Lễ Giỗ do viện phụ René Forbe bề trên đan viện tổ chức; ngoài ra còn có cha Nguyễn Xuyên, cha Nguyễn Ngọc Long ở Đức, cha Trần Đức Hùng ở Hà Lan, cha Nguyễn Gia Thịnh ở Ấn độ, và một linh mục người Bỉ. Phía thân nhân của Cụ Cố Tổng thống có bà Charlotte Ngô Đình Luyện đến từ Paris, bà Marie Claude Ngô Đình Luyện cùng phu quân đến từ Toulouse, bà Nguyễn Thị Thu Hồng cùng phu quân đến từ Canada… và một số các cháu của Cụ Cố.
Trước thánh lễ có phần dâng hương trước bàn thờ Cụ Gioan Baotixita dành các cháu của Cụ, các thân nhân và các đại diện cộng đoàn.
Phần thuyết trình và chiếu phim về cuộc đời Cụ Cố Gioan Baotixita vào lúc 13g30. Trong bài nói chuyện, Viện phụ René Forbe cho biết, năm 1954, Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sống 6 tháng tại đây như một đan sĩ: Thầy Gioan Baotixita Odilot Ngô đình Diệm; đồng thời ngài công bố cho mọi người thấy bức thư của Cụ Ngô Đình Diệm xin làm đan sĩ tại đan viện này. Tuy nhiên sau đó, Cụ đã hy sinh ý riêng của mình để trở về giúp đất nước.
Cha viện phụ René Forbe công bố bức thư của Cụ Ngô Đình Diệm xin làm đan sĩ tại đan viện này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng đã thay mặt đại gia đình có bài phát biểu và lời cám ơn Cha Bề trên Đan viện, các cha và tất cả mọi người. Lễ Giỗ kết thúc lúc 17g.
BÀI GIẢNG NGÀY LỄ GIỖ 50 NĂM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CÁC BÀO ĐỆ
02/11/2013 - TẠI TU VIỆN SAINT-ANDRE – VƯƠNG QUỐC BỈ
Kính thưa gia đình,
Kính thưa quý cha, quý sơ,
Thưa anh chị em thân mến,
Lẽ ra cuộc đời thầy Gioan-Baotixita Odilon nếu tiếp tục ở đây, cũng âm thầm trầm lặng như bao vị khổ tu khác trong Dòng, ngày 5 buổi, đến cầu kinh tại ngôi nhà thờ này, khởi sự với Giờ Kinh Khuya lúc 4 giờ sáng, rồi trong ngày sống theo phương chỉ của Dòng, Ora et Labora - Cầu Nguyện và Làm việc, êm đềm cặm cụi cho đến khi xuôi tay nhắm mắt, rồi ra đi ấm áp trong tiếng kinh cầu, trong lời hát thánh vịnh của cộng đoàn hiện diện...
Và còn bao nhiêu lẽ ra khác,
Nhưng không, thưa anh chị em, chiều hôm nay chúng ta thật đông đảo, gốc từ mọi miền đất nước, đến từ mọi vùng trời Ấu. Chúng ta không đến nơi đây viếng mộ một người thân đã chết, không kính viếng một trợ sĩ dòng Biển Đức quá cố, nhưng cùng về nơi chốn tích lịch sử này, một địa danh đã gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp và cuộc đời của 1 con người, chính là để Gặp Gỡ con người ấy trong khung cảnh tu viện mà người đã sống qua.
Thật vậy, tại nơi tu viện này, chúng ta có thể gặp gỡ chính con người đó, và còn hơn nữa để từ nơi đây, khám phá ra một góc cạnh của cuộc đời người, một góc cạnh ít được nhắc tới, nhưng lại có tầm quan trọng chỉ đạo, định hướng cho suốt cuộc đời của chính người trong những năm sau đó. Góc cạnh xem ra chi tiết này, nhưng lại có sức đánh bật mọi xuyên tạc, mọi hạ giá người mà hôm nay, tôi cung kính gọi người là Vĩ Nhân để, với sự cử hành lễ Giỗ 50 năm cho người hôm nay, trả lại và bồi đắp cho người cái chân dung đích thực phải có của bậc vĩ nhân. Vĩ nhân đó chính là Tổng Thống Gioan-Baotixita Odilon Ngô Đình Diệm mà đã có một thời sống tại tu viện này. Góc cạnh đó chính là đời sống đạo đức và chiều sâu tâm linh của người.
Nếu buổi sáng định mệnh hôm ấy, sáng ngày mồng 2 tháng 11 của 50 năm trước, trước giờ định mệnh oan nghiệt, mà tôi gọi là tín hiệu loan báo sự cáo chung tự do, của dân chủ, của chính nghĩa dân tộc Việt Nam trên phần đất mà người đã dầy công gầy dựng, chỉ có mấy chục phút quỳ nơi bàn quỳ nhà thờ Cha Tam, sốt sắng Dự lễ, Rước lễ trong giờ phút hấp hối đó, mà còn được người dân Việt khắc bảng ghi dấu trên ghế quỳ, để trở thành nơi kính viếng của bao người VN trên quê nhà, thì thưa anh chị em, chúng ta đang là những người hạnh phúc đến chừng nào, bởi cái ghế mà anh chị em đang ngồi, có thể chính là nơi Vĩ Nhân nhân ấy đã ngồi, bởi Bàn Thờ này, Nhà Tạm kia vẫn là nơi cụ âm thầm vào tâm sự với Chúa, cầu nguyện hàng ngày, không khí này người đã thở, không gian này vẫn đọng lưu bóng dáng người...
Mỗi khi về nơi đây, lòng tôi luôn dạt dào xúc động, như hình bóng người đang ở giữa chúng ta, cũng cùng một xúc động như ngày vừa lên 11 khi nghe tin cái chết đau thương của người, khi chứng kiến những giòng nước mắt bàng hoàng thương tiếc, chứng kiến nỗi tuyệt vọng của bao bậc cha anh trước tin người mất, thì giờ này xin cho phép tôi, và tôi cũng xin phép Giáo Hội, cho tôi được gọi nơi đây, tu viện Saint André này, chính là vườn Gietshimani của người. Vườn Giếtshimani Saint-André này cũng là để, như Chúa Giêsu, dọn mình cho sẵn sàng đi vào một cuộc thương khó của con người, từ khi về chấp chánh cho đến khi hoàn tất sự hy sinh là tận hiến thân xác và cuộc đời minh cho dân tộc, cho quê hương bằng cái chết thảm thương trên chiếc xe bọc sắt M-113 định mệnh.
Thêm vào những hình ảnh, vào chân dung mà rồi đây, lịch sử Việt Nam sẽ công bằng trả lại cho cuộc đời một con người dành cả một đời tận tuỵ phục vụ đất nước, cũng như sẽ ghi ơn cả một gia đình đã dâng bao người con ưu tú cho quê hương, như sự thật đang từng bước rạng tỏ toả sáng, dù đã nửa thế kỷ qua đi, thì tôi muốn từ chính nơi tu viện này, thêm vào cho người điều mà lúc nãy tôi gọi là góc cạnh tâm linh, để chân dung của người được thêm phần trọn hảo. Chân dung đó đến từ những hình ảnh của Lời Chúa hôm nay.
Hình ảnh thứ nhất có được từ sách Khôn Ngoan, đó là hình ảnh của Người Công Chính. Á Đông chúng ta gọi là Chính Nhân Quân Tử. Sách Khôn Ngoan nói về Người Công Chính trong Bài Đọc 1 (Kn 3,1-9) vừa nghe như sau: Người Công chính ở trong tay Chúa. Đau khổ sự chết không làm gì được Họ. Đối người đời thì hình như các ngài đã chết và như đi vào cõi diệt vong, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an và vẫn không hề chết. Thiên Chúa đã thử thách họ như thử vàng trong lửa, và chấp nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến lúc, họ sẽ sáng chói và chiếu toả như ánh lửa chiếu qua bụi lau vì họ đã tin tưởng ở Chúa và trung thành với Chúa trong tình yêu. Tất cả cuộc đời Tổng Thống Diệm chẳng phải là như vậy đó sao ? Và người chẳng đang không hề chết nơi sự hiện diện của chúng ta nơi đây và nơi mọi người Việt Nam khắp nơi trên thế giới đó sao ?
Hình ảnh thứ hai được Thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi Giáo đoàn Roma trong Bài Đọc 2 (Rm 6, 3-9), là hình ảnh của Người Tín Hữu, của kẻ trọn vẹn thuộc về Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, nhờ cùng sống, cùng chết và cùng được mai táng với Chúa Kitô. Cả cuộc đời của TT Diệm chẳng phải là như vậy đó sao ?
Hình ảnh thứ ba nơi bài Phúc Âm (Ga 12, 20-33), được Chúa Giêsu nói đến như một điều kiện của người môn đệ đích thực của Ngài, đó là hình ảnh của Hạt Lúa: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, sẽ nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Cả cuộc đời của Tổng Thống Diệm chẳng đã là hạt lúa nuôi dân cho đến chấp nhận rựa mục, là hy sinh chính mình cho làm trổ sinh thật nhiều bông hạt đó sao ?
Thưa cụ, dù đã nửa thể kỷ qua đi, nhưng hôm nay chúng con về còn đây để tưởng nhớ và thương tiếc cụ, để kính dâng lên cụ niềm tri ân sâu xa của bao người con dân Việt Nam, và với hy lễ toàn thiêu của Chúa Kitô chúng con cùng nhau dâng trong Thánh Lễ này, để chuộc lại những lỗi lầm và chuộc lại giá máu phải trả khi làm đổ máu Người Công Chính. Vì tình yêu bao la cụ luôn dành cho dân nước Việt Nam, xin cụ tha thứ cho những bậc cha anh chúng con. Họ không biết việc họ làm. Và xin cho từ những giọt máu đào của cụ và của những người anh em cụ đổ ra, được trổ sinh ra muôn ngàn bông hạt, cho một Việt Nam thoát ách cộng sản, cho một Việt Nam tự do, thanh bình, dân chủ và thịnh vượng.
Lm Nguyễn Xuyên
LỜI CÁM ƠN CỦA BÀ NGUYỄN THỊ THU HỒNG
ĐẠI DIỆN GIA ĐÌNH TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
TẠI TU VIỆN SAINT-ANDRE – BRUGGE - VƯƠNG QUỐC BỈ - 02/11/2013
Kính trọng cha Bề trên René, quý Cha, quý Nam nữ tu sĩ
Quý cộng đoàn Saint-André,
và toàn thể quý vị cùng anh chị em thân mến,
Cuộc hội ngộ của bà con giữa lòng cung thánh thanh tịnh trang nghiêm này, để cùng nhau hồi tâm suy gẫm về sức kiên cường, niềm tự hào dân tộc, lòng can đảm, tinh thần trách nhiệm của tiền nhân tổ tiên chúng ta, của các anh hùng nam nữ dân tộc đã anh dũng hy sinh tánh mạng cho đất nước chúng ta.
Nhớ lại ngày thắm máu của cố TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cách đây 50 năm, chúng ta hôm nay cũng nên tự đặt câu hỏi: « Đâu là sứ điệp mà nhị vị muốn nhắn gửi chúng ta ? »
Hơn 59 năm trước, đan viện này không những đã đón tiếp Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, mà còn là nơi trú ngụ an bình, một cung thánh đích thực cho Người, được kiên vững trong sự hiện diện của Thiên Chúa, được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện và tình bạn hữu, Người đã khần hứa để trở thành một đan sĩ: Thầy Gioan Baotixita Odilon Ngô đình Diệm. Và cũng chính từ nơi đây, trong lòng cung thánh này, bất chấp nhiều do dự, nhiều xao xuyến đối diện với tương lai, Người đã can đảm đứng lên theo đuổi tiếng gọi của bổn phận và trách nhiệm đối với quê hương dân tộc. Người đã được cộng đoàn Saint-André đồng hành và nâng đỡ. Thưa Cha René, chúng con hết lòng cảm tạ. Vì vậy, tối hôm qua, chúng con, những thân nhân trong gia đình cụ Ngô Đình Diệm, đã đến đan viện để cám ơn các tu sĩ và Cha Bề Trên tại tu viện này.
Năm 1954, sau khi hiệp định Genève kết thúc, Việt nam ví như một bà mẹ không còn đủ thì giờ than khóc và chôn cất các con. Gia sản của bà đã bị chia đôi thành hai mảnh. Từ đấy gây nên hận thù. Miền Bắc quằn quại dưới chế độ cộng sản, còn miền Nam thì trạng huống thế nào ?
Từ văn phòng ở dinh Độc lập, một người đã nỗ lực hàn gắn tái thiết mảnh đất miền Nam nơi mình sinh trưởng. Đó là cụ Ngô Đình Diệm. Vâng, chính cụ Ngô đình Diệm là kẻ thừa kế mảnh đất miền Nam, lúc bấy giờ đã rách nát bởi một chính sách bảo hộ thực dân, lại còn liên tiếp giặc giã triền miên. Các cầu cống đường sá đã bị phá vỡ vì bom đạn. Các tuyến liên lạc bị hư hỏng. Nạn thất nghiệp và làn sóng di cư của trên 1 triệu người tuôn vào từ miền Bắc đã làm khánh kiệt nền kinh tế. Quân đội quốc gia thiếu định hường, thiếu huấn luyện, tinh thần suy sụp. An ninh bị phiến loạn Bình xuyên kiểm soát. Khắp nơi mọi người đã dự đoán rằng chính quyền của thủ tướng Ngô Đình Diệm không sống quá 6 tháng.
Nhưng sự thực thế nào thì chắc quý vị đa rõ. Cụ Ngô Đình Diệm được hỗ trợ bởi niềm tin vào Thiên Chúa, bởi những nguyên lý sống của Khổng Mạnh, được nâng đỡ bởi anh em trong gia đình cũng như bởi các cộng sự viên quốc gia, cụ đã cố gắng tìm mọi cách để bù đắp sự cân bằng các nhu cầu quan trọng và tối thiết của cá nhân, của xã hội và quốc gia, hầu tránh khỏi những lạm dụng do chủ thuyết Mac-xít và chủ nghĩa tự do phóng túng sai lệch. Đây qủa là một công tác cân bằng cực kỳ khó khăn, nó đòi hỏi những hy sinh đích thực, những sách lược đặc biệt nhiều khi đến nghiêm khắc.
Thuyết Nhân Vị và sứ điệp Phúc âm đã hướng dẫn Người trong nỗ lực tìm kiếm một sự phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân, và cho toàn dân người Việt, một dân tộc tuy đau khổ vì bị bóc lột, nhưng luôn luôn tự hào, được Thiên Chúa chúc phúc và yêu thương.
Trong suốt đời mình, cụ Ngô Đình Diệm đã noi gương sáng của thân phụ, làm môn đệ đích thực của Đức Kitô trong thế giới chính trị. Người yêu kính Thiên Chúa hết sức, hết lòng, hết trí của mình và Người yêu thương dân tộc, quê hương đến nỗi phải hy sinh cả chính mạng sống của mình.
Chúa Giêsu đã phán « Sự thật sẽ giải thoát chúng con » (Jn8: 32), cụ Ngô Đình Diệm luôn luôn vui hưởng sự giải thoát này, vì Người đã luôn luôn sống dưới ánh sáng của Sự Thật.
Cũng như nhiều sử gia và đồng bào thương mến, đại gia đình người Viêt đã khóc và sẽ còn khóc than về sự thiếu hiểu biết, về những lầm lỗi và tội phạm của quá khứ. Nhưng Đức Tin và di sản tổ quốc của chúng ta, giúp chúng ta hướng nhìn về tương lai với một viễn ãnh trong sáng và đầy hy vọng. Chúng ta xác tín rằng lịch sử sẽ vén màn mọi bí ẩn, sẽ tiết lộ tất cả những gian manh, những phản bội, và cho thấy bộ mặt thật của sự dữ chung quanh buổi sáng tang thương ngày 2 tháng 11 năm 1963.
Hôm nay, một lần nữa chúng ta phó thác vào tay Chúa vận mệnh của dân tộc chúng ta, một dân tộc, hơn bao giờ hết, rất khao khát Tình thương, Công lý và Hoà bình.
Chúng ta đồng thanh nói với tất cả các chiến sĩ anh hùng ấy rằng: « Qúy Vị không hề bị lãng quên », bởi vì giấc mơ của quý vị cũng chính là mơ ước của chúng tôi.
Xin qúy Cha và quý Vị anh chị em nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của chúng con.
Encore une fois, à Vous cher Père René et toute la Communauté Saint-André, notre profonde gratitude.
Elizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng