Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nói ngôn từ chính trị. Sau các bạo động và chết chóc tại Cairo, ngài quyết định chỉ thêm lời cầu nguyện để bạo lực chấm dứt tại đó. Thực ra, Đức Bênêđíctô XVI cũng không nói ngôn từ chính trị khi cho công bố tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Medio Oriente. Ngày nay, ta cần đọc lại văn kiện này để hiểu rõ lập trường của Giáo Hội tại Trung Đông, gồm luôn cả các nước thuộc Bắc Phi.

Có nhiều lý do khiến Ecclesia in Medio Oriente trở thành một văn kiện quan trọng. Nó phản ảnh nỗi đau của các nhóm thiểu số Công Giáo tại các quốc gia vốn được gọi là Mùa Xuân Ả Rập. Nó nói tới vấn đề người Kitô hữu ra đi không ai thấy. Nó làm nổi việc Giáo Hội Công Giáo phải “điều chỉnh lại và tiến bước” với Thánh Kinh làm khởi điểm. Lấy Thánh Kinh làm khí cụ tự biết mình và cũng để đối thoại. Thực vậy, vai trò tích cực mà tôn giáo có thể đóng trong một môi trường tranh chấp là điều rất quan trọng.

Đúng thế, lúc Đức Bênêđíctô XVI triệu tập Thượng Hội Đồng về Trung Đông, thì phong trào quần chúng mà sau này gọi là “Mùa Xuân Ả Rập” chưa xuất hiện. Mặt khác, cũng đúng nữa là việc Trung Đông và Bắc Phi lúc ấy đang sôi sục. Các sứ thần Tòa Thánh, tức hệ thống đại sứ của Đức Giáo Hoàng, từng cảnh giác Tòa Thánh rằng bạo động chống các Kitô hữu đã gia tăng, cuộc ra đi âm thầm đã không còn được ngăn chặn bao nhiêu nữa và các căng thẳng xã hội sắp nổ bùng.

Hậu cảnh ấy đã khiến Đức Giáo Hoàng triệu tập một thượng hội đồng miền. Các đại diện Giáo Hội tại Trung Đông đã tụ về Rôma năm 2011 trong 3 tuần lễ để trình bày các nan đề của họ. Tuy nhiên, họ cũng đã chi tiết hóa nhiều khía cạnh tích cực như đối thoại với các tôn giáo khác chẳng hạn.

Năm 2010, khi các vụ ném bom các nhà thờ Kitô Giáo gia tăng gấp bội, người Hồi Giáo đã xuống đường để cùng các Kitô hữu phản đối. Tại Libăng, hệ thống bác ái của Giáo Hội Công Giáo mới đây đã hỗ trợ làn sóng tị nạn bất ngờ từ Syria, trong đó nhiều người theo Hồi Giáo. Các điển hình này chỉ là một trong rất nhiều điển hình từng đã xẩy ra.

Đàng khác, Kitô Giáo hiện là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới. Đức Bênêđíctô XVI đã nêu điều này ra khá nhiều lần, và Đức Phanxicô cũng vậy. Nó là một sự kiện, dựa trên các dữ liệu có thể định số được, và được chứng minh qua Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới do cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn công bố mới đây. Phúc trình này bao trùm 196 quốc gia và đề cập tới mọi tôn giáo, không riêng gì Kitô Giáo.

Như vậy, ta phải làm gì?

Ecclesia in Medio Oriente cung cấp cho ta nhiều chỉ dẫn. Chữ được dùng nhiều nhất trong tông huấn là chữ “hiệp thông”. Và hiệp thông được tượng trưng bằng lời mời gọi tìm đồng thuận cho “bản dịch chung về Lời Cầu Nguyện Của Chúa, tức Kinh Lạy Cha, sang các ngôn ngữ bình dân của vùng”.

Tông huấn này là một văn kiện dài 90 trang, được chia thành 3 phần, với phần nhập đề và phần kết luận. Trong đó, không một tuyên bố chính trị nào được trình bày, vì như chính Đức Bênêđíctô từng viết, quan điểm của Tòa Thánh liên quan tới các vấn đề chính trị của Trung Đông ai cũng đã biết rõ rồi.

Bởi thế, Đức Bênêđíctô đề nghị ta nên khởi đi từ Lời Chúa, từ cuộc đối thoại với các tôn giáo về các chủ đề quan trọng nhất, mà chủ đề đầu tiên hẳn là tự do tôn giáo, và từ việc cần phải khai triển một sự hợp tác hữu hiệu “trong những điều liên quan tới hoạt động bác ái và việc cổ vũ các giá trị sự sống con người, công lý và hoà bình”.

Trên hết, Đức Bênêđíctô XVI biết rõ: Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông “sẽ không có khả năng biểu hiện hoàn toàn sự hiệp thông này trên bình diện đại kết và liên tôn nếu chính mình không làm sống lại sự hiệp thông này ngay trong mình, ngay trong mỗi Giáo Hội của mình và trong mọi thành viên của mình: các thượng phụ, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ, các người tận hiến và các giáo dân”

Đức Bênêđíctô XVI công bố tông huấn hậu thượng hội đồng này tại Libăng, trong đan viện Harissa, khi ngài tông du tại đó. Dịp này, ngài nhấn mạnh rằng tông huấn là lời kêu gọi “dọn đường để tái khám phá tính yếu tính” nghĩa là lời kêu gọi sequela Christi (theo chân Chúa Kitô) trong một môi trường khó khăn và đau đớn “có thể khiến ta quên khuấy mất thánh giá vinh quang”. Ngài cũng thêm rằng lời kêu gọi này có tính yếu tính vì “Thiên Chúa vốn ghét tính nhút nhát”.

Bởi thế, Kitô hữu được mời gọi làm chứng một cách kiên vững, trong hiệp thông. Họ cũng được mời gọi trở thành một phần của diễn trình “xây dựng dân chủ” mà Tòa Thánh vốn cổ vũ xưa nay.

Tháng Chín năm 2012, tại Istanbul, Miguel Anguel Ayuso Guixot, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, đã nói chuyện tại hội nghị quốc tế về “Sự thức tỉnh Ả Rập và nền hòa bình ở Trung Đông: Các viễn tượng Hồi Giáo và Kitô Giáo”. Tập chú của bài nói chuyện này là lời kêu gọi nuôi dưỡng nền văn hóa dân chủ, một cố gắng mà theo ông, “đòi thời gian, cố gắng, nhẫn nại và giáo dục”.

Lời kêu gọi trên cũng là lời kêu gọi của Thông Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2012 với chủ đề “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”. Cố gắng ngoại giao của Tòa Thánh luôn mạnh mẽ chú trọng tới việc nuôi dưỡng dân chủ, và dưới ảnh hưởng của Đức Bênêđíctô, làm sao biến sự thật thành trụ cột cho các liên hệ ngoại giao. “Hòa Bình Trong Sự Thật” vốn là chủ đề của thông điệp đầu tiên cho Ngày Thế Giới Hòa Bình của Đức Bênêđíctô XVI.

Trong bài nói chuyện ở Istanbul, Ayuso phân tích những gì xẩy ra sau Mùa Xuân Ả Rập. Ông giải thích rằng “các thành quả đầu tiên của Mùa Xuân Ả Rập là các chiến thắng của các chính đảng duy Hồi Giáo tại Morocco, Tunisia và Ai Cập”. Ông nhấn mạnh rằng chắc chắn đó là thành quả của dân chủ, vì các chính đảng này “đã tiếp nhận một ngôn ngữ thực tiễn và ôn hòa”. Nhưng nay, theo ông, “người ta cần theo dõi và khai triển thêm cũng như nuôi dưỡng một nền văn hóa dân chủ”.

Ayuso cũng nhấn mạnh đâu là các bước của việc theo dõi nói trên: “khai triển vai trò rõ rệt của luật pháp, theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và đồng thời “khai triển các định chế thích đáng của nhà nước và bắt chúng phục vụ mọi công dân”. Nhiên hậu, nên coi các cuộc bầu cử tại các quốc gia của Mùa Xuân Ả Rập chỉ như “bước đầu để thiết lập tính hợp pháp cho những người hiện nay phải lên tiếng nhân danh nhân dân”. Cuối cùng, Ayuso cảnh giác đối với mối nguy “dân chủ có thể bị sử dụng để hợp pháp hóa các ý thức hệ cực đoan và bảo thủ”.

Nhìn trở lui, mọi quan tâm được Ayuso nêu ra đều đã diễn ra một cách đáng kể tại Ai Cập. Cha Khalil Samir Khalil, một tu sĩ Dòng Tên thông thạo về Trung Đông, cũng đã đề cập tới các nan đề đối với cuộc cách mạng Ai Cập, khi ngài giới thiệu Phúc Trình hàng năm của cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn về tự do tôn giáo.

Cha Samir kể lại rằng: “Khởi đầu, người trẻ xuống đường trong đoàn kết. Người Copts và người Hồi Giáo đứng chung với nhau. Các khẩu hiệu của họ nhắc người ta nhớ tới cuộc cách mạng năm 1919 chống đô hộ Anh, khi các linh mục và các giáo sĩ Hồi Giáo diễn hành bên cạnh nhau để đòi quyền độc lập dưới lá cờ có cả lưỡi liềm và thánh giá. Những cuộc biểu tình phản đối này đã dẫn tới Thoả Hiệp Anh-Ai năm 1920 và dẫn tới nền độc lập Ai Cập năm 1922. Liên minh này đã xẩy ra một lần nữa tại Công Trường Tahir trong cuộc cách mạng 25 tháng Giêng, 2011. Kitô hữu kết thành hàng rào người để bảo vệ tín hữu Hồi Giáo khỏi quân đội trong các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu của họ, và ngược lại, vào hôm Chúa Nhật, người Hồi Giáo đã bảo vệ Kitô hữu để họ tham dự Thánh Lễ. Sau khi Mubarak bị lật đổ, người từng cai trị Ai Cập suốt trong 20 năm, số người quá khích gia tăng và kiểm soát các cuộc biểu tình. Vào lúc đó, người trẻ lại một lần nữa xuống đường, để lặp lại rằng mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng là một nhà nước thế tục và bình đẳng cho mọi công dân, và kêu gọi một khả thể sống thực đức tin của mình trong tự do, không có bất cứ loại hạn chế nào”.

Tuy nhiên, người ta không thể ngăn được xu hướng nghiêng về cực đoan, một xu hướng đã dẫn tới chiến thắng bầu cử dân chủ cho Huynh Đệ Hồi Giáo và sau đó là các cố gắng của Tổng Thống Morsi nhằm sản xuất ra một hiến pháp Hồi Giáo.

Trong hậu cảnh này, Giáo Hội đã hành xử như mình nên hành xử: cố gắng bảo vệ cộng đồng của mình.

Khi hỗn loạn bắt đầu diễn ra tại Ai Cập, Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập, nhấn mạnh với hãng tin AsiaNews rằng “Chúng tôi không thể gọi điều đang diễn ra tại Ai Cập là một cú đảo chính. Quân đội quyết định bảo vệ cuộc cách mạng ôn hòa do giới trẻ Ai Cập tổ chức, một cuộc cách mạng được hàng triệu người Ai Cập của xứ sở ủng hộ. Nếu là một cú đảo chính, thì quân đội hẳn đã lập tức chỉ định một người của chính họ làm tổng thống lâm thời rồi. Hẳn họ đã thay đổi chính phủ và lên cầm quyền rồi”.

Thay vào đó, Cha Greiche cho hay: quân đội “không là thành phần của hệ thống chính trị, họ chỉ hướng dẫn cuộc đối thoại giữa các bên. Vị nguyên thủ quốc gia lâm thời hiện nay không phải là một chính khác, mà là một ‘chuyên viên kỹ thuật’, Ông Adli Mansour, đứng đầu Tòa Lập Hiến. Ông hứa sẽ thành lập một chính phủ lâm thời do một liên minh bao gồm mọi chính đảng và định chế của xã hội Ai Cập”.

Ấy thế nhưng, vẫn có những quan sát viên nghĩ rằng sự kiện quân đội đang quản lý thời kỳ chuyển tiếp cũng có thể được nhìn như ngày chung cuộc của cách mạng Tahir.

Trong số các quan sát viên này, có nhà báo Ý Paolo Caridi, từng sống tại Ai Cập. Trên trang mạng Invisible Arabs (những người Ả Rập vô hình), cô nhấn mạnh rằng “Ai Cập bắt đầu nổ tung ngay ở lúc họ vỗ tay tán thưởng cuộc biểu diễn của các máy bay chiến đấu trên bầu trời Tahir, trước nỗi hân hoan của một dân tộc, một lần nữa, lại trao mình trong bàn tay một hệ thống cộng hòa từng sinh ra với Gamal Abdel Nasser, tưởng rằng mình được giải thoát khỏi một lạm quyền nữa, lạm quyền do sự lãnh đạo bảo thủ của Huynh Đệ Hồi Giáo gây ra”.

Việc có nhiều ý kiến dị biệt này cho thấy khó có thể có được một quan điểm rõ rệt về tình hình tại Ai Cập. Chính vì thế Giáo Hội, thay vì đi vào chính trị, đã kêu gọi hoà giải và đối thoại, là các vũ khí ngoại giao duy nhất mà Giáo Hội tự cung cấp cho chính mình để thực thi nghị trình quốc tế của mình. Một nghị trình quốc tế hoàn toàn bắt nguồn từ chủ thuyết nhân bản toàn diện, mà mục tiêu là ích chung.