Đừng “Dửng Dưng” Và “Vô Cảm” Như Thế!
(Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN, C)
Trong bài viết “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net, tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. đã nhận định như sau: “Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi, giúp cho con người […]tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến ‘bệnh vô cảm’”. Và, tác giả xót xa cho truyền thống nhân văn của dân tộc đang bị gậm nhấm và sói mòn. Thật vậy, còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; hoặc “Thương người như thể thương thân…?”.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự “vô cảm”, “dửng dưng”, trước nỗi thống khổ của người anh em. Một Lazarô nghèo khổ, bệnh tật nằm ở ngay gầm cầu thang của nhà phú hộ. Một khoảng cách rất gần về không gian, nhưng tiếc thay, chính sự gần gũi đó lại làm cho họ xa nhau trong cuộc sống vĩnh cửu.
1. Ý Nghĩa Lời Chúa
Người phú hộ giàu có hôm nay được thánh Luca trình bày rất gợi cảm: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Tác giả không nói rõ người đó to cao, mập mạp thế nào? Nhưng cứ sự thường thì đây phải là một người tốt tướng. Ông ta mang trên mình những thứ sang trọng theo kiểu cung đình. Ông được nhiều người hầu hạ. Và, ăn uống tối ngày với những món ăn đặc sản thời bấy giờ. Nhưng ngược lại với hình ảnh của nhà phú hộ, là một Lazarô nghèo khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20). Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà.
Nếu ông phú hộ là một người oai phong lẫm liệt, thì Lazarô lại là một người thấp cổ bé họng, bệnh tật.
Nếu ông phú hộ mặc những thứ vải vóc sang trọng, thì Lazarô có lẽ chỉ có mảnh vải rách che thân.
Nếu nhà phú hộ ăn uống linh đình, thì Lazarô chỉ mong được những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống mà cũng không ai cho. Chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của Lazarô mà thôi.
Một sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã bị đảo lộn khi cả hai cùng chết. Tin Mừng cho thấy:“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Chính cái chết làm cho tình trạng của hai người hoán đổi cho nhau. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thưa, chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” của nhà phú hộ khi còn sống.
Tin Mừng làm nổi bật sự mỏng dòn của tiền bạc, một lúc nào đó tiền của không còn là chỗ dựa duy nhất. Hình ảnh của nhà phú hộ luôn coi tiền bạc như lá bùa hộ mệnh của mình; còn Lazarô thì sống dở, chết dở ngay ở cổng nhà ông. Vì vậy, ông chỉ còn một chỗ dựa duy nhất đó là Thiên Chúa.
1. Sứ Điệp Lời Chúa
Trong cuộc sống, hẳn mỗi chúng ta đều biết câu ngạn ngữ: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Sự giàu sang ở đời không đảm bảo được sự sống. Mọi người đều có thể chết bất cứ lúc nào. Muốn cho cuộc sống của mình có hậu sau khi chết, thì hãy chuẩn bị cho mình những giấy “thông hành” chính là tình huynh đệ, lòng bác ái, yêu thương ngay khi còn sống. Đây là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Hạnh phúc hay không là do thái độ của mỗi người khi còn sống. Nhà phú hộ trong dụ ngôn ta không thấy có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính. Như vậy, ông không có lỗi để đáng phải trừng phạt trong hỏa ngục. Trong toàn dụ ngôn, Đức Giêsu không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” với người anh em đang đau khổ.
Hai thái độ, dẫn đến hai sự lựa chọn và đi đến những hệ quả khác nhau. Nhà phú hộ thì an tâm vì của cải dư thừa mình có; còn Lazarô thì nghèo khổ, ốm đau; nhà phú hộ giàu về vật chất, nhưng ông lại quá nghèo về tinh thần chia sẻ; Lazarô thì nghèo về vật chất, nhưng ông lại rất giàu về đường thiêng liêng, nên sau khi chết, Lazarô lại là người giàu, còn nhà phú hộ lại là kẻ nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Lazarô được hạnh phúc, con nhà phú hộ thì đau khổ. Một khoảng cách vĩnh viễn được thiết lập. Cuộc chơi đã hết. Thắng bại phân minh.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: giàu có không hẳn là tội, và nghèo chưa chắc đã phải là nhân đức. Nó trở nên tội hay không là do thái độ lựa chọn và sử dụng nó. Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ “vô cảm”; “dửng dưng” trước nỗi khốn cùng của anh chị em.
2. Sống Lời Chúa hôm nay
“Mọi sự đều bởi Chúa mà ra, từ Chúa mà đến”. Thật vậy “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Khi đã xác định như thế, chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa mà thôi. Nếu quản lý tốt và biết sinh lợi cho Chúa thì Chúa để cho chúng ta tiếp tục, mà nếu không biết cách sinh lời thì Chúa cất đi, mà chuyện làm lợi cho Chúa là gì nếu không phải là tình liên đới, bác ái với những người nghèo chung quanh chúng ta hằng ngày. “Hữu lộc bất khả hưởng tận” thật đúng với tinh thần kitô giáo, có lộc không nên một mình hưởng, cần phải nghĩ đến người khác.
Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. Thưởng hay phạt chính là lúc này.
Nhưng, thật xót xa cho xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những nhà phú hộ giàu có “dửng dưng”; “vô cảm”. Thật vậy, căn bệnh này đang trong tình trạng báo động. Vì thế, chúng ta hãy “tiêu diệt” căn bệnh này một cách triệt để, bằng cử chỉ yêu thương, tình liên đới. Bao lâu, một xã hội không biết cách vượt ra khỏi căn bệnh trên, là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri (x. Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net ).
Ước gì xã hội chúng ta có nhiều người quay lưng lại với sự “vô cảm”; “dửng dưng” và hướng lòng về “tình yêu thương”. Mong thay đâu đó có nhiều con người biết đồng lòng và thương cảm như học sinh Nguyễn Văn Nam. Em đã xả thân cứu bạn em khỏi bị nước cuốn trôi. Em đã coi sự sống của bạn là của mình, nên bất chấp nguy hiểm để hy sinh thay cho bạn của mình được sống. Không cần biết em Nam có phải là người Công Giáo hay không? Cũng chẳng cần biết em có bà con họ hàng gì với những em gặp nạn hôm đó không? Chỉ biết rằng em có trái tim rất đẹp và tình yêu thương vô vị lợi, đáng để cho chúng ta noi gương (x. Theo Khánh Hoan,Thanh Niên Online, ngày 6.5.2013).
Lạy Chúa Giêsu, giàu không phải là tội, mà nghèo chưa chắc đã là nhân đức. Xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới trong cuộc sống, để dù giàu hay nghèo, chúng con trở thành những người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa. Xin cũng cho chúng con đừng rơi vào tình trạng “dửng dưng”; “vô cảm” như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay. A men.
(Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN, C)
Trong bài viết “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net, tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. đã nhận định như sau: “Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi, giúp cho con người […]tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến ‘bệnh vô cảm’”. Và, tác giả xót xa cho truyền thống nhân văn của dân tộc đang bị gậm nhấm và sói mòn. Thật vậy, còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; hoặc “Thương người như thể thương thân…?”.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự “vô cảm”, “dửng dưng”, trước nỗi thống khổ của người anh em. Một Lazarô nghèo khổ, bệnh tật nằm ở ngay gầm cầu thang của nhà phú hộ. Một khoảng cách rất gần về không gian, nhưng tiếc thay, chính sự gần gũi đó lại làm cho họ xa nhau trong cuộc sống vĩnh cửu.
1. Ý Nghĩa Lời Chúa
Người phú hộ giàu có hôm nay được thánh Luca trình bày rất gợi cảm: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Tác giả không nói rõ người đó to cao, mập mạp thế nào? Nhưng cứ sự thường thì đây phải là một người tốt tướng. Ông ta mang trên mình những thứ sang trọng theo kiểu cung đình. Ông được nhiều người hầu hạ. Và, ăn uống tối ngày với những món ăn đặc sản thời bấy giờ. Nhưng ngược lại với hình ảnh của nhà phú hộ, là một Lazarô nghèo khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20). Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà.
Nếu ông phú hộ là một người oai phong lẫm liệt, thì Lazarô lại là một người thấp cổ bé họng, bệnh tật.
Nếu ông phú hộ mặc những thứ vải vóc sang trọng, thì Lazarô có lẽ chỉ có mảnh vải rách che thân.
Nếu nhà phú hộ ăn uống linh đình, thì Lazarô chỉ mong được những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống mà cũng không ai cho. Chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của Lazarô mà thôi.
Một sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã bị đảo lộn khi cả hai cùng chết. Tin Mừng cho thấy:“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Chính cái chết làm cho tình trạng của hai người hoán đổi cho nhau. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thưa, chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” của nhà phú hộ khi còn sống.
Tin Mừng làm nổi bật sự mỏng dòn của tiền bạc, một lúc nào đó tiền của không còn là chỗ dựa duy nhất. Hình ảnh của nhà phú hộ luôn coi tiền bạc như lá bùa hộ mệnh của mình; còn Lazarô thì sống dở, chết dở ngay ở cổng nhà ông. Vì vậy, ông chỉ còn một chỗ dựa duy nhất đó là Thiên Chúa.
1. Sứ Điệp Lời Chúa
Trong cuộc sống, hẳn mỗi chúng ta đều biết câu ngạn ngữ: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Sự giàu sang ở đời không đảm bảo được sự sống. Mọi người đều có thể chết bất cứ lúc nào. Muốn cho cuộc sống của mình có hậu sau khi chết, thì hãy chuẩn bị cho mình những giấy “thông hành” chính là tình huynh đệ, lòng bác ái, yêu thương ngay khi còn sống. Đây là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Hạnh phúc hay không là do thái độ của mỗi người khi còn sống. Nhà phú hộ trong dụ ngôn ta không thấy có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính. Như vậy, ông không có lỗi để đáng phải trừng phạt trong hỏa ngục. Trong toàn dụ ngôn, Đức Giêsu không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” với người anh em đang đau khổ.
Hai thái độ, dẫn đến hai sự lựa chọn và đi đến những hệ quả khác nhau. Nhà phú hộ thì an tâm vì của cải dư thừa mình có; còn Lazarô thì nghèo khổ, ốm đau; nhà phú hộ giàu về vật chất, nhưng ông lại quá nghèo về tinh thần chia sẻ; Lazarô thì nghèo về vật chất, nhưng ông lại rất giàu về đường thiêng liêng, nên sau khi chết, Lazarô lại là người giàu, còn nhà phú hộ lại là kẻ nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Lazarô được hạnh phúc, con nhà phú hộ thì đau khổ. Một khoảng cách vĩnh viễn được thiết lập. Cuộc chơi đã hết. Thắng bại phân minh.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: giàu có không hẳn là tội, và nghèo chưa chắc đã phải là nhân đức. Nó trở nên tội hay không là do thái độ lựa chọn và sử dụng nó. Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ “vô cảm”; “dửng dưng” trước nỗi khốn cùng của anh chị em.
2. Sống Lời Chúa hôm nay
“Mọi sự đều bởi Chúa mà ra, từ Chúa mà đến”. Thật vậy “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Khi đã xác định như thế, chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa mà thôi. Nếu quản lý tốt và biết sinh lợi cho Chúa thì Chúa để cho chúng ta tiếp tục, mà nếu không biết cách sinh lời thì Chúa cất đi, mà chuyện làm lợi cho Chúa là gì nếu không phải là tình liên đới, bác ái với những người nghèo chung quanh chúng ta hằng ngày. “Hữu lộc bất khả hưởng tận” thật đúng với tinh thần kitô giáo, có lộc không nên một mình hưởng, cần phải nghĩ đến người khác.
Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. Thưởng hay phạt chính là lúc này.
Nhưng, thật xót xa cho xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những nhà phú hộ giàu có “dửng dưng”; “vô cảm”. Thật vậy, căn bệnh này đang trong tình trạng báo động. Vì thế, chúng ta hãy “tiêu diệt” căn bệnh này một cách triệt để, bằng cử chỉ yêu thương, tình liên đới. Bao lâu, một xã hội không biết cách vượt ra khỏi căn bệnh trên, là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri (x. Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net ).
Ước gì xã hội chúng ta có nhiều người quay lưng lại với sự “vô cảm”; “dửng dưng” và hướng lòng về “tình yêu thương”. Mong thay đâu đó có nhiều con người biết đồng lòng và thương cảm như học sinh Nguyễn Văn Nam. Em đã xả thân cứu bạn em khỏi bị nước cuốn trôi. Em đã coi sự sống của bạn là của mình, nên bất chấp nguy hiểm để hy sinh thay cho bạn của mình được sống. Không cần biết em Nam có phải là người Công Giáo hay không? Cũng chẳng cần biết em có bà con họ hàng gì với những em gặp nạn hôm đó không? Chỉ biết rằng em có trái tim rất đẹp và tình yêu thương vô vị lợi, đáng để cho chúng ta noi gương (x. Theo Khánh Hoan,Thanh Niên Online, ngày 6.5.2013).
Lạy Chúa Giêsu, giàu không phải là tội, mà nghèo chưa chắc đã là nhân đức. Xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới trong cuộc sống, để dù giàu hay nghèo, chúng con trở thành những người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa. Xin cũng cho chúng con đừng rơi vào tình trạng “dửng dưng”; “vô cảm” như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay. A men.