Giải đáp phụng vụ: Trong Thánh Lễ đại triều của Giám Mục, tại sao nhà tạm lại để trống?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đã đến tham dự lễ Thêm sức ở một giáo xứ. Việc đầu tiên mà tôi chú ý là đèn nhà tạm không được thắp sáng, và nhà tạm được để trống. Sau thánh lễ ấy, tôi hỏi vị linh mục tại sao lại như vậy, và cha trả lời rằng vị Giám Mục, do Ngài có sự viên mãn của chức linh mục, nên mỗi khi Ngài cử hành phụng vụ, chẳng hạn ban phép Thêm sức, cần rõ ràng là sự viên mãn của bí tích là ở trong Ngài. Tôi chưa bao giờ gặp thấy tập tục này trước đó. Tôi xin hỏi cha là tập tục ấy phổ biến như thế nào?. - E. R.


Đáp: Đây là một quy luật phức tạp mà ngay cả nhiều vị Giám Mục cũng không biết. Nó được quy định trong Sách Nghi Thức Giám Mục dành cho các nhà thờ chính tòa và trong một số trường hợp khác.

Sách Nghi Thức Giám Mục nói:

"49. NHÀ TẠM, theo truyền thống ngàn đời vẫn giữ tại các nhà thờ Chính tòa, thì khuyên đặt ở cung nguyện tách với lòng giữa nhà thờ.

Nhưng nếu trong trường hợp đặc biệt, nhà tạm đã đặt trên bàn thờ nơi Giám Mục sắp cử hành phụng vụ, thì phải đưa Mình Thánh đến nơi xứng đáng khác” (Bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Qui định này không phải là mới. Cẩm nang nghi thức cho hình thức ngoại thường của các tac giả A. Fortescue , JB O'Connell và A. Reid cho biết, khi nói về Thánh lễ đại triều với Ngai tòa Giám mục: “Nếu Mình Thánh được cất giữ trên bàn thờ cao của nhà thờ, Mình Thánh cần được đưa đến một cung nguyện hoặc bàn thờ cạnh nếu có thể được, trước khi Giám Mục cử hành Thánh lễ”.

Một số chuyên viên phụng vụ gần đây nói rằng quy định này không nhất thiết áp dụng cho nhà tạm trong khu vực cung thánh, nhưng nằm xa bàn thờ.

Tiếp sau việc công bố Sách Nghi Thức Giám Mục, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 274, đã bổ sung nhiều chi tiết đối với trường hợp có một nhà tạm trong khu vực cung thánh:

"Nếu nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải bái gối, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không bái gối trong lúc cử hành Thánh Lễ. Ngoài ra, mọi người bái gối khi đi ngang trước Thánh Thể, trừ phi khi đi kiệu” (Bản dịch tiếng Việt của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Tuy không nhắc đến các Giám Mục, rất có thể rằng quy định trên liên quan đến sự bái gối cũng sẽ được áp dụng cho các Ngài trong trường hợp cụ thể này.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các mô tả của nghi thức trong thánh lễ đại triều của Giám Mục thường suy đoán sự hiện diện của một cung nguyện Thánh Thể, chứ không phải nhà tạm trong khu cung thánh.

Vì vậy, khi mô tả đoàn kiệu vào Thánh Lễ của vị Giám Mục, số 128 của Sách Nghi thức nói: " Đoàn kiệu có đi qua cung nguyện để Mình Thánh, cũng không dừng lại và cũng không bái gối” (Bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Vì vậy, trong khi dường như không có một quy luật tuyệt đối, đã có một truyền thống vốn cho phép cất Mình Thánh khỏi khu vực cung thánh, khi một lễ đại triều được cử hành bởi một Giám Mục, đặc biệt là Đấng Bản quyền địa phương.

Lý do thần học đằng sau tập tục này là người ta nhấn mạnh vai trò của Giám Mục như là vị thượng tế của đoàn chiên của mình. Huấn thị "Redemptionis Sacramentum" (Bí Tích Cứu Độ) nói:

"19. Giám Mục giáo phận là người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài, là người tổ chức, chủ xướng và gìn giữ cả đời sống phụng vụ. Quả thực, “Giám Mục, được nhận đầy đủ bí tích Truyền Chức thánh, lãnh trách nhiệm phân phát ân sủng của chức tư tế tối cao”, đặc biệt là trong Phép Thánh Thể mà chính ngài dâng hoặc đảm bảo cho việc hiến dâng, và từ đó liên tục phát sinh cho Giáo Hội sức sống và tăng trưởng”.

“20. Giáo Hội được biểu lộ nhất là mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trọng thể, chủ yếu là tại nhà thờ chánh toà, “cùng với toàn thể dân thánh Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và linh động, […] trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ toạ của Giám Mục”, có linh mục đoàn, các phó tế và những thừa tác viên khác bao quanh. Hơn nữa, “mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể đều do Giám Mục điều khiển, vì ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô giáo và có phận sự điều hành việc phụng tự đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật của Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để đem lại cho những lề luật đó những quy định mới phù hợp với giáo phận mình” (Bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Như thế, việc để trống nhà tạm nhấn mạnh vai trò Giám Mục giáo phận như là "người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương" và như là một người điều khiển "mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể". Ngoài ra, đó là một dấu hiệu cho thấy rằng Chúa Kitô ban phép Thánh Thể qua thừa tác vụ Giám Mục, như là sự viên mãn của chức linh mục, và để phản ánh bản chất của Giáo Hội như là sự hiệp thông bí tích.

Đối với Giám Mục, dấu hiệu này là một lời nhắc nhở khiêm nhường về trách nhiệm cao cả của Ngài trong việc “dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô giáo". Như thế, không thể giải thích rằng đó là một cách đề cao Giám Mục đối với mầu nhiệm Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

Các qui định không nói một cách đặc biệt rằng luật thường không áp dụng khi một Giám Mục, khác với Tồng Giám Mục hoặc Đấng Bản Quyền địa phương, cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, trường hợp trên có thể được suy ra bởi thực tế rằng các quy định về việc cất giữ Mình Thánh ở nơi khác gần như luôn luôn được tìm thấy trong bối cảnh của Thánh lễ Chặng Viếng (Stational Mass, Thánh lễ của Giám mục trong nhà thờ chính tòa hay trong các cuộc viếng thăm chính thức giáo xứ) của vị Giám Mục địa phương. (Zenit.org 26-11-2013)

Nguyễn Trọng Đa