Nam Úc châu có bức tường truyền âm thanh. Đây là bức tường hình cong khá dài, xây bằng ximăng giữ nước cung cấp cho thành phố Adelaide. Dân chúng địa phương gọi là ‘bức tường thì thầm’ do sự kiện người đứng đầu này nói người đứng đầu kia nghe rõ như nghe trong điện thoại.

Bức tường cao đến gần trăm mét tính từ lòng suối. Điều đáng nói là bức tường truyền âm khá chính xác, rõ ràng. Âm thanh không bị ảnh hưởng bởi sức gió thổi bên ngoài. Tiếng nước vỗ phía bên kia bờ tường không làm loãng âm thanh. Lạ hơn nữa là ngoài trời mưa to thế mà âm thanh truyền đi vẫn chính xác.

DI ĐỘNG

Bức tường thì thầm nổi tiếng vì không cần giây mà vẫn truyền âm chính xác nhưng từ ngày có điện thoại cầm tay thì nó trở nên bình thường. Người ta biết nhiều đến điện thoại di động. Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ dùng điện thoại nối giây, sanh đúng thời đại khoa học kĩ thuật nhảy vọt dùng điện thoại di động hay còn gọi là điện thoại cầm tay, không giây nhợ vừa đi vừa nói chuyện nên tặng cho nó cái tên điện thoại đi động.

Chưa kịp bắt nhịp với điện thoại di động thì mạng lưới di động khai sinh tạo nên làn sóng mới. Hết phát minh này đến phát minh khác người ta có bản đồ chỉ đường di động, tivi di động, các trò chơi điện tử di động. Trong tương lai còn nhiều thứ di động ra đời.

VÔ HÌNH

Máy điện tử liên lạc với nhau bằng một bức tường vô hình mắt thường không thể nhìn thấy. Những làn sóng vô hình này chui qua các cửa đóng kín, vượt qua các rào cản đến nơi máy nhận sóng.

Không ai chối cãi bức tường điện tử hiện hữu dù vô hình vì nó quá rõ ràng trong cuộc sống. Chúng vô hình, vô dạng, vô hương, vô sắc, nhẹ đến độ vô trọng lượng đối với mắt thường nhưng lại hữu hình, hữu dạng dưới ống kính điện tử, với mắt khoa học gia. Ngoài ra còn có bức tường lửa thanh lọc tin tức theo ý muốn và trên không gian có bức tường âm thanh. Thế giới vô hình có nhiều bức tường bí mật chưa ai nghĩ đến nói chi đến thắc mắc để bàn thảo.

CON MẮT

Tìm biết sự việc chúng ta cần đến con mắt. Tùy vào sự việc mà chúng ta cần đến loại mắt nào. Để thưởng thức sắc đẹp của cánh hoa, núi cao, biển rộng, sông dài cần đến mắt thường. Thi vị hoá những cảnh đó tạo nên những áng văn, vần thơ cần đến mắt thơ phú. Nhìn cùng cảnh vật có mắt cảm nhận, nhìn thấy; có mắt không nhận ra. Đây là mấu chốt gây bất đồng về nguồn gốc vũ trụ và màu nhiệm màu nước trời. Kẻ nhìn với mắt khoa học bất đồng với kẻ nhìn dưới mắt tâm linh. Kẻ giải thích vũ trụ dựa trên khoa học thuần tuý tự giới hạn tầm nhìn của họ trong khi kẻ tin Chúa nhận biết khoa học là một phần trong chương trình sáng tạo của Chúa.

TẦM NHÌN CỦA MẮT

Khoa học nào cũng có giới hạn của nó. Ra ngoài giới hạn thì khoa đó không đưa ra câu trả lời chính xác. Khi nói về tình cảm con người khoa học phải nhờ đến khoa tâm lí. Cần giải thích về hiện tượng xã hội người ta dựa vào khoa xã hội học. Tìm biết những văn hoá cổ truyền người ta dựa vào khoa khảo cổ và nói về mầu da, ngôn ngữ, phong tục người ta lại bám lấy giải thích của khoa nhân chủng học. Khi bàn về thần học khoa học không nhờ đến khoa thần học. Phải chăng đây là mâu thuẫn căn bản của các bộ óc đặt niềm tin vào khoa học thuần tuý.

BỨC TƯỜNG THÁNH

Phúc Âm ghi ngay sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu lên bờ sông lúc ấy trời mở ra. Thần Khí đáp xuống như hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán. ‘Đây là Con Ta hằng yêu dấu’.

Lời nói phát ra từ tầng mây cao thẳm, người nghe đứng bờ sông thế mà vẫn nghe rõ lời Ngài phán. Làm thế nào Chúa biết ngày giờ, nơi chốn Con Chúa chịu phép rửa để phát ra tiếng nói.

Giải thích sự việc này phải nhờ đến khoa thần học. Khoa này tin là có sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người. Mọi thông tin liên lạc qua bức tường thần linh. Bức tường này ghi lại cuộc sống con người từng hơi thở, nhịp đập của con tin. Lời nói, việc làm, cảm xúc và ngay cả ý tưởng thầm kín bức tường thần linh đều ghi nhận. Bức tường thần linh nối kết đất trời. Mọi việc dưới đất liên quan đến trời và việc trên trời đều qua Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống thế. Thần linh biến hoá khôn lường khi hình chim bồ câu, hình lưỡi lửa hay gió thoảng và chỉ mắt đức tin nhận ra.

Chối bỏ sự hiện hữu của bức tường thần linh không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là chuyên tâm nghiên cứu, tìm tòi khám phá bức tường thần linh vì bức tường đó ghi nhận từng hơi thở, nhịp đập của con tim mỗi người. Khoa học không thể phủ nhận con mắt thơ phú, phủ nhận thần giao cách cảm của giác quan thứ sáu thì khoa học cũng không thể phủ nhận sự hiện hữu tồn tại của con mắt đức tin. Phủ nhận, chối bỏ chính là chấp nhận giới hạn, tự bó tay. Những gì khoa học bị giới hạn không có nghĩa là chúng không tồn tại trên đời. Tìm được kết quả sự kiện xảy ra hàng tỉ năm trước đây sao lại đầu hàng về biến cố sống lại của Chúa Giêsu xảy ra cách đây chưa đầy hai ngàn năm. Bức tường thần linh ghi rõ từng biến cố một tìm được bức tường thần linh là có câu trả lời chính xác. Thành quả kiếm tìm giúp bộ óc khoa học nhiều hơn các tín hữu Kitô vì Kitô hữu đã nhận biết bức tường thần linh qua con mắt đức tin.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html