WASHINGTON - Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo đã tỏ ý quan ngại về số phận của cha Nguyễn Văn Lý và đã yêu cầu ngoại trưởng Colin Powell hãy đưa Việt Nam vào qui chế những “quốc gia đặc biệt phải quan tâm”, một qui chế mà nếu được chấp thuận có thể dẫn đến Việt Nam bị trừng phạt. Ủy ban này do Quốc hội Hoa kỳ chỉ định, đã tổ chức một cuộc họp báo về ảnh hưởng của những biến cố gần đây tại Việt Nam trong lãnh vực tôn giáo đối với chính sách của Hoa Kỳ. Đài BBC phỏng vấn chủ tịch ủy ban, Michael K Young.

BBC: Những hành động chỉ trích như vậy có ích lợi gì không?

Michael K Young: Tôi không nghĩ là có những thay đổi gì gọi là đáng kể. Một thay đổi nhỏ, đó là việc án tù cho linh mục Nguyễn Văn Lý được giảm từ 15 năm xuống còn 5 năm. Trong một năm rưỡi năm trở lại đây, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đã không được cải thiện mà thực chất còn tồi tệ đi."

BBC: Thế thì liệu có thể có những biện pháp gì để tác động vào tình hình ở Việt Nam?

Michael K Young: Chúng tôi đang kêu gọi chính phủ Mỹ có hành động, thí dụ như là hạn chế viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho Việt Nam. Tôi nghĩ điều quan trọng là cả Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu phải làm thế nào để vận động và tương tác được với chính phủ Việt Nam.

Bản tường trình mới đây của Liên hiệp châu Âu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng chỉ trích rằng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đang xấu đi. Việt Nam đang muốn cải cách kinh tế và kêu gọi sự hỗ trợ từ phía châu Âu cũng như là Mỹ, bởi vậy tôi thực sự tin rằng Việt Nam cần phải bắt đầu tương tác để cải thiện nhân quyền trong nước."

BBC: Thực tế thì không phải là không có tương tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Michael K Young: Thí dụ như các chỉ trích mới rồi mà phía các ông dành cho chính phủ Việt Nam chẳng hạn? Tương tác kiểu đó thì chưa đủ. Tương tác thực sự là khi mà các bên có thể đàm thoại với nhau về những tương đồng cũng như những khác biệt chứ không chỉ có nói tốt về nhau.

Thí dụ như trong quan hệ với Canada là nước mà chúng tôi cho là có tương tác mức độ tốt nhất với Mỹ thì chúng tôi cũng có nhiều bất đồng về thương mại chẳng hạn. Hoặc là Âu châu, chúng tôi cũng có nhiều bất đồng với các nước bên đó về gần như đại đa số các điểm trong thời sự quốc tế, thế nhưng tương tác là hai bên cùng tranh luận để thuyết phục nhau và cùng giải quyết vấn đề.

BBC: Có lẽ là phải có mặt bằng chung nhất định nào đó thì mới có thể nói đến tương tác.

Michael K Young: Những nước như Miến điện, Việt Nam, chỉ trích thường không mang lại kết quả. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi dẫn ra đây một thí dụ: Sudan và Hoa Kỳ gần như chẳng có mặt bằng chung nào. Thế nhưng có nhiều điểm hai bên đã giải quyết với nhau như là đưa ra một đạo luật về việc rút tên các công ty khai thác dầu mỏ tại Sudan ra khỏi thị trường chứng khoán New York khi bên đó có nội chiến chẳng hạn.

So với Sudan thì Việt Nam và Hoa Kỳ thực chất có nhiều điểm chung hơn. Cả hai đều là thành viên Liên hiệp quốc, và thông qua Liên hiệp quốc cả hai bên đều phải tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền. Nếu như Việt Nam không thống nhất được với Hoa Kỳ về những nguyên tắc đó thì có nghĩa Việt Nam cũng chẳng tìm được tiếng nói chung với nước nào trong cộng đồng quốc tế.(bbc)