Nguyễn Trung Tây
Ăn cỗ! Lội nước


Việt Nam có câu: “Ăn cỗ đi trước. Lội nước theo sau”. Tư tưởng của câu tục ngữ thâm thúy!

Ăn cỗ mà “theo sau” thì thiên hạ đã ăn hết cả rồi. Phần sót lại trên bàn tiệc chỉ dành cho thằng mõ chiềng làng chiềng chạ hoặc ông ăn mày lê la sân đình. Mà thiên hạ trong làng, từ cổ chí kim, ai lại không muốn có danh có tiếng, tầm thường ra cũng phải Hương Hào, chức sắc quyền uy; cao hơn thì Cụ Tiên Chỉ, trí thức của làng; vừa phải thì có Lý Trưởng, oai phong lẫm liệt. Chứ có ai lại muốn mình vật vờ kiếp thằng mõ, cầm mõ đi rao đầu thôn cuối xóm, “Chiềng làng, chiềng chạ, thượng hạ tây đông...”, hoặc sinh ra với phận làm ông ăn mày vật vã ở sân đình, “Con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại…”

Lội nước mà đòi đi trước thì may ra chỉ có người dở hơi, hâm hâm, man mát. Bởi ai biết phiá trước, dưới làn nước, chỗ nào đường rãnh lỗ hổng, ở đâu ống cống ổ gà? Bởi thế, túi khôn Việt Nam mới dạy, “Chớ, chớ có mà vớ vẩn! Đòi làm anh hùng! Lội nước thì phải đi theo sau. Nhìn cho kỹ, để ý, nom nom cho rõ người đi phiá trước. Nói dại miệng, nếu họ có té, mình vẫn bình an vô sự bởi đã biết đường mà né. Thiên hạ bị thương nhưng riêng mình không sứt đầu mà cũng chẳng gãy tay!”

Nhưng với Chúa thì không. Đức Giêsu thì ngược lại, ăn cỗ, Ngài đi sau, và lội nước, Ngài đi trước. Ăn cỗ “đi sau”, bởi thế Đức Giêsu kết thân với người bị gạt ra bên lề xã hội. Người thu thuế, người bán phấn, người phận thằng mõ, người kiếp ăn mày, những người xã hội coi thường, Ngài kết thân, đi lại. Lội nước “đi trước”, cho nên Đức Giêsu thường xuyên lên tiếng trước những kỳ thị và bất công trong xã hội. Được mời ăn tiệc ở nhà của một thủ lãnh Pharisêu, một người thuộc hạng, “miệng nhà quan, có gang có thép,” thế mà Ngài lại lên tiếng đề nghị với ông ta giữa nơi thanh thiên bạch nhật, “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù...” (Luke 13:12-14). Bởi Ngài ăn cỗ theo sau, lội nước đi trước, chẳng lạ chi nếu Đức Giêsu bị một số nhà lãnh đạo Do Thái dẫn Ngài lên núi Sọ nhận bản án tử.

Kitô hữu, một danh từ bình thường, quá quen thuộc, khiến nhiều người quên đi ý nghiã của cụm từ. Kitô hữu có nghiã là người bạn của Đức Giêsu, cũng có nghiã là môn đệ của Người. Đức Giêsu đã nhiều lần nhắn nhủ chúng ta, “Thầy sao, trò vậy!” (Matt 11:29), Đức Giêsu ăn cỗ theo sau, còn chúng ta, môn đệ của Ngài thì sao? Đức Giêsu lội nước đi trước, riêng những người học trò của Ngài, trong khi lội nước trong dòng nước của đời sống đức tin thường nhật, thông thường chúng ta đi trước hay đi sau?
Chúa Nhật 22-Năm C
Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.com