Nhân dịp Đức Phanxicô công bố thông điệp đầu tiên của ngài, tạp chí America có yêu cầu một số nhà thần học và lãnh đạo Giáo Hội tại Hoa Kỳ viết lời bình luận. Năm vị sau đây đã đáp lại lời yêu cầu này: Drew Christiansen SJ, Robert P. Imbelli, James Martin SJ, Peter Folan SJ và Christiana Z. Peppard

Biết Đấng chúng ta yêu mến,

Linh mục Drew Christiansen, S. J., cựu chủ bút của America, và hiện là học giả thỉnh giảng của Boston College, thì cho rằng thông điệp Ánh Sáng Đức Tin phần lớn phản ảnh tư duy của Đức Bênêđíctô XVI: nại nhiều tới các tiến sĩ của Giáo Hội, thánh thiêng hóa triết lý Hy Lạp và ưu tư nhiều đối với chủ nghĩa vô thần thế kỷ 19. Song song với những điều đó là việc quan tâm tới chân lý đơn nhất như là đối tượng của đức tin, tới việc bênh vực tính toàn vẹn của kho tàng đức tin, tới ngữ cảnh Giáo Hội của Đức Tin và tới trách nhiệm của huấn quyền trong việc gìn giữ tính toàn bộ của đức tin chống lại sự xâm thực của thời gian.

Dĩ nhiên, vì là bản văn phần lớn do Đức Bênêđíctô XVI soạn thảo, nên Thông Điệp nhiều lần nói tới sự kình chống hiện đại giữa đức tin và lý trí. Đồng thời, Thông Điệp cũng có những đoạn tích cực tuyệt vời nói tới việc con người đi tìm Thiên Chúa và việc ánh sáng đức tin soi sáng cho khoa học.

Nói tới những người không có đức tin nhưng đi tìm Thiên Chúa, Thông Điệp thừa nhận rằng “người có tinh thần tôn giáo cố gắng thấy các dấu hiệu của Thiên Chúa, trong kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày, trong chu kỳ các mùa, trong tính mầu mỡ của trái đất và trong chuyển động của vũ trụ” (số 35). Thông Điệp còn nói thêm: “Bao lâu họ thành thực mở lòng mình ra đón nhận tình yêu và lên đường với bất cứ thứ ánh sáng nào họ tìm thấy, thì người tìm kiếm đã đang ở trên đường dẫn tới đức tin, dù họ không biết như vậy”.

Đàng khác, đức tin chiếu soi trọn sự sống, kể cả việc tìm kiếm của khoa học: “Đức tin khuyến khích nhà khoa học không ngừng cởi mở với thực tại trong mọi nét phong phú khôn lường của nó… Đức tin làm sống dậy ý thức phê phán bằng cách ngăn cản không cho nó tự hài lòng với các công thức của mình và giúp nó hiểu ra rằng thiên nhiên luôn lớn lao hơn. Bằng cách kích thích sự bỡ ngỡ trước mầu nhiệm sâu thẳm của sáng thế, đức tin mở rộng các chân trời của lý trí, dõi nhiều ánh sáng hơn cho một thế giới đang tự cơỉ mở đối với cuộc tìm hiểu của khoa học” (số 34). Dù trong thần học căn bản, những động lực thúc đẩy cho khoa học tiến bộ này có thể được giải thích như các biểu hiện của đức tin tiềm ẩn bên ngoài Chúa Kitô, nhưng khi nhìn bằng con mắt đức tin bởi những khoa học gia tín hữu như Teilhard de Chardin, chúng có cái chiều sâu Kitô (Christic depth). Chính cái chiều sâu lớn hơn của sự sống trong đức tin này là điều hai vị giáo hoàng tác giả muốn ta chú ý.

Cha Christiansen cho rằng khó nhận ra phần đóng góp riêng của Đức Phanxicô. Ngài nghĩ phần đóng góp này nằm ở chương 3 “tôi trao lại cho anh chị em điều chính tôi đã nhận được” đề cập tới việc thông truyền đức tin, và ở chương 4 “Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một kinh thành”, đề cập tới vai trò đem lại sự sống của Đức Tin trong gia đình và trong xã hội. Nhưng nếu thế thì ta phải ngạc nhiên vì Giáo Hội học ở đây xem ra không phải là Giáo Hội học phục vụ của Đức Phanxicô (Giáo Hội ở ngoài phố, nơi tai nạn có thể xẩy tới) mà là Giáo Hội học bảo vệ đức tin khỏi sai lầm của Đức Bênêđíctô. Đáng lẽ ở đây, tín hữu nên nhận được một vài tầm nhìn thông sáng của Đức Phanxicô liên quan tới việc dấn thân của Giáo Hội vào một thế giới có khả năng gây chấn thương.

Tuy nhiên, các số 37-39 đã đề cập tới việc chia sẻ Đức Tin và nhấn mạnh tới bản chất cộng đồng và bản chất Giáo Hội của Đức Tin. Phần lớn chương 3 dành để nói về việc thông truyền đức tin qua bí tích. Chương 4 cho thấy nhấn mạnh mục vụ của Đức Phanxicô, nhất là tiết kết thúc (các số 56-57) nói về vai trò ủi an của Đức Tin trước đau khổ và chết chóc.

Cha Christiansen lưu ý sợi chỉ xuyên suốt ba thông điệp Deus caritas est, Caritas in veritate Lumen fidei. Hai thông điệp kia là của Đức Bênêđíctô. Thông điệp cuối là của chung Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô. Nhưng cả ba cùng đều nhấn mạnh tới tình yêu. Thật vậy, chính tình yêu Thiên Chúa giúp ta tin. Trích lời Thánh Phaolô “tin bằng tâm hồn” (Rm 10:10), thông điệp cho rằng “đức tin biết vì đức tin nối kết với tình yêu, vì tình yêu tự nó đem soi sáng tới”. Chính đức tin mở mắt trí khôn. Thông điệp viết: “cái hiểu của đức tin được phát sinh khi ta nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu biến đổi ta từ bên trong và giúp ta nhìn sự vật bằng con mắt mới” (số 26). Điều thật đáng lưu ý là dù rất quan tâm tới nội dung chân lý của Đức Tin, Đức Bênêđíctô vẫn phải hướng tới tình yêu để đóng ấn cho luận điểm của ngài về đức tin, mang lại cho nó cái nét thuyết phục nhất. Vì nói cho cùng, Thiên Chúa “là chủ thể tự làm cho Người được biết đến và được nhận thức trong mối liên hệ liên bản vị” (số 36).

Không những thế, ngoài hình ảnh nhìn ra, một hình ảnh làm khởi điểm cho “Ánh Sáng Đức Tin”, Đức GH còn nói tới chiều kích nghe, thậm chí cả chiều kích rờ mó nữa của đức tin. Tin Mừng làm chứng cả ba chiều kích ấy: “điều chúng tôi được nghe, điều chúng tôi được nhìn bằng con mắt và rờ mó bằng tay chân, chính là lời ban sự sống” (1Ga 1:1; LF số 31). Thông điệp cho ta hay: tình yêu đích thực “kết hợp mọi yếu tố trong con người của ta và trở nên ánh sáng mới chỉ đường ta tiến tới cuộc sống vĩ đại và thỏa đáng” (số 27). Tình yêu sản sinh ra hiểu biết vì chỉ có nó mới ôm lấy trọn bản thân ta. Tình yêu ở tâm điểm đức tin là tình yêu kết hợp ta với Chúa Kitô.

Một sự hợp tác phi thường

Linh mục Robert P. Imbelli, thuộc tổng giáo phận New York, hiện dạy thần học tại Boston College, nhấn mạnh tới đặc điểm “bốn bàn tay” hình thành ra Lumen Fidei. Thực vậy, trước ngày ban hành thông điệp này, chính Đức Phanxicô tiết lộ đặc điểm này cho báo giới. Và một lần nữa, ở phần nhập đề của thông điệp, ngài viết rõ: Đức Bênêđíctô “gần như đã hoàn tất dự thảo đầu tiên của thông điệp về đức tin. Vì vậy, tôi rất cảm ơn ngài, và vì là anh em của ngài trong Chúa Kitô, tôi đã tiếp nối công trình tốt đẹp của ngài và thêm một số đóng góp của riêng tôi” (số 7).

Đây quả là một hợp tác phi thường khiến ta có thể gọi Lumen Fidei là chúc thư của Đức Bênêđíctô và Diễn Văn Đăng Quang của Đức Phanxicô.

Cha Imbelli cũng nhấn mạnh tới tình yêu như là trọng tâm của Lumen Fidei khi trích dẫn “Trong tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu, đức tin đã nhận thức được nền tảng mà mọi thực tại và cùng đích của chúng dựa vào” (số 15). Đức tin của Kitô Giáo phát sinh từ cuộc gặp gỡ đầy yêu thương với Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Do đó, nó bao gồm trọn con người, cả hiểu biết, lẫn ý chí và xúc cảm.

Thành thử, trước khi được phát biểu thành lời, đức tin là một thực tại cảm nghiệm sâu sắc đặt con người vào con đường mới, giúp họ thấy thực tại dưới một ánh sáng mới, tức ánh sáng của Chúa Kitô, và mở cho họ nhiều chân trời và sứ mệnh mới. “Những ai tin đều được biến đổi bởi tình yêu mà họ vốn mở trái tim ra chào đón trong đức tin” (số 21). Họ được biến đổi qua việc Chúa Kitô cư ngụ trong họ.

Điểm cũng cần nhấn mạnh là khía cạnh cộng đồng của đức tin. Cái “tôi” của người tín hữu được lồng vào cơ thể Giáo Hội của Chúa Kitô: Câu “tôi tin” của cá nhân được định vị trong câu “chúng tôi tin” của cộng đồng. Thông điệp viết một cách súc tích như sau về khía cạnh này “Việc mở ra cái “chúng tôi’ đầy tính Giáo Hội này phản ảnh sự cởi mở của chính tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không những chỉ là mối tương quan giữa Cha và Con, giữa “Con” và “Ngài”, mà còn, trong Chúa Thánh Thần nữa, nghỉa là “Chúng ta”, một hiệp thông các ngôi vị” (số 39).

Mặt khác, hiệp thông có tính Giáo Hội được cảm nghiệm và vui hưởng không có tính tự khép kín, mà đòi ta phải lãnh trách nhiệm đối với thiện ích chung. “Ánh sáng (đức tin) không chỉ soi sáng bên trong Giáo Hội, cũng không phải chỉ để xây dựng kinh thành vĩnh cửu đời sau; nó còn giúp ta xây dựng xã hội sao đó để xã hội cùng lên đường tiến tới một tương lai hy vọng” (số 51).

Bắt nguồn từ căn cội mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, đức tin không thể làm ngơ nỗi thống khổ của thế giới. Nó tìm cách đem đến cho ta một phục vụ đầy hy vọng và yêu thương, nhất là cho những người thiếu thốn và bị bỏ rơi hơn cả. “Đức tin không phải là ánh sáng làm tan bóng tối, mà là ngọn đèn dẫn lối ta đi trong đêm và đủ cho suốt hành trình” (số 57).

Lời mời thân ái đối với người tìm kiếm

Linh mục James Martin, S.J., chủ bút toàn quyền của America, thì cho rằng Lumen Fidei là lời mời tốt đẹp đối với cả người tin lẫn người không tin. Dù thông điệp này chính thức ngỏ lời với các giám mục, linh mục, tu sị và tín hữu giáo dân, nó cũng thực lòng muốn nói với bất cứ ai đang tìm kiếm Thiên Chúa.

Theo cha Martin, không có gì đáng gọi là “tin tức” trong Lumen Fidei, ngoại trừ sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và “công lý, luật pháp và hòa bình” là những điều vốn phản ảnh quan tâm sâu sắc của Đức Phanxicô đối với người nghèo. Thực vậy, có cả một đoạn minh nhiên nói tới các khuôn mặt vĩ đại như Thánh Phanxicô Assisi và Mẹ Têrêxa, những người được đức tin thúc đẩy để trực tiếp làm việc cho người nghèo.

Cha Martin cho rằng ta không nên đoán già đoán non phần nào của thông điệp do Đức Bênêđíctô viết phần nào do Đức Phanxicô viết. Đúng hơn phải đọc thông điệp trong tính toàn bộ của nó, coi nó như công trình của cả hai vị Giáo Hoàng.

Như trên đã nói, Cha Martin cho rằng có những đoạn dành cho các tín hữu Kitô suy niệm cách phong phú, nhưng không thiếu những đoạn có ích cho cả người đang tìm kiếm, người hoài nghi, người bất khả tri và thậm chí cả người vô thần nữa.

Thực vậy, thông điệp có chỗ viết “đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa”. Nghĩa là, đức tin không phải chỉ là một diễn trình tri thức, hay câu trả lời cho các vấn nạn triết học, mà chủ yếu là một mối liên hệ, với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, và với người khác. Thông điệp cho rằng ta có thể thấy được sự tiến bộ trong mối liên hệ này qua dòng lịch sử, trong câu truyện cứu độ, bắt đầu với Ápraham. Bởi thế, đối với những người tìm kiếm, tha thiết muốn biết đức tin là gì, thay vì một tranh luận triết học hay thần học, Lumen Fidei trình bày một con người: đó là Chúa Giêsu. Thông điệp bảo: đức tin là “tham dự vào cách nhìn của Người”. Ta tìm cách đi vào mối liên hệ với Người.

Nhưng điều trên không có nghĩa: trí hiểu không quan trọng. Đối với những người sợ rằng trở thành Kitô hữu có nghĩa phải vứt bỏ đầu óc đi, Lumen Fidei nhấn mạnh tới giá trị của con đường tri thức, và nhắc nhở ta nhớ tới kinh nghiệm của Thánh Augustinô. Gặp gỡ Thiên Chúa không khiến Thánh Augustinô phải “từ bỏ ánh sáng và việc nhìn” tức lý trí. Tuy nhiên, niềm khát khao chân lý của ta chỉ được thỏa mãn khi “ta thấy và yêu”.

Vì “tình yêu là cảm nghiệm về chân lý”. Do đó, đối với người vẫn đang tìm kiếm Thiên Chúa, thông điệp khuyến khích họ suy tư về chính cảm nghiệm yêu thương của họ, không phải như một xúc cảm phù du, mà như phương cách nếm thử đức tin và cảm nhận chân lý, cả hai sẽ dẫn tới đức tin. Nhờ suy tư về tình yêu mà Thiên Chúa tỏ cho ta thấy trong cuộc sống ta, như Dân Israel từng làm suốt trong lịch sử, dần dà ta sẽ nắm được đức tin. Dòng sau đây thiết nghĩ rất hay đối với nhiều người đang tìm kiếm: “Bao lâu họ chịu thành thực mở lòng mình ra đón chào tình yêu và lên đường với bất cứ ánh sáng nào họ tìm thấy, họ đã đang trên đường dẫn tới đức tin rồi, dù không biết”.

Chính vì vậy, đức tin là một hành trình. Lumen Fidei quả có nói tới “nẻo đường” và “con đường mà Đức Tin mở ra trước ta”. Nói cách khác, đừng sợ tiếp tục tìm kiếm. Thông điệp cho hay “Người tôn giáo là người đi đường, họ phải sẵn sàng để được hướng dẫn, để ra ngoài chính họ, và tìm thấy Thiên Chúa luôn gây ngạc nhiên”.

Ánh sáng soi đường ta đi

Linh mục Peter Folan, S.J., cha phó Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đặc biệt lưu ý tới số 57 của Lumen Fidei là số cho rằng “đức tin không phải là ánh sáng xóa tan bóng tối mà là ngọn đèn dẫn lối ta đi trong đêm và đủ cho suốt hành trình”. Ta cũng có thể nói như thế về chính thông điệp. Vì thông điệp này quả là ánh sáng cho Giáo Hội, và do đó, cho cả nhân loại, không phải vì nó xóa bỏ mọi thách đố đối với niềm tin, mà vì nó cho thấy đức tin của Giáo Hội sẵn sàng đối mặt với các thách đố đó. Cách riêng, Lumen Fidei sẵn sàng giáp mặt với 3 thách đố sau đây:

Thứ nhất, đức tin là một kế hoạch chống đỡ(backup). Những người đặt ra thách đố này coi đức tin như một chất trét (caulk) để trám các lỗ hổng giữa cảm nghiệm và giải thích khoa học. Họ cho rằng thời gian và nghiên cứu sâu sắc cuối cùng sẽ cho thấy đức tin là điều không cần thiết, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Phần mình, Lumen Fidei, một mặt, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhận thức và chân lý, vì “không có các giá trị này, ta không thể đứng vững, ta không thể tiến tới” (số 24) nhưng mặt khác nhận ra “một mất trí nhớ vĩ đại trong thế giới hiện đại” (số 25). Vì theo thông điệp này, các vấn đề về chân lý và nhận thức, xét trong nền tảng, chính là các vấn nạn về ký ức, vì “chúng liên hệ tới điều gì đó có trước chúng ta” (số 25). Mồi cho ngọn lửa âm ỉ của ký ức cá nhân và ký ức Giáo Hội cháy lên qua cầu nguyện và bí tích sẽ kết hợp chúng ta, trở nên không những một tế bào liên kết các giây phút rời rạc của thực tại, mà là chất cốt của chính thực tại, chỉ đường tiến tới tương lai bằng cách đặt cơ sở vững chắc trong quá khứ.

Cho dù đức tin không phải là một kế hoạch hỗ trợ đi, thì thách đố thứ hai cũng cho rằng nó chỉ là một theo đuổi cá nhân. Thách đố này, một thách đố phát sinh từ phong trào “tâm linh chứ không tôn giáo” và “đức tin đòi người ta vâng lời tối mặt”, gặp được câu trả lời mạnh mẽ từ Lumen Fidei. Trong khi nhắc độc giả nhớ rằng “đức tin không phải là chuyện tư riêng, một ý niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa hay ý kiến bản thân”, thông điệp nối kết đời sống đức tin với việc nhìn và nghe để kết luận rằng đức tin “nhằm tìm cách phát biểu thành lời và được công bố” (số 22). Đức tin nhận biết do việc nhìn và nghe này khiến mắt và tai ta tập chú “vào cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô” (số 30), một cuộc gặp gỡ “được duy trì sống động trong chủ thể tưởng niệm duy nhất kia là Giáo Hội” (số 38). Như thế, Giáo Hội làm sắc cái nhìn, cái nghe và cái nhớ của cá nhân, tức đức tin của cá nhân, y hệt như cá nhân làm sắc những thứ ấy nơi Giáo Hội.

Cuối cùng, Lumen Fidei ngỏ lời với những ai cho rằng đức tin chỉ là vấn đề nội bộ của Giáo Hội. Ngược lại thì có, giống như Giáo Hội, đức tin “đặt chúng ta vào cuộc hành trình; nó làm khả hữu việc làm chứng và đối thoại với mọi người” (số 34). Mục đích của cuộc đối thoại này phải là sự nên một mà Chúa Giêsu từng cầu xin trong Tin Mừng Gioan 17, vì như lời Thánh Lêô Cả, “nếu đức tin không là một, thì nó không phải là đức tin” (số 47). Điều này kêu gọi nhiều hơn cả đại kết. Nó đòi sự hợp nhất của toàn thể nhân loại trong tình anh em, một tình anh em không dựa hoàn toàn vào bình đẳng, mà dựa vào “Cha chung làm nền tảng tối hậu” (số 54).

Ánh sáng đức tin, thứ ánh sáng làm tên và làm nội dung cho Lumen Fidei, không như “những tia sáng nhỏ nhoi chiếu sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không có khả năng chiếu rọi đường đi” (số 3). Những tia sáng nhỏ nhoi này may ra chỉ giải quyết được một số thách đố trong nhất thời để rồi sau đó tàn lụi. Còn ánh sáng đức tin, như được trình bày trong Lumen Fidei, cho ta thấy cả con đường vượt qua các thách thức này và quá cả bên kia chúng nữa, một con đường mà Giáo Hội phải bước qua, không ngừng lữ thứ.

Sự hợp nhất của Đức Tin

Christiana Z. Peppard, một phụ tá giáo sư thần học, khoa học và đạo đức học tại Đại Học Fordham, New York, cho rằng dù những tham chiếu về Nietzche, Justin Tử Đạo, Dante và Dostoevsky có cho thấy văn phong của Đức Bênêđíctô XVI; và các chủ đề như tương quan, thiện ích chung, kinh tế và tạo dựng có sắc thái của Đức Phanxicô, nhưng ta không nên đọc Lumen Fidei trong não trạng đó. Vì thông điệp không phải là một văn kiện vụn vặt. Dù được viết bởi một ủy ban đi chăng nữa, nó vẫn có sự thống nhất của một tiếng nói có thẩm quyền.

Đồng nhất và đồng thanh (univocality) là các chủ đề quan trọng trong Lumen Fidei, một thông điệp cố gắng khẳng định rằng “ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi mọi khía cạnh của đời người” (số 4). Hiểu rõ các thực tại hiện nay, thông điệp ưu tư đối với “cuộc khủng hoảng chân lý của thời ta” và “chủ nghĩa duy tương đối”, một chủ nghĩa hiện đang hết sức thách thức “câu hỏi về Thiên Chúa” (số 25). Nó nhấn mạnh sự quan trọng của tân phúc âm hóa; nó đặc biệt cho thấy khoa học và đức tin bổ túc cho nhau: “bằng cách kích thích sự bỡ ngỡ trước mầu nhiệm sâu thẳm của tạo dựng, đức tin mở rộng các chân trời của lý trí để nó dõi một ánh sáng lớn hơn trên thế giới vốn tự bộc lộ mình cho các tìm hiểu của khoa học” (số 34).

Nhưng thông điệp cũng khiến người ta tự hỏi: đồng thanh và đồng nhất nói về đức tin có nghĩa gì trong một thời điểm Giáo Hội hoàn vũ càng ngày càng ý thức được tính đa dạng trong nội bộ chính mình? Hai vấn đề sau đây đáng được xem sét thêm.

Thứ nhất, thông điệp coi sự thật của Giáo Hội như một cố gắng thẳng thắn và đồng thanh. Trong cách nhìn này, chân lý có tính huấn quyền; qua truyền thừa tông đồ, “huấn quyền bảo đảm sự tiếp xúc của ta với nguồn nguyên khởi và nhờ thế cung cấp cho ta sự chắc chắn có thể vươn tới lời của Chúa Kitô trong sự toàn vẹn của nó” (số 36). Cái nhìn này không hề là cái nhìn mới lạ. Nhưng nó vẫn đáng lưu ý trong ngữ cảnh những cuộc tranh luận liên tục về vai trò và thế giá của các thần học gia so với huấn quyền phẩm trật.

Thứ hai, phải hiểu sự hợp nhất Công Giáo ra sao? Dĩ nhiên, Lumen Fidei cho rằng phụng vụ, các bí tích, chứng tá Thánh Kinh, các kinh nguyện và tuyên xưng đức tin là những phương thế Giáo Hội dùng để duy trì và truyền bá chủ trương nền tảng cho rằng “lịch sử của Chúa Giêsu hoàn toàn cho thấy sự đáng tin của Thiên Chúa” (số 15). Những thứ ấy bền vững qua mọi không gian và thời gian và là những nguồn căn bản của việc hợp nhất trong Đạo Công Giáo.

Nhưng hình ảnh hợp nhất trong Giáo Hội hoàn vũ là hình ảnh nào? Đây là câu hỏi quan trọng và phức tạp. Giáo Hội có thể hợp nhất trong đức tin, nhưng nhất định Giáo Hội không độc dạng trong thực hành hay trong hiến pháp của mình. Như thế, làm thế nào lồng tính đa dạng trong cảm nghiệm nhân bản của Giáo Hội hoàn cầu và đa nguyên này vào các phát biểu đồng thanh của giáo huấn huấn quyền? Câu hỏi này xem ra không được Lumen Fidei bàn tới, nó thường chỉ nhấn mạnh tới tính hợp nhất của Giáo Hội mà làm ngơ tính đa phức. Điều này là một đáng tiếc, vì hợp nhất không thể giản lược thành độc dạng (uniformity).

Quen biết

Linh mục Drew Christiansen, ngày 8 tháng 7, còn nhận xét thêm về Lumen Fidei mà cho rằng đức tin nhiên hậu đặt cơ sở trên cái biết của tình yêu Thiên Chúa trong đức Kitô, một cái biết mà người Việt Nam chúng ta gọi là quen biết hay cái biết có tính bản vị. Quả vậy, đức tin thuộc lãnh vực nhận thức liên bản vị bởi vì Thiên Chúa là Đấng có bản vị.

Đối với thế hệ học hỏi thần học ở thập niên 1960-1970, chủ trương về cái biết này của đức tin là điều căn bản. Sau khi nắm vững nền nhận thức học về phổ quát thể (universals) tức vấn đề làm thế nào các ý niệm nhân bản nắm bắt được thực tại, các sinh viên thường đọc những cuốn sách như cuốn Personal Faith (Herder, 1965) của Carlos Cirne-Lima, một triết gia Ba Tây. Ông chủ trương rằng kinh nghiệm gần gũi nhất với nhận thức đức tin nơi con người là nhận thức liên bản vị của một người được yêu và nhận thức đức tin về Thiên Chúa là một nhận thức bản vị.

Cùng lúc đó, Công Đồng Vatican II cũng đưa ra một chủ trương tương tự trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải, Dei Verbum, mà cho rằng đức tin là đức tin vào con người Chúa Kitô, Đấng ta yêu mến. Công Đồng tuyên bố rằng “Bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm, đã được phái tới với ‘con người như một con người’. Người ‘nói lời Thiên Chúa’ (Ga 3:34), và hoàn tất công trình cứu rỗi mà Cha Người đã trao cho Người thực hiện (xem Ga 5:36; 17:4). Thấy Chúa Giêsu là thấy Cha Người (Ga 14:9)” (DV số 4). Việc trình bày có tính qui Kitô về đức tin này của Vatican II đã được nhiều thần học gia phục vụ tại Công Đồng trong tư cách chuyên viên như Henri de Lubac chủ trương trước đó. Và đàng sau họ là công trình của nhà thần học Dòng Tên Pháp đầu thế kỷ 20 tức Pierre Rousselot (1878-1915).

Dù trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” của cuộc khủng hoảng duy hiện đại (modernist), Rousselot cũng mạnh bạo trình bày cái nhìn thông sáng của ông về chiều kích tình yêu trong đức tin khiến ông được coi là lý thuyết gia về tình yêu.

Ta biết với triết học Kinh Viện, dù Bonitas, veritas et pulchritudo convertuntur (Thiện, chân, mỹ có thể trao hoán lẫn nhau), nhưng vì khuynh hướng nghiêng nhiều về tính hữu lý của Đức Tin và vì cơ cấu Đạo Công Giáo thời ấy vốn tự hào về tư cách tôn giáo tín điều của mình, nên phần đông truyền thống Công Giáo vẫn coi trọng chân lý hơn tình yêu. Khuynh hướng này kéo dài tới tận Vatican I. Rousselot trái lại cho rằng trong cái hiểu có chiều kích tình yêu, và trong tình yêu có chiều kích chân lý. Các ý niệm của ta sở dĩ truyền đạt được chân lý vì ta vốn tiếp xúc được với những điều có thật. Nói cách khác, tình yêu hướng dẫn trí hiểu, vì tình yêu vốn đã nắm được thực tại trước đó rồi.

Trong bài “Con Mắt Đức Tin” đăng trên Recherches des Sciences Religieuses (1910), Rousselot cho rằng các khẳng định cá thể của đức tin đều bắt nguồn từ sự hợp nhất chân thực của ta trước đó với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Ta khẳng định các mệnh đề tín lý là thật vì ta đã vốn có mối liên hệ với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Sự hợp nhất của các chân lý chính là Chúa Kitô.