HÀ NỘI - Khi ông Hồ Chí Minh mất năm 1969, người cha sáng lập nên nước Việt Nam hiện đại đã được chôn cất – trái với di chúc của ông – trong một lăng theo kiểu Stalin, vây quanh là khu duyệt binh to lớn vốn được các chính thể cộng sản ưa thích. 34 năm sau, có vẻ như mọi thứ không hề thay đổi.

Những người lính mặt lạnh lùng đi nhịp bước chầm chậm đến lăng mộ phủ đá granite để đặt thêm vòng hoa.

Những người lính khác đứng bên cạnh quan sát những vị khách nào vi phạm nghi thức cứng nhắc mà lãnh đạo Đảng cộng sản đặt ra cho lăng.

Người ta không được đi bộ ở phần lớn khu duyệt binh. Không được chụp hình lính gác. Phải tháo mũ – thực tế thì bạn còn phải lấy hết đồ trong túi ra trước khi đi vào trong. Và quan trọng nhất, bạn phải giữ vẻ ngoài thật buồn và nghiêm túc.

Đây không phải là vấn đề cho những nhóm cựu chiến binh đến đây để chia sẻ kỷ niệm về cuộc đấu tranh phi thường của họ dưới sự lãnh đạo của người mà họ gọi là Bác Hồ. Nhưng nó gây khó khăn hơn cho những thanh niên người Việt mà số lượng còn đông hơn.

Trong ánh đèn tối mờ, xác ướp có màu da cam rờn rợn, trông có vẻ làm bằng sáp.

Hai cô gái trẻ đứng trước tôi bắt đầu cười khúc khích và bị người lính cảnh cáo. Rồi hai cô quay lại và thấy tôi, một người nước ngoài duy nhất có mặt, đang khó hiểu trước sự xấu hổ mà những người kế vị nhà lãnh tụ đang bắt ông phải chịu. Thế là họ phá lên cười.

Người lính nhìn tôi vẻ trách móc và nhanh chóng buộc chúng tôi ra ngoài.

Sự đúng mực mang phong thái cộng sản lại được phục hồi.

Mọi nơi tôi đến ở Việt Nam, tôi đều thấy sự hiện diện của những nỗ lực viển vông của đảng muốn giữ nguyên hệ tư tưởng thoi thóp của họ và sự không thích hợp của nó đối với những người dân thường Việt Nam mà hiện giờ quan tâm chủ yếu đến việc làm giàu.

Lực đẩy

Đất nước này có một sinh lực khiến bạn sửng sốt – mọi lúc toàn bộ người dân đều như đang chuyển động, tụm ba, tụm bốn trên xe máy.

Các doanh nghiệp mới mọc ra khắp nơi. Và lực đẩy của cuộc cách mạng kinh tế này không phải là những người trung thành với đảng từng chiến thắng Pháp và Mỹ, mà là những người Việt chạy trốn khỏi sự khốn đốn vì chiến tranh và sự cầm quyền cộng sản – những người giờ đây quay lại với những hiểu biết kinh doanh học từ phương Tây.

Như Anoa Dessul Perran, một phụ nữ mà sự quyến rũ đã chinh phục lòng kính trọng của nhà chức trách. Bà kể tôi nghe câu chuyện của mình tại một trong những khách sạn bà và chồng xây tại vùng biển miền nam.

Sinh ra tại Việt Nam, bà cùng gia đình đến Pháp thập niên 1960 và mãi 30 năm sau mới trở về. Lúc đó, bà đã là một nhà hoạt động địa ốc thành đạt và là một người lái trực thăng có chứng chỉ.

Quyết tâm vượt qua sự thù địch và hàng rào quan liêu vốn đối diện đa số người trở về, bà đến Việt Nam bằng trực thăng riêng – và ngay lập tức bị quân đội bắt và dán nhãn “kẻ đào tẩu”.

Ngày hôm nay, bà là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất tại Việt Nam.

Còn có thể kể Nguyễn Ngọc Mỹ, vượt biên cùng gia đình năm 1978 sau 10 tháng sống trong trại cải tạo.

Là một kĩ sư, ông định cư tại Australia và hiện xây đồ nội thất cho nhiều văn phòng và khách sạn lớn nhất ở Việt Nam.

Và cả Nguyễn Đăng Tiến, làm việc 14 năm cho Lầu Năm Góc ở Washington và hiện quản lý một trong những công ty phần mềm thành công nhất ở Việt Nam.

Những Việt kiều này thể hiện một quyết tâm thành công ở Việt Nam, một quyết tâm mà hẳn họ đã phải có để có thể tồn tại khi ở nước ngoài.

Về mặt chính thức, chính phủ chào đón những người này vì sự đóng góp cho kinh tế đất nước. Nhưng vẫn có ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đặt ra để giám sát hoạt động của họ. Như một quan chức nói với tôi, “bởi vì không phải lúc nào họ cũng biết cư xử thích hợp.”

Nhưng tôi ngờ rằng còn có thể có lý do nhà nước sợ họ reo rắc những tư tưởng chính trị tại một nước nơi vẫn chưa chấp nhận sự đối lập.

Văn hóa tiêu thụ

Trước khi về, tôi đến gặp một trong các cựu chiến binh để nghe suy nghĩ của ông về sự chuyển hóa của đất nước từ mô thức xã hội chủ nghĩa sang một nền kinh tế đang bắt đầu phát triển.

Đại tá Tống Viết Dương sống trong một căn nhà nhỏ vùng ven Sài Gòn, với đầy các tuyên dương dũng cảm trong suốt sự nghiệp chinh chiến phi thường của ông.

Ông chiến đấu chống người Pháp, và chỉ ra một vết thương đằng sau lưng. Ông còn chiến đấu chống người Mỹ. Rồi Khmer Đỏ ở Campuchia.

Trong lúc nói chuyện, chiếc áo ông mặc chùng xuống và kêu leng keng vì huân chương. Dù đã 80 tuổi, ông vẫn còn nhanh nhẹn.

Ông nghĩ gì về những người đồng bào hiện theo đuổi nghiệp làm giàu? Đó có phải là mục tiêu để ông và các đồng đội từng xả thân chiến đấu? Vì đây rõ ràng không phải là chủ nghĩa cộng sản.

Ông trầm ngâm suy nghĩ để có được câu trả lời đúng đường lối của đảng. “Mục tiêu của đảng hiện nay là tạo ra một đất nước giàu mạnh và bình đẳng. Một ngày nào đó, tôi hi vọng chúng tôi sẽ bình đẳng.”

Đó là một hi vọng mong manh. Việt Nam chưa phải có một nền văn hóa tiêu thụ như tại các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia – nhưng đó là hướng mà nước này đang đi tới.

Sớm hay muộn, Sài Gòn sẽ bắt đầu giống như Bangkok hay Singapore. Người dân sẽ đổ xô vào các siêu thị, không đủ tiền để mua đa số hàng hóa trưng bày nhưng vẫn hạnh phúc mơ rằng một ngày nào đó họ sẽ đủ giàu để mua.

Không thể không kính trọng những hi sinh của những người như đại tá Dương. Nhưng nếu cuối cùng Việt Nam trở thành giống như các nước láng giềng, vị đại tá có thể sẽ tự hỏi ngày xưa ông đã chiến đấu vì điều gì (bbc).