Phụ nữ là mùa Xuân. Phát biểu như thế có bị gán cho là "nịnh đầm" chăng, không biết, nhưng đó là sự thật. Sự thật một ngàn phần trăm. Phụ nữ không chỉ là mùa Xuân, là đề tài muôn thuở của các bộ môn nghệ thuật, mà còn là mùa Xuân đẹp tuyệt vời của mọi đất nước, xã hội, tôn giáo và của mỗi một gia đình. Để làm quà mọn chúc tuổi quý độc giả Vietcatholic. net, chúng tôi xin tản mạn về đề tài này nhân dịp Xuân Quý Mùi.

PHỤ NỮ TA NGÀY XƯA

Từ khởi đầu, người Việt tin vào lẽ Đạo tự nhiên của Đất Trời. Muôn vật muôn sự ở trên đời đều không ra khỏi Đạo. Muốn đạt Đạo phải gồm đủ hai yếu tố Âm Dương: nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo. Áp dụng tư tưởng này vào đời sống thực tế trong xã hội, đã giúp cho người phụ nữ Việt luôn nắm giữ được vị trí ngang bằng với nam giới.

Ai cũng biết, ngay từ thời lập quốc, phụ nữ nước ta có vị trí hết sức quan trọng. Nếu cha Lạc Long đem 50 con xuống biển thì mẹ Âu Cơ cũng đưa 50 con lên núi. Nghĩa là phân công đồng đều, cưa đôi trách nhiệm. Vẻ vang hơn nữa là Hai Bà Trưng và các vị nữ tướng của Hai Bà, rồi bà Triệu đã cầm quân phất cờ khởi nghĩa chống giặc xâm lăng.

Còn trong gia đình thì: của chồng công vợ, chồng cầy vợ cấy, lệnh ông thua cồng bà, phúc đức tại mẫu, con ngoan tại mẹ, cháu hư tại bà, v.v... Tuyệt nhiên không có dấu vết phụ nữ Việt lép vế nam giới. Nếu có khác, chỉ là sự cần thiết của việc phân công phân nhiệm mà thôi, chẳng hạn như cảnh:

Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Không may nước ta nằm cạnh nước Tàu, tuy " Núi sông khu vực khác biệt, phong tục phương Bắc, phương Nam không giống" (Sơn xuyên chi phong vực kí thù, Nam Bắc chi phong tục diệc dị. Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi), nhưng đã chịu Tàu đô hộ một ngàn năm. Tiền nhân ta đã anh hùng chiến đấu giành lại độc lập về quyền tự chủ song đã không thể nào gạt bỏ được ảnh hưởng văn hóa Tàu. Nét văn hóa ấy chính là Nho giáo. Nho giáo từ nguyên thủy tới thời đức Khổng tử thì có tính khai phóng, nhưng Hán Nho,Tống Nho, Thanh Nho thì có nhiều tính khắt khe, trói buộc con người nhất là người phụ nữ. Chẳng hạn như quan niệm: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Con gái thì bị cấm học, cấm thi cử, cấm ra làm quan. Trong gia đình thì chồng chúa vợ tôi, nam nữ thụ thụ bất thân, cha mẹ đặt đâu con ngồi đãy. Người phụ nữ còn phải giữ đạo tam tòng luôn luôn lệ thuc vào nam giới (tại gia tòng phụ, xuất gía tòng phu, phu tử tòng tử). Ròi bao nhiêu đắng cay mà người phụ nữ phải gánh chịu với những tục đa thê, tục tảo hôn, và những quy định khắt khe trong các nghi lễ quan, hôn, tang, tế, v.v.. Thân phận người phụ nữ Việt chỉ khá hơn khi xuất hiện những minh quân với những luật lệ độc lập hơn với luật lệ của Tầu (Bộ luật Hồng Đức 1483 thời vua Lê Thánh Tôn). Những luật lệ như bộ luật thời vua Gia Long dường như sao chép nguyên văn bộ luật nhà Mãn Thanh thì thân phận phụ nữ bị hạ xuống quá thấp so với nam giới.

Lấy một thí dụ điển hình là điều luật "thất xuất", tức là khoản luật cho phép người chồng có quyền đuổi người vợ trong 7 trường hợp: người vợ không sinh được con (nhất là con trai đẻ nối dõi tông đường), dâm dật, không kính thờ cha mẹ chồng, lắm mồm (khẩu thiệt), trộm cắp, đố kị, có ác tật. Song vì tinh thần nhân hậu ngàn đời của người Việt vẫn còn vương vấn cho nên mặc dù có luật "thất xuất", người phụ nữ cũng còn vớt vát tí chút với luật "tam bất xuất" đi kèm theo. Đó là 3 trường hợp người chồng không được phép đuổi vợ: người vợ đã từng chịu tang cha mẹ chồng, khi lấy nhau thì vợ chồng còn nghèo nay khi vợ phạm lội thì đã trở nên giầu có, và cuối cùng là trường hợp nếu người vợ bị đuổi sẽ không còn nơi nào để nương tựa. Gặp một trong 3 trường hợp kể trên thì dù người vợ có phạm vào các điểm "thất xuất", người chồng không có quyền đuổi vợ.

Xem như thế, cái thuở vẻ vang của người phụ nữ Việt với những Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Bà Trỉệu đã qua rồi chăng? Cơn cuồng phong văn hoá của kẻ xâm lăng đã đẩy người phụ nữ Việt vào chốn tăm tối của thân phận thấp kém và lệ thuộc vào nam giới chăng? Phải công nhận quả đúng như vậy. Song luật chung bao giờ cũng có luật trừ đi kèm theo. Giữa sa mạc mênh mông khô khốc, người ta vẫn tìm ra được những bông hoa tuyệt đẹp và hiếm quề. Chúng tôi muốn kể tới những trang quốc sắc có công mở mang bờ cõi như Huyền Trân công chúa; các nữ sĩ như: Đoàn Thị Điểm, Ngọc Hân công chúa, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,v.v.; những nữ anh hùng như: Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc,v.v.Đó là những phụ nữ Việt danh tiếng, tên tuổi của các bậc nữ lưu ấy đã và sẽ còn mãi mãi trong lòng người Việt Nam, trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ chúng ta ai cũng muốn danh sách các phụ nữ danh tiếng nước Việt còn dài ra thêm nữa. Để đóng góp vào thiện chí này, chúng tôi sẽ tuyển chọn kể về ba vị phụ nữ Việt thời xa xưa trổi vượt, tuy chưa được biết tới nhiều, song công lao có thể nói là rất vĩ đại đối với đất nước. Đó là các bà: Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan nguyên phi) thời nhà Lí đánh Tống bình Chiêm, Linh Từ Quốc Mẫu thời nhà Trần đánh đuổi quân Mông Cổ và bà Ngọc Vạn công chúa là hoàng hậu nước Chân Lạp (Cambodia) thời Nam tiến của các chúa Nguyễn.

LINH NHÂN HOÀNG THÁI HẬU (Nguyên phi Ỷ LAN): ngồi trong trướng mà chỉ huy ngàn dặm.

Ngày xưa, ở quê nhà khi học Sử cũng như khi đọc các tên đường phố, chúng ta chỉ thấy thời Lí có các anh hùng Lí Thường Kiệt, Tôn Đản đánh Tống bình Chiêm, không thấy tên một người ở trong trướng mà lại nắm quyền lãnh đạo thật sự, đó là Linh Nhân hoàng thái hậu. Bà là vợ vua Lí Thánh tông (Nguyên phi Ỷ Lan) và là mẹ vua Lí Nhân tông.

Khi vua Thánh tông 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, nên đã đi chùa Dâu (Siêu Loại, Bắc Ninh) cầu tự. Đó là ngày hi vui mà vẫn có người con gái hát trên nương dâu. Lấy làm lạ, vua cho vời người con gái ấy xuống thì thấy nàng vừa xinh đẹp vừa ứng khẩu thông minh. Vua đưa nàng về, phong làm Nguyên phi, xây cho cung riêng, đặt tên là cung Ỷ Lan, để ghi nhớ kỉ niệm lần đầu khi gặp nhau, nàng đang tựa vào gốc cây lan. Nguyên phi Ỷ Lan không lo chăm sóc nhan sắc cho bằng cố gắng học hành, đọc sách. Không bao lâu sau, nàng nổi tiếng uyên bác. Có lần nhà vua ướm hỏi về kế sách trị nước, Ỷ Lan trả lời:

Muốn dân giầu nước mạnh, thứ nhất cần biết nghe lời can gián của các trung thần. Thuốc đắng đã tật. Thứ hai, phải coi quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng làm thay đổi con người. Tu thân để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì mau hơn pháp luật. Thứ ba, nhà vua cần có lòng nhân từ. Muốn xoay trở được thiên hạ, cần nhân chứ không cần bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Việt sẽ vô địch.

Nghe tâu, vua phục lắm. Cho nên vào năm 1069, khi đi đánh Chiêm Thành, vua đã giao quyền nhiếp chính cho bà. Lần đầu, đánh lâu không thắng, vua trao quyền chỉ huy cho Lí Thường Kiệt, rồi trở về. Tới châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Dương), nghe tin Nguyên phi Ỷ Lan ở nhà đã điều hành mọi việc tài tình, đưa đất nước qua thời buổi khó khăn. Vua nghĩ mình đi chinh chiếnh không thắng, hóa ra thua vợ ở nhà có tài trị nước. Vua liền đổi ý về, đem quân trở lại. Lần này, vua Thánh tông chiến thắng, bắt được Chiêm vương là Chế Củ. Chế Củ phải dâng đất 3 châu là châu Địa Lí, châu Ma Linh và châu Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị). Năm Nhâm Tí (1072), vua Lí Thánh tông qua đời, Ỷ Lan nguyên phi trở thành hoàng thái hậu nhiếp chính, có Lí Thường Kiệt làm tể tướng. Nhờ thế mà nước Đại Việt rất vững mạnh.

Hoàng thái hậu trong thì giỏi việc nội chính, ngoài thì hùng tâm tráng chí đã dám quyết định:" Ngồi yên đợi giặc, sao bằng mình ra tay trước". Năm 1075, biết được vua Tống Thần tông, do Vương An Thạch hiến kế, đang chuẩn bị xâm lăng nước ta. Chính bà đã ra lệnh cho Lí Thường Kiệt, Tôn Đản, Lí Hoằng Chân, Lí ChiêuVăn, Lí Kế Nguyên ra tay trước, đem quân Bắc phạt, đánh phá 18 ải dọc biên thùy, rồi tấn công các châu Khâm, Liêm, Ung, Dung, Nghi, Bạch; rồi diệt viện binh Tống ở núi Đại Giáp (nay thuộc vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Châu, Hồ Nam). Sau khi phá hết các kho lương thực, vũ khí, thành trì, cầu cống và các đạo tân binh nhà Tống, quân ta mới chịu rút về. Quá uất hận, nhà Tống chịu hòa với nước Hạ ở phía Tây, cắt đất cho nước Liêu ở phía Bắc để rảnh tay dốc toàn lực trả thù Đại Việt ta vào (1076-1077). Nhưng quân Tống lại bị đánh bại phải lui binh và chịu hòa. Thế là nhà Tống và vị tể tướng lừng danh Vương An Thạch đã đại bại dưới tay người phụ nữ Đại Việt mới ở vảo tuổi ba mươi, tức Linh Nhân hoàng thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan). Sở dĩ sau này bà không được vinh danh là vì bà có phạm sai lầm. Sau khi vua Thánh tông qua đời, hoàng hậu Thượng Dương dựa vào Thái sư Lí Đạo Thành đã gạt Thái hậu ra khỏi quyền lực. Mãi 4 tháng sau, nhờ Lí Thường Kiệt giúp,Thái hậu mới trở lại nắm quyền nhiếp chính và bà đã trả thù, bắt hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ giam vào lãnh cung, bỏ cho chết đói. Vì sai lầm này mà đời sau xoá bỏ mọi công trạng của Linh Nhân hoàng thái hậu. Song xét cho cùng, trong chính trường xưa nay, để tranh bá đồ vương, đó là những chuyện thường xẩy ra. Có công hay có tội, chính yếu là giành được chính quyền rồi thì có bảo vệ được đất nước hay không, có làm cho dân giầu nước mạnh hay không mà thôi.

LINH TỪ QUỐC MẪU : Vị tư lệnh chỉ huy triệt thoái lỗi lạc

Chuyện 28 năm trước xẩy ra ở Việt Nam Cộng Hòa mà cứ tưởng như mới hôm qua. Bởi trong chúng ta có nhiều vị là chính những đương sự trong cuộc hoặc là những chứng nhân trực tiếp, chúng tôi muốn nhắc tới cuộc "di tản chiến thuật" của Quân đoàn 2 khỏi Cao nguyên Trung phần đày máu và nước mắt, dẫn tới sự sụp đổ dây chuyền mau lẹ nước VNCH, vượt quá sự mơ ước của Cộng quân! Chắc các Cụ còn nhớ: ngày 14-3-1975,sau phiên họp Hi đồng an ninh quốc gia tại Cam Ranh, TT Thiệu ra lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái khỏi Cao nguyên mà không đưa ra một kế hoặch nào cả. Ngày N, 17-3-1975 là ngày chính thức triệt thoái. Đại tá Phạm Duy Tất được thăng chuẩn tướng để chỉ huy cuộc triệt thoái. Trên thực tế, từ ngày hôm trước, tin rút lui đã xì ra ngoài gây cảnh hỗn loạn. Gia đình binh sĩ và dân chúng tháo chạy theo Quân đi. Lính Thượng nổi loạn. Khi đoàn dân quân tới Cheo Reo, Phú Bổn thì Việt Cộng bắt đầu truy cản, pháo kích bừa bãi, đánh cắt đoàn người ra nhiều khúc. Cảnh chết chóc, kinh hoàng diễn ra cho mãi tới ngày 25-3-1975, những người sống sót mới chạy về được các tỉnh duyên hải. Lịch sử chiến tranh nhân loại cho thấy, triệt thoái quân đi bao giờ cũng là một trận chiến khó khăn hơn cả. Nhắc tới chuyện nay cốt để vinh danh người xưa. Người xưa đây lại cũng là một phụ nữ nước ta. Đó là Linh Từ quốc mẫu thời nhà Trần.

Năm 1257, vua Trần Thái tông chẳng những đã không chịu đầu hàng quân Mông Cổ lại còn bắt giam sứ giả của họ. Vua sai tướng trẻ Trần Quốc Tuấn đưa quân lên phía Bắc chặn giặc. Đích thân nhà vua cùng thái tử cũng xuất chinh, bỏ ngỏ kinh thành Thăng Long theo chiến thuật "vườn không nhà trống". Chính Linh Từ phu nhân là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ là tổng chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi kinh thành. Phu nhân đã ra lệnh cho toàn thể hoàng gia, vợ con các vương hầu, tướng lãnh xuống thuyền tản cư về phía sông Hoàng giang. Không rõ cuộc di tản của dân chúng ra sao, chỉ biết toàn thể đã chấp hành lệnh "vườn không nhà trống", không để một hạt thóc vào tay giặc. Vì thế, khi quân Mông Cổ tiến vào Thăng Long (1-1258)chỉ thấy một thành phố chết, trống vắng, ngoại trừ một số ông già bà cả. Bọn chúng tìm được 3 sứ giả còn bị trói, một trong ba tên đã chết, khiến bọn chúng càng điên cuồng hung dữ.

Đoàn thuyền của bà Linh Từ an toàn về tới Thiên Trường, Sơn Nam. Phu nhân lại chở lương thực tiếp viện ngược trở lại cho các mặt trận (1-1258), ta toàn thắng. Linh Từ phu nhân đã chu toàn nhiệm vụ một vị chỉ huy tài ba ở hậu phương, một vị tư lệnh lỗi lạc trong kế hoặch triệt thoái. Sau chiến thắng ít lâu, Phu nhân qua đời vào mùa Xuân 1259. Vua vinh danh Phu nhân là Linh Từ quốc mẫu và cho lập đền thờ.

Linh Từ quốc mẫu tên là Trần Thị Dung, trước là vợ vua Lí Huệ tông. Vua Lí Huệ tông chết, Chiêu Thánh công chúa lên ngôi, tức là Lí Chiêu hoàng, hoàng hậu Trần Thị Dung trở thành hoàng thái hậu. Khi Lí Chiêu hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh thì hoàng thái hậu bị giáng xuống là Thiên Cực công chúa, sau kết hôn với Thái sư Trần Thủ Độ.

NGỌC VẠN CÔNG CHÚA

Sử sách cũng ghi công mở nước của công chúa Huyền Trân. Người phụ nữ ấy đã lấy thân phận mình để mở rộng đất nước về phương Nam. Nguyên do vì thượng hoàng Trần Nhân tông, khi ấy đã quy y, đi thăm nước Chiêm và ở nán lại trong hoàng cung của vua Chế Mân tới 9 tháng. Vì cảm lòng hiếu khách của vua Chiêm, khi trở về, thượng hoàng hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vua Chiêm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lí (tức là vùng đất Huế ngày nay, vua đặt là Thuận châu và Hoá châu)làm sính lễ để rước công chúa Huyền Trân về thành Đồ Bàn.

Sau này, vào thế kỉ 17, một phụ nữ khác cũng góp công vĩ đại vào việc mở rộng đất nước, đó là công chúc Ngọc Vạn. Nàng là con của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Năm 1623, người Việt ta đã có mặt ở phía Nam Phan Lí Chàm, giáp với đất Chân Lạp. Chúa Sãi muốn tiến thêm về phương Nam mà không muốn dùng biện pháp quân sự. Công chúa Ngọc Vạn đã làm được việc phi thường này.

Năm 1618, vua Chân Lạp (Cambodia ngày nay) là Srey Sauryopor truyền ngôi cho con là Chey Chetta II. Năm 1620, Chey Chetta II cưới công chúa Ngọc Vạn và phong bà làm hoàng hậu, tức là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac Ksattecey vì bà vừa có nhan sắc, lại vừa có đức hạnh. Đến năm 1624, hoàng hậu sinh con trai là Neang Nhéa Ksattrey. Chính nhờ cuộc hôn nhân vương gỉa này mà hai nước Việt-Miên trở thành đồng minh từ 1620 cho tới gần hết thế kỉ 17. Nhờ tình "thông gia" và vì ta đã giúp vua Chân Lạp chống lại cuộc xâm lăng của nước Xiêm (Thái Lan), cho nên chúa Sãi mới có thể xin vua Chân Lạp để người Việt được phép khai phá đất đai và buôn bán ở vùng Sàigòn, Biên Hòa, Bà Rĩa. Đó là cuộc Nam tiến "bất chiến tự nhiên thành" mà người góp công lớn chính là công chúa Ngọc Vạn, bà đã ảnh hưởng sâu xa tới chính sách của nhà vua Chân Lạp, rất có lợi cho nước Việt.