Tiếp theo những lời tố cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học bên ngoài thành phố Damascus của Syria, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Genève, TGM Silvano Tomasi, lên tiếng cho rằng không nên vội vã đưa ra bất cứ phê phán nào trước khi có bằng chứng rõ rệt.

Ai cũng biết hàng trăm người, trong đó có trẻ em, được bá cáo là bị giết vào ngày 21 tháng Tám do một cuộc tấn công bằng chất hóa học mà theo phe đối lập là do lực lượng chính phủ phát động. Phúc trình này trùng hợp với cuộc viếng thăm Syria của một đoàn thanh tra vũ khí của LHQ, đến đây để điều tra các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học trong hai năm qua. Nhân dịp này, Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki Moon, kêu gọi một cuộc điều tra “thấu đáo”. Trong khi ấy, nhiều chi tiết được truyền đi, kể cả một số video phát tuyến trên liên mạng, vẫn chưa được kiểm chứng.

Về cáo buộc trên và tình hình phức tạp tại Syria, hãng tin Zenit đã phỏng vấn John Newton, ủy viên báo chí của cơ quan nhân đạo Công Giáo, Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn (ACN). Newton đồng ý với nhận định của TGM Tomasi: không nên vội vàng đưa ra bất cứ kết luận nào về các chi tiết liên quan tới vụ tấn công và ai là người chịu trách nhiệm. Chính phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ Ngoại Giáo Mỹ cũng có thái độ dè dặt này khi cô cho hay: “ngay lúc này [ngày 22 tháng Tám], chúng tôi không thể xác định một cách chung cuộc việc sử dụng vũ khí hóa học’. Cô còn cho biết thêm: chúng tôi “đang làm mọi việc có thể làm được trong quyền hạn của mình để biết rõ ngạnh nguồn sự kiện”. Theo Newton, cho tới lúc đó, mọi suy đoán chỉ tổ đổ dầu thêm vào lửa thiên kiến khiến diễn trình hòa bình ngưng lại một cách tai hại.

Về các trường hợp tấn công bằng vũ khí hóa học, các sự kiện rất hiếm hoi. Ai cũng rõ cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Khan al-Assal diễn ra ngày 19 tháng Ba; truyền thông chính phủ, cơ quan đầu tiên tường trình về việc này, đổ tội cho phe đối lập, phe đối lập thì đổ tội cho chính phủ. Truyền thông khắp thế giới thi nhau tranh luận xem ai thực sự phải chịu trách nhiệm, rút cuộc, người nói thế này người nói thế khác, không ai có kết luận vững chắc cả. Lần này, tường trình phát xuất từ phe đối lập và bị cả hai bên chối bỏ trách nhiệm. Chưa ai có khả năng kiểm chứng một cách độc lập, chính Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn cũng không có khả năng này.

Newton cũng đồng ý với TGM Tomasi về nhu cầu đối thoại đối với diễn trình hòa bình ở Syria. Vì suy đoán không đem lại không khí thuận lợi cho diễn trình này.

Nói về số phận Kitô hữu hiện nay ở Syria, Newton cho rằng cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn, mà khó khăn nhất, theo tin tức của một linh mục đang phục vụ tại Homs, là sinh hoạt bình thường hầu như đã không còn nữa: các xưởng thợ đã đóng cửa, các tiệm buôn cũng thế, không việc làm tất nhiên không tiền mua thực phẩm, thuốc men, phòng trọ. Tình thế này mà vẫn phải trả tiền trọ là điều khá “siêu thực” đối với Newton, nhưng đó lại là chuyện có thực.

Rồi, lẽ dĩ nhiên, họ còn bị mắc kẹt vì cuộc chiến nữa. Như Thượng Phụ Gregorios III, giáo chủ Giáo Hội Melkite có trụ sở tại Syria, nói “Ở Syria, không có chỗ nào an toàn cả. Bạn nghĩ chỗ này hay chỗ kia an toàn, nhưng bất cứ giây phút nào, bạn vẫn có thể bị mất mạng vì bom, hỏa tiễn hay đầu đạn, chưa kể bị bắt cóc hay bắt làm con tin để chuộc tiền, hay sát hại... Hỗn loạn đang đe dọa mọi người, mọi nơi, bất cứ giây phút nào”.

Các Kitô hữu cũng là đích nhắm của những người chủ trương thánh chiến cực đoan trong các lực lượng đối lập. Kitô hữu tại Homs đã kinh qua việc này hồi tháng Ba vừa rồi, khi ước chừng 90% tín hữu phải rời thành phố. Một linh mục làm việc với các gia đình tản cư này cho ACN hay: trước cuộc tản cư này, các thành viên của Biệt Đội Faruq, thuộc Quân Đội Tự Do Syria, đến gõ cửa từng nhà trong hai khu phố của Homs, yêu cầu Kitô hữu phải di tản. Các câu truyện tương tự như thế cũng diễn ra ở nhiều nơi khác trong nước nữa, và chỉ mới đầu tháng Tám này, có tường trình cho hay ít nhất một phần ba Kitô hữu thuộc vùng đông bắc Syria đã bỏ cửa nhà ra đi. Cũng có tường trình cho hay các tín hữu tại tỉnh Hasakah bị các phần tử duy Hồi Giáo quá khích trong lực lượng đối lập tấn công.

Hiện nay, khó xác định được việc các Kitô hữu di tản vì cuộc đánh nhau hay vì những người Hồi Giáo quá khích. Nhưng điều chắc chắn là các cộng đoàn Kitô hữu tại Syria đang sống trong lo sợ bạo hành do các phần tử cực đoan nhắm vào họ.

Nói về tương lai Kitô Giáo tại Syria, Newton trích lời Thượng Phụ Gregorios III cho rằng tương lai của mọi Kitô hữu tại Trung Đông gắn liền với số phận các cộng đoàn Kitô hữu tại Syria. Ngài bảo: “nhiều Kitô hữu từ Libăng di cư tới Syria giữa các năm 1975 và 1992, và một lần nữa năm 2006. Cũng thế, đa số Kitô hữu của Iraq di cư qua Syria, nơi hiện họ vẫn đang ở”.

Hồ sơ của ACN cũng cho thấy rất nhiều Kitô hữu Iraq tìm nơi ẩn náu ở Syria. Tại Aleppo trước khi có tranh chấp, cơ quan này đã trợ giúp các người tị nạn Kitô hữu Canđê với thực phẩm và quần áo, huấn luyện giáo lý cho 600 trẻ em và chăm sóc y tế cho những người bệnh kinh niên. Newton cho hay: Ngày nay nhiều Kitô hữu từ Iraq tị nạn lại phải chạy khỏi Syria. Đây quả là một phần trong diễn trình hoại huyết đang khiến cho con số Kitô hữu tại Trung Đông mỗi ngày một giảm đi.

Muốn ngăn chặn đà hoại huyết này, ta chỉ còn biết cầu nguyện, xin Chúa chấm dứt sự tranh chấp, để người ta khởi sự đối thoại và xây dựng hòa bình.

Sự xác nhận sẽ không bao giờ có

Aryan Baker, phóng viên của tờ Time, thường xuyên có mặt tại Beirut, ngày 22 tháng Tám, cũng đặt nhiều dấu hỏi đối với cuộc tấn công bằng hoá chất vừa được tường trình vào hôm trước, do các khía cạnh sau đây.

1. Phương pháp triển khai

Phe đối lập ở Syria tường trình rằng một loạt hoả tiễn đã được phóng vào khu vực lúc tảng sáng. Các cuốn video, mà người ta không tài nào xác nhận được, cho thấy một hỏa tiễn đang xẹt qua bầu trời và một đám mây đen trên khu vực. Các hình ảnh chiếu sau đó cho thấy nhiều đạn dược nổ mà người ta cho là do vụ tấn công tạo ra. Trên blog của mình, chuyên gia về vũ khí Syria là Brown Moses cho hay ông ta cũng thấy những đạn dược tương tự như thế, do Syria chế tạo, được nối kết với các vụ cho là tấn công bằng vũ khí hóa học khác. Dù bản chất các đạn dược này có tính nổ tung, nhưng không nạn nhân nào trong các cuốn videos xem ra bị trúng mảnh đạn hay chất nổ cả. Rồi còn chuyện xẩy ra vào sáng sớm nữa, thì làm sao có nhiều người ở gần chỗ nổ được. Các thanh tra vũ khí hẳn phải khảo sát đạn dược để xác định xem chúng có mang chất hóa học hay không.

2. Địa điểm

Phe đối lập cho đăng một bản đồ liệt kê 9 địa điểm bị đánh trúng và con số thương vong của mỗi địa điểm. Con số này không được cập nhật trong suốt 24 giờ sau đó, nhưng các địa điểm thì nhất quán với các tweets và videos khác.

3. Số người chết

Hình ảnh cho thấy 2 chục người chết, các thi thể bọc vải nằm chờ thân nhân đến nhận. Theo phe đối lập, con số tử vong thay đổi từ vài trăm tới 1,400. Nhưng nếu không kiểm tra tên tuổi họ với thân nhân còn sống, thì người ta không thể xác nhận bất cứ con số nào. Việc này cần nhiều thì giờ. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cho ta những số liệu tử vong đáng tin cậy nhất trong chiến tranh Syria nhờ dựa vào việc kiểm tra sâu rộng này; nhưng cho tới nay, cơ quan này chưa có khả năng cung cấp con số cho cuộc tấn công hôm 21 tháng Tám.

4. Triệu chứng

Các hình ảnh video phát xuất từ các địa điểm bị tấn công cho thấy những triệu chứng kinh hoàng từ nôn mửa, khó thở, tê liệt, xùi bọt mép, con ngươi nở lớn, con ngươi thu nhỏ, run rẩy, ra nước bọt quá độ, tới tiểu tiện không thể kiểm soát được. Các triệu chứng này đều là triệu chứng của tấn công hóa chất, nhưng chúng không nhất quán. Các chất ảnh hưởng tới thần kinh như sarin, chẳng hạn, không gây bọt mép, nhưng các chất tác động tới phổi như chlorine thì có thể. Tuổi, dị ứng và xuyễn có ảnh hưởng tới cách các triệu chứng này phát hiện ra. Các chất này có thể hoà tan hay phối hợp bằng nhiều cách để tạo ra hàng loạt các triệu chứng bất thường. Dù các cuốn video không được kiểm chứng, nhưng rõ ràng chúng cho thấy các nạn nhân đau đớn kinh khủng và do đó, một điều hết sức khủng khiếp đã xẩy ra cho một số lớn người. Cách duy nhất để biết chắc chất nào đã được sử dụng là thử máu và tế bào nạn nhân cũng như các mẫu môi trường lấy tại chỗ.

5. Ai chịu trách nhiệm?

Điều này có thể sẽ không bao giờ biết được. Lời tố cáo đang được gióng lên từ tứ phía: phía chính phủ, phía nổi dậy, phía các phần tử hùng hổ trong quân đội chính phủ, phía các phần tử al-Quaeda có liên quan với phe nổi dậy. Danh sách còn dài. Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki-moon, vào hôm thứ Năm, tuyên bố rằng cần phải điều tra cuộc tấn công này ngay tức khắc và ông đã phái Phó TTK là Angela Kane tới Damascus. Nga, nước ủng hộ chế độ Assad nhiều nhất, cũng đòi có cuộc điều tra. Nhưng dù có được vào các địa điểm bị tấn công, các thanh tra vũ khí của LHQ cùng lắm chỉ xác định được là vũ khí hóa chất đã được sử dụng. Còn ai phải chịu trách nhiệm, thì đâu phải là nhiệm vụ của họ! Các cơ quan tình báo ngoại quốc có thể nắm được bằng chứng riêng, như Hoa Kỳ, Pháp và Israel đã làm với các cuộc tấn công trước đây, nhưng bản chất các bằng chứng này và cách lượm lặt chúng sẽ không bao giờ được công bố. Vì vụ tai tiếng về vũ khí sát hại hàng loạt ở Iraq trước đây, nên các tín liệu này sẽ luôn bị người ta ngờ vực, coi như xúi giục bởi thiên kiến chính trị.

6. Phản ứng

Điều duy nhất đáng tin là phản ứng của cộng đồng quốc tế. Các lời kết án đã nhanh chóng được gióng lên. Nhưng lời nào cũng kèm theo câu “ý tứ” này: "nếu được xác nhận..." Ngoại trừ có sự thú nhận của một trong các bên ra, sự xác nhận này sẽ không bao giờ tới tay người kết án cả.