ĐGM GIUSE VŨ DUY THỐNG
GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

BẢY LỜI CỦA ĐỨC MARIA & ĐỜI SỐNG LINH MỤC

GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN PHAN THIẾT
TỪ NGÀY 5 ĐẾN 9/1/2009


VÂNG PHỤC

“Nầy tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời,

tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38)

khi được trao mũ đỏ, Đức Hồng Y Yves Congar, OP đã vào tuổi về hưu và đang lâm bệnh, không còn tỉnh táo nhiều nữa. Một dịp ghé thăm các chị em Tiểu muội ở Paris, tình cờ gặp cảnh mấy người đang giúp ngài dùng bữa. Người thì lo trải khăn lên ngực đề phòng thức ăn vương vãi, người thì lo bưng chén cháo sẵn sàng phục vụ, và còn người nữa có mặt chỉ với nhiệm vụ ngọt ngào dỗ dành, mong sao ĐHY ăn được chút gì để sống. Lắng nghe điệp khúc dỗ dành như nói với trẻ thơ mà thấy buồn cười: “ĐHY ngoan nào, há miệng lớn nhé, ầm”. Và thế là một muỗng cháo đã được rót gọn vào miệng. Tiếp theo là những lời tưởng thưởng. “ĐHY hôm nay ngoan ghê, có các cha Việt Nam đến thăm nè”. Thấy bữa ăn cứ tiếp tục theo nhịp 4/4: lời dỗ dành; muỗng cháo; lời tưởng thưởng; lau miệng, người ta không khỏi không mủi lòng. Có biết đâu trước mặt mình là một nhân vật nổi tiếng anh hùng.

Thật vậy, thuở Công Đồng Vatican 2 khai mạc, Yves Congar đã là một nhà thần học danh tiếng về Giáo Hội học, đồng thời cũng là một chuyên gia trổi trang về vấn đề đại kết. Nhưng chỉ vì tư tưởng của ngài quá mới nếu không muốn nói là táo bạo ở thời điểm đó để có thể được Giáo Hội công nhận. Chính vì thế, lời yêu cầu thôi dạy học và thôi khai triển tư tưởng đã được gửi đến ngài. Cũng giống như trường hợp các thần học gia khác bị Rôma lưu ý, cha Congar đã trăn trở nhiều: hoặc là tiếp tục dấn thân trong tư tưởng dù phải mang thương tích; hoặc là chấp nhận phán quyết của Toà Thánh để thấy sự nghiệp mình sụp đổ trước mắt. Cuối cùng, ngài bày tỏ niềm vâng phục Giáo Hội một cách tuyệt đối để rút lui vào thinh lặng, thinh lặng cho đến 30 năm sau, khi được trả lại vinh dự bằng chiếc mũ đỏ, ngài chẳng còn tỉnh táo để đội nữa.

Đó là một trong những chuyện đầy kịch tính và cũng thật hào hùng của sự vâng phục. Hôm nay, chúng ta cũng đối diện với sự vâng phục trong lời thứ hai của Đức Maria qua tiếng “xin vâng”. Lời đó có tầm vóc thế nào và dọi sáng ra sao trên đời sống linh mục chúng ta?

I. LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA

Lời Đức Maria được ghi trong Phúc Âm Luca là lời đầy đủ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; nhưng lời được đọc trong Kinh truyền tin lại là lời bình dân dễ đọc dễ nhớ và dễ hiểu hơn: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.

1. “Này tôi”

Một chủ thể hiện diện. Là chủ từ ngôi thứ nhất số ít, đại danh từ “tôi” xác định một chủ thể là ai khi thực thi một hành vi nào đó một cách cá vị không thể lẫn với người khác. Khi thánh Maximilien Kolbê nói lên lời “tôi là linh mục công giáo” thì ngài khẳng định căn tính của mình khác với căn tính của các tù nhân Đức quốc xã kia đang xếp hàng chờ lệnh vào lò sát sinh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã có bài giảng thấm thía cho các linh mục khi cắt nghĩa chữ “tôi là” này vừa như một lời xác định vừa như một tiếng công bố. Khi cô gái là nhân vật chính trong phim truyện “đơn giản tôi là Maria” dàn trải đời mình qua các tình huống mạch chuyện, người ta hiểu rằng cô gái ấy đang khẳng định đời mình, một cuộc đời khác hẳn với những nhân vật cùng xuất hiện trong phim. “Tôi là” chính là lời bộc lộ một căn tính.

Nhưng “Này tôi” còn là một công thức thường dùng để xác định một sự hiện diện trong ý nghĩa hiện thực nhất. Trong nghi thức giới thiệu ứng viên chức linh mục, mỗi người đều phải khẳng định sự có mặt khi nghe xướng tên của mình qua công thức “Có mặt”. Trong nghi thức khấn dòng nữ trước đây cũng có lời xác định sự có mặt qua công thức “Dạ có con”, nhưng vì bị cật vấn theo kiểu nôm na “Bụng dạ đã có con rồi thì khấn với hứa nỗi gì?”, nên sau này người ta đã đổi sang một công thức khác nghe thanh hơn và cũng có cơ sở Thánh Kinh hơn “Lạy Chúa, này con đây”.

Một chủ thể tự do. Không chỉ xác định một hiện diện lời “Này tôi” của Đức Maria còn là xác quyết của một chủ thể tự do trước hành vi sắp thực hiện, không bị thúc bách bởi bất cứ sức ép nào. Danh xưng Gabriel có nghĩa là sức mạnh củ Thiên Chúa, nhưng tuyệt nhiên không có một ẩn ý nào tác động lên sự tự do của Đức Maria, mà ngược lại còn làm gia tăng bầu khí tinh thần để sự tự do kia được phát huy và nâng đỡ. Lời chào của sứ thần với ba yếu tố “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng bà”, gợi lại những sấm ngôn xa xưa của Xôphônia (3,14) hoặc Dacaria (9,9) như thu tóm lại toàn thể chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trên dân, cũng không làm suy giảm sự tự do của Mẹ, mà ngược lại còn củng cố khích lệ. Và rồi sứ điệp tiếp theo của sứ thần như dồn dập với ba động từ “sẽ thụ thai, sẽ sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên con trẻ” vọng lại sấm ngôn Isaia (7,14) về Đấng Mêsia tưởng có thể áp đảo, nhưng xem ra lại làm cho sự tự do của Đức Maria được minh bạch hơn nữa, khi đối chiếu sứ điệp ấy với tình trạng không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được ký thác: “không biết đến người nam”. Chính vì tôn trọng sự tự do của Đức Maria mà Thiên Chúa mới cử sứ thần đến đối thoại và cuộc truyền tin đã diễn ra như một cuộc điều đình, để chỉ khi nhận được sự ưng thuận tự do của Đức Maria, sứ thần mới cáo biệt ra đi. Xem như thế, khi trả lời “Này tôi”, Đức Maria đã bộc lộ cho thấy mình là một chủ thể tự do hoàn toàn.

Một chủ thể sẵn sàng. Nhưng trên hết, qua lời “Này tôi” của Đức Maria, người ta thấy sáng lên một tâm tình sẵn sàng và ứng trực. Sẵn sàng mở lòng mình ra đón nhận tình thương Thiên Chúa và ứng trực hiến dâng đời mình để quyền năng Thiên Chúa hoạt động. Thiếu đi tâm tình sẵn sàng này, chắc sẽ không bao giờ có lời Fiat và vắng bóng tâm tình ứng trực này chắc mầu nhiệm nhập thể sẽ không giống như Phúc Âm mô tả và đúng như Hội Thánh tin hôm nay. Chả thế mà khi giảng giải về lời thứ hai này, các thánh ngày xưa đã không ngừng diễn tả lòng biết ơn về sự sẵn sàng đón nhận của Đức Maria đối với lời thiên thần truyền và coi sự ứng trực của Mẹ như chìa khoá mở toang cánh cửa trần gian làm địa chỉ để Con Thiên Chúa giáng trần. Thánh Augustinô diễn ý: trước khi cưu mang Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria đã cưu mang lời Thiên Chúa. Bởi vì lòng đã sẵn sàng đón nhận lời Chúa, nên thể xác cũng ứng trực để nên lều cho Thiên Chúa cư ngụ.

2. “là tôi tá Đức Chúa Trời”

Nếu khẳng định sự hiện diện, Đức Maria xuất hiện như một chủ thể tự do, thì khi xác định mình là tôi tá, Mẹ cho thấy ý thức rõ nét của Mẹ về thân phận mình trong tương quan với Thiên Chúa. Trong một xã hội không xa lạ gì với hình ảnh của những ôsin càng được đánh giá là giàu sang, đồng thời cũng vì thế mà được trọng vọng vị nể, thì nhận mình là nữ tỳ là gì nếu không phải là khẳng định vị thế của mình trong tương quan với vị làm chủ đời mình.

Khi Đức Maria nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa, Mẹ chân thành lặp lại một lòng tin truyền thống là mọi người mọi vật đều là của Chúa và thuộc quyền sở hữu của Ngài, đều là dân Chúa thuộc đàn chiên Ngài dẫn dắt, đều là thọ tạo do tay Chúa tác thành và ngày ngày đều được hưởng ơn mưa móc của Chúa để vui sống. Đó là tương quan sở hữu trong một niềm tin phổ quát. Và còn hơn thế nữ, khi Đức Maria đặt mình vào phận tôi tá của Chúa, Mẹ còn đảm lĩnh một tương quan rất tự nhiên không tách rời tương quan sở hữu, đó là tương quan tuỳ thuộc. Tôi tá tuỳ thuộc vào chủ. Tôi tá phục vụ ý muốn của chủ một cách đắc lực, hết mình và hết tình, mới là tôi tớ trung tín. Chính vì thế, tương quan tuỳ thuộc cũng chính là tương quan quy phục. Trước khi nói lời quy phục, Đức Maria xác định mình trong tương quan sở hữu và tuỳ thuộc: “Này tôi là tôi tá Chúa”.

Không cần nhiều lời, chỉ là một khẳng định về phận tôi tá của Chúa, nhưng đã bộc lộ một sự khiêm nhường từ trong ý thức, mà khiêm nhường đúng nghĩa chính là chân lý và công bình, nghĩa là nhìn thật về mình và đón nhận vinh quang tương ứng, nên Thiên Chúa cũng muốn bộc lộ mình qua dáng dấp của một vị Chúa cao cả mà gần gũi yêu thương, siêu việt mà không ngừng quan tâm thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Đức Maria nhận mình là tôi trung của Thiên Chúa; Thiên Chúa biểu lộ Ngài là Chúa của các tôi trung. Thực vậy, qua nội dung sứ điệp truyền cho Đức Maria, từ đầu đến cuối qua ba lời thoại của Gabriel, người ta thấy hiển hiện dung mạo của một vì Chúa thật đẹp.

Lời thoại một là hiển hiện hình ảnh của Thiên Chúa tình thương quan tâm hết mực đến phận số từng cá nhân: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”. Ở rải rác đó đây trong Thánh Kinh, người ta có thể bắt gặp những phẩm tính riêng lẻ của Thiên Chúa được nhắc đến, nhưng được tập hợp lại như trong lời thoại một quả là trọng đại và bao la: Thiên Chúa là Đấng gieo niềm vui, là Đấng ban ơn sủng và là Đấng luôn hiện diện cho từng người mà Đức Maria là đại biểu.

Lời thoại hai là chân dung của Thiên Chúa cứu độ đã đón nhận phận số con người trong lịch sử của dân thánh để giải cứu muôn dân. Trong lời sấm Cựu Ước, tất cả vẫn chỉ là niềm mong chờ, tất cả còn trong thì tương lai không thể tính toán được; còn ở đây trong lời thọai hai trực tiếp với Đức Maria, tất cả đã hiển hiện, rõ mồn một, Thiên Chúa không là Đấng không màng chi tới đời sống trần thế, trái lại, Ngài là Đấng can dự để thực thi ơn cứu độ; để cứu thế, Thiên Chúa đã nhập thể, để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

Lời thoại ba xem ra muốn giới thiệu lại khuôn nhan của Thiên Chúa toàn năng “không gì không làm được”, nhưng đã mở ra nhãn giới hoàn toàn mới: Thiên Chúa không chỉ là duy nhất, mà còn là Ba Ngôi. Với sự xuất hiện của Thánh Thần ngự xuống và rợp bóng trên Đức Trinh Nữ, tất cả được dìu vào vận hành mới đậm mầu cứu rỗi và nơi Đức Maria, Thiên Chúa hoạt động trong tư cách là Ba Ngôi.

Đến đây, ta có thể nói: nếu Đức Maria đã thốt lên lời “Này tôi là tôi tớ Chúa” bằng một phong thái khiêm nhường, thì bởi vì trước đó, qua lời của sứ thần, Thiên Chúa đã cúi xuống với Mẹ để gợi lên trong lòng ý nghĩ “Này Ta là Chúa của các tôi trung”.

3. “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”

Tất cả những lắt léo suy tư trên rốt cuộc cũng để dẫn đến đích điểm là chữ “Fiat - xin vâng” vốn là trọng tâm lời thứ hai của Đức Maria. Nếu được phép chẩn đoán, chúng ta sẽ chẩn đoán thế này.

Trước hết, đó là lời xin vâng trong niềm vui với ý chí tự do và trách nhiệm cao độ. Vẫn biết trong ý thức, Đức Maria chỉ dám nhận mình là nữ tỳ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa đã không chọn giải pháp đơn giản như thế để mau chóng đạt được ý muốn của mình, mà xem ra lại hạ mình hết mức để một mặt từ từ dẫn giải như phương pháp giáo dục tiệm tiến muôn thuở của Ngài dành cho các tôi tớ tuyển chọn, và mặt khác tôn trọng sự tự do đáp ứng của thụ tạo như quà tặng độc sáng Ngài ban cho họ từ thuở tạo thành.

Bằng quyền năng, Ngài có thể có được sự ưng thuận của Đức Maria dễ dàng như trở bàn tay, nhưng bằng tình yêu, Ngài đã chinh phục nữ tỳ của Ngài từng bước. Xem ra trong cuộc trao đổi lạ lùng này, Thiên Chúa đã cho thấy ý định “làm người” của Ngài một cách quyết liệt. Ngài chờ đợi sự ưng thuận của người biết mình chỉ là tôi tá, để sẵn sàng nâng người tôi tá ấy lên phẩm chức là Mẹ của Thiên Chúa giáng trần.

Quả là kỳ diệu và lạ lùng đường lối của Thiên Chúa, thế nên khi nghe lời xin vâng của Đức Maria đối với sứ điệp truyền tin, người ta cũng nghe vang vọng lại niềm vui của lời chào phút đầu gặp gỡ. Có điều là ở đây, không chỉ Đức Maria đắm đuối trong niềm vui sâu lắng, mà chừng như chính Thiên Chúa cũng mừng vui không kém khi đạt được ý nguyện của mình, làm tiền đề vững chắc cho công cuộc nhập thể cứu đời. Những sách dẫn giải về đường thiêng liêng còn đi xa hơn nữa để bảo rằng thiên đàng cũng rộn vui và trần thế bỗng bật tung lên nhảy mừng. Đất với trời hợp lời giao duyên. Thiên Chúa xuống với gian trần và gian trần tìm lại được gốc gác nguyên thuỷ của mình. Đúng với Thiên Chúa đã sáng tạo cách lạ lùng và Ngài còn tái tạo cách lạ lùng hơn nữa, theo ngôn từ của Thánh Augustinô.

Tiếp theo, đó cũng là lời xin vâng trong tinh thần dấn thân trọn vẹn và suốt đời, không gì có thể làm đảo ngược được. Lời Fiat - xin vâng xem ra ngắn ngủi, nhưng âm vang một khi dâng lên là không ngừng lại nữa. Đức Maria từ lời thứ hai này sẽ đảm lãnh trọn vẹn lời ấy trong suốt quá trình cuộc sống bên cạnh Đấng Cứu Thế cũng là con của Mẹ, từ những lúc vui mừng nhất của đêm Giáng Sinh với tiếng hát vinh danh của ca đoàn thiên sứ tới những phút thê lương nhất của chiều tử nạn đứng đó chôn chân như tượng đài hiệp công cứu chuộc; từ những ngày tuổi thơ êm đềm của trẻ Giêsu bên cạnh cha mẹ tại quê hương Nagiarét đến những tháng năm đời công khai của Ngài dong duổi khắp đất nước mà rao giảng Tin Mừng cho mọi kẻ thành tâm. Trong niềm vui, lời xin vâng có thể không có gì đáng quan ngại, nhưng trong nước mắt nỗi sầu, lời xin vâng quả là một đỉnh cao phải lao đao chinh phục với khó khăn trăm bề. Trong hạnh phúc, ai cũng dễ dàng nói tiếng xin vâng, nhưng trong bất hạnh, tiếng xin vâng xem ra chỉ thuộc về những tâm hồn cao thượng. Như ông Gióp biết dâng lời tạ ơn khi giàu sang phú túc cũng như khi khổ cực bần hàn; như cha thánh Lê Bảo Tịnh biết “xin tạ ơn Chúa muôn đời” khi có được bầu khí tự do thi hành đạo giáo cũng như khi phải xích xiềng tù tội.

Tiếng xin vâng cất lên một lần xem ra không khó, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ân cần nhắc lại như một điệp khúc hiến dâng tưởng không dễ lắm đâu. Xin vâng là tiếng đầy kịch tính.

Sau nữa, đó còn là lời xin vâng trong hào hùng dân hiến. Xin ghi nhận một chi tiết rất nhỏ, nhưng xem ra lại không kém phần quan trọng, đó là phần kết thúc lời nói thứ hai của Đức Maria: “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đã đành, vâng lời là vâng lời Thiên Chúa, nhưng trong thực tế của phần lớn lịch sử Giáo Hội Công giáo bây giờ, Thiên Chúa đâu có nói chuyện trực tiếp diện đối diện với con người như giữa cuộc thần hiển nữa, mà xem ra Ngài lại thích truyện trò với con người qua trung gian của những người đại diện. Không phải vì Ngài bận trăm công ngàn việc không có giờ dành cho con người, cũng không phải vì khả năng ngôn ngữ Ngài giới hạn hoặc không còn kiên nhẫn nữa, mà chỉ vì muốn cho con người khi vâng lời Ngài cũng biết chứng minh bằng sự hào hùng.

Buổi truyền tin, Chúa nói với Đức Maria qua trung gian của sứ thần, nên lời xin vâng của Mẹ như tái xác nhận sự tôn trọng của Mẹ đối với vị trung gian này. Thực ra, nếu Đức Maria chỉ thưa “tôi xin vâng ý Chúa” cũng đã trọn nghĩa lắm rồi, vì Mẹ nhìn nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” mà. Nhưng một khi phải đi đường vòng để dài dòng bằng câu “tôi xin vâng như lời thiên thiên truyền”, thì về mặt đối thoại, Đức Maria đã để lại một tương quan đẹp với sứ thần, và nhất là về mặt sư phạm, Mẹ đã nêu lên mẫu gương vâng phục Chúa qua trung gian của vị đại diện.

Chính với hình ảnh vâng phục tuyệt đẹp tuyệt sáng này, người ta luôn trình bày Mẹ với phong thái hiến dâng: dâng trọn ý muốn, dâng trót cả cuộc đời, dâng không bằng lời mà còn dâng mãi dâng hoài bằng từng nhịp bước của hành trình theo Chúa và thực thi lời Chúa. Sau lời Fiat - xin vâng, sứ thần ra đi, nhưng Thiên Chúa từ đây cư ngụ vĩnh viễn trong tâm hồn và đời sống của người đã sẵn sàng thưa lời xin vâng với mình.

II. SỰ VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI LINH MỤC

Cuộc đời Đức Maria là tiếng xin vâng kéo dài. Không thể nói đến Mẹ mà không nói đến tiếng xin vâng diệu kỳ này, cũng như đừng mơ đến mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc được trình bày như trong tín lý hiện nay nếu không có tiếng xin vâng lạ lùng ấy. Suy tư để dẫn sang thực hành, vì thế chúng ta thử xem lời xin vâng ấy sẽ có những âm vang nào trong đời sống linh mục.

1. Vâng phục là thành phần cuộc đời linh mục

Khởi đầu nghi thức bí tích truyền chức, mỗi ứng viên linh mục được mời gọi trả lời tích cực cho những câu thẩm vấn công khai trước cộng đoàn phụng vụ. Tổng hợp những câu trả lời này được coi như bản tuyên bố trước mặt dân chúng quyết tâm của ứng viên về nhiệm vụ sắp lãnh nhận. Sách nghi thức gọi đó là “lời hứa của các ứng viên”. Trong số các câu hỏi ấy, đặc biệt có một câu mà từng ứng viên phải quỳ với đôi tay chắp lại đặt trong tay giám mục để thưa. Đó cũng chính là câu mà ứng viên phải nói bằng lời “thưa con hứa” khác với những câu thẩm vấn trước là “thưa con muốn”. Câu đó thế này: “con có hứa kính trọng và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không?”. Chỉ nguyên việc này thôi cũng đủ để cho thấy sự vâng phục không phải chỉ là hiệu quả đến sau bí tích truyền chức để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, mà chính là tiền đề để thánh chức được trao ban và là điều quan trọng không thể thiếu được để là một linh mục đích thực.

Đã đành đây chỉ là một lời hứa đúng với chữ nghĩa vốn khác với lời khấn vâng phục của các tu sĩ về cấp độ, nhưng về bản chất, hứa hay khấn cũng chẳng cách xa nhau bao nhiêu, nếu không muốn nói là tương đồng. Thành ra, có thể khẳng định: ngay trong nghi thức bí tích truyền chức, vâng phục đã trở nên thành phần của đời linh mục. Ngôn từ “thưa con hứa” và hành vi “tay trong tay” tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa và nét đẹp của sự vâng phục nơi người linh mục. Không biết các cha thế nào chứ bản thân tôi khi lãnh chức linh mục, với câu hỏi này tôi đã ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt âu yếu của vị chủ phong đang nhìn vào mắt mình, bất giác tôi cảm động và đã nói lời “thưa con hứa” với cả tâm tình.

Nhưng tại sao lại phải gài lời hứa vâng phục giám mục vào trong nghi thức truyền chức? Thưa chắc không phải vô tình đâu, mà có lẽ là một hữu ý, một mặt cho thấy người ta không htể cứ muốn làm linh mục là tự nhiên thành, mà phải được kêu gọi; và mặt khác cũng nhắc nhở rằng khi thi hành nhiệm vụ, linh mục không thể cứ muốn làm gì thì tự ý làm, mà phải tuỳ thuộc vào giám mục của mình.

Kinh nghiệm cho biết trong linh mục đoàn mỗi giáo phận cũng có vài người cá tính khá độc lập tự do cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, chẳng hỏi ai và cũng chẳng phải trả lời ai. Làm như đã là linh mục người ta nghiễm nhiên trở thành “cha toàn năng” làm được và được làm mọi sự không kể chi đến phẩm trật quyền bính. Như một cha xứ nọ có máu kinh doanh, thấy khuôn viên nhà thờ còn rộng nên nảy ra sáng kiến xây một dãy nhà ở đó để cho thuê mở câu lạc bộ thể hình, vừa được tiếng là tích cực tham gia phong trào khoẻ tại địa phương, vừa tháng tháng có chút đỉnh chi tiêu. Giáo dân ngứa mắt vì ngày ngày đi lễ đều thấy những hình thể lồ lộ không cầm trí được, nên phản ảnh về Toà Giám mục. Giải pháp đưa ra là đề nghị cha dẹp ngay cái câu lạc bộ “trên hở ngực dưới hở đùi, khi đi thiếu vải khi ngồi thừa da” kia đi. Nhưng có lẽ vì tiếc của, vị linh mục này không nghe. Sự việc xập xình mãi cho đến lúc phải thuyên chuyển linh mục đi, người ta mới dẹp được cái bộ lạc câu khách kia.

Vâng phục là một phần trong nghi lễ phong chức. Linh mục luôn ý thức. Nhưng từ ý thức đến thực hành lại là một khoảng cách. Chính khi xem sự vâng phục như một phần kỷ luật đời sống, linh mục mới thể hiện mình một cách cụ thể và tròn đầy. Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã nêu rõ tính tông đồ, tính cộng đoàn và tính mục vụ trong sự tuân phục của linh mục. Chỉ nam Linh mục cũng không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn cụ thể để linh mục có thể chu toàn sự tuân phục trong đời sống phục vụ của mình. Nhưng tuân phục không phải là một đức tính riêng lẻ, mà đúng ra là thành phần trong một toàn bộ lớn chính là đời sống hiếng dâng. Linh mục đã hiến dâng đời mình cho Chúa thì dâng cho trót và đã hiến dâng cho Giáo Hội thì dâng cho trọn. Đừng giữ lại phần ý riêng cho mình, dẫu đâu đó người ta xem mình là có cá tính, hay đôi khi người ta tâng bốc mình là có bản lãnh. Đã đành, linh mục theo kiểu nói ngày xưa là “thầy cả”, nhưng nếu vịn vào đó để không thích vâng phục quyền bính Giáo Hội nữa thì e rằng mình đang đi đường ngược chiều, có thể bị thổi còi bởi cảnh sát giao thông bất cứ lúc nào. Trong ý nghĩa này, câu nói “Giáo Hội có kỷ cương” của những cha trọng tuổi đã xem ra rất ám hạp để nói về sự tuân phục trong đời sống của các mục tử chúng ta. Để vâng phục bề trên, người ta cần phải xoá mình, và càng biết xoá mình bao nhiêu người ta càng dễ buông mình theo quy định chung bấy nhiêu.

Ở một giáo xứ lớn nội thành (Tp. HCM), đầu tháng nào giáo dân cũng rủ nhau đi lễ rất đông, tưởng là cha sở có sáng kiến mục vụ đặc biệt như mời cha khách giảng tuần đại phúc hay có thêm những sinh hoạt sùng kính bình dân khác như suy tôn lòng thương xót của Chúa hoặc đặt tay xin Chúa chữa lành. Nhưng không phải, người đến đó đi lễ rỉ tai nhau: “sướng lắm, chả phải xưng tội xưng lỗi gì cả, trước thánh lễ cha đều giải tội tập thể, thế là cứ đi lễ rước lễ thoải mái. Vô tư”. Quả là vô tư thật: giáo dân vô tư rước lễ, cha sở vô tư ban phép xá giải. Nhưng giáo phận, vì kỷ cương Hội Thánh, không thể vô tư được, nên đã xin cha sở bản phúc trình và cuối cùng phải dùng biện pháp hành chánh để ngưng cái tối kiến mục vụ kia đi. Thi hành biện pháp theo phương thức cuốn chiếu. Cuối cùng, cha sở ấy cũng chịu tuân phục. May quá. Nhiều khi tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: giá mà những thiện chí mục vụ được thấm nhuần trong sự vâng phục ngay từ đầu, việc làm của người mục tử sẽ để lại những kết quả tốt đẹp hơn và nhất là để lại một tấm gương khó quên trong đời sống tín hữu.

2. Vâng và phục

Tiếng Việt mình đôi lúc nôm na, nhưng đôi lúc cũng sâu sắc lắm. Trường hợp chữ vâng phục là một ví dụ về sự sâu sắc ấy. Trong khi tiếng pháp phải cắt nghĩa dài dòng, tuy cũng tìm được cặp từ ý nhị, thì tiếng Việt chỉ cần một từ kép “vâng phục”. Vâng là vâng theo lệnh theo luật theo quy định: chữ vâng thuộc về bên lý trí nhiều hơn; trong khi phục là phục người ban lệnh hoặc phục người thi hành lệnh ấy: chữ phục lại thuộc về bên tâm tình nhiều hơn. Tuy nhiên nghiêng về bên nào là cả một sự cân nhắc đã trở thành nghệ thuật của cách thế ban lệnh và cách thế chấp hành lệnh ban. Chả thế mà người xưa đã có châm ngôn: qui ne sait pas obéir, ne sait pas commander. Biết vâng lệnh mới biết cách ra lệnh.

Trong khoá bồi dưỡng dành cho các giám mục trẻ mới chịu chức trong vòng năm năm, bộ Truyền giáo cũng có một buồi thuyết trình về đề tài vâng phục này. Bằng tiếng pháp, người ta phân tích cho thấy vâng là obéir effectivement và phục là obéir affectivement. Chỉ vâng thôi mà không phục thường là do lệnh ban khô cứng, người ban lệnh có chút ngả nghiêng và người chấp lệnh còn có điều khuất tất. Một lệnh ban sắt thép thường mau có hiệu quả vãn hồi trật tự, nhưng lại có hậu quả làm tan nát lòng người; trong khi chịu khó tỉ mỉ bọc nhung những chi tiết sắt thép lại, lệnh ban sẽ có hiệu quả kép là vừa vãn hồi trật tự vừa nhẹ nhàng xoa dịu lòng người.

Lý thuyết là thế, còn trong thực tế phải thú nhận là rất khó. Các cha dư kinh nghiệm. Lý và tình là hai phạm trù cùng tồn tại, khi thì đối nghịch loài trừ, khi thì tương tác phong phú. Cứ sức người thật khó phân định. Nhưng như trường hợp Đức Maria, với bóp rợp của Chúa Thánh Thần, đã thưa lên lời Fiat tuyệt vời, mỗi linh mục cũng được mời gọi gắn bó với Chúa Thánh Thần để đảm lĩnh sự vâng phục trong tác vụ đời mình.

Một cha trẻ ở Tp. HCM mới ra trường về làm phụ tá trong một giáo xứ lớn, không biết vì việc gì thường đi vắng cả ngày, cứ sáng làm lễ xong là mất dạng cho đến tối mới trở về. Nghe đâu cha đi học ngoại ngữ để chuẩn bị đi tu nghiệp bên Mỹ. Cha sở lấy làm lạ nên xin xác minh từ Toà giám mục và nhận được câu trả lời là chưa có chủ trương ấy. Cha sở tìm hiểu và biết được cha phụ tá của mình vắng nhà vì một lý do khác: học thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật trên vi tính để chuẩn bị cho những cong trình xây dựng tương lai. Cha sở nhẹ nhàng khuyên bảo bằng cách khôi hài phân tích giữa tu trì và tu hành: “tu trì” là có mặt tại xứ còn “tu hành” là đi lang thang cả ngày. Đồng thời ngài cũng xin cha phụ tá thiết kế mẫu mã cho nhà thờ họ lẻ sắp xây. Cha phụ tá nghe ra và cảm thấy mình có ích, nên đã chuyển máy móc về nhà xứ làm việc. Anh em đuề huề. Vâng và phục song đôi, đến nỗi cha phụ tá ấy sau này đi phục vụ tại nơi khác vẫn giữ tình gắn bó với cha sở đầu tiên của mình. Trộm nghĩ trong trường hợp này, cha phụ tá đã biết vâng phục thật tốt, nhưng cha sở cũng là người góp phần không nhỏ vào thái độ vâng phục đẹp này.

Còn một khía cạnh khác liên quan đến sự vâng phục mà không nói sẽ không tránh khỏi thiếu sót, mà nói đến lại không tránh hết va chạm, đó là những nhân vật trung gian giữa Đấng bản quyền và các linh mục. Dĩ nhiên, kiểu nói của thánh Phêrô “phải vâng lời Chúa hơn vâng lời người ta” luôn luôn có giá trị, nhưng Chúa thì đâu có mặt đối mặt nữa mà thường chỉ ban lệnh qua những vị đại diện làm trung gian, nên nhiều khi lệnh ban cũng không tránh khỏi bị khúc xạ. Rất nhiều trường hợp bị nhiễu sóng để lại dư vị chua chát, như có lần nào trong một bài báo, một linh mục đã thốt lên: “tôi không sợ Phêrô, nhưng lại sợ những thư ký của Phêrô”. Có thể diễn ý: không sợ Đức Giáo Hoàng, nhưng sợ các thánh bộ; không sợ giám mục, nhưng sợ cha bí thư phòng bộ; không sợ cha sở mà sợ ông trùm; không sợ cha phụ tá mà sợ mấy huynh trưởng thiếu nhi.

Nói cho cùng, chỉ có Chúa Giêsu mới được diện đối diện nhận lệnh từ Chúa Cha thôi, mà nào có nhẹ nhàng gì, phải vâng phục với mồ hôi loáng máu, chứ kỳ dư nơi loài người trần thế, bất luận trong cương vị nào cũng đều nhận lệnh qua trung gian của người đại diện. Đức Maria nhận thực mình là nữ tỳ Chúa, nhưng lại nhận lệnh Chúa qua trung gian của sứ thần, nên đã khiêm nhường thốt lên “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đó là đường đi của lệnh ban và cũng là đường nét hào hùng của vâng phục.

Một cha sở nọ mới lâm trọng bệnh được giám mục bảo nên đi nghỉ hưu. Cha không vui đưa ra nhiều lý do trì hoãn trong đó có lý do lớn là công trình xây dựng còn dang dở. N hưng bệnh tật có nể nang ai, cha lại đột quỵ, và lần này giám mục nhờ cha quả hạt tác động đến để có được kết quả mong muốn, kẻo làm thiệt hại đến đời sống thiêng liêng của dân Chúa. Khổ nỗi cha quản hạt nhà mình lại sốt sắng quá, nhân dịp cha sở ấy nhập viện, ngài xử lý công việc tận tình với một tờ sớ liệt kê được 47 chủ nợ lớn bé của cha sở ấy đang bức xúc muốn nhận lại tiền. Thế là áp lực bệnh tật tái phát cộng thêm áp lực nợ nần được công khai hoá, cha sở kia phải chấp nhận giải pháp rút lui. Cũng là vâng lời bề trên đấy, nhưng xem ra không vui trọn vẹn, nếu không muốn nói là thiếu vắng một lòng kính phục. Vị trung gian kia cũng làm tròn sứ mạng đấy, nhưng giá mà có cách xử lý uyển chuyển hơn, có lẽ yếu tố kịch tính sẽ dịu bớt hơn. Tất nhiên, bệnh tật phải lo chữa chạy và nợ nần phải lo liệu trả, nhưng xem ra trong tình huống cụ thể này, phải có ơn Chúa Thánh Thần nữa mới giải quyết thấu tình đạt lý được.

3. Vài lãnh vực đang cần đến sự vâng phục

Những dẫn chứng cụ thể về sự vâng phục trong đời sống linh mục có thể chỉ là những trường hợp cá biệt, không khái quát hết hiện trạng kèm theo những trăn trở mà có thể chỉ người trong cuộoc tại hiện trường mới biết hết, hay người trải rồi, thấm mệt rồi mới thấy thấm thía. Như một kinh nghiệm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nhưng trong công việc mục vụ chung của giáo phận, cũng có một vài lãnh vực linh mục cần nêu cao sự vâng phục để vừa dễ dàng cho việc điều hành chung vừa nêu gương sáng cho giáo dân.

Trước hết là lãnh vực phụng vụ. Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo chỉ có một, nên đâu cũng như đâu, đều dựa theo Sách lễ Rôma, không khác đi được. Vì thế mới gọi là Lễ Quy. Điều này các linh mục ai cũng biết rõ, ngay từ khi cử hành Thánh Lễ đầu đời. Nhưng không biết có phải vì linh hồn thiêng liêng sáng láng qúa, nên cứ thích sáng chế ra những chi tiết diễn ý đi ra ngoài quy định chung của Giáo Hội. Những chi tiết ấy có thể làm vừa lòng một số giáo dân, nhưng phần đông giáo hữu còn lại chẳng vui lòng gì. Đây là lãnh vực để lại nhiều điều ong tiếng ve khiến giám mục phải đau đầu.

Chẳng hạn như một linh mục thích nói nhiều trong Thánh lễ, nói đầu lễ và bài giảng thì chẳng phải kêu ca làm gì; nhưng nói giữa lễ đan xen trong phần kinh nguyện Thánh Thể, như cứ nghĩ gì nói nấy mà chẳng quan tâm đến sự tập trung tôn thờ cao độ của cộng đoàn. Tay lúc nào cũng khư khư giữ cái micro sans fil kê sát miệng, thấy mà ngán.

Chẳng hạn như một linh mục khác thuộc thời @, hi-tec đi đâu cũng kè kè cái điện thoại di động, thậm chí khi lên bàn thờ, cha chẳng những không khoá máy, mà lại còn để ngay bên chén lễ. Có lần đang lễ có cuộc gọi đến và máy reo một đoạn tình ca, cha bốc máy trả lời tỉnh queo trước mặt cộng đoàn, thấy mà ngại. Mong rằng vì tình hiệp thông vâng phục Giáo Hội, xin chớ để linh mục chúng ta sa chước cám dễ dễ dãi này.

Ngoài ra là lãnh vực sổ sách giáo xứ. Hết rồi cái thời khó khăn “tay trái làm không cho tay phải biết”, bây giờ việc sổ sách giáo xứ đã dễ dàng và vì thế cũng cần được hệ thống hoá và ghi chép minh bạch hơn, từ sổ lễ cá nhân đến sổ sách bí tích Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối. Giáo luật đã quy định và Giáo phận đã hướng dẫn. Ngày xưa các giám mục mỗi lần đi kinh lý đều được trình xem những sổ sách này. Ngày nay có khác. Hình như giám mục chỉ còn ký sổ bí tích Thêm sức thôi. Nhưng trong những lần ký hiếm hoi ấy, thấy nhiều nơi xem ra còn luộm thuộm lắm. Bản thân tôi có lần được xin ký khống ở cuối trang, còn chi tiết cha sở sẽ điền vào sau, vì ngài chưa làm kịp. Thấy mà buồn cười. Đây chỉ là trường hợp vô cùng ngoại lệ. Mong rằng linh mục đoàn giáo phận sẽ thể hiện sự vâng phục một cách cụ thể qua việc sổ sách này.

Và cuối cùng là lãnh vực thuyên chuyển, một lãnh vực khá nhạy cảm, cũng là lãnh vực thử thách sự vâng phục của linh mục sát sườn nhất. Có nhiều linh mục thánh thiện luôn sống tinh thần ứng trực, được giám mục gợi ý đi đâu cũng chấp hành mau mắn. Giống như Đức Maria trong Phúc Âm thưa tiếng Fiat vậy. Được như thế chắc chắn giám mục hài lòng lắm và nhịp sống giáo phận cũng suông sẻ, tuy nhiên cũng có một hai linh mục khi nhận được lệnh thuyên chuyển chẳng những đã không vâng lệnh bề trên lại còn vận động đó đây xin giữ mình lại, khiến việc điều hành giáo phận cứ rối tung lên. Giống như quân cờ domino bị kẹt lại làm tắc nghẽn mọi thế chuyển dịch. Thuyên chuyển giáo xứ là một sinh hoạt bình thường, không thuyên chuyển mới là bất thường. Thành thử, mỗi linh mục khi được gọi, hãy đáp lời xin vâng với cả tâm tình hào hùng của người lên đường truyền giáo.

Tóm lại, lời thứ hai của Đức Maria là lời phản ảnh một tâm hồn nghèo khó, một trái tim đơn sơ và là điểm đến của một thái độ sẵn sàng và ứng trực. Lời Fiat ấy đã biến đổi Đức Maria từ người nữ tỳ sang Mẹ Thiên Chúa. Xin cho lời Fiat ấy trở nên khuôn mẫu cho mọi linh mục, trong tư duy cũng như trong thực hành, để như ý nguyện của bài hát “Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”, đời sống linh mục sẽ được biến đổi nên mới hơn.

Người ta kể: một hãng xe hơi đã cử người đến hỏi Đức Giáo Hoàng xem phải mất gì để được nêu tên hãng xe mình trong thánh lễ, như tên Fiat trong kinh Lạy Cha. Đức Giáo Hoàng không trả lời. Ngài nghĩ: phải mất mạng. Như Chúa Giêsu đã phải chết để trọn lời “Fiat voluntas tua”, như Đức Maria đã hiến mình để thưa lời Fiat, và như mỗi linh mục chúng ta hôm nay đang còn phải nỗ lực hiến dâng đời mình để học sống lời Fiat của Đức Maria.