Bên cạnh chức vụ phó chủ tịch Ngân hàng thế giới, ông Michael Klein còn là Chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty tài chính quốc tế, gọi tắt là IFC.

Đây là cơ quan thuộc Ngân hàng thế giới có mục tiêu thúc đẩy hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân tại các nước đang phát triển.

Deepak Khanna, đại diện của IFC tại Việt Nam, giải thích vì sao IFC muốn đẩy mạnh hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân tại đây:

"Vào lúc Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, vấn đề cạnh tranh trở nên quan trọng hơn. Ngân sách nhà nước cũng như viện trợ nước ngoài có thể trở nên không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực điện năng."

" Vì thế chúng tôi muốn xem xét liệu có thể giúp để khu vực tư nhân đóng một vai trò chia sẻ gánh nặng cho nhà nước và các nhà tài trợ."


Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Michael Klein sẽ gặp các quan chức tại TP.HCM và Hà Nội.

Vận động cho khu vực tư nhân

Ông sẽ giới thiệu về báo cáo thường niên mang tên Làm kinh doanh năm 2004.

Mục đích chính của bản báo cáo là tìm hiểu xem đất nước nào kiểm soát hoạt động kinh doanh chặt chẽ nhất và liệu sự kiểm soát này đem lại hiệu quả hay nó tồn tại chỉ vì tính trì trệ.

Theo bản báo cáo, những nước nghèo là những nước kiểm soát doanh nghiệp nhiều nhất.

Tại Úc, để đăng ký một doanh nghiệp, người ta mất hai ngày, còn nếu tại Haiti người ta sẽ mất 203 ngày.

Cũng theo báo cáo, sự kiểm soát chặt chẽ thường đi đôi với sự yếu kém của các định chế nhà nước và khiến thất nghiệp và tham nhũng tăng cao.

"Báo cáo này tìm hiểu xem môi trường kinh doanh tại Việt Nam có thuận lợi và khuyến khích các nhà đầu tư hay không, dựa trên các tiêu chí như đăng ký mở doanh nghiệp, tuyển dụng hay sa thải nhân viên, hoạt động cho vay. Nó mô tả một bức tranh đa chiều về Việt Nam."

"Thí dụ một trong những câu hỏi của IFC là liệu khi cho vay tiền ở Việt Nam thì người ta có dễ thu hồi vốn hay không, có dễ nhờ đến tòa án không. IFC đặt ra thang điểm từ 0 đến 4, điểm 0 là tệ nhất. Việt Nam bị chấm điểm 0. Để tham khảo, thì điểm trung bình của các nước là 1.9 trong khi Trung Quốc đạt điểm 2."

"Còn trong vấn đề mở một doanh nghiệp có dễ dàng hay không, thì Việt Nam đứng ở giữa bảng trong số 130 quốc gia."


Kiểm soát của nhà nước

Đầu năm nay, một báo cáo khác của IFC nói doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn bị cản trở vì sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

Theo các chuyên gia, những đợt thanh tra liên tục và thuế cao khiến nhiều doanh nghiệp chọn lựa nhiều cách để lách luật.

Báo cáo này ước tính cứ mỗi đôla trong tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam, thì 50 cent là các giao dịch phi chính thức.

Chuyến thăm lần này của ông Michael Klein dự kiến sẽ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân.

Theo giáo sư Jonathan Haughton, đại học Suffolk, thì đây không phải là điều dễ dàng:

"Quan điểm chính thức của Việt Nam là nhà nước khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển. Vì thế tôi nghĩ trong cuộc gặp, các quan chức, sẽ nói chúng tôi hoan nghênh bản báo cáo, rằng nó cho thấy nhiều điều còn chưa hoàn thiện và gợi ý về các biện pháp cần làm."

"Thế nhưng đằng sau các ngôn từ lịch sự, thì theo tôi, các doanh nghiệp nhà nước không thật sự muốn có nhiều thay đổi mà nếu diễn ra, chúng sẽ giúp khu vực tư nhân trở nên cạnh tranh hơn."


Đây không phải là lần đầu tiên IFC kêu gọi Việt Nam đẩy mạnh cải cách và đối với nhiều người tại Việt Nam, những chi tiết trong báo cáo Làm kinh doanh năm 2004 không phải là điều gì mới.

Câu hỏi thật sự là liệu những thay đổi sẽ diễn ra ở mức độ nào và chúng có được thực thi hay không.

Nhiều vấn đề trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam không xuất phát từ chủ trương của cấp bộ hay chính phủ, mà lại nằm ở các cấp tỉnh và địa phương.

Chính những cơ quan ở các cấp này mới là nơi thực thi các thay đổi mà luật pháp yêu cầu. (BBC)