Giáo họ An Thái là một trong 12 giáo họ của giáo xứ Nam Lỗ thuộc giáo phận Thái Bình.

Nhà Thờ giáo họ An Thái được khởi công xây dựng lại, mới hoàn toàn từ năm 2012. Do linh mục quản xứ Nam Lỗ Đaminh Nguyễn Văn Quát làm phép viên gạch nền móng góc tường.

Qua một thời gian thi công dài hơn 2 năm, đến năm 2014 nhà thờ đã hoàn thành, và Khánh Thành vào thứ Năm, ngày 01 tháng 5 năm 2014, lễ kính Thánh Giuse Lao Động bổn mạng của giáo họ,

Nhà thờ được xây cất lại, sau quá trình hơn 70 năm bị xuống cấp trầm trọng và bị xập đổ nhiều chỗ. (Xin đọc Lịch Sử Giáo Họ phía dưới).

Chương trình thi công xây cất nhà thờ mới, do nguồn tài chánh dâng cúng của những người con đồng hương thân yêu, gốc từ giáo họ An Thái hiện đang định cư ở Hải Ngoại đóng góp và dâng cúng. Đặc biệt như gia đình cụ Cố Giuse Nguyễn Văn Vượng và các con cháu chắt ở bên Úc Châu đã đóng góp rất nhiều, cung cấp nguồn tài chánh hầu hết cho các kinh phí của công trình xây dựng và kiến thiết nhà Chúa, lại còn thường xuyên về quê thăm, nom, cổ động và tích cực hỗ trợ, từ khởi đầu cho đến hoàn thành.

Trước khi cụ Cố Giuse Nguyễn Văn Vượng qua đời năm 2010. Ngài có trối trăn lại cho con cháu, là phải trùng tu hoặc xây dựng lại ngôi thánh đường hương hỏa của tổ tiên để lại. Các con cháu của cụ Cố đã làm theo di chúc và vận động thêm một số ân nhân khác nữa phụ giúp.

Ngày khánh thành nhà thờ giáo họ An Thái có sự hiện diện của bà Cố Maria Nguyễn Thị Liễu (bà Cố Vượng) và các con cháu từ Úc về tham dự. Mặc dù bà Cố năm nay đã 94 tuổi, nhưng Ngài cũng đã cố gắng bằng mọi giá về quê cố hương để cùng con cháu tham dự Lễ Khánh Thành nhà thờ, chứng kiến tận mắt ngôi Thánh Đường quê hương, khang trang và xinh đẹp, mới được xây cất xong, do Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang nguyên giám mục giáo phận Thái Bình cắt băng khánh thành, cùng với 16 linh mục đồng tế.

Đa số các linh mục đồng tế trong ngày Lễ Khánh Thành đều thuộc con cháu, dòng họ của ông bà Cố Giuse Nguyễn Văn Vượng, đến từ trong Nam, ngoài Bắc và cả ở Hải ngoại nữa. Cụ Cố Vượng là cháu, hậu duệ đời thứ III của dòng họ cụ Hậu Thứ.

Sau Thánh Lễ cắt băng khánh thành là tiệc mừng khoản đãi tất cả quan khách và giáo dân của giáo họ, cùng với một số bà con dân làng An Thái.

XEM HÌNH THI CÔNG NHÀ THỜ

XEM HÌNH KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ

Lịch sử "GIÁO HỌ AN THÁI"Giáo Xứ Nam Lỗ

Nằm trên triền sông Tiên Hưng và bờ bên kia là nhà xứ Nam Lỗ, làng An Thái trải dài như cùng con sông uốn mình bao quanh nhà thờ giáo xứ.

Trong ngôi làng an bình và thư thái này có một họ đạo và một ngôi nhà thờ rất nên thơ. Đó là nhà thờ giáo họ An Thái.

Làng An Thái thuộc tổng An Lạc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Nay là thôn An Thái, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào nơi đây và trổ sinh rất tốt đẹp.

Cuối Thế kỷ 19, mới có một gia đình Công Giáo là gia đình cụ Đaminh Trần Văn Thứ (cụ Hậu Thứ), cụ bà là Maria Nguyễn Thị Đang, với hai người con trai và một người con gái là cụ Lang Khiêm và cụ Chánh Lễ và bà trùm Phúc.

Các cụ làm nghề thầy lang thuốc Đông y, cứu chữa được nhiều người. Vả lại các cụ là người phúc đức, nên được dân làng mến chuộng. Cụ bà lại rửa tội được nhiều trẻ em và người lớn hấp hối. Một số sau này bình phục đã theo Đạo. Ít lâu sau lại có thêm gia đình cụ Đaminh Bôi, cụ Đaminh Dựa là em ruột của cụ Hậu Thứ và Đaminh Nghĩa từ Tịnh Xuyên đến định cư. Tiếp đó lại có một số gia đình các cụ khác nữa tới đây. Đó là các cụ phó Tằng, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ Nhị, cụ cán Viêng, cụ cai Tề, cụ Hảo, cụ Thử và cụ Chuyên..v.v…

Theo sử ký địa phận Trung xuất bản năm 1916, thì năm 1908 nơi đây đã hình thành một họ giáo tân tòng, họ An Thái thuộc về xứ Nam Lỗ. Cụ Hậu Thứ làm trùm và ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ được dựng lên, trên mảnh đất diện tích 5 sào, do gia đình cụ tiến cúng. Nhà thờ này kính thánh Đaminh.

Năm 1916, họ tân tòng An Thái có 33 nhân danh. Cộng đoàn phát triển tốt đẹp. Sau cụ Hậu Thứ, đến các cụ trùm Thử, cụ trùm Khiêm, cụ trùm Nhung, cụ trùm Lễ, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ trùm Linh, cụ trùm Khoát, cụ trùm Huyên, cụ trùm Nghị…

Năm 1944, dân họ đã lên tới 45 gia đình và gần 200 nhân danh. Ngôi nhà thờ đã trở nên chật hẹp. Với sự giúp đỡ của gia đình và con cái của cụ Hậu Thứ, ngôi nhà thờ mới được xây dựng. Ngôi nhà thờ cũ được bán cho Ninh Cường, Bùi Chu, và mua nếp nhà thờ mới của Cát Bi, do thầy Triệu giới thiệu.

Dân vùng Cát Bi tháo dỡ giùm, rồi đem gửi nơi nhà thờ Sâm Bồ ở Hải Phòng. Các cụ kể lại: nhà thờ Sâm Bồ đang xây dựng, thì bị người Nhật bắt phá dỡ đi, để làm sân bay Cát Bi. Do đó họ mới bán cho mình với giá $42. Cụ cố Vượng hiện đang định cư ở Úc cũng đã tham gia tháo dỡ. Lúc đó cụ cố Vượng đang làm thư ký giáo họ… Khi xây dựng nhà thờ An Thái thì gặp nạn đói. Họ giáo gặp khó khăn. Dân làng cũng như dân họ giáo chết đói và phiêu bạt đến 1/3. Thợ làm phải ăn cháo. Ông phó Xoan làm phó cả, thợ thuyền thì thật là gian truân. Cây tháp Nhà thờ đang xây thì bị lún, không giám xây lên tầng nữa, phải ngưng tại đây, để xây chóp. Sau đó mua quả chuông Nam từ giáo xứ Phục Lễ về treo. Lúc này cụ trùm Linh làm trùm họ. Ngôi nhà thờ mới này đã nhận Ông Thánh Giuse làm bổn mạng.

Nhà thờ vừa xây xong thì gặp nạn vỡ đê Hà Xá (1945), nước ngập hết móng nhà thờ, ngâm nền nhiều ngày dưới nước, mới rút.

Tiếp đó, năm 1947 để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, nhà thờ An Thái cũng như nhà thờ Khuốc bị bắt buộc trở thành kho chứa muối của quân kháng chiến. Thời điểm này cụ trùm Khoát đương nhiệm. Cụ Huyên làm Chánh kiểm hàng xứ. Cụ Huyên đã đề nghị để muối xa chân tường và chân cột. Tuy vậy muối vẫn làm hư hại lớn đến công trình nhà thờ và ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Tường bị muối phá huỷ, áo tường bị rữa, mặc dù đã sửa chữa nhiều lần. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của sự rung chuyển của bom đạn thời chiến tranh, tường bị nứt, kèo bị giãn. Độ đứng của tường đã bị rã ra ngoài ở hai gian cuối, tới cả chục centimet.

Năm 1954, cụ trùm Nghị đương nhiệm. Biến cố di cư, họ giáo ra đi vào Nam quá đông. Chỉ còn lại 17 gia đình với 85 nhân khẩu. Ông quản Lịch lên làm trùm chánh, ông Đức làm trùm phó. Tuy còn ít người, nhưng trong họ giáo vẫn duy trì sinh hoạt kinh sách hàng ngày và gìn giữ nguyên vẹn ngôi thánh đường cũng như 5 gian nhà Phòng, cho dù có gặp khắc nghiệt của xã hội và nhiều khó khăn khác.

Năm 1958-1959, lát gạch nền nhà thờ và xây bậc thềm cuối nhà thờ.

Năm 1963, các vì kèo trong nhà thờ bị giãn. Cha già Uyên và Đức Cha Đinh Đức Trụ cho họ giáo 6 cây sắt phi 30 để khoá giằng các đầu cột lại. Lúc đó cụ Tạo làm trùm họ.

Năm 1968, nhà thờ bị sập cột và đổ hai gian đầu. Lúc đó đang chiến tranh, ông trùm Nghiên đương chức bị bệnh nặng và qua đời. Giáo dân phải chuyển tượng ảnh và đọc kinh dưới nhà Phòng suốt 2 năm trời. Cụ Lâm lên làm trùm, mãi 2 năm sau mới sửa lại được 2 gian đầu nhà thờ. Một điều lấy làm lạ, là 2 lần: Khi giáo dân đang đọc kinh cầu nguyện trong nhà thờ khá đông, thì những miếng của vì kèo chắp nối bằng gỗ nặng hàng tạ, từ trên đầu cột rớt xuống mà không trúng vào ai.

Năm 1978, ông trùm Trắc đương nhiệm. Trong họ giáo lại có 4 hộ với 17 khẩu đi kinh tế mới ở Đắc Lắc.

Cụ Tạo lại tiếp tục làm trùm. Thời điểm này có chính sách quy hoặch nông thôn. Một số gia đình xung quanh nhà thờ phải chuyển qua đê bên bờ sông. Miếu, Đình cũng chuyển hết đi nơi khác. Nhà nước đưa một đội máy ủi, máy gạt về san phẳng khu vực này thành ruộng cấy. Riêng ngôi nhà thờ thì khi máy ủi vào ủi bên hông nhà thờ và đưa đất xuống lấp ao. Đến đường ủi thứ hai thì máy ủi bị chết máy. Nhân cơ hội đó, cụ Tạo đã đề nghị với lãnh đạo của đội máy về việc san ủi như vậy sẽ đổ nhà thờ. Họ trả lời là chỉ làm theo lệnh cấp trên, ông lên tỉnh mà hỏi.

Cụ Tạo đã lên ngay huyện Đông Hưng gặp Công an và Mặt trận huyện. Các vị trả lời, ông cứ về, làm theo đề nghị của các ông, chúng tôi sẽ điện về ngay. Khi cụ Tạo về đến nhà thì mọi sự đã được yên ổn. Vài ngày sau, đội máy cho chiếc máy khác đến kéo chiếc máy chết đi. Nhưng không phải kéo, chiếc máy ủi lại nổ máy và ra ngoài khu vực thánh đường.

Từ đấy đến nay khu vực thánh đường được ổn định. Riêng thửa ruộng ở ngoài đồng thì bị xung công mất 2 sào 5 thước ở bờ La và 1 sào ở bờ sông gọi là Vườn Vải Ông Thánh, Bến Ông Thánh.

Năm 1983, nhà thờ bị giột nhiều và hư hỏng nặng. Cha chính Cẩm và Đức Cha Đinh Bỉnh đã giúp họ giáo lợp lại toàn bộ mái ngói nhà thờ.

Năm 1984-1989 ông trùm Cường lên làm trùm, đã cho lợp lại mái ngói nhà Phòng.

Đầu năm 1990, ông Hiện làm trùm. Họ giáo gặp khó khăn. Vốn quỹ không còn gì. Trong khi nhà thờ lại hư hỏng nặng: mối mọt toàn bộ hoành rui, không có khả năng đứng vững được nữa. Dân họ ra công làm gạch, ngói để sửa nhà thờ. Với sự giúp đỡ của cha chính Cẩm và Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, họ giáo nung được 5 vạn cục gạch và 2 vạn ngói, mua được 5 khối rưỡi gỗ lim. Nhờ vậy đã thay sửa được hoành rui hư hỏng và sửa lại được mái ngói.

Năm 1991, xây hai bờ tường, bao bọc khuôn viên nhà thờ.

Năm 1992 làm thêm 7 vạn viên gạch và năm 1993 xây 800m vuông sân xung quanh nhà thờ cùng với dậu xung quanh sân.

Năm 1994, mua được quả chuông tây nặng 180 Kg. Thời điểm này họ giáo có 31 gia đình và 131 nhân danh. Lúc này họ giáo hàng tuần thường xuyên có Thánh lễ.

Năm 1995, với sự giúp đỡ của ông bà Vân (ở Hoa Kỳ) họ giáo làm bàn thờ dâng lễ mới, đóng toàn bộ cánh cửa nhà thờ, tủ áo lễ, một số ghế trong nhà thờ.

Năm 1996, ông Thấu lên làm trùm. Thời kỳ này cha Giuse M. Trần Đức Hạnh từ Thuần Tuý qua phụ trách giáo xứ. Họ giáo lại làm thêm 6 vạn cục gạch nữa để chuẩn bị xây nhà Giáo lý.

Năm 1997, đặt tượng Thánh Quan Thầy ở trên phía trước cuối nhà thờ, do ông bà Kỷ dâng cúng.

Năm 1998, ông trùm Hiện lại tái nhiệm. Ông Ngưu tiếp tục làm thư ký họ giáo khoá thứ ba (18 năm).

Năm 2000 đúc lại chuông và mua thêm một quả chuông mới, xây nhà Giáo lý.

Năm 2004 lát toàn bộ gạch men trong nền nhà thờ, sửa sân khấu cuối nhà thờ, với sự hỗ trợ của gia đình cụ Cố Nguyễn Văn Vượng ở Úc Châu. Lúc này cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Quát đã về xứ. Ông trùm Oanh đương nhiệm từ 15-8-2004 đến 15-8-2008.

Gia đình cụ Cố Vượng còn dâng cúng toàn bộ băng ghế ngồi và bàn qùi cho các tín hữu tối sớm đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, một đàn Organ cộng với các bộ sách Thánh ca cho ca đoàn, máy vi tính cho văn phòng giáo họ cũng như 1 máy phát điện dùng để phục vụ các Thánh Lễ, mỗi khi bị cắt điện.

Hiện nay trong họ giáo còn 48 gia đình và 165 nhân danh, trên tổng số gần 1,000 dân cư của làng An Thái.

Vài dòng sơ lược về họ giáo An Thái. Còn nhiều nữa, không thể nói hết được những nét đẹp của cộng đoàn này. Chúng ta có thể nói rằng: Họ giáo An Thái có được như ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của các đấng bậc, các ân nhân xa gần, còn có một yếu tố quan trọng là sự hy sinh cố gắng cao độ của các Ban Hành Giáo cũng như bà con trong họ giáo qua mọi thời kỳ. Nhất là trong những giai đoạn khó khăn, cùng với sự hỗ trợ đóng góp tích cực của bà con hải ngoại, gốc cố hương An Thái nữa.

Nhờ lòng đạo đức nhiệt thành của tiền nhân và những hy sinh dân họ mà họ giáo tuy nhỏ và tân tòng mà nay cũng đã đóng góp cho Hội Thánh một số những người con ưu tú, gốc gác từ giáo họ An Thái đó là:

-Một linh mục đang phục vụ tại Úc châu

-Một linh mục Dòng Ngôi Lời đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

-Một Thầy Dòng Thánh Tâm Úc Châu, đang đi giúp xứ và sắp sửa lãnh nhận thiên chức linh mục

Giáo họ còn có 3 người con là các nữ tu, gốc gác quê hương An Thái:

-Một nữ tu Dòng Đức Bà truyền giáo Paris, đang phục vụ tại Phi châu.

-Một nữ tu Dòng Trinh Vương Việt Nam tại Úc Châu, đang phục vụ tại Sydney.

-Một nữ tu đang phục vụ tại giáo phận Phú Cường.

Ngoài ra còn một số mầm non ơn gọi đang gây trồng và phát triển.

Hy vọng với truyền thống tốt đẹp sẵn có, cộng đoàn An Thái sẽ lớn lên trong tình yêu Chúa mỗi ngày.