Khởi đầu ngày hội là thánh lễ đặc biệt dành riêng cho tất cả anh chị em khuyết tật. Đức Giám Mục Giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã sự thánh lễ cùng 30 linh mục đồng tế. Qua thánh lễ, ơn Chúa đổ xuống dồi dào trên những tham dự viên kém may mắn. Đó là lý do cho lời khích lệ của Vị Cha chung Giáo phận dành cho anh chị em khuyết tật: “Chúa ở phe choa”.
Hình ảnh
“Chúa ở phe choa” khi Người làm mọi việc rất lạ lùng. Cách đây mấy ngày, mưa tầm tã. Nỗi lo cơn bão mới lại sắp vào chưa thể dứt. Nhưng chính ngày lễ hội, anh chị em khuyết tật đã có một không gian lý tưởng để cùng nhau chia sẻ tình cảm.
Người khuyết tật thường bị xã hội lãng quên, hay họ cũng lãng quên chính mình. Nhưng tại lễ hội này, “Chúa ở phe choa” khi cho họ biết khám phá những khả năng tiềm ẩn và nghị lực vươn lên nơi họ. Dù khó khăn trong đi lại, giao tiếp, nhưng anh chị em khuyết tật đã phục vụ Thánh lễ thật sốt sắng, cống hiến những tiết mục văn nghệ ấn tượng.
Đặc biệt hơn, “Chúa ở phe choa” khi Người thúc đẩy họ khám phá lại ơn gọi làm con Thiên Chúa, mà có lẽ, do đau khổ và bất hạnh, họ chưa cảm nghiệm được nguồn an ủi từ thập giá. Bạn Nguyễn Hà Tiến đến từ Trung tâm Trại phong Quỳnh Lập đã nghẹn ngào chia sẻ: “Chúa đưa con đến đây, con sướng lắm. Con tìm được những người cùng cảnh ngộ mà tạ ơn Ngài”.
Chính Đức Cha Phaolô đã nhấn mạnh trong bài giảng lễ: “Chúng ta có thể khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, trên khuôn mặt của những anh chị em này. Cho dù có những khuôn mặt vì bệnh tật đã bị biến dạng, nhưng đó chính là khuôn mặt của Chúa”.
Thật đúng như lời văn hào Mauriac nói: “Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ”.
Lòng người ở cùng nhau
Lễ hội cũng là nơi để chứng minh tinh thần hiệp nhất và bác ái Kitô giáo cách cụ thể nhất.
Để có được lễ hội này, công sức đầu tiên phải kể đến Vị Cha chung - Đức Giám Mục Phaolô của chúng ta. Ngài là “ông tổ” đã dấn thân hết mình vì lễ hội này, đã “chạnh lòng thương” đến những mảnh đời bất hạnh. Những ưu tư, lo lắng, những phần quà với đầy ắp ân tình của Người cha nhân hậu đã làm rạo rực hàng ngàn con tim.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có sự đồng hành của giáo xứ Mỹ Yên và giáo họ Trại Gáo với sự hướng dẫn của Linh mục quản nhiệm Antôn Nguyễn Đình Thăng. Các Ngài đã chuẩn bị chu đáo mọi công việc ròng rã một tháng trời. Linh mục Antôn đã chia sẻ: “Họ là những người kém may mắn, cả đời họ không được như người bình thường. Họ chỉ có một ngày lễ hôm nay, nên phải chuẩn bị chu đáo, dù công tác tổ chức cho người khuyết tật rất phức tạp”.
Anh chị em khuyết tật cũng được giúp đỡ bởi các doanh nhân, những "mạnh thường quân" trong giáo phận và nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức khác... Họ đã đến tận nơi, cùng vui, cùng ăn, cùng uống với những người bị coi là “xấu số” này.
Hình ảnh những thiện nguyện viên,với những chiếc mũ trắng rong ruổi khắp cả hội trường để làm bất cứ việc gì anh chị em khuyết tật cần, đã để lại dấu ấn đẹp.
Không bi lụy, nhưng đầy lạc quan, tin tưởng vào tình Chúa và tình huynh đệ, anh chị em khuyết tật đã tham dự, vui chơi và cống hiến hết mình trong lễ hội này. Tham dự viên Dương Quyết Thắng đến từ giáo xứ Kẻ Mui, người khuyết tật đã thành công trong cuộc thi Vietnamgottalent, là một trong những tấm gương về nghị lực vươn lên cho anh em mình.
Cuối Lễ hội, một buổi tiệc thật ấm áp đã diễn ra trong tình cha con, tình huynh đệ. Dù anh chị em khuyết tật có thể khó khăn trong việc gắp thức ăn, đồ uống, giao tiếp với người cùng bàn, nhưng tất cả đều hân hoan, rạng ngời với niềm vui trong Ngày hội của lòng người. Không một lời to tiếng, xô xát, hay cười đùa, khinh khi những người tàn tật, chúng ta đang sống trong một vùng trời, nơi Chúa ở cùng các bạn, muôn con tim trần thế sát vai cùng các bạn, nơi trời đất giao duyên đầy ý nghĩa.
--------------------------------------------
- Lễ hội người khuyết tật 2013 là lần tổ chức thứ hai. Lần đầu tiên vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 40 năm linh mục của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp.
- Lễ hội do sáng kiến và đỡ đầu của Đức Cha Phaolô.
- 59 đơn vị đã tham gia vào lễ hội năm nay, gồm hội khuyết tật của một số giáo xứ lân cận TGM, các trung tâm dành cho người khuyết tật, mái ấm tình thương như Vũ Đăng Khoa, Lâm Bích, Thiện Tâm…
- Số lượng người khuyết tật tham gia lễ hội tăng từ 1000 lên 1500.
- Ngày truyền thống dự kiến là 9/11.
- Địa chỉ nhận giúp đỡ: Ban Bác ái – xã hội Caritas Vinh.
- Theo thống kê năm 2011 của Ban Bác ái - Xã hội Caritas Vinh, tổng số người khuyết tật tại Giáo phận là 9.149 người.
- Giáo phận có 7 cơ sở khuyết tật quy mô do các Hội dòng phụ trách.