Vị 'nữ tu' 86 tuổi từng được báo chí Hoa Kỳ gọi là 'thiên thần cuả nhà tù' đã qua đời tại Mexico ngày 17 tháng 10 vừa qua.

Trong tang lễ, Đức Tổng Giám Mục Rafael Romo Munoz của giáo phận Tijuana đã ca ngợi 'Mẹ' Antonia Brenner là một vị thánh, và cho biết ý định cuả Ngài là cổ động việc phong thánh cho vị 'nữ tu' này.

"Dựa trên nhãn quan cuả loài người, thì đây là một sự mất mát không thể đo lường được, nhưng xét theo công việc mà Bà ấy đã làm, tôi nghĩ rằng chúng ta đã thừa hưởng được một cái gì đó đáng kể."

"Bà ấy là một phụ nữ với những đặc điểm của một vị thánh. Tôi nói thế vì tôi biết và yêu mến bà ấy rất nhiều. Tôi cũng nhận được rất nhiều tình cảm từ bà ấy. Bà ấy có những đặc điểm của một vị thánh, và đó là lý do tại sao Giáo Hội đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp như ngày nay," Đức Tổng Giám Mục nói.



Đức Tổng Giám Mục không dùng danh từ 'Mẹ' hoặc 'nữ tu' để gọi 'Mẹ Antonia Brenner' bởi vì hội dòng mà 'Mẹ' đã lập chưa có hiến pháp được Toà Thánh phê chuẩn, và 'Mẹ' cũng chưa bao giờ được chính thức 'tuyên khấn' để được gọi là một 'nữ tu'.

Hội dòng 'Nữ Tì giờ thứ 11 cuả Thánh Eudes' (Eudist Servants of the Eleventh Hour) mới chỉ được chấp thuận bởi Đức Giám Mục Tijuana vào năm 2003 và chưa có ai khấn trọn đời.

Cũng như 'Mẹ Antonia', các 'nữ tu' trong dòng thuộc thành phần những phụ nữ đã li dị, hoặc đã quá già nên không có một nhà dòng nào khác chấp nhận.

Các 'nữ tu' chỉ khấn tạm từng năm một, lời khấn là chuyên lo phục vụ cho các tù nhân. Họ mặc áo dòng và dưới chân giầy có cột một cây thánh giá làm bằng 3 cái đinh, để nhắc nhở họ phải 'rửa chân' cho Chuá Giêsu qua hình ảnh cuả các tù nhân.

'Con đường phong thánh' có lẽ sẽ là một con đường dài và cam go vì hoàn cảnh li dị tới 2 lần cuả Mẹ Antonia. Nhưng nếu định nghĩa 'thánh' là tất cả những ai đã lãnh nhận ơn cứu chuộc cuả Chuá, thì quả là Mẹ Antonia đã được cứu chuộc, và cũng như người phụ nữ đã dùng nước mắt mà lau chân Chuá, Mẹ Antonia đã lau chân cuả Chuá qua hình ảnh những tội nhân một cách trung thành trong 30 năm cuối cuả cuộc đời mình.

Cuộc đời Mẹ Antonia Brenner.



Mẹ Antonia tên thật là Mary Clarke sinh ngày 1 tháng 12 năm 1926 tại Los Angeles, là con thứ hai cuả một gia đình di dân gốc Aí Nhĩ Lan. Mẹ cô Mary qua đời khi mang thai đưá con thứ 4, để lại cho người chồng mới có 24 tuổi một thảm cảnh 'gà trống nuôi con'.

Khi cơn 'đaị khủng hoảng kinh tế năm 1929' đổ xuống thì Mary mới có 3 tuổi và gia đình đã phải vất vả lắm mới tìm đủ thức ăn lên bàn, nhưng khi cô lớn lên thì cha cô đã trở thành một doanh nhân giàu có nhờ việc được độc quyền cung cấp 'giấy than' (carbon papers) cho các văn phòng ở Holywood, và gia đình đã dọn lên một ngôi nhà sang trọng mới ở Beverly Hills, làm hàng xóm với những tài tử nổi danh như Hedy Lamarr, John Barrymore và Dinah Shore. Mỗi cuối tuần họ đi nghỉ mát tại một ngôi nhà 11 phòng nhìn ra Thái Bình Dương ở bải biển Laguna Beach.

Là một 'mỵ nương' trong bối cảnh Hollywood, tủ quần áo của cô Mary chứa đầy áo lông chồn và áo dạ hội.

Tuy nhiên, cha cô không bao giờ cho phép các đứa con của mình quên nhiệm vụ giúp đỡ những người kém may mắn, và nhờ ở sự nhắc nhở của ông, cô Mary đã tham gia nhiều dự án cung cấp thuốc men cho những người nghèo ở châu Phi, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines và Nam Mỹ.

Là một cô gái tóc vàng sôi nổi và hấp dẫn, cô Mary không hề thiếu một đám đông hâm mộ cuả nhiều chàng công tử, và ở tuổi 19 cô đã kết hôn với một cựu quân nhân. Họ có ba người con ( một người đã chết ), nhưng sự nghiện ngập của ông chồng mê cờ bạc đã phá sản gia đình cuả cô. Năm năm sau, cô ly dị chồng và đi làm để nuôi con. Năm 1950, cô tái hôn với ông Carl Brenner, có thêm năm người con nữa.

Khi cha cô qua đời vào năm 1956, cô nối nghiệp kinh doanh của cha và đồng thời tiếp tục các công việc từ thiện.



Cũng trong năm 1956, cô tháp tùng một vị linh mục cuả Los Angeles tên là Anthony Brouwers đến Tijuana, Mexico, để cung cấp thuốc cho nhà tù La Mesa. Hồi đó La Mesa là một địa ngục trần gian khét tiếng với cảnh các trùm ma túy giàu có trị vì những khu sang trọng trong khi hàng trăm anh em nghèo khó của chúng phải sống giữa những bầy chuột bẩn thỉu trong những khu lạnh lẽo đầy nước thải, không giường ngủ, thiếu thực phẩm, thậm chí không có cả giấy vệ sinh trừ phi có người nhà tiếp tế. Các tên cai ngục còn đóng góp thêm vào cái cảnh địa ngục ấy với các cuộc thẩm vấn tàn nhẫn và những xảo thuật khủng bố tinh thần.

Cô đã bị ám ảnh về tình cảnh của các tù nhân, không thể ngừng suy nghĩ về họ. Cô tâm sự " Khi trời lạnh, tôi tự hỏi không biết những người đàn ông ấy có được sưởi ấm không, và khi trời mưa, họ có nơi trú ẩn không?". Cô bắt đầu đến thăm nhà tù một cách thường xuyên hơn từ đó.

Linh mục (Đức Ông) Anthony Brouwers đã qua đời năm 1964 vì bệnh ung thư. Sau này khi trở thành 'nữ tu', cô Mary đã lấy tên Antonia để tưởng nhớ công đức cuả Ngài.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc hôn nhân thứ hai, cô Mary đã nhận ra rằng cô và người chồng có rất ít tương đồng, và thời gian trôi qua, họ sống hai cuộc sống gần như hoàn toàn riêng biệt. Năm 1972, cô ly dị chồng một lần nữa.

Tất cả từ một giấc mơ

Năm 1969, cô Mary nằm mơ thấy mình là một tử tội tại nhà tù Calvary đang được chuẩn bị đưa ra hành hình. Đột nhiên, Chúa Giêsu hiện ra và đề nghị xin chết thay cho cô. Cô Mary đã từ chối. Bẹo vào má cuả Chuá, cô nói rằng cô sẽ không bao giờ bỏ Chuá nữa dù cho bất cứ sự gì xảy đến cho cô.

 

Sau giấc mơ này, cô Brenner quyết định cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội.

Lúc đầu Giáo Hội Công Giáo e ngại về việc ủng hộ cô, và trong nhiều năm, vì hoàn cảnh ly dị, cô đã không được rước lễ.



Không nản lòng, cô đã rời khỏi căn nhà cuả mình ở Ventura, California, đóng cửa cơ sở kinh doanh và đến ở trong nhà tù La Mesa với các tù nhân phụ nữ.

Các nhà tù Mexico thường dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để cung cấp thêm dịch vụ cho các tù nhân. Họ đã dành cho cô một căn hộ rộng 10x10 feet (3x3m). Sống ở đây, cô Mary có quyền tự do đi lại, nhưng cô tự giam mình sống bên trong nhà tù, mỗi sáng cũng dự điểm danh với họ.

"Sống ở bên ngoài thì khó lắm", cô nói với tờ The Washington Post vào năm 2002. "Tôi phải ở đây với họ vào lúc nửa đêm để lỡ có trường hợp một người nào đó bị đâm, một người nào đó bị đau ruột dư, hay trường hợp có một người nào chết."

"Tôi tự hỏi không biết họ đã uống thuốc chưa và gia đình của họ đang gặp khó khăn nào... Khi tôi quay trở lại nhà tù, tôi cảm thấy như thể tôi đã về nhà."

Sau 18 tháng phục vụ nhà tù, Giáo Hội đã lưu ý đến công việc cuả cô và Giám mục Tijuana lúc đó, Juan Jesus Posadas, đã ghi tên cô vào Dòng Ba Mercedarian (dòng chuyên lo việc mua chuộc tự do cho người nô lệ ). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban phép lành toà thánh.

Công việc mục vụ.



Trong vòng 30 năm, "Madre Antonia " (Mẹ Antonia), tên mà các tù nhân gọi cô, đã làm thay đổi không khí cuả nhà tù này. Cầm trên tay một quyển Kinh Thánh, một cuốn từ điển tiếng Tây Ban Nha và với uy quyền đạo đức của riêng mình, cô đã lăn mình vào giữa những cuộc bạo loạn và vào nhiều trận đấu súng, cô đã làm cho quản lý cuả nhà tù phải xấu hổ trước báo chí và buộc họ phải cải thiện điều kiện sinh sống và giảm bớt những vi phạm nhân quyền.

Nhiều tù nhân còn nhớ lại có một lần Mẹ Antonia đi ngay vào giữa một cuộc nổi loạn, súng đang nổ, đạn đang bay và khói cay mờ mịt. Nhưng khi bọn tù và cảnh sát trông thấy Mẹ, không nao núng trong chiếc áo dòng, cuộc đấu súng bỗng nhiên ngừng lại.

Lúc 50 tuổi, Mẹ Antonia đã tự 'tuyên khấn' một mình sống cuộc đời một 'nữ tu' và tự may lấy áo dòng cho mình. Sau vài năm, các vị giám mục cuả Tijuana (Mexico) và San Diego (Mỹ ) đã công nhận các công việc cuả Mẹ là những công việc mục vụ.

'Mẹ' đã thuyết phục nhiều bác sĩ và nha sĩ tổ chức các cuộc khám miễn phí, nhiều lò bánh địa phương bổ sung khẩu phần ít ỏi cuả nhà tù, thu nhặt những bồn cầu vất đi từ các bãi rác để thiết trí trong nhà tù. Mẹ tổ chức những buổi cầu nguyện giữa tù nhân và cai ngục và làm quen với các gia đình của họ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, Mẹ Antonia cho biết các tù nhân cần thiết "phải chấp nhận rằng họ đã làm sai quấy. Họ phải lãnh lấy hậu quả. Họ phải cảm thấy đau đớn... nhưng tôi yêu họ da riết. "

Dựa vào luật pháp Mexico, Mẹ quyên tiền để nộp tiền phạt cho những người phạm tội nhỏ khỏi phải ở tù và Mẹ cùng đi hầu toà với các tội nhân để ngăn ngừa tình trạng quan toà phân biệt đối xử giữa giầu và nghèo. Một chánh án ở Tijuana đã thừa nhận rằng Mẹ đã thuyết phục ông ta rằng giai cấp không phải là một yếu tố trong việc thực thi pháp luật.

Sống và làm việc với hai thái cực, tội phạm và luật pháp, Mẹ Antonia đã giữ một vai trò rất tế nhị. Một ngày kia, Mẹ tìm được một con dao trong nhà tù, Mẹ đã nghiêm túc đem nộp cho cai tù.

Ban cai tù đòi hỏi Mẹ phải tiết lộ nơi tìm thấy dao và tên cuả tù nhân, Mẹ thanh thản trả lời:

"Tôi trung thành với chính quyền nhưng tôi không phải là một ăng ten (oreja )."

Tờ báo San Diego Tribune cho biết thêm:

"Mẹ lên tiếng chống lại việc đánh đập và tra tấn tù nhân. Nhưng Mẹ cũng đã tìm đến những người thực thi pháp luật, gây quỹ cho gia đình của những người bị thiệt mạng khi thi hành nhiệm vụ. "



Công trình của Mẹ Antonia đã thu hút được nhiều khen ngợi trên toàn thế giới, bao gồm từ Tổng thống Vicente Fox của Mexico và Tổng thống Ronald Reagan cuả Mỹ.

Năm 1991, Mẹ Têrêsa đã tới thăm Mẹ Antonia tại Tijuana.

Hai nhà báo đoạt giải Pulitzer là Mary Jordan và Kevin Sullivan đã viết về cuộc đời cuả Mẹ Antonia trong cuốn sách có tên là The Prison Angel (Vị thiên thần cuả chốn lao tù )

Ngày 25 tháng 9 năm 2009, Mẹ Antonia nhận giải hòa bình Abbey về gương can đảm và lương tâm cuả trường Đại học San Diego.

Con đường bên ngoài nhà tù được đổi tên thành " Madre Antonia " trong tháng 11 năm 2007.

Năm 2010, sau 5 năm thực hiện, Studio Frontera đã phát hành một DVD về cuộc đời của Mẹ Antonia với tựa đề là "La Mama: Cuộc sống cuả một nữ tu Mỹ trong một nhà tù Mexico." Tác giả và đạo diễn là Jody Hammond, hình ảnh do Ronn Kilby, và xướng ngôn do Susan Sarandon.

Mẹ Antonia vẫn thường xuyên liên lạc với các con của mình, và nhiều người đã đến thăm Mẹ tại La Mesa. Hiện nay có 7 người con còn sống với rất nhiều cháu.

Mẹ Antonia qua đời sau nhiều tháng sức khoẻ suy giảm, ở tuổi 86, tại nhà dòng Tijuana mà Mẹ thành lập.

Ngôi nhà tù tăm tối đã tắt mất một ngọn đèn.