Linh mục Gustavo Gutierrez
Linh mục Jon Sobrino
Hôm 23/4 vừa qua, các khuôn mặt gây tranh cãi về Thần Học Giải Phóng đã công bố sẽ tham dự một cuộc họp “Thần Học Giải Phóng Mỹ Châu” được tổ chức song song với cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và vùng Caribê (CELAM). Cuộc họp của nhóm Thần Học Giải Phóng sẽ diễn ra từ 18 tới 20 tháng 5 tại Viện Thánh Tâm thuộc thành phố Pindamonhangaba, gần Aparecida, Ba Tây trong một cố gắng được nhóm này mô tả là “gây ảnh hưởng đến cuộc họp của các Đức Giám Mục từ quan điểm Thần Học Giải Phóng”. Trong số các thuyết trình viên tại cuộc họp này sẽ có linh mục Gustavo Gutierrez, người Pêru, tác giả cuốn “Thần Học Giải Phóng – Những Khía Cạnh”, là cuốn sách đã bị Bộ Giáo Lý Đức Tin lên án. Ngoài ra còn có các linh mục bị treo chén Pablo Richard, và Agenor Brighenti của Ba Tây, là các thành viên nhóm có khuynh hướng Mácxít “Amerindia” [1].

Trong một diễn biến khác, ngày 14-3-2007 Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố Thông Tri về những sai lầm đạo lý trong hai tác phẩm của linh mục thần học gia Jon Sobrino, dòng Tên. Cuốn thứ nhất là “Đức Giêsu Kitô nhà giải phóng: đọc về Đức Giêsu thành Nagiarét dưới khía cạnh lịch sử thần học”. Cuốn thứ hai là ”Niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô. Khảo luận đi từ các nạn nhân”. Cha Sobrino là một nhà Thần Học Giải Phóng nổi tiếng, năm nay 68 tuổi, sinh quán tại miền Bilbao bên Tây Ban Nha và là giáo sư tại Đại học Trung Mỹ của dòng Tên, có trụ sở tại San Salvador [2].

Những diễn biến trên đây đã khiến cho nhiều quan sát viên đồn đoán rằng vấn đề “Thần Học Giải Phóng” sẽ là một trong các đề tài được bàn thảo rộng rãi trong kỳ họp CELAM lần này. Tuy nhiên, như cha David Gutiérrez, phát ngôn viên văn phòng báo chí của CELAM, cho biết hôm thứ Sáu vừa qua, trong phiên họp từ 13 đến 31/5 tới đây, các Giám Mục Mỹ Châu và vùng Caribê, sẽ không có giờ để bàn về “Thần Học Giải Phóng”, các ngài sẽ bàn về nhiều vấn đề quan trọng hơn trong đó có việc truyền giáo, tình trạng hoành hành của các giáo phái, vấn đề công lý xã hội, nạn nghèo đói, vấn đề môi trường …

Thần Học Giải Phóng còn một vị trí nào không trong Giáo Hội tại Mỹ Châu La Tinh và vùng Caribê?

Vài nét về Thần Học Giải Phóng

Thần Học Giải Phóng là một trường phái thần học trình bày Chúa Giêsu Kitô không chỉ như Đấng Cứu Thế mà còn là Đấng Giải Thoát cho những kẻ bị áp bức. Trường phái thần học này nhấn mạnh đến sứ vụ của người Kitô hữu trong việc mang lại công lý cho người nghèo và những người bị áp bức, đặc biệt qua những hoạt động chính trị.

Nhiều học giả cho rằng Thần Học Giải Phóng đã ra đời sau Công Đồng Chung Vatican II. Tuy nhiên, cũng có những chứng cứ cho thấy Thần Học Giải Phóng đã được manh nha từ thập niên 1930 qua các tác phẩm của Dietrich Bonhoeffer [3].

Bối cảnh ra đời và phát triển mạnh của Thần Học Giải Phóng là tình trạng xã hội quá bất công tại Mỹ Châu La Tinh, nơi chỉ số GIN (tức là mức cách biệt về thu nhập trong các giai tầng xã hội) quá cách biệt, hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Nói vắn tắt theo kiểu Việt Nam là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Trong bối cảnh đó, sự thiếu kiên nhẫn, lòng ao ước muốn thấy ngay kết quả, ước muốn đặt dấu chấm hết cho tất cả các vấn nạn xã hội, đã dẫn một bộ phận những người Công Giáo trong đó gồm anh chị em giáo dân, các linh mục và cả một số Giám Mục, những người tỏ ra tuyệt vọng trước các phương pháp khác, đến chỗ hướng về “phương pháp luận mác xít”. Lý luận của các vị này, như đã được đưa ra trong cuốn “Thần Học Giải Phóng – Những Khía Cạnh” [4], của linh mục Gustavo Gutierrez, người Pêru vào năm 1972, là: “một tình trạng không thể chịu đựng nổi và đang bức xúc đòi hỏi một tác động có hiệu quả không thể trì hoãn được. Tác động có hiệu quả này đòi phải có một phân tích khoa học cho những nguyên nhân có tính hệ thống gây nên tình trạng nghèo đói và bất công trong xã hội”. Những nhận định thiếu phê phán đã cho rằng chủ nghĩa Mác có thể cung cấp phương tiện cho một phân tích khoa học như thế.

Linh mục Sebastian Kappen
Nhiều tác giả đã cổ vũ cho Thần Học Giải Phóng trước linh mục Gutierrez, chẳng hạn như Paul Gauthier, trong cuốn “Người nghèo, Chúa Giêsu và Giáo Hội” [5], xuất bản năm 1968. Tuy nhiên, linh mục Gutierrez là người đã tổng hợp các yếu tố của lý luận Mác Xít và học thuyết xã hội Công Giáo thành một lý thuyết được nhiều người coi là nền tảng của Thần Học Giải Phóng.

Nếu như linh mục Gutierrez trình bày và đề cao các phương pháp luận Mác Xít như duy vật biện chứng và duy vật sử quan, coi đó như là “những phương pháp luận khoa học” nhằm truy nguyên nghèo đói và bất công xã hội; thì thần học gia Sebastian Kappen, dòng Tên, người Ấn Độ, còn đi xa hơn trong cuốn “Chúa Giêsu và Tự Do” [6], xuất bản năm 1977, trong đó trình bày lý thuyết về “đấu tranh giai cấp” của Mác như con đường tất yếu để giải quyết các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội.

Giữa những thái cực khác nhau của Thần Học Giải Phóng là hiện tượng rất phổ biến, đặc biệt, trong các trường đại học do các thần học gia giải phóng điều khiển: diễn giải lại Tin Mừng theo những quan điểm chính trị ít nhiều mang tính chất đối kháng trong xã hội, nghiêng ngả theo chiều hướng cách mạng, kể cả bằng bạo lực.

Những phê phán chống lại Thần Học Giải Phóng

Trong các cuộc họp của CELAM vào năm 1972 và 1979, các Đức Giám Mục tại Mỹ Châu La Tinh và vùng Caribê đã mạnh mẽ chống lại việc trình bày Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chính trị và tước đoạt đi chiều kích thần tính của Ngài. Trong diễn văn khai mạc CELAM vào tháng Giêng năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Khái niệm trình bày Chúa Kitô như một khuôn mặt chính trị, một nhà cách mạng, như một người chống đối tại thành Nazareth, không phù hợp với giáo lý của Giáo Hội”.

Tháng 3 năm 1983, Đức Thánh Cha đương kim, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đưa ra “nhận xét 10 điểm” về những khía cạnh trong Thần Học Giải Phóng của linh mục Gutierrez trong đó ngài phê phán những diễn dịch Thánh Kinh mang mầu sắc chính trị và hướng đến những tin tưởng trần thế của linh mục Gutierrez. Đức Hồng Y cũng chỉ ra những ảnh hưởng Mác Xít trầm trọng trong những luận điểm của cha Gutierrez và cảnh cáo rằng những luận điểm này sẽ dẫn đến sự bất tuân phục hàng giáo phẩm địa phương. Lời cảnh cáo này như lịch sử cho thấy đã xảy ra. Tệ hại nhất là tại Ba Tây.

Ngày 6/8/1984, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra văn bản “Hướng dẫn về những Khía Cạnh của Thần Học Giải Phóng”[7]. Trong phần nhập đề văn bản nêu rõ rằng “Tin Mừng của Chúa Giêsu là một thông điệp tự do và là một động lực giải phóng..Giải phóng trước hết và trên hết là sự giải phóng khỏi tình trạng nô lệ thê thảm nhất là nô lệ tội lỗi..Khi đối diện với tính chất cấp bách của những vấn đề nhất định, một số người đã bị cám dỗ để nhấn mạnh cách một chiều đến sự giải phóng tình trạng nô lệ trần thế. Họ làm theo cách thế đặt sự giải phóng khỏi tội lỗi xuống vị trí thứ hai, và vì thế không dành đúng tầm quan trọng lẽ ra phải có cho sự giải phóng khỏi tội lỗi. Nhiều người khác trong cố gắng tìm hiểu chính xác hơn những nguyên cớ gây ra tình trạng nô lệ mà họ muốn chấm dứt, đang dùng đến những ý niệm khác nhau mà không có sự cẩn thận phê phán đầy đủ. Thật khó, và có lẽ là không thể được, để thanh tẩy những khái niệm vay mượn từ một ý thức hệ không tương hợp với đức tin Công Giáo và không tương thích với những đòi hỏi luân lý đi kèm”.

Hướng dẫn của bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh rằng “Hơn bao giờ, Giáo Hội lên án những lạm dụng, bất công và những tấn công vào quyền tự do, bất cứ khi nào những điều đó xảy ra và do bất cứ ai gây ra. Giáo Hội chiến đấu bằng các phương tiện của mình cho sự bảo vệ và thăng tiến quyền con người, đặc biệt quyền của người nghèo”.

Hướng dẫn của bộ Giáo Lý Đức Tin mạnh mẽ bài bác việc áp dụng các phương pháp luận Mác Xít trong phân tích xã hội và công kích việc diễn dịch Thánh Kinh dưới mầu sắc chính trị.

Ảnh hưởng tệ hại của Thần Học Giải Phóng

Ngay từ những ngày Thần Học Giải Phóng còn đang rất thịnh tại các nước Mỹ Châu La Tinh, nhiều người đã thấy trước được không một thần học gia nào có thể đạt được một thành công đáng kể nào về lý thuyết khi kết hợp “nước” với “lửa”. Trong hơn một thập niên qua, linh mục thần học gia Jon Sobrino, có lẽ là người duy nhất, thỉnh thoảng được lên báo, không phải vì những lý thuyết mới khám phá, nhưng chủ yếu vì những tuyên bố “bạo mồm” của ngài. Thần Học Giải Phóng bùng lên rồi tàn lụi nhanh chóng, đặc biệt, sau sự sụp đổ tan tành của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Tuy nhiên, những hệ quả thê thảm của Thần Học Giải Phóng thì vẫn không sao lường hết nổi. Thần Học Giải Phóng không phải là thứ lý thuyết thể hiện qua những luận văn, những sách vở, báo chí, những “course” trong đại học. Đó là những tổ chức xã hội, những sinh hoạt của Giáo Hội qua mô hình được gọi là “cộng đoàn cơ bản – base communities” [8] hay còn gọi là “Giáo Hội bình dân – popular Church”. Những “cộng đoàn cơ bản” đã được hình thành từ thập niên 1970 là những nhóm nhỏ sinh hoạt thường là bên ngoài nhà thờ. Những nhóm này đặt hành động (mà họ thường gọi là praxis) lên hàng đầu – cao hơn cả đức tin. Những nhóm này thường rất năng động, đặc biệt ở những vùng không có linh mục thường xuyên. Sinh hoạt của nhóm bao gồm thảo luận Lời Chúa và thỉnh thoảng có các thánh lễ.

Trong thập niên 1970, tại Ba Tây, phong trào “Tin Mừng cho người nghèo” được các sinh viên, các linh mục trẻ chịu ảnh hưởng nặng của trào lưu Thần Học Giải Phóng đã mang đến cho những nông dân và những thợ thuyền sống trong các vùng xa nhà thờ những diễn dịch Tin Mừng mang một mầu sắc mà nhiều người tin tưởng là “phù hợp hơn với người nghèo”. Những con người vì những hoàn cảnh khó khăn, ít được học hành này đã được khích lệ để chia sẻ Tin Mừng theo xu hướng chính trị bùng nổ, đối kháng, theo tình cảm muốn làm cách mạng, muốn lật đổ, và theo sự hiểu biết hạn chế của họ về Thánh Kinh. Cố nhiên những diễn dịch này có những điểm mâu thuẫn gay gắt với huấn quyền chính thức của Giáo Hội.

Xung khắc giữa các đấng bản quyền và các phong trào giáo dân xuất thân từ các cộng đoàn cơ bản này, như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã cảnh báo hồi tháng 3 năm 1983, trong “nhận xét 10 điểm” về những khía cạnh trong Thần Học Giải Phóng của cha Gutierrez, đã xảy ra triền miên.

Tệ hai nhất là những xung đột thường xuyên giữa Hội Đồng Giáo Dân Ba Tây Toàn Quốc (National Council of Laity) và các Đức Giám Mục địa phương. Đây là tổ chức đứng ra tổ chức cuộc họp “Thần Học Giải Phóng Mỹ Châu” song song với cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và vùng Caribê (CELAM)

Ngày 26/10/2002, trong buổi tiếp các Đức Giám Mục Ba Tây về Tòa Thánh ad limina, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bày tỏ âu lo của ngài trước sự hình thành Hội Đồng này. Đây là một tổ chức giáo dân thiết lập song song với Hội Đồng Giám Mục Ba Tây với một đường lối rất quá khích và thường xuyên công kích các Đức Giám Mục trong các hoạt động về xã hội.

Trong một trạng huống Giáo Hội luôn bị công khai chỉ trích bởi chính những người Công Giáo, tình trạng phát triển của các giáo phái và hiện tượng dân chúng bỏ không theo một tôn giáo nào nữa là một hệ quả hiển nhiên. Nếu như năm 1980, chỉ có 1.6% người dân Ba Tây coi mình là vô thần, con số ấy đã lên đến 7.4% trong năm 2000 và 9.8% trong năm 2006. Cũng vậy, trước thập niên 1950, Ba Tây được coi là miền đất toàn tòng với 98% dân số Công Giáo. Các con số thống kê mới nhất cho thấy người Công Giáo chỉ còn 75% dân số và vẫn chưa thấy có những dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm này có cơ được chặn lại.

Chính vì vậy, hôm 17/1/2007, phát ngôn viên văn phòng báo chí của CELAM, cha David Gutiérrez, chua chát nói với đài Vatican:

“Giáo phái không phải là vấn đề - Các tín hữu của chúng tôi mới là vấn đề”.

[1] VietCatholic News - http://vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=43299

[2] VietCatholic News - http://vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=43192

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Dietrich_Bonhoeffer

[4] A Theology of Liberation: Perspectives, http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=A_Theology_of_Liberation:_Perspectives&action=edit

[5] Paul Gauthier "The Poors, Jesus and the Church" (1965). http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=The_Poors%2C_Jesus_and_the_Church&action=edit

[6] Jesus and Freedom (1977) http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Jesus_and_Freedom&action=edit

[7] Instruction on Certain Aspects of "Theology of Liberation" - Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith - August 6, 1984 - http://www.newadvent.org/library/docs_df84lt.htm

[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Christian_base_communities