Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.

Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.

Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có khâm sứ Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Giuseppe Lazzarotto, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.

Đức Thượng Phụ đã làm phép lửa và nến Phục sinh tại ngôi mộ trống.

Sau các bài đọc chuông nhà thờ đã được kéo rộn rã trong khi cộng đoàn cùng hát Kinh Vinh Danh.

Tin Mừng Phục sinh cũng đã được tuyên đọc trước ngôi mộ trống.

Kết lễ, cộng đoàn đã hát vang bài Alleluia và vỗ tay chúc mừng Phục sinh cho các vị trong đoàn đồng tế.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong khi đó tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dẫn đầu một đoàn rước bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước sẽ diễn ra trong bóng tối, chỉ được chiếu sáng bởi một cây nến tại bàn thờ.

Giảng trong thánh lễ Vọng Phục Sinh Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng về sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô bắt đầu với hành trình của những người phụ nữ đến mộ vào lúc bình minh vào ngày kế tiếp ngày Sa-bát. Họ đi đến ngôi mộ để chăm sóc cho thi hài của Chúa, nhưng họ nhận thấy ngôi mộ đã mở toang ra và trống rỗng. Một thiên thần oai vệ nói với họ: "Đừng sợ !" (Mt 28:5 ) và truyền cho họ hãy đi và nói với các môn đệ rằng "Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông." ( câu 7). Những người phụ nữ vội vã lên đường và trên đường đi Chúa Giêsu đã gặp họ. Ngài nói: "Đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó" (câu 10).

Sau cái chết của Thầy, các môn đệ đã tản mác; đức tin của họ đã bị lung lay hoàn toàn, tất cả mọi thứ dường như đã kết thúc, tất cả những xác tín của họ đã sụp đổ và hy vọng của họ đã chết. Nhưng giờ đây thông điệp của những người phụ nữ, tự nó là không thể tin được, đến với họ như một tia sáng trong bóng tối. Tin tức loan đi: Chúa Giêsu đã sống lại như Ngài đã phán. Và sau đó có cả lệnh truyền của Ngài hãy đi Galilê. Những người phụ nữ đã nghe lệnh truyền này hai lần, lần đầu tiên từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: "báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó ".

Galilê là nơi mà các tông đồ lần đầu tiên gặp Chúa, nơi mà mọi thứ bắt đầu! Trở lại đó, tức là quay trở lại nơi mà họ được kêu gọi ban đầu. Chúa Giêsu đã đi bộ dọc theo bờ hồ trong khi những ngư phủ này đang thả lưới. Ngài đã kêu gọi họ, và họ đã bỏ mọi sự mà theo Người (x. Mt 4:18-22 ).

Trở về Galilê có nghĩa là đọc lại tất cả mọi thứ trên cơ sở của thánh giá và vinh quang của thánh giá. Đọc lại tất cả mọi thứ - những lời rao giảng của Chúa, các phép lạ của Ngài, cộng đoàn mới, những phấn khích và đào tẩu, ngay cả sự phản bội - đọc lại tất cả mọi thứ bắt đầu từ cái sau cùng, dưới ánh sáng của hành động là tuyệt đỉnh của tình yêu. Đó là một khởi đầu mới.

Đối với mỗi người chúng ta cũng có một "Galilê" là nguồn gốc cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. "Đi đến Galilê " có nghĩa là một cái gì đó rất đẹp, nó có nghĩa là tái khám phá bí tích rửa tội của chúng ta như một suối nguồn sự sống, là kín múc năng lượng mới từ nguồn mạch đức tin và kinh nghiệm Kitô của chúng ta. Trở về Galilê trên tất cả có nghĩa là trở về với ngọn lửa mà ân sủng của Thiên Chúa đã chạm vào tôi lúc bắt đầu cuộc hành trình với Ngài. Từ ngọn lửa đó tôi có thể đốt lên ngọn lửa cho ngày hôm nay và cho mỗi ngày, và mang lại sức nóng và ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa này loé lên một niềm vui khiêm nhường, một niềm vui mà u sầu và đau khổ không thể làm mất tinh thần, một niềm vui tốt lành và nhẹ nhàng.

Trong đời sống của mỗi Kitô hữu, sau phép rửa tội cũng có là một “Galilê” hiện sinh hơn: đó là kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô Đấng đã gọi tôi theo Ngài và chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Theo nghĩa đó, trở về Galilê là lưu giữ trong trái tim tôi ký ức sống động về lời mời gọi, khi Chúa Giêsu đi ngang qua tôi, nhìn tôi chăm chú với lòng thương xót và gọi tôi theo Ngài. Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về thời điểm khi mắt Ngài gặp gỡ mắt tôi, thời điểm khi Ngài làm tôi nhận ra rằng Ngài yêu thương tôi.

Hôm nay, tối nay, mỗi người chúng ta có thể hỏi: Galilê của tôi là gì ? Galilê của tôi ở đâu? Tôi có nhớ nó không? Hay tôi đã quên nó rồi? Hay tôi đã đi chệch khỏi những con đường cho nên tôi đã quên nó? Lạy Chúa, xin giúp con: cho con biết Galilê của con ở đâu; vì Chúa muốn con trở lại đó gặp Chúa và để cho con được ôm ấp bởi lòng thương xót Chúa.

Tin Mừng Phục Sinh rất rõ ràng: chúng ta cần phải trở lại đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành chứng nhân phục sinh của Người. Điều này không phải là đi ngược thời gian; nó không phải là một loại hoài niệm quá khứ. Nó là trở lại với mối tình đầu của chúng ta với Chúa, để nhận được ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã nhen nhóm trong thế giới này và mang ngọn lửa ấy đến cho tất cả mọi người, khắp cùng bờ cõi trái đất.

"Galilê của dân ngoại" (Mt 4:15; Is 08:23 ) ! Chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; mong muốn mãnh liệt của cuộc gặp gỡ. .. Nào chúng ta hãy lên đường! "