Bốn mươi năm “Sự Sống Con Người”

Tính dục không phải là một thứ thể thao vật lộn

Đối với việc tiếp nhận một thông điệp giáo hoàng về những phương tiện hợp luân lý cho việc kế hoạch hóa gia đình, thì khó tưởng tượng được có lúc nào bất thuận lợi hơn là mùa hè 1968. Bây giờ, 40 năm sau ngày ban hành, thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chắc chắn sẽ nhận được sự lắng nghe xứng đáng của nó.

Tại sao? Tại vì thế giới phát triển hiện đang bị khủng hoảng về dân số sau nhiều thập niên gặp sinh xuất xuống thấp thê thảm. Tại vì, các thiếu phụ ngày nay đã hình dung rõ một sự thật mà các bà mẹ của họ không nắm được trong thập niên Sáu Mươi. Sự thật đó là: cuộc cách mạng tính dục, mà sở dĩ có được, một phần là nhờ các phương tiện ngừa thai đầy rẫy, chỉ tuyệt diệu cho các đấng mày râu chuyên lợi dụng, chứ chẳng tuyệt diệu chút nào cho nữ giới. Và tại vì “thần học thân xác” của Đức Gioan Phaolô II đã tạo cho giáo huấn cổ điển của Giáo Hội một chiếc khung đầy hấp dẫn và có tính nhân bản.

Trung Đoàn Khinh Binh Công Giáo (The Catholic Lite Brigade) chắc chắn sẽ biến năm kỷ niệm này thành một dịp để mừng khen hai thế hệ bất đồng thần học. Những tâm hồn khôn ngoan hơn sẽ ngẫm nghĩ tới cảnh đắm tầu nhân bản do cuộc cách mạng tính dục gây ra, nhất là cho phụ nữ, và suy nghĩ lại.

Hiện nay vẫn còn nhiều mơ hồ lẫn lộn về giáo huấn của Giáo Hội đối với sự trong sạch của hôn nhân vì phần lớn các nhà lãnh đạo có chức thánh đã không giải thích nó cách rõ ràng rành mạch. Việc lãnh đạo trong trận tuyến này chủ yếu lại do các học giả và các nhà tranh đấu giáo dân đảm nhiệm, những người như Janet Smith kiên cường, Richard Doerflinger từng làm việc cho Hội Đồng Giám Mục Mỹ, những người thuộc thế hệ trẻ hơn như Christopher West, Helen Alvare, Colleen Carroll Campbell, Pia de Solenni và Mary Eberstadt (có bài hết sức sáng chói về “Sự Sống Con Người” đáng mọi người đọc, đăng trên số tháng Tám-Chín của tờ First Things). Nhờ những con người can đảm trong chương trình kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên này và phong trào tân phụ nữ Công Giáo, điều Đức Phaolô VI muốn nói chắc chắn sẽ có cơ hội được lắng nghe, một phần vì nó được nói bằng một ngữ vựng rất quen thuộc với thế hệ trẻ thuộc thế kỷ 21.

Nên lặp lại một lần nữa, vì truyền thông chính dòng ngoài kia thường vẫn sai lầm xưa nay: Giáo Hội Công Giáo không truyền dạy một thứ ý thức hệ bằng bất cứ giá nào về sinh nở (fertility). Ngược lại: Giáo Hội ấy chỉ truyền dạy rằng mọi cặp vợ chồng đều có trách nhiệm luân lý phải chào đón sự sống mới như một hồng ân Chúa ban, phải cân nhắc số con mình có thể dưỡng dục và giáo dục, và phải sắp xếp cuộc sống vợ chồng phù hợp với hai trách nhiệm trên.

Giáo Hội chỉ can đảm chống lại nền văn hóa đương đại bằng cách dạy rằng các phương tiện hợp luân lý để điều hòa sinh nở phải qua sinh (vật) học chứ không qua kỹ thuật học. Giáo Hội đề nghị: kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên, theo nhịp điệu của sinh học, tôn trọng được cả sự toàn vẹn của người đàn bà lẫn bản chất đặc biệt của liên hệ phu phụ. Có thể nói thế này, nếu bạn muốn, việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên tôn trọng được cả hình ảnh tình yêu tính dục vợ chồng lẫn bản chất kép của nó, vừa như một chia sẻ tình yêu vừa như một chia sẻ sự sống. Phương tiện kỹ thuật học trong việc kế hoạch hóa gia đình ngăn cản việc đó.

Không ai nghĩ việc ấy dễ dàng. Mà thực ra cũng chả có ai nghĩ hôn nhân là chuyện dễ dàng cả. Tuy nhiên, các chứng tá của những người Công giáo trung thành sống chân lý về tình yêu và trách nhiệm vợ chồng cho hay nhịp điệu yêu thương tính dục và tiết dục định kỳ theo kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đã thăng tiến mối liên hệ, sâu sắc hóa đối thoại và phong phú hóa cuộc hôn nhân của họ về cả mặt nhân bản lẫn mặt thiêng liêng.

Sự khinh miệt mà một số nơi dành cho “Sự Sống Con Người” và kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên có thể không liên hệ tới việc thẩm định theo luân lý các phương pháp kế hoạch hóa gia đình khác nhau cho bằng có liên hệ nhiều hơn tới các thẩm định khác nhau về chính cuộc cách mạng tính dục. Vì dù sao, “tự nhiên” vẫn là các chữ thánh thiêng của thế giới thế tục. Thế thì tại sao lại có cái thứ sóng thần đả kích chống lại Đức Pholô VI và đề nghị của ngài coi kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên là phương thức nhân đạo và nhân bản hơn?

Chúng tôi nghĩ: hẳn nó có liên quan tới sự kiện này “Sự Sống Con Người” đặt để ra một giới mốc văn hóa: Giáo Hội Công Giáo nhất định không chiều theo tinh thần thời đại như phần đông các bộ phận tôn giáo khác trước đó đã làm. Giáo Hội Công Giáo nhất định không chịu tuyên bố tính dục chỉ là một thứ thể thao vật lộn (contact sport) khác, chẳng phải vì Giáo Hội hay cả thẹn (prudish) hay bị ẩn ức hay ghét đàn bà, nhưng vì Giáo Hội coi trọng người đàn ông và người đàn bà, và vì Giáo Hội quan niệm tình yêu Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là một tình yêu vợ chồng. Quả là một niềm vui lớn khi khám phá ra nhiều thiếu phụ ngày nay nhận ra điều ấy.

Những tín hữu cách khác

Trên đây là nhận định của George Weigel (The Tidings) nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đức Phaolô VI ban hành thông điệp “Sự Sống Con Người”. Tại các giáo hội còn đang ở trong tình thế truyền giáo, như Giáo Hội Việt Nam, các cố gắng để hiểu khác đi bức thông điệp trên cũng không hẳn là hiếm hoi. Còn nhớ hồi ấy, linh mục Trương Bá Cần, qua những ấn phẩm loại bỏ túi gọi là “Chọn”, đã cố gắng trình bầy một số những điểm mà theo ngài ‘lương tâm’ vợ chồng không buộc phải theo.

Trong bài báo của mình, sau khi kể ra các phản ứng của kẻ ngoại thù đối với Thông Điệp, Mary Eberstadt (First Things, Aug/Sept 2008), nhắc tới thái độ những người đồng đạo mà cô gọi là “Những Người Công Giáo Cách Khác” (Catholic Otherwise Faithful), tức những người chủ trương rằng: “Tôi là Công Giáo chứ, nhưng tôi không đâu có khùng điên vì nó”. Họ bảo “Tôi vui lòng ủng hộ những lập trường sáng suốt của Công Giáo về án tử/công bằng xã hội/dân quyền, nhưng tôi không bao giờ tin theo những giáo huấn lỗi thời về ly dị/đồng tính luyến ái/và nhất là ngừa thai”. Eberstadt kể lại trường hợp Sean Hannity, xướng ngôn viên chương trình tin tức của FoxNews, người từng vỗ ngực với khán thính giả của mình rằng mình là người Công Giáo “tốt” và “ngoan đạo” nhưng vẫn tin rằng “ngừa thai là việc tốt”. Mặt khác, đối với anh ta, ngừa thai chỉ là vấn đề tầm phào so với các vấn đề khác. Anh lớn tiếng hỏi: các linh mục lấy quyền gì mà bảo anh ta phải làm thế này phải làm thế nọ, trong khi Thánh Kinh nói rõ: đừng kết án để khỏi bị kết án! Anh ta cũng tỏ ra sững sờ khi ai đó dám tước đoạt quyền Rước Lễ của anh chỉ vì anh ta dám tự quyết định cho mình phải làm người Công Giáo như thế nào.

Các tiên đoán được chứng nghiệm

Những người như trên lẽ dĩ nhiên cười nhạo tính nghiêm chỉnh của “Sự Sống Con Người”. Họ có biết đâu rằng 40 năm sau ngày ra đời, các tiên đoán của thông điệp không những được các lực lượng thực nghiệm chứng minh mà còn được chứng minh bằng những tín liệu chưa có vào thời thông điệp được ban hành, của các học giả không hề có bất cứ một thứ quan tâm nào đối với giáo huấn của thông điệp, và hơn nữa còn là các tín liệu do chính những kẻ thù công khai của Giáo Hội nữa.

Ai cũng rõ, “Sự Sống Con Người” đã đưa ra bốn tiên đoán về hậu quả của việc lan tràn các phương tiện ngừa thai nhân tạo: tiêu chuẩn luân lý trong xã hội sẽ xuống thấp; bất trung sẽ gia tăng; người đàn ông bớt kính trọng người đàn bà; các chính phủ cưỡng bức việc sử dụng kỹ thuật học về sinh sản.

Trong các năm tiếp sau “Sự Sống Con Người”, nhiều tư tưởng gia sáng chói của Công Giáo, dựa vào nhiều chứng cớ, đã cho rằng các tiên đoán trên được căn cứ trên các sự kiện xã hội. Đức Ông George A. Kelly chẳng hạn đã đề cập đến khía cạnh ấy trong khảo luận năm 1978, tựa là “Viên Thuốc Đắng Cộng Đồng Công Giáo Phải Nuốt” (Bitter Pill the Catholic Community Swallowed) và các đóng góp của Janet E. Smith, như “Humanae Vitae: A Generation Later” và tuyển tập “Why Humanae Vitae Was Right: A Reader”.

Các nhà khoa học xã hội trung thực

Nhưng chính các nhà khoa học xã hội, hoàn toàn hoạt động trong môi trường thế tục, đã cho công bố các chứng cớ thực nghiệm chứng thực các tiên đoán của thông điệp. Nhà xã hội học W. Bradford Wilcox, trong một bài báo năm 2005, đã viết như sau: “Các học giả hàng đầu từng nghiên cứu các chủ đề này không phải là Kitô hữu, và phần lớn không phải là những nhà bảo thủ về chính trị hay xã hội. Đúng hơn, họ là những nhà khoa học xã hội trung thực muốn theo các dữ kiện đi tới bất cứ chỗ nào chúng muốn đưa”.

Hãy xem nhà kinh tế học George Akerlof, người đoạt giải Nobel, chẳng hạn. Trong một bài báo nổi tiếng năm 1996, đăng trên tờ “Quarterly Journal of Economics”, Akerlof dùng ngôn ngữ kinh tế hiện đại, giải thích tại sao cuộc cách mạng tính dục, trái với các dự đoán chung, nhất là các dự đoán của những người bên trong và bên ngoài Giáo Hội vẫn thường mong muốn cho giáo huấn về kiểm soát sinh đẻ phải thay đổi, đã dẫn tới việc gia tăng cả về số con hoang lẫn số lần phá thai. Trong một bài báo khác đăng trên tờ “Economic Journal” cách nay 10 năm, ông trình bầy các liên kết có tính thực nghiệm giữa việc giảm thiểu kết hôn và làm cha có kết hôn, cả hai là hậu quả rõ rệt của cuộc cách mạng ngừa thai, với hiện tượng gia tăng cùng một lúc các tác phong hay thấy nhất nơi các đàn ông độc thân: giền ma túy, bị bắt bỏ tù, bị bắt giữ…

Ngoài ra, Akerlof còn nhìn thấy mối liên kết chặt chẽ giữa việc suy giảm kết hôn và gia tăng nghèo đói ở một phía và phía kia là các bệnh xã hội. Ông giải thích các khám phá của mình bằng một ngôn từ không chuyên môn trên tạp chí “Slate” như sau: “Dù người ta vẫn còn hoài nghi về các nguyên nhân tạo ra các thay đổi xã hội, nhưng lý thuyết kỹ thuật học gây ngỡ ngàng quả có phù hợp với các sự kiện. Kỹ thuật học mới mẻ về sinh sản đã được chấp nhận quá nhanh, và trên một quy mô quá lớn. Các khuôn mẫu về hôn nhân và sinh nở cũng thay đổi một cách đáng kể như thế, và cùng một lúc như vậy”.

Cùng với các điển hình của khoa học xã hội thế tục xác nhận điều các tư tưởng gia Công Giáo tiên đoán, ta còn thấy nhiều chứng minh khác cho thấy các hậu quả tiêu cực đối với con cái và xã hội. Trong đó, có Daniel Patrick Moynihan, người nghiên cứu về gia đình da đen; Judith Wallerstein, người nghiên cứu về tác động của ly dị đối với con cái; Barbara Dafoe Whitehead, người khảo sát các hậu quả của cảnh làm cha mẹ đơn chiếc đối với con cái; Sara McLanahan và Gary Sandefur với cuốn sách giá trị “Growing Up with a Single Parent”; và David Blankenhorn với cuốn “Fatherless America”, một tóm lược đầy đủ các tín liệu thực nghiệm không đẹp chút nào về cảnh tan vỡ của gia đình.

Song song với những tác phẩm trên, không thiếu các tác phẩm phân tích các ích lợi của hôn nhân như James Q. Wilson với cuốn “The Marriage Problem”, Linda Waite và Maggie Gallagher với cuốn “The Case for Marriage”, Kay Hymowitz với cuốn “Marriage and Caste in America”, và Elizabeth Marquardt với cuốn “Between Two Worlds: The Inner Lives of Children of Divorce”. Còn nhiều cuốn khác nữa cùng cho thấy các dữ kiện đã càng ngày càng nhiều ra sao để hỗ trợ cho quan điểm chứng tỏ rằng cuộc cách mạng tính dục thực đã đem lại tai họa cho nhiều bộ phận trong xã hội, một quan điểm đã được mài dũa cho sắc bén hơn nữa nhờ hàng mấy thập niên khảo sát mối tương quan giữa hệ thống phúc lợi công và việc tắc nghẽn của gia đình (nhất là trên các trang của tạp chí “Public Interest”, không phải của Công Giáo). Ngoài ra, cũng phải kể một số tác phẩm khác nhằm chứng minh rằng các hành vi tư riêng, nhất là các thói quen hậu cách mạng tính dục, vẫn có những hậu quả công hết sức to lớn như Charles Murray với cuốn “Losing Ground” và Francis Fukuyama với cuốn “The Great Disruption”.

Các cố gắng tô son

Ngay những cố gắng đó đây nhằm vẽ ra một khuôn mặt vui tươi cho các khuynh hướng đương đại cũng không dấu được cái tỷ lệ hết sức cao trong lịch sử nơi các tan vỡ gia đình và nơi những người mẹ không cheo cưới. Như trong “Crime, Drugs, Welfare—and Other Good News,” một bài báo mới đây và gây tranh cãi nhiều đăng trên tờ “Commentary”, Peter Wehner và Yuval Levin chào đón sự kiện các ông cho là mức độ tai họa và tắc nghẽn xã hội dường như đang cải thiện nhiều so với trước như các tội ác bạo hành và tội ác đối với tài sản, nạn thiếu niên nghiện ngập và sử dụng thuốc lá. Tuy thế, họ vẫn phải ghi nhận rằng “Một số các chỉ điểm chủ yếu nhất về xã hội, tức các chỉ điểm cho thấy điều kiện và sự vững mạnh của gia đình Mỹ, cho đến nay vẫn chưa chịu nhấc mình lên”.

Thành thử ra, ngoại trừ một số ít như Stephanie Coontz vẫn còn nghĩ khác, bất cứ ai nắm được các bằng chứng trên cũng phải nhìn nhận rằng cuộc cách mạng tính dục đã làm suy yếu các mối dây ràng buộc gia đình và các mối dây này được nhìn nhận là một chỉ điểm quan trọng của phúc lợi trẻ em; đàng khác, đa số đã nhìn nhận rằng việc gia đình tan vỡ không phải chỉ là một vấn đề đối với các cá nhân mà còn đối với cả xã hội. Một số học giả còn liên kết các vấn đề này với chính cuộc cách mạng ngừa thai.

Nhà sinh học xã hội Lionel Tiger, người từng mô tả tôn giáo như một độc tố, nhưng đã luôn nhấn mạnh tới tính trung tâm của cuộc cách mạng tính dục đối với các vấn đề độc đáo ngày nay. Cuốn “The Decline of Males” xuất bản năm 1999 của ông đặc biệt gây tranh cãi nơi các nhà duy nữ vì đã đưa ra luận điểm cho rằng thuốc ngừa thai phụ nữ đã thay đổi thế quân bình giữa hai phái tính một cách đầy lo ngại (nhất là đã tước mất khỏi nam giới bất cứ lời nói quyết định nào về việc liệu họ nên có con hay không).

Ông cũng làm nhiều người nheo mày khi liên kết việc ngừa thai với việc tan vỡ gia đình, làm nghèo nàn phụ nữ, khó khăn trong mối liên hệ giữa hai giới tính, và cảnh làm mẹ đơn chiếc. Cũng như nhiều nhà thần học Công Giáo, ông cũng đã đưa ra mối liên kết nhân quả giữa việc ngừa thai và phá thai, thẳng thừng cho rằng “với việc ngừa thai hữu hiệu do phụ nữ kiểm soát, người ta thấy lại càng có nhiều vụ phá thai hơn bao giờ… Ngừa thai tạo ra phá thai”.

Huyền thoại của con cháu Malthus

Các chứng cớ thực nghiệm của bốn mươi năm qua cũng tiêu diệt luôn cái huyền thoại “khoa học” mà những người chống đối “Sự Sống Con Người” từng tự khoác cho mình, nhất là thứ khoa học tiên đoán ngày tận thế vì nạn nhân mãn.

Thứ ‘khoa học’ đó phát sinh từ khảo luận nổi tiếng của Thomas Robert Malthus ở cuối thế kỷ 18 tựa là “Essay on Population”, trong đó có cái nhìn mới lạ cho rằng nhân loại sẽ gặp cơn dịch dư người dẫn tới thảm họa. Dù ra đời ở một thời điểm và tại một nơi khác hẳn, chủ thuyết Malthus lại rất thịnh hành ở Mỹ đầu thập niên 1960. Trên thực tế, “Sự Sống Con Người” chỉ xuất hiện hai tháng trước cuốn sách thành công nhất trong việc bình dân hóa tư tưởng của Malthus là cuốn của Paul R. Ehrlich tựa là “The Population Bomb”, một cuốn sách bắt đầu bằng câu sau: “Trận chiến nuôi sống nhân loại đã kết thúc. Trong các thập niên 1970 và 1980, hàng trăm triệu người sẽ chết đói bất chấp bất cứ chương trình cấp tốc nào được đưa ra hiện nay”.

George Weigel cho rằng không có lúc nào bất thuận lợi cho “Sự Sống Con Người” ra đời bằng năm 1968. Ta có quyền nói: không có lúc nào thuận tiện cho Ehrlich rao bán cái lý thuyết ảm đạm cho bằng năm ấy. Dù là một chuyên gia chuyên nghiên cứu các loài bướm, nhưng ông ta đã có sẵn một công chúng Mỹ, trong đó có cả một thế hệ Công Giáo, sẵn sàng tiếp nhận tư tưởng khủng khiếp của ông về viễn ảnh của nhân loại.

Nhiều người, vì không một chút căn bản siêu hình học nào, nên đã bị lôi cuốn vào thứ rao bán tận thế này đã đành. Nhưng cả đối với những người Công Giáo nóng ruột, nỗi sợ thặng dư dân số vẫn là điều hấp dẫn. Và nếu thặng dư dân số là một vấn đề, thì giải pháp hiển nhiên sẽ là: Hãy bảo Giáo Hội vứt bỏ lệnh cấm kiểm soát sinh đẻ đi là vừa!

Thực ra không hẳn chỉ là trùng hợp khi nỗi lo lắng muốn cứu vớt hành tinh địa cầu kia lại ăn khớp xít xao với cái hậu quả hết sức vị kỷ, tức cái mưu cầu được tự do hơn mà hưởng tính dục nhờ thuốc viên ngừa thai. Các người Công Giáo bất đồng có nhiều lý do đặc biệt để nhấn mạnh tới ngành ‘khoa học thặng dư dân số’này. Nhân danh nền luân lý cao hơn, họ biện luận rằng ta nên bênh vực việc kiểm soát sinh đẻ vì nó là điều ít xấu xa hơn trong hai điều xấu (một chủ trương được Charles Curran hết lòng bênh đỡ).

Nhưng chỉ non một thế kỷ sau, những lắng lo đối với sinh xuất hỏa tiễn kia đã trở thành khoa học giả hiệu giống hệt như khoa tướng sọ (phrenology). Nói như thế hình như có bất công đối với khoa tướng sọ. Vì không những văn chương thặng dư dân số bị các nhà tư tưởng bỏ rơi để chọn thứ khoa học nhiều tiến bộ hơn, mà nó còn bị minh chứng là hoàn toàn sai lạc đến độ ngày nay người ta đã đưa ra lý thuyết sắc cạnh cho thấy điều ngược hẳn lại: tình trạng “thiếu sinh” (dearth birth) đang làm “bạc đầu” thế giới tiến bộ.

Thực vậy, nền khoa học thặng dư dân số bị băng hoại đến độ năm nay, nhà sử học của Đại Học Columbia là Matthew Connelly đã cho xuất bản cuốn “Fatal Misconception: The Struggle to Control World Population” và thu lượm được một phê phán sáng giá trên tờ “Publishers Weekly”. Đây có lẽ là đòn chí tử đối với lối biện bác thặng dư dân số mà nhiều người hy vọng dùng được để phá đổ giáo huấn của Giáo Hội. Điều này lại càng có ý nghĩa vì Connelly thực ra muốn dùng biện bác của mình để chống lại Giáo Hội Công Giáo. Có lúc ông đã quả quyết không cần phải ghi chú chi rằng việc kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên đã làm phần lớn các cặp vợ chồng thất bại khi đem ra thí nghiệm thử.

“Fatal Misconception” hùng hồn minh chứng rằng chủ trương của phe kiểm soát dân số thặng dư chỉ là một lầm lẫn trắng trợn. Trước nhất, ông cho rằng họ sai lầm trong vấn đề sự kiện: “Hai điều phái này cho là đóng góp lâu dài cho lịch sử: họ đã kéo Á Châu thoát khỏi cảnh nghèo và giúp duy trì hành tinh ta vẫn là nơi cư ngụ được”. Cả hai điều ấy đều sai. Connelly còn triệt hạ cả yêu sách cho rằng phe này đạt được cơ sở luân lý cao hơn. Ông chứng minh rằng không những phe này không giúp được ai, mà một cách tích cực còn gây hại rất nhiều người. Thảm họa lớn nhất của phe này là nghĩ rằng người ta biết lợi ích của người khác rõ hơn chính những người ấy… Yếu tính của việc kiểm soát dân số, dù là nhắm vào các di dân, những người ‘bất xứng’ hay các gia đình bị coi là quá lớn hay quá nhỏ, chính là ra luật cho người khác mà không cần phải trả lẽ đối với họ. Điều này xem ra hấp dẫn người ta cách mạnh mẽ, vì với sự truyền bá sâu rộng của các phong trào giải phóng, người ta bắt đầu thấy việc kiểm soát dân số dễ dàng và có lợi hơn là kiểm soát đất đai lãnh thổ. Đó là lý do tại sao những người chủ trương hoàn toàn chính xác khi coi nó như một chương khác trong công trình chưa hoàn tất của chủ nghĩa đế quốc.