NGHỆ AN - Trong những năm gần đây, những từ ngữ “rút ruột công trình”, “rút lòng đường”… chúng ta đã nghe quá nhiều, nghe đến phát tức! Thế nhưng, gần đây, cũng có một nơi làm một con đường và cũng được người ta nhắc đến nhiều. Nhưng nhắc đến để ca ngợi, để lấy làm vui sướng. Bởi con đường đó được xây dựng bằng tình người, bằng sự hy sinh quảng đại của nhiều người. Và con đường đó không đơn thuần chỉ để đi, mà qua con đường đó, dường như đã có những người thấy sự ló dạng của “Đường” - Đích Điểm mà họ muốn tới.

Trở lại với giáo xứ Yên Lý trong những ngày này, tôi lấy làm ngạc nhiên thích thú, khi con đường chạy ngay qua trước cổng giáo xứ nơi đây vừa được làm xong. Mùa hè trước, khi có vài lần qua đây, tôi đã phát ngán với con đường nơi này. Ngày nắng thì nó bụi mịt mù, ngày mưa thì lầy lội, bẩn thỉu. Nếu không để ý thì đang ngồi trên chiếc xe môtô bạn có thể bị hất tung bởi những ổ gà, ổ trâu...! Tôi đã từng phải bực bội nói trong lòng “Yên Lý mà đường chẳng yên chút nào!” Thế nhưng hôm nay, con đường đó đã được làm bằng bê tông trơn tru, vững chắc. Chẳng ngại nắng mà cũng không hại mưa.

Hỏi do đâu có được con đường này, tôi mới biết đó là sự quan tâm của linh mục quản xứ Yên Lý, cha Phêrô Trần Đình Lai, và sự hy sinh của nhiều bà con tín hữu Công giáo nơi đây.

Khi cha Lai mới về nhận nhiệm sở nơi đây hơn hai năm trước, ngài thấy biết bao nhiêu nhu cầu của cộng đoàn nơi vùng đất xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An này. Điều cha lo lắng trước nhất là ngôi nhà thờ đã quá cũ, chật hẹp, xuống cấp đến độ không còn an toàn cho các tín hữu đến đây vào những ngày mưa bão. Dù linh mục mới “ra lò”, chưa có “đồng vốn” nào, nhưng Cha tin tưởng vào lòng quảng đại của những người con Chúa đó đây, nên Cha đã gõ cửa khắp nơi, và chẳng bao lâu thì ngôi thánh đường theo kiểu hội nhập văn hóa Á Đông được khởi sự. Lúc này, ngôi nhà thờ đó tuy chưa xong, nhưng người ta cũng có thể thấy được ngày khánh thành trong một tương lai gần.

Lẽ ra phải tập trung cho công trình nhà Chúa trước đã. Nhưng mỗi lần mưa nắng, bước ra đầu ngõ, thấy các em thiếu nhi, các ông già bà lão phải bịt mũi chống bụi hay phải xắn quần vén áo đi đến nhà thờ để đọc kinh, dự lễ; thấy dân chúng qua lại trơn trượt… cha chạnh lòng. May mắn đã có một vài lần ra nước ngoài, cha Phêrô không dám mơ ước, và như Cha nói có ước mơ cũng chẳng được, là đừng chờ mong đường sá nơi đây được như nước ngoài! Cũng là thân phận một con người, mà sao con người Việt Nam có vẻ bị xúc phạm quá. Biết bao người ăn uống không đủ, học hành không đến nơi đến chốn, sống trong cảnh âm u mù mịt, cát bụi bùn lầy… Mang hoài bảo thật nhiều, nhưng cha nghĩ, muốn cộng tác vào việc nâng cao con người, cải thiện xã hội, thì trước hết mình phải bắt đầu từ việc giáo dục; và để cho thêm sự hấp dẫn các bạn trẻ đến với giáo xứ, phải cố gắng tô sửa con đường, để những lúc rảnh rỗi, chúng không ngại đến nhà xứ để mình hướng dẫn, dạy dỗ chúng. Từ ý tưởng đó, Cha đã kêu gọi bà con trong giáo xứ và đi gõ cửa đó đây. Và quả thực, sự tin tưởng vào tấm lòng quảng đại của dân chúng nơi Cha không sai lầm. Nhiều người hưởng ứng giúp đỡ cho Cha thực hiện ý định tốt đẹp đó.

Con đường trước nhà thờ Yên Lý, thực ra không dài, không to rộng, không đáng làm ầm ĩ. Nhưng điều đáng nói ở đây là tâm huyết của người đứng ra làm con đường đó và sự hy sinh của dân chúng nơi đây. Đường chỉ dài 1.000 mét, bề rộng 1,6 mét, với độ dày bê tông là 0,1mét. Dĩ nhiên là bên dưới được lót đá đất, đầm nén cẩn thận. Làm xong con đường mới thấy sự vui sướng hằn lên trên nét mặt của bất cứ ai đi trên con đường này so với trước đó mà họ đã có dịp đi qua nơi đây. Con đường này lại không chỉ trải dài trong xứ đạo, mà còn nối sang xóm lương dân. Do đó, nhiều bà con ngoài Công giáo đã rất ngợi khen cha Lai và bà con giáo hữu đã có sự quảng đại, hỷ xả. Họ nói: “Đó đây báo đài đưa tin, những con đường được trích từ ngân quỹ của nhà nước, từ đồng thuế của nhân dân, thì những tay đấu thầu lại rút ruột, moi móc lòng đường để ăn. Còn ở đây, cụ Lai và bà con lại nhịn ăn để lấp cho đầy lòng đường!” Và đã có người suy nghĩ lý do nào lại có sự khác nhau đó? Trong khi họ chưa tìm ra được câu trả lời một cách rõ ràng, thì họ đã bị cuốn hút vào công việc tốt đẹp đó, để rồi nhiều người trong họ cũng đã góp công góp của cùng làm. Nhờ thế mà chỉ trong 15 ngày con đường đã được hoàn thành.

Cha Phêrô Lai đã làm đường để người tín hữu, các bạn trẻ dễ đến với nhà thờ, đến với Chúa. Cha Lai đã làm đường để bà con lương dân cùng đi. Và như đã nói, nhiều người lương dân đã đặt những câu hỏi truy tầm nguyên do sau cùng của việc làm đó.

Chúa Giêsu đã có lần nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 6,14). Người Đông phương ta nói “Đạo” là “Đường”. Chúa Giêsu chính là Đạo, là Con Đường để người ta đi trên đó hầu đạt được sự sống đời đời, đạt được hạnh phúc viên mãn, đạt được niềm vui sướng thực sự. Hy vọng, con đường mà cha Lai, bà con nơi đây và các ân nhân của họ đã làm sẽ giúp cho cộng đoàn giáo xứ Yên Lý đến với Chúa nhiều hơn, các bạn trẻ sẽ chăm chỉ đến nhà xứ hơn để được Vị mục tử của họ hướng dẫn, dạy dỗ, ngõ hầu họ được lớn lên trong niềm tin, được nâng cao trong phẩm giá con người. Và như đã nói, hy vọng những bà con lương dân, từ con đường này sẽ tìm gặp được “Con Đường” đích thực qua sự trăn trở với những câu hỏi mà họ truy tìm nguyên nhân cho những động lực nơi cha Phêrô và các tín hữu nơi đây khi làm con đường đó, cũng như nhiều việc tốt lành khác lâu nay. Chúng tôi cũng cầu mong cho cha Phêrô gặp thêm những tấm lòng quảng đại, để ngài tiếp tục làm đẹp những con đường khác trong thôn xóm, như tâm sự của Cha, hầu qua đó “Con Đường” mà cha đang yêu mến, đang bước đi càng được sáng tỏ hơn cho mọi người dân nơi đây, nhất là bà con ngoài Công giáo.