50 Năm Hồng Ân Giáo xứ Chính Tâm (1961-2011)

Sáng ngày 27.10.2011, Giáo xứ Chính Tâm, GP Phan Thiết tưng bừng trong niềm hân hoan cùng với Đức Giám Mục Giáo phận Giuse Vũ Duy Thống dâng Thánh lễ Tạ Ơn Mừng Kim Khánh Thành Lập giáo xứ (1961 – 2011). Ngày hội mừng 50 Năm Hồng Ân bắt đầu từ đêm 26 với chương trình “Ca Tụng Thiên Chúa”.

Niềm vui Tạ Ơn được nhân lên gấp nhiều lần khi Giáo xứ Chính Tâm được sự uu ái hiện diện của Quý cha hạt trưởng, Quý Cha, Quý thầy Phó tế, quý chủng sinh, tu sĩ, quan khách gần xa. Bà con giáo dân xúc động khi được gặp lại những vị chủ chăn, những nữ tu đã một thời gắn bó và chia sẻ bao buồn vui với Chính Tâm như cha Luân, cha Sáng, cha An, cha Văn Hoàng, cha Lựu, dì Nữ, dì Khôi, dì Tuất .v.v. Và vui mừng với Quý thầy đã từng giúp xứ nay đã là linh mục, phó tế. Khá bất ngờ khi giáo xứ Chính Tâm được tiếp đón Quý khách Giáo xứ Tân Bình, GP Xuân Lộc, là những giáo dân đầu tiên lập xứ Chính Tâm mà vì thời cuộc đã phải chuyển đi xa. Và nhất là niềm vui hội ngộ của những người con Chính Tâm xa gần đều cố gắng về chung vui với giáo xứ nhà.

Xem hình

Mở đầu thánh lễ, Cha Giuse Phạm Thọ, Quản xứ Chính Tâm, dâng lời tri ân đến Đức Giám Mục và Quý Đức Cha, Quý Cha cựu Chánh – Phó xứ Chính Tâm. Tri ân các Tiền Nhân có công gầy dựng giáo xứ còn sống đang hiện diện trong Thánh đường hay đã qua đời và tất cả mọi người đang cộng góp làm cho Chính Tâm ngày càng phát triển hơn.

Đức Cha Giuse thay mặt hai vị tiền nhiệm là Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô, Quý linh mục và quan khách hiện diện chúc mừng Cha Quản xứ và giáo xứ Chính Tâm nhân ngày mừng Kim Khánh Thành Lập.

Trong bài giảng, từ lược sử của giáo xứ Chính Tâm, Đức Cha Giuse đã gởi đến cộng đoàn qua 3 ghi nhận: Thứ nhất, “lịch sử của Chính Tâm là lịch sử đầy biến động”. 25 năm đầu dù giáo xứ đã hình thành nhưng chẳng mấy khi hội đủ 3 yếu tố theo giáo luật là phải có giáo dân – nhà thờ - linh mục quản sóc bởi thời cuộc. Sau 1975, Chính Tâm đã phải trải qua 15 năm thử thách bi thương khi không có chủ chăn và giáo đường. Và 25 năm sau của ngày Mừng Kim Khánh bừng lên một sức sống mới với những phát triển và biến đổi nhanh chóng. Tất cả đều đong đầy ơn trọng của Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Mân Côi, bổn mạng.

Điểm thứ hai, Đức Cha Giuse nói đến “một lịch sử thể hiện một niềm tin sống động”. Khi không có chủ chăn và giáo đường, bà con giáo dân đã biến những giờ kinh sốt mến trong từng gia đình, giờ kinh từng liên khu thành những thánh đường di động và sống động có sức mạnh gìn giữ đức tin cho cả cộng đoàn chờ đến ngày tươi sáng.

Và thứ ba, Ngài nói đến “lịch sử nổi bật những nét truyền thống làm nên sức mạnh của giáo xứ”. Ba điều mà Đức Cha vừa khích lệ vừa nhắn nhủ giáo xứ đó là: tình hiệp thông, phát triển công cuộc truyền giáo và đi vào nội tâm trong tâm tình tạ ơn Chúa. Nếu trong thời gian khổ giáo xứ đã sống được các điều này thì trong hiện tai và tương lai phải gìn giữ và thăng tiến nhiều hơn nữa.

Sau cùng, Đức Cha giải thích tên gọi “Chính Tâm” mà tiền nhân đặt có thể với ý nghĩa “một con tim ngay chính” hay “một con tim ngay lành” để con cháu phải ý thức sống. Ngài cầu chúc từng người trong giáo xứ trở nên một hạt kinh sống động trong chuỗi hạt Mân Côi để làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa giữa cuộc sống hôm nay.

Kết thúc thánh lễ, Ông Chủ tịch HĐMV thay mặt giáo xứ Chính Tâm dâng lời cám ơn đến Đức cha Giuse, đoàn đồng tế và quan khách đã đến chung chia niềm vui Kim Khánh Giáo xứ . Các em thiếu nhi dâng những bó hoa tươi tượng trưng cho lòng biết ơn của giáo xứ với Đức Cha và quý Cha Cựu Chánh – Phó xứ.

“Hồng ân nối tiếp hồng ân, cộng đoàn giáo xứ chính Tâm sẽ tiếp tục bước tới theo dấu chân Chúa, trong ánh vinh quang và sự quan phòng của Người, với sự đỡ nâng và cầu bầu của Mẹ Rất Thánh Mân côi quan thầy, cùng với niềm tự hào và lòng quyết tâm của mọi thành phần Dân Chúa hôm nay” là tâm tình của từng người con Chính Tâm khi bước sang một trang sử mới đánh dấu 50 Thành Lập.

Tin: Hồng Hương, Ảnh: Tâm Phúc – Cúc Tiến

Lược sử Giáo xứ Chính Tâm

Bước đầu khai phá

Giáo xứ Chính Tâm được hình thành từ những năm 1960 – 1961; đa số giáo dân lúc ban đầu gốc Bắc Ninh di cư, được Cha Đaminh Nguyễn Đức Nghi đưa ra lập nghiệp theo chính sách dinh điền của Chính phủ đương thời. Được sự quan tâm của chính phủ và sự lãnh đạo của Cha xứ, bà con giáo dân đã nhanh chóng ổn định đời sống, dựng Nhà thờ tạm và chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà thờ kiên cố.

Trải qua nhiều biến động

Năm 1965, vì hoàn cảnh chiến tranh hết sức ác liệt, bà con giáo dân cùng Cha xứ phải bỏ Chính Tâm về định cư tại Hố Nai (Giáo xứ Tân Bình, Giáo hạt Phú Thịnh, Giáo phận Xuân Lộc hiện nay). Từ 1965 đến 1972, Chính Tâm vắng bóng người trở thành vùng rừng hoang vu.

Từ năm 1972, một số gia đình gốc Bắc Ninh từ Hố Nai hồi cư. Lần lượt Chính Tâm đón nhận thêm một số giáo dân gốc các Giáo phận Miền Bắc từ nhiều nơi khác như Sài Gòn, Hố Nai…về lập nghiệp. Năm 1973, Cha Phanxicô Xavie Hoàng Kim Điền được Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (Giám mục Giáo phận Nha Trang lúc ấy) cử làm quản xứ Chính Tâm. Cơ sở vật chất (nhà thờ, nhà xứ, trường học, …) lần lượt mọc lên. Trong những năm 1974 – 1975, vì hoàn cảnh chiến tranh, giáo dân và Cha xứ phải dìu dắt nhau chạy loạn nhiều lần; và nhất là đầu năm 1975, tình hình chiến sự khốc liệt, một lần nữa, đại đa số bà con giáo dân cùng Cha xứ lại phải bỏ chạy, các cơ sở vật chất của giáo xứ bị tàn phá bình địa.

Từ 1975 đến 1991, giáo xứ lâm vào tình trạng mồ côi: không Nhà thờ, không chủ chăn, không tổ chức; tuy nhiên giáo dân ở đây vẫn kiên trì giữ vững đức tin, âm thầm sống đạo, làm việc tông đồ… Từ 1975 đến 1989, Chính Tâm chẳng thuộc về giáo xứ nào cả: bà con giáo dân, lúc thì dự lễ tại Võ Đắt (thuộc Phan Thiết), lúc thi dự lễ tại Tân Hữu (thuộc Xuân Lộc). Năm 1989, linh mục Clêmentê Trần Thế Minh, quản xứ Tư Tề, được trao phó đặc trách Chính Tâm.

Thời kì tái thiết và phát triển

Năm 1991, chính quyền Tỉnh Bình Thuận cho phép lập lại Giáo xứ Chính Tâm bao gồm toàn xã Trà Tân và xã Tân Hà; ngôi nhà thờ mới của giáo xứ được xây dựng, và sau đó, các cơ sở vật chất khác được mọc lên, mở ra một thời kỳ phát triển mới có thể nói là “thần kỳ” của giáo xứ Chính Tâm, đặc biệt dưới thời kỳ quản xứ của Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng (1994 – 2003).

Mặc dù bị chính quyền gom 03 giáo xứ Chính Tâm I, Chính Tâm II và Chính Tâm III lại thành một giáo xứ trên phạm Vi 2 xã Trà Tân và Tân Hà, nhưng từ thực tế của lịch sử và theo đà phát triển chung, giáo xứ Chính Tâm II vẫn âm thầm hoạt động biệt lập để đến năm 1998 chính thức tái lập lại Giáo xứ mang tên Thánh Tâm. Năm 1995, tách giáo xứ Chính Tâm III thành Giáo họ biệt lập và đến năm 2005 thiết lập lại giáo xứ mang tên Mẹ Vô Nhiễm. Cũng năm 2005 tách Giáo điểm Truyền giáo kinh tế mới Thôn 5 thành Giáo họ biệt lập mang tên giáo họ Khiết Tâm.

Tri ân các Vị Chủ Chăn

Tính từ ngày được tái lập ổn định cho đến nay, Giáo xứ đã được các Cha sau đây coi sóc:

Cha Phaolô Lê Quang Luân: đặc trách từ năm 1991-1992; Chánh xứ từ năm 1992-1994.

Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng: Phó xứ từ năm 1992-1994; Chánh xứ từ năm 1994-2003.

Cha Giuse Nguyễn Văn Lừng : Chánh xứ từ năm 2003-2007.

Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng : Chánh xứ từ năm 2007-2008.

Cha Giuse Phạm Thọ: Chánh xứ từ năm 2008 đến nay.

Và để cộng tác cùng các Cha xứ trong công việc mục vụ, cũng có các Cha phó sau:

Cha Giuse Nguyễn Hữu An : từ năm 2000-2005

Cha F.x Hồ Xuân Hùng : năm 2007

Cha Gioan Nguyễn Kim Hà : từ năm 2007-2008

Cha Antôn Trần Văn Lựu : từ năm 2008-2009

Chính Tâm hôm nay

Không kể Giáo họ Khiết Tâm biệt lập, Giáo xứ Chính Tâm hiện nay chia thành 12 giáo khu, 1074 hộ gia đình với trên 5000 người, chiếm tỉ lệ khoảng 70% dân số tại địa phương. Giáo dân đa số nằm trong các giới và đoàn thể như: Gia trưởng, BMCG, Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Hội Lòng thương xót Chúa và Truyền giáo, Têrêsa … Sinh hoạt quy củ và sôi nổi; đặc biệt trong công tác truyền giáo, nhờ đó đã tạo ra được những phong trào tòng giáo và tái tòng giáo ồ ạt ở vùng này. (Trong vòng 20 năm trở lại đây đã có trên 900 tân tòng, cùng với trên 50 gia đình toàn tòng, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số Châu-ro).

Giáo xứ đã cống hiến cho Giáo Hội: 2 Linh mục, 1 đại chủng sinh, 5 chủng sinh, 12 tu sĩ, 9 dự tu và tập sinh.

Trình độ học vấn trung bình của giáo dân là cấp Trung học cơ sở (cấp II).

Về mặt kinh tế, đa số giáo dân làm nghề nông, thu nhập vẫn còn thấp. Đang chuyển dần sang đầu tư cho cây công nghiệp, cây cao su, cây ăn trái, áp dụng kỹ thuật mới; một số làm các nghề dịch vụ, buôn bán,… tất cả đang hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho giáo xứ.

Hiện nay, Cha Chánh xứ đang nỗ lực cỗ võ tinh thần học hỏi Lời Chúa trong khắp giáo xứ, đưa việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa không chỉ tại Nhà thờ mà về các giáo khu, đến tận các gia đình. Chính nhờ việc học Lời Chúa, được thấm nhuần Lời Chúa mà đời sống Đức tin của cộng đoàn được gia tăng rõ rệt.

Hướng về tương lai, giáo xứ Chính Tâm tiếp tục phát huy các truyền thống, các thành quả đạt được, đặc biệt là công cuộc truyền giáo (các khu kinh tế mới và bà con dân tộc thiểu số); hoàn thiện nếp sống, nhất là đời sống gia đình, nâng cao dân trí, cổ võ ơn gọi …

“Ôn cố tri tân”, nhìn lại hành trình 50 năm giáo xứ đã đi qua để dâng lên Thiên Chúa muôn lời ca tụng tôn vinh, với tâm tình tri ân cảm tạ vì biết bao hồng ân Ngài đã trao ban. Giáo xứ cũng dâng lên Đức Mẹ Mân Côi 50 năm qua như một tràng chuỗi Mân côi, mỗi năm như một đóa hoa hồng xinh đẹp, thơm ngát; cùng với muôn đóa hoa lòng, muôn muôn lời kinh kính mừng mà giáo xứ liên lỉ đọc trong suốt 50 năm trường để tôn vinh, chúc tụng và nài xin ơn Mẹ cho giáo xứ không chỉ 50 năm qua mà còn theo suốt hành trình đi về Nước Chúa. Cũng xin ghi ơn các bậc tiền nhân, những người còn sống hay đã qua đời đã dày công vun xới, xây dựng để giáo xứ có được ngày hôm nay.

Hồng ân nối tiếp hồng ân, cộng đoàn giáo xứ chính Tâm sẽ tiếp tục bước tới theo dấu chân Chúa, trong ánh vinh quang và sự quan phòng của Người, với sự đỡ nâng và cầu bầu của Mẹ Rất Thánh Mân côi quan thầy, cùng với niềm tự hào và lòng quyết tâm của mọi thành phần Dân Chúa hôm nay.

Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Chính Tâm