Hội Nghị của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Mục Vụ Y tế từ ngày 4 đến 5 tháng 5

ROME, ngày thứ năm 3 tháng 5, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Ngày nay, sự mù lòa và khiếm thị vẫn còn là những "khuyết tật chính", đặc biệt tại các quốc gia đang trên đường phát triển: một hội nghị quốc tế về bệnh mù loà và khiếm thị với chủ đề "Những người không được thấy: "Lạy Thầy, xin cho con được thấy." (Mc 10, 51), đã được tổ chức để chống thảm trạng này.

Được Uỷ Ban Giáo Hoàng về Mục Vụ Y Tế và Hiệp Hội Người Samaritanô Nhân Lành bảo trợ (le Conseil pontifical pour la pastorale de la santé et la Fondation du Bon Samaritain), hội nghị này sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 5, 2010, theo một thông tư.

Rất nhiều chuyên viên trên khắp thế giới sẽ tham dự, và các dự án được các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hoạch định sẽ được trình bầy, để chống lại sự khiếm thị. Bằng cách "đặt con người vào trọng tâm của việc suy luận, các tham dự viên sẽ xem xét các lãnh vực thần học, chú giải và y khoa về vấn đề khiếm thị, đặc biệt là việc phổ biến các phương tiện ngăn ngừa và chữa trị.

Để cho những người mù cũng có thể thụ hưởng sáng kiến này, Uỷ Ban đã cho ấn hành một chương trình bằng chữ Braille. Buổi chiều ngày 4 tháng 5 sẽ có một buổi hòa nhạc do ba nhạc sĩ mù trình tấu: cha xứ Camporeggiano, là linh mục Gerardo Balbi, đàn dương cầm sẽ phụ họa với các nhạc sĩ chơi vĩ cầm là Gianfranco Contadini, Lin-Phin Chang và Chou Chien-Yu, người Đài Loan.

Theo Uỷ Ban Giáo Hoàng về mục vụ Y Tế, có khoảng 246 triệu người bị mù và 39 triệu người bị lòa trên thế giới. Ngày nay, đây vẫn còn là "các khuyết tật lớn", nhất là "tại các quốc gia "kém mở mang về kinh tế", hoặc về phương diện "y tế và hội nhập xã hội", hoặc về "sự thiếu sót các phương tiện để phòng ngừa, săn sóc và chữa trị."

Thông tư cho hay "chỉ có ít hơn 5% trẻ em khiếm thị được chữa trị tại các quốc gia kém mở mang" trong khi ngay trong các quốc gia các em sinh sống "có khoảng 90% người dân bị khiếm thị bán phần hay toàn phần."

Ngoài ra, trong 80% trường hợp, những người khiếm thị đáng lý ra phải được "phòng ngừa" hay "được săn sóc để giảm thiểu hay chữa lành hoàn toàn" nhờ những dụng cụ sửa sai - như kính đeo mắt, hay giải phẫu.

Tuy nhiên, phần lớn dân số không đủ sức "trả tiền cho những phương pháp chữa trị này". Do đó, trong khi bệnh mắt có cườm hay đục nhãn (cataracte) tại các quốc gia Tây Phương chỉ cần đến một phương pháp chữa trị "thông thường", thì nơi đây lại là những nguyên nhân chính cho tình trạng khiếm thị (trong 39% trường hợp) trên mức độ thế giới.