Nhiều quan sát viên cho rằng cuộc tranh chấp hiện nay tại Ai Cập là cuộc tranh chấp giữa chủ nghĩa Hồi Giáo và chủ nghĩa duy tục. Tuy nhiên, cuộc bách hại kéo dài đối với thiểu số Kitô hữu, từng xẩy ra liên tiếp hàng mấy thập niên và mấy thế kỷ qua, cho thấy thực tại ở đất nước Kim Tự Tháp phức tạp hơn nhiều và không phải chỉ là cuộc tranh chấp giữa hai chủ nghĩa vừa nói.

Tờ The Los Angeles Times ngày 20 tháng Tám qua có bài tường trình đáng lưu ý của ký giả Jeffrey Fleishman tựa là Christian-Muslim Animosity Becomes Incendiary Subplot In Egypt (Sự Thù Nghịch Kitô Giáo-Hồi Giáo Trở Thành Câu Truyện Phụ Bốc Lửa Tại Ai Cập). Bài báo cho thấy các thực tại hiện nay tại nước này khiến người ta mù mờ hơn nhiều về các nhóm thiểu số tôn giáo.

Ký giả này thuật lại câu nói của Nagy Shokrallah, người vừa mở cho xem hình ngôi nhà thờ bị đốt vừa bảo: “khi đem con cháu tới thăm các đan viện tại miền nam, chúng tôi thường cho chúng biết các đan viện này bị đốt tới hai lần trong lịch sử: lần đầu thời Rôma chiếm đóng và lần hai thời Huynh Đệ Hồi Giáo” lúc Morsi và các lãnh tụ khác của nó bị lật nhào khỏi quyền lực.

Có phúc trình gần đây cho hay hai Kitô hữu đã bị giết. Nhiều nhà thờ, trường học, tu viện và ít nhất một cô nhi viện Kitô Giáo đã bị tấn công, thiêu rụi hay cướp bóc, nhiều cơ sở trong số này toạ lạc tại các sa mạc miền nam. Áo lễ bị đốt, tượng ảnh tung tóe. Cảnh sát thường chỉ cung cấp rất ít sự che chở; các giáo dân cho hay: lực lượng an ninh chỉ tới Nhà Thờ Thánh George sau khi người tấn công bỏ chạy 3 tiếng đồng hồ trước đó.

Tony Sabry, một hội viên của liên đoàn thanh niên Coptic, cho rằng “quân đội và cảnh sát không duy trì được an ninh chi cả”. Anh cho rằng Tướng Abdel Fattah Sisi, tư lệnh quân đội, đã phát động cuộc thanh trừng Huynh Đệ Hồi Giáo, gây vạ lây cho Kitô hữu Ai Cập. “Sisi bảo ông ta sẽ phục hồi các nhà thờ... nhưng đáng lẽ ra ông ta nên bảo vệ chúng trước khi tính thánh thiêng của chúng bị vi phạm”.

Điều chủ yếu cần ghi nhận, vì vậy, là Kitô hữu Ai Cập không tin rằng họ có thể tin tưởng cảnh sát và quân đội sẽ bảo vệ họ. Tại sao? Vì sự thật đơn giản là tuyệt đại đa số người Ai Cập muốn có một loại nhà nước duy Hồi Giáo nào đó và vai trò của các nhóm thiểu số tôn giáo trong nhà nước tương lai ấy là chuyện cần đặt thành nghi vấn. Nhưng đồng thời, vẫn có nhiều người Hồi Giáo Ai Cập coi người Kitô Hữu Ai Cập là thành phần của quá khứ và của tương lai đất nước.

Chính vì thế, nhiều tín hữu Hồi Giáo đã góp tay bảo vệ các thánh đường và đan viện, trong khi nhiều người khác tấn công chúng. Sự thực là: người ta nhìn thấy cuộc mâu thuẫn nội bộ của Hồi Giáo này trong mọi sinh hoạt của Ai Cập. Quân đội có thắng, thì thực tại ấy vẫn còn đó, chỉ ít khẩn trương hơn một chút thôi.

Trong khi ấy, điều gì đang xẩy ra cho các Kitô hữu Coptic? Mỹ và các quốc gia Phương Tây sẽ có vai trò gì trong việc bảo vệ tín hữu Do Thái, tín hữu Hồi Giáo thiểu số, Kitô hữu Coptic và nhiều người khác trong tình thế bị đe dọa hiện nay?

Tờ Los Angeles ghi nhận sự kiện hàng ngàn Kitô hữu Coptic đã rời bỏ xứ sở ngay khi người duy Hồi Giáo thắng ở các thùng phiếu. Họ đi đâu? Họ có thể đi đâu? Ai đó tại Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ủy Ban Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế hẳn phải nghiên cứu việc này. Vì dù sao, vẫn chẳng có chỗ nào an toàn cho Kitô hữu tại Trung Đông cả.

Theo tờ báo này, cảm nhận của phần lớn người ở đây, cả Kitô hữu nữa, là Mỹ đã phê phán không công bằng hành động hiện nay của quân đội, khiến cho 900 người thiệt mạng trong mấy ngày gần đây, mà phần lớn là những người ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo và những người biểu tình chống quân đội. Phần đông dân chúng ở đây ủng hộ quan điểm của quân đội coi những người ủng hộ Huynh Đệ là người khủng bố.

Quan điểm trên rất phù hợp với quyền lợi của nền quân chủ Saudi, vì nền quân chủ này xưa nay vốn sợ các phong trào duy Hồi Giáo được nhiều người tin theo như Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ nổi dậy chống lại họ một ngày nào đó. Nên nhà cầm quyền Saudi đã cam kết viện trợ cho Cairo 5 tỷ mỹ kim sau khi Morsi bị lật đổ. Fayek hoan hô nghĩa cử này dù luật lệ Saudi sẽ chặt đầu ông ta nếu người ta khám phá thấy ông cầu nguyện bằng Kinh Thánh. Rất nhiều loại liên minh lạ lùng như thế đang xuất hiện tại Ai Cập, nơi hiện nay nhiều người chuộng an ninh hơn là các dân quyền.

Các tín hữu của các nhóm thiểu số tôn giáo có thể sống như thế bao lâu? Họ từng sống như thế cả hàng thế kỷ nay.

Sau cùng, với các ký giả và những ai lưu tâm tới các thực tại nền tảng lấp ló phía sau các câu truyện trên đây, thiển nghĩ nên đọc bài “Năm Điều Nên Biết Về Ai Cập, Khi Các Nhà Thờ Bị Đốt, Một Đền Thờ Hồi Giáo Bị Vây Hãm Và Hàng Trăm Người Chết” trên tờ The Weekly Number, ngày 19 tháng Tám. Trong đó, điều 3 và 5 đáng lưu ý hơn hết.

Điều 3: Bạo lực phe phái, hiện đang diễn ra tại Ai Cập, có liên hệ mạnh mẽ với các hạn chế của chính phủ

Loại bạo lực này không hề là một hiện tượng mới tại Ai Cập. Tuy nhiên, nó đang trên đà gia tăng. Thí dụ, trước ngày xẩy ra bạo loại vào tuần trước, Al-Jazeera tường thuật rằng sự đối nghịch giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo đã gia tăng tại Ai Cập từ ngày Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011. Và Hội Ân Xá Quốc Tế từng bá cáo các gia tăng căng thẳng gần đây tại Wasta (chừng 100 cây số phía nam Cairo), có ý nhấn mạnh tới tính dễ bị thương tổn của các Kitô hữu Coptic Ai Cập, là nhóm thiểu số tôn giáo lớn nhất của xứ này.

Tuy nhiên, bạo lực bởi và chống lại Huynh Đệ Hồi Giáo cũng là một hình thức bạo lực cộng đoàn ngay bên trong dân số Hồi Giáo, khiến những người ủng hộ phương thức nhiều duy Hồi Giáo hơn chống lại các người Hồi Giáo khác của xứ sở...

Điều 5: Giữa các quốc gia đa số Hồi Giáo, Ai Cập ít khoan dung nhất đối với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo

Ai Cập vốn là quốc gia nơi chính phủ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhất đối với tôn giáo. Thêm vào đó, quần chúng Hồi Giáo lại là những người ít khoan dung nhất đối với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, so với người Hồi Giáo tại các nước khác.

* Giống nhiều quần chúng Hồi Giáo khác được thăm dò trên thế giới, đa số người Hồi Giáo Ai Cập (đến 74%) muốn luật Sharia, tức luật Hồi Giáo, được qui định thành luật chính thức của quốc gia. Tuy nhiên, Ai Cập là một trong số ít, nơi đa số những người ủng hộ luật Sharia (74%) cho rằng cả người Hồi Giáo lẫn người không Hồi Giáo sống trong nước phải theo luật Hồi Giáo. Xét chung khắp thế giới, chỉ khoảng 39% người Hồi Giáo ủng hộ việc này.

* Người Hồi Giáo Ai Cập cũng ủng hộ chính sách biến việc bỏ đạo, hay bỏ Hồi Giáo để theo một tôn giáo khác, thành một tội ác. Một đa số áp đảo người Hồi Giáo Ai Cập (88%) cho biết án tử hình phải được áp dụng đối với bất cứ cuộc cải đạo nào từ Hồi Giáo. Trong số 37 quốc gia được thăm dò, trung bình chỉ có 28% người Hồi Giáo cho rằng người bỏ đạo phải bị tử hình.

Thành thử, cuộc tranh chấp hiện nay tại Ai Cập khó có thể tàn lụi vì đa số rõ ràng dân chúng xứ này muốn có một nhà nước chịu áp dụng luật Sharia cho mọi người Ai Cập. Đa số này có mặt trong cả liên minh hiện đang ủng hộ việc bác bỏ Huynh Đệ Hồi Giáo. Đó là lý do, Kitô hữu Ai Cập đặt rất ít tin tưởng vào sự che chở của quân đội và cảnh sát.