiều lần lập lại câu nói ngày nay đã trở thành quen thuộc của Cha Nguyễn Hữu Lễ: "Trước khi trở thành linh mục, tôi là người Việt Nam". Câu nói đó thật ra không phải là một khám phá thiên tài nhưng trái lại rất bình thường. Ai cũng có thể nói được và ai cũng biết đó là sự thật. Tuy nhiên biết đúng và sống đúng với những điều mình biết nhiều khi là chuyện khác nhau. Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, những người Việt Nam yêu thương đất nước mình không phải chỉ biết nói lớn như Cha Nguyễn Hữu Lễ, nhưng còn biết sống vì đất nước như Cha Nguyễn Hữu Lễ, biết quý cái tổ mà chúng ta đã được ấp thành người, dù chiếc tổ đó làm bằng rơm rạ Việt Nam chứ không phải bằng chăn êm nệm ấm xứ người.

Tôi nhận rất nhiều điện thư hồi đáp về bài viết Theo Bước Chân Người Linh Mục. Đa số hồi đáp rất tích cực. Bài viết đã dựng nên một nhịp cầu cảm thông, không những chỉ giữa cá nhân tôi và Cha, không những giữa các thế hệ Việt Nam ở hải ngoại, mà cả nhiều tín đồ của hai tôn giáo lớn. Bởi vì chúng ta, trước khi trở thành bất cứ một cương vị nào trong xã hội hay trong tôn giáo, đều là người Việt Nam, và trước hết phải có bổn phận đối với sinh mệnh của dân tộc Việt Nam. Tôi vẫn nhớ bài viết của võ sư Việt Võ Đạo Nguyễn Tiến Hóa đọc trong một Thánh Đường: "Con xin mượn lời của Cha Nguyễn Hữu Lễ trong câu: Trước khi làm linh mục, tôi là người Việt Nam trong bài Theo Bước Chân Người Linh Mục của Trần Trung Đạo, để xác tín: tất cả chúng ta đang hiện diện trong ngôi thánh đường nhỏ bé này đều là người Việt Nam. Vì thế, ngoài bổn phận thiêng liêng đối với Thiên Chúa, chúng ta còn một bổn phận thứ hai không kém phần quan trọng: Đó là tình yêu quê hương và tổ quốc Việt Nam". Tôi trích dẫn câu nói của võ sư Nguyễn Tiến Hóa bởi vì cá nhân ông, mặc dù không bị tù đày như Cha Lễ, cũng là một trong những biểu tương của sự chịu đựng và lòng yêu nước. Võ sư Nguyễn Tiến Hóa đến được bến bờ tự do năm 1981 với một giá rất đắt. Ông đã bỏ lại trên biển cả một vợ, hai con, một người em dâu và người cháu ruột, cùng tất cả những người trên tàu, hầu hết là anh em bà con trong dòng họ. Ông đã bị bệnh tâm thần hết gần tám năm sau chuyến hải hành đầy máu và nước mắt đó. Nhưng tinh thần dân tộc, qua môn phái Việt Võ Đạo, đã giúp ông vượt qua cửa chết để trở về với đường sống trong tình người Việt Nam.

Trong số những hồi đáp tôi cũng nhận được là một câu hỏi của một nữ sinh viên Việt Nam: "Cám ơn anh đã nhắc lại câu nói của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, trước khi trở thành linh mục ông là người Việt Nam. Thế nhưng tôi thắc mắc là sau khi trở thành linh mục rồi, ông có còn là người Việt Nam nữa hay không?" Tôi trả lời cô, theo tôi, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chịu đựng gian lao tù tội không phải vì ông là linh mục nhưng là vì cái tội ông đã yêu thương mảnh đất từng nuôi ông lớn, vì cái tội ông kính trọng các truyền thống đạo đức, tôn giáo tốt đẹp mà tổ tiên ông đã để lại, vì cái tội ông đã đeo đuổi cuộc đấu tranh cho một xã hội công bằng bác ái, dân chủ, tự do cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau. Tóm lại ông bị tù đày vì ông là người Việt Nam yêu nước. Dù sao, câu trả lời cũng chỉ dựa theo hiểu biết giới hạn của tôi về những chịu đựng, gian nan mà Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã trải qua trong nhà tù Cộng Sản. Hôm nay, tôi tin rằng cô nữ sinh kia và quý đồng hương quan tâm ở trong cũng như ngoài nước, đã nhận được câu trả lời rõ ràng hơn và đầy đủ chi tiết hơn về hành trình gian khổ của Cha Nguyễn Hữu Lễ, được tích chứa trong bút ký dài 650 trang, Tôi Phải Sống, của ông.

Hồi ký, trong trường hợp này là bút ký, là một thể văn quen thuộc trong văn chương Anh Mỹ. Bước vào một nhà sách Mỹ, hồi ký bao giờ cũng chiếm một số lượng lớn so với nhiều thư mục khác. Các tổng thống, các nhà chính trị, các kinh tế gia, các văn nghệ sĩ nổi danh, các nhân vật từng tạo nên thời thế đều muốn để lại cho đời sau những bài học sống động qua những thiên hồi ký viết về cuộc đời của chính họ. Trong dòng văn học Việt Nam lưu vong, hồi ký cũng đã trở nên thể văn phổ biến bằng một lý do tương tự. Các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Việt Nam sau mùa bão lửa dài của đất nước, đã có cơ hội nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, có cơ hội ghi lại những biến cố mà họ đã chủ động tham gia hay chứng kiến, để qua đó các thế hệ Việt Nam mai sau có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm thành công và cả không thành công của các thế hệ ông cha.

Hồi ký rất cần thiết và rất giá trị. Nhưng có lẽ điều khó khăn và cần thiết nhất của một hồi ký là giữ được đặc tính khách quan, không phải chỉ khi mô tả bối cảnh đất nước, khi viết về người khác mà quan trọng hơn khi viết về chính tác giả. Nếu không, các thế hệ Việt Nam tương lai khi vẽ lại hình ảnh đất nước qua những hồi ký của ông cha, họ sẽ phải bâng khuâng và đặt nhiều nghi vấn. Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20, theo họ biết, phải là thời đại của nhiễu nhương, thống khổ, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, chết giữa rừng sâu, chết trong lao tù, chết ngoài biển cả, thì trái lại, trong nhiều hồi ký, các tác giả viết về mình như là những anh hùng, những gương hy sinh cao cả, những nhà lãnh đạo vô cùng tận tụy với nhân dân, những chính khách suốt đời thanh liêm trong sạch. Không ít tác giả viết rất nhiều về những đóng góp của họ vào việc xây dựng đất nước nhưng không nhắc gì đến những đóng góp khác của họ vào việc làm sụp đổ đất nước. Bức tranh Việt Nam, mà các tác giả đó vẽ nên, là một khu vườn toàn kỳ hoa dị thảo rực rỡ sắc màu giữa một bầu trời quê hương đầy sao sáng. Và trong bầu trời đó, không ngôi sao nào chịu thừa nhận mình là ngôi sao xấu. Con cháu chúng ta sẽ hỏi, các ông các bà đã đứng đâu trong cảnh máu xương của dân tộc? Các ông các bà đã làm gì trước những điêu linh thống khổ của Việt Nam trong thế kỷ 20?

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã vượt qua những chướng ngại quá khứ nặng nề đó. Ngay khi cầm bút viết dòng đầu tiên "Kính dâng lên Mẹ Việt Nam", ông đã không có ý định viết để đổ thừa, không có ý định viết để khoe khoang thành tích tù đày, và cũng không có ý định về mình hay viết cho mình. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ viết cho những người Việt Nam còn biết đau nỗi đau của đất nước dù họ đang ở đâu trên trái đất này. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ muốn tặng cho các thế hệ Việt Nam tương lai một cơ hội để nhìn khuôn mặt còm cõi của nhau, để nếm mùi nước mắt cùng mặn đang lăn trên má của nhau. Cuộc đời trầm luân thống khổ của ông từ trước cổng trời cho đến tầng cuối của địa ngục nhân gian, nói cho cùng, không phải là lý do của tác phẩm nhưng đó chỉ là cái cớ cho cuộc hành trình chữ nghĩa của ông mà thôi. Ông đã dùng khổ đau của mình để gióng kêu tiếng kêu trầm thống của dân tộc Việt Nam.

Tập bút ký được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất với tiểu đề Cuộc Đời và Bóng Đen. Trong phần này tác giả mô tả hình ảnh đầu đời của ông, sinh ra từ một gia đình nông dân và lớn lên trong bóng mát của ngôi nhà thờ Bưng Trường nhỏ nhoi xinh xắn, thuộc vùng quê của tỉnh Vĩnh Long. Thời thơ ấu của tác giả giống như các trẻ em miền Tây, gắn liền với đồng ruộng, với những đàn cá tung tăng trên sông rạch và những đàn chim, đàn chuột trên đồng. Cho đến khi 10 tuổi, lần đầu tiên cậu bé Lễ chứng kiến cảnh cốt nhục tương tàn xảy ra cho chính gia đình cậu khi hai người bà con, một đi lính cho Pháp và một đi kháng chiến chống Pháp đã giết nhau trên bờ ruộng. Thảm cảnh như một cơn bão nhỏ, tuy qua đi, nhưng tâm hồn của cậu bé Lễ cũng từ đó không còn vô tư trong trắng nữa. Cậu miên man suy nghĩ về lý do, về chính nghĩa, về Việt Minh, về thực dân Pháp. Họ là ai, họ từ đâu đến, bao giờ chiến tranh sẽ tàn trên quê hương cậu? Một ước muốn hiến dâng và tinh thần phục vụ con người, cũng từ đó, bắt đầu nhen nhúm trong lòng cậu. Tháng 8 năm 1963, cậu xin phép cha mẹ, từ giã đời sống của một thiếu niên trong gia đình nông dân êm ấm để trở thành một chủng sinh với tâm nguyện trở thành Linh Mục Thiên Chúa Giáo.

Khoảng thời gian ba năm, từ khi ông được thụ phong linh mục vào năm 1972 cho đến 1975, linh mục hai mươi bảy tuổi Nguyễn Hữu Lễ đã chứng kiến một thực tế xã hội miền Nam chiến tranh điêu linh với tất cả các phó sản tiêu cực do cuộc chiến tạo ra. Ông đã chứng kiến những bất công xã hội, nạn tham nhũng lộng hành trong các quận huyện hẻo lánh. Ông nhìn thấy cảnh máu Việt Nam đổ trên những cánh đồng lúa Việt Nam. Dù bên này hay bên kia, như ông đã viết trong Tôi Phải Sống, những giọt máu bất hạnh đó "đều có chung một huyết thống đó là Dòng Máu Việt Nam." Trên hành trình phục vụ, ông đã chọn đứng về phía những kẻ bị áp bức, những người dân thấp cổ bé miệng, những con người bị ngược đãi không được ai quan tâm chăm sóc. Ông không được ưa chuộng trong hàng linh mục thời bấy giờ, bởi vì ông thẳng thắng chống lại những kẻ gây nên hay bao che cho những bất công sai trái, dù họ là ai.

Biến cố ba mươi tháng Tư năm 1975 đã làm thay đổi khuôn mặt đất nước. Ba mươi tháng Tư như một nhát dao chém xuống cuộc đời đầy hy vọng của tuổi thanh niên. Ba mươi tháng Tư như cơn bão quét ngang qua những ngọn cây xanh vừa mới đâm chồi. Chiến tranh chết chóc đã được thay bằng nghèo đói, ngục tù. Tiếng rú của đạn bom được thay bằng tiếng khua của xiềng xích. Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi. Biển cả. Rừng sâu. Non mờ. Núi thẳm. Tiếng xích T54 tưởng như đã nghiền nát bao ước vọng đang đâm chồi nẫy lộc trong lòng vị linh mục trẻ. Những gian truân sau cuộc đổi đời tưởng đã xô ông ngả gục. Nhưng không. Nhà thơ Phùng Quán đã vịn thơ mà đứng dậy, còn ông, ông không làm thơ nhưng vẫn có một niềm tin son sắt vào chân lý của tình thương dân tộc. Ông đã vịn niềm tin dân tộc mà đứng dậy. Trong bóng đêm đất nước, ngọn diêm nhỏ của hy vọng trong lòng ông vẫn sáng. Ông tiếp tục chọn đứng về phía dân tộc, đi về phía dân tộc và tìm cách cứu dân tộc khỏi nanh vuốt vô thần. Ông bị bắt trong khi đang chuẩn bị những bước thăm dò đầu tiên trong con đường dài đó.

Từ buổi chiều cuối tháng 5 năm 1976 cho đến cuối năm 1988 là thời gian mà tác giả Nguyễn Hữu Lễ gọi là Chiếc Lá Giữa Dòng. Ông đã dành trên 400 trang trong phần 2 của tập bút ký, để kể lại hơn 12 năm trôi nổi giữa dòng đời, từ trại tạm giam đầu tiên ở Ban Mê Thuộc đến An Ninh Nội Chính, Phan Đăng Lưu, Gia Rây, Nam Hà, Cổng Trời, Thanh Cẩm.

Nếu độc giả nào nói với tôi rằng vị đó có thể đọc một mạch toàn bộ tác phẩm dày 650 trang của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như đọc một truyện dài đầy ly kỳ gay cấn, tôi sẽ không tin. Mặc dù rất dể bị cuốn hút vào câu chuyện hồi hộp và đầy bi tráng của ông, tôi đã nhiều lần phải dừng lại, để sách xuống và bước ra vườn. Tôi cần được thở, cần một chút gió và cần lấy lại bình tĩnh trước khi cùng đi với tác giả cho đến bước cuối cùng trong hành trình gian khổ của ông. Trước mắt tôi, hình ảnh của Linh mục Vũ Đức Khâm đang dọn mình rửa tội trong những lời kinh đọc vội vàng của Cha Lễ. Trước mắt tôi hình ảnh một tù nhân Nguyễn Hữu Lễ ốm yếu trong manh áo rách tả tơi, nằm co ro trong ngục đá của trại Cổng Trời, giữa cái rét căm căm của mùa đông Việt Bắc. Trước mắt tôi thân hình đẫm máu của cố Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và tiếng kêu đau xót của ông gởi về miền Nam xa xôi cho người mẹ già đang chờ đợi ông "Chắc con chết mất mẹ ơi" trước khi tắt thở dưới bàn tay độc ác của Bùi Đình Thi. Và bao nhiêu câu chuyện khác, chi tiết khác đã làm trái tim tôi nặng hơn, làm lòng tôi chùng xuống.

Tôi rất thường ca ngợi từ bi, bác ái và kêu gọi lòng nhân bản, bao dung trong những bài thơ, bài viết, bài nói chuyện của mình. Nhưng khi đọc tác phẩm Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tôi cảm thấy nghi ngờ sự thành thật và giá trị đạo đức trong lời kêu gọi của chính mình. Tôi chưa bước vào tù. Tôi chưa hề cầm súng. Tôi chưa ai hề bị ai đánh đập, chửi mắng, lăng mạ, bỏ đói, rẻ khinh. Việc nhân danh những điều tốt đẹp nhất trên đời, vì thế, đối với tôi là một việc dể dàng. Nhưng liệu tôi có thể tiếp tục ca ngợi từ bi, bác ái sau khi bị biệt giam suốt ba năm trong phòng kỹ luật ở trại tù độc ác nhất thế gian như trại tù Cộng Sản hay không? Liệu tôi còn có thể tiếp tục kêu gọi bao dung tha thứ sau khi bị đánh chết đi sống lại suốt ngày đêm hay không? Tôi không dám hứa. Nhưng Cha Lễ đã chịu đựng được, đã đứng lên được, không chỉ đứng lên như một linh mục, không chỉ đứng lên như một người Việt Nam, nhưng còn là một Linh Mục trung thành với lý tưởng cao cả của mình và như một người Việt Nam có con tim đầy ắp lòng nhân bản, vẫn ôm chặt vào lòng mảnh quê hương khốn khổ của ông.

Thưa quý vị. Trong tác phẩm Anna Karenina, văn hào Nga Leon Tolstoy đã viết: "Những kẻ có hạnh phúc thường giống nhau, nhưng đau khổ thì mồi người mỗi khác." Thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cũng đã từng viết: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Tại sao lại "mỗi người mỗi khác" ? Tại sao lại "ai có qua cầu mới hay"? Bởi vì, một lý do, niềm vui khi có một căn nhà đẹp, một người vợ hiền, một người chồng gương mẫu, một công việc tốt, một gia đình êm ấm bao giờ cũng dể dàng được thấy, được chia xẻ, được biểu lộ ra ngoài. Thế nhưng sự khổ đau thì khác. Đặc tính lớn của khổ đau là chịu đựng, riêng tư và câm nín. Khổ đau chỉ thức dậy khi mọi người đã ngủ yên. Khổ đau nhức nhối nhiều hơn trong những đêm vắng lặng. Khổ đau là những lời rên không để lại một âm vang, là những tiếng khóc không làm rơi nước mắt. Một lý do khác, quan trọng hơn, không giống như một vết đau trên xác thịt, mức độ thuyên giảm theo thời gian của một vết thương tâm linh thường tùy thuộc vào sự chịu đựng, khả năng để vượt thoát, hoài bảo để hướng đến những mục đích cao đẹp hơn, của kẻ bị thương. Saddam Hussein có một thời thơ ấu gian nan, bị người thân ruồng bỏ và lớn lên chỉ để trả thù đời, để trở thành một nhà độc tài hung bạo, giết người bằng hơi ngạt, bằng tra tấn dã man. Nelson Mandela chịu đựng gần 30 năm dài trong lao tù khốn khổ trên một hoang đảo xa xôi, nhưng vẫn giữ được tấm lòng nhân hậu, biết đến khi cần phải đến và biết đi khi cần phải ra đi, biết chọn cho mình cách sống khiêm cung, giản dị ngay cả khi trở thành Tổng Thống. Cái đẹp của một viên kim cương không phải chỉ nhờ vào sự trong sáng, rực rỡ bên ngoài nhưng còn tích chứa trong đó bao gian lao vất vả, mồ hôi nước mắt của những người thợ mỏ.

Nhà thơ Tô Thùy Yên đã viết trong bài thơ tổng kết một chặng đường tù đày đầy bi tráng của ông:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi


Sau mười năm tù tội, nhà thơ trở về. Hành trang của nhà thơ không phải là hận thù mang nặng trĩu trên vai nhưng là một lượng từ tâm bát ngát. Cám ơn cuộc đời, cám ơn cỏ cây, sông núi. Nhà thơ vẫn tìm được niềm an ủi ngay giữa lúc cô đơn tẻ lạnh nhất của một kiếp con người. Suốt 650 trang trong tác phẩm của một linh mục Công Giáo Việt Nam, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, cũng để mô tả một điều tương tự, rằng, từ trong tầng cuối cùng của địa ngục trần gian đen tối, ông đã tìm thấy một viên kim cương tình thương, bao dung, nhân bản mà dân tộc Việt Nam đang cần có. Từ vết thương đã mọc lên những bông hoa tuyệt mỹ của lòng bác ái và tâm hồn hướng thiện. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bước ra khỏi trại tù không phải như một kẻ được tha nhưng là một người chiến thắng. Đất nước đang lầm than nhưng đất nước vẫn còn đó và tấm thân của tác giả tuy trầy trụa, đau thương nhưng hơi thở chưa tắt và niềm tin chưa chết. Ông vẫn hãnh diện nói lớn rằng:

Lưng ta đời chém hàng trăm nhát

Còn đây nguyên vẹn một con tim


(thơ Trần Trung Đạo)

Để kết thúc tác phẩm, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ viết: "Những năm tù cũng cho tôi có dịp chia xẻ và sống với nỗi đau thương chung của Dân Tộc, mà nếu không trải qua kinh nghiệm đó, có lẽ tôi không biết hoặc biết rất hời hợt về số phận đau thương của đồng bào Việt Nam. Qua đó, tôi thương và gắn bó với dân tộc tôi nhiều hơn." Đúng vậy, tôi rất đồng ý với Cha. Mẫu số chung tinh thần dân tộc vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo, thế hệ, trong hay ngoài nước. Cái chung tinh thần đó, có thể đang sôi sục trong lòng Cha hay tạm ngủ quên trong lòng tôi, lòng anh chị nhưng chắc chắn đã và đang hiện hữu trong mỗi người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước. Nếu chúng ta biết đánh thức cái chung tinh thần đó dậy, sống trọn vẹn với cái chung đó, tôi tin rằng đại gia đình dân tộc Việt Nam sẽ sớm một ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam không hề đặt bút ký thỏa ước Patenotre, hiệp ước Geneve hay hiệp định Paris. Tất cả chỉ là sự áp đặt của các đế quốc đã diễn ra dưới nhiều hình thức trong những thời điểm khó khăn của vận mệnh đất nước. Trong hơn một thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam liên tục là nạn nhân đáng thương, bị xâm lược bởi các ý thức hệ ngoại lai vong bản. Không một người Việt Nam yêu nước nào muốn thấy quê hương chìm đắm và tiếp tục chìm đắm trong lạc hậu, độc tài triền miên như hiện nay.

Buổi sáng hôm nay, khi ngồi viết phần kết luận cho bài viết về tác phẩm Tôi Phải Sống của Cha Nguyễn Hữu Lễ, tôi chợt nhớ ra, tôi đang sống trong một ngày quan trọng của lịch sử Việt Nam. Hôm nay là ngày 1 tháng 11. Tôi tự nhủ, giờ này, những ngôi chùa Phật Giáo chắc đang có lễ cầu siêu cho hương linh các thánh tử đạo đã dâng hiến nhục thể để tranh đấu cho quyền bình đẳng tôn giáo trong mùa Pháp Nạn 1963. Giờ này, trong nhiều thánh đường Việt Nam chắc cũng có lễ cầu nguyện cho anh linh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các bào đệ của ông. Và giờ này, những mái tóc bạc Việt Nam của thế hệ 1963, nếu còn sống, đang ngồi ôn lại câu chuyện buồn lịch sử trong căn nhà riêng ở California, Paris, Berlin hay trên khung gát hẹp Việt Nam nào đó. Bốn mươi năm đã trôi qua. Tôi tự hỏi trong số những người đang nhìn lui, nhìn lại 40 năm trước, liệu có ai đang nhìn vào 40 năm sắp tới hay không. Quá khứ quan trọng nhưng không ai có thể sống bằng quá khứ. Trong lòng tôi chợt dấy lên một ước mơ. Tôi mơ một ngày không xa, tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi sáng ngày 1 tháng 11 mỗi năm, không phải chỉ để cầu nguyện cho anh linh của Bồ Tát Quảng Đức, nữ sinh Quách Thị Trang, sinh viên Nhất Chi Mai, v.v. mà thôi, nhưng còn cầu nguyện cho anh linh của cố Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa và các bào đệ của ông được yên nghĩ trong cõi vĩnh hằng. Và tương tự, hòa nhịp trong tiếng chuông nhà thờ đang đổ chậm, không chỉ là lời cầu nguyện cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm và hai bào đệ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn mà còn cho những người Phật Tử, những người Việt Nam không phải là Công Giáo, đã chết trong mùa bão lửa 1963. Trong chúng ta, có thể có người còn e ngại để nói lên điều đó, nhưng trong đáy lòng, tôi tin, đều ấp ủ một giấc mơ chung tuyệt vời như thế. Bởi vì, cuối cùng, máu là máu Việt Nam, nước mắt là nước mắt Việt Nam và tương lai là tương lai của dân tộc Việt Nam, đúng như Cha Nguyễn Hữu Lễ đã kết luận trong tác phẩm của ông: "Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh Dân Tộc". Trong cùng tâm thức đó, tôi xin được trân trọng giới thiệu đến quý vị và độc giả bốn phương tập bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.

trantrungdao@aol.com

http://www.trantrungdao.com