TỪ NGHIỆP ÐOÀN LAO ÐỘNG ÐẾN LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP



Đại hội Liên đới Nghề nghiệp kỳ VI diễn ra tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris vào ngày 1-5-2005 giữa lúc các cử tri Pháp phải chọn giữa hai mô thức tự do hóa và liên đới nghề nghiệp trong khuôn khổ Liên hiệp Âu châu. Trong bối cảnh thời sự này, Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh hướng chủ đề đại hội về kinh nghiệm hoạt động nghiệp đoàn tại Pháp và châu Âu và giao cho chúng tôi trách nhiệm gợi ý về nghiệp đoàn lao động. Phong trào nghiệp đoàn được hình thành từ thế kỷ XIX phát sinh từ giới công nhân tập trung trong các nhà máy công nghiệp. Sự phân biệt giữa nghiệp đoàn chủ nhân (syndicat patronal) và nghiệp đoàn lao động (syndicats de salariés) chỉ có vào thế kỷ XX.

Bài này chủ yếu giới thiệu một số vấn đề :

- Lược sử thành lập các nghiệp đoàn lao động tại Pháp và châu Âu.

- Một số kinh nghiệm hoạt động nghiệp đoàn lao động.

- Tóm lược học thuyết xã hội công giáo về nghiệp đoàn.

- Hướng đi của Phong trào Liên đới Nghề nghiệp tại Giáo Xứ.

I- Lược sử thành lập các nghiệp đoàn lao động :

Năm 1900 đánh dấu sự thành lập nghiệp đoàn lao động tại các nước Âu châu được luật pháp công nhận, trừ nước Nga :

- Tại Anh quốc, năm 1824, nước Anh cho người lao động được quyền lập nghiệp đoàn trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.

- Tại Đức, từ 1861 đến 1871, các tiểu bang công nghiệp nhất của nước Đức hủy bỏ các đạo luật hạn chế quyền nghiệp đoàn.

- Tại Pháp, đạo luật Waldech-Rousseau được Quốc hội thông qua ngày 21-3-1884 công nhận quyền nghiệp đoàn. Đạo luật này hiện vẫn còn hiệu lực.

- Tại Ý, năm 1906 hình thành phong trào công nhân.

- Tại các nước Bắc Âu, quyền nghiệp đoàn được công nhận tại Na Uy và Thụy Điển từ 1880.

Nói chung, phong trào nghiệp đoàn tại châu Âu gồm ba trào lưu Đức, Anh và Pháp :

A - Nghiệp đoàn lao động tại Âu Châu :

1) Phong trào nghiệp đoàn theo mô hình Đức (syndicalisme à l’Allemande) : Phong trào nghiệp đoàn tại Đức gắn liền với trào lưu xã hội mác xít bành trướng vào cuối thế kỷ XIX, đặc biệt là tại Hòa Lan, vài khu vực tại Bỉ, Đan Mạch, Đế quốc Áo - Hung (Trung Âu), Roumanie, Serbie. Hoạt động nghiệp đoàn tại Nga vào cuối thế kỷ XIX chưa được công nhận nên có khuynh hướng cách mạng và chịu ảnh hưởng của Đức. Phong trào nghiệp đoàn tại Nga lúc đầu chịu ảnh hưởng ý thức hệ mác xít. Nước Nga vào thời kỳ này là một nước quân chủ chuyên chế, không có các định chế dân chủ.

Phong trào nghiệp đoàn tại các nước theo mô hình nước Đức nói chung đều công nhận tính chính đáng của công quyền. Phong trào nghiệp đoàn cộng tác với chủ nghĩa tư bản công nghiệp nên không có các cuộc biểu tình thường xuyên có thể cản trở đến hoạt động kinh tế.

Ở Đức, các tổ chức nghiệp đoàn đưa đến việc thành lập đảng Xã hội Dân chủ (SPD : Đảng Dân Xã).

2) Phong trào nghiệp đoàn theo mô hình Anh (syndicalisme à l’anglaise) :

Khuynh hướng này phát triển tại các nước Bắc Âu chịu ảnh hưởng văn hóa của Anh (culture anglo-saxonne) và mang tính thực tiễn (pragmatisme) nên không có sắc thái cách mạng. Chủ trương nghiệp đoàn chuyên nghiệp (syndicalisme professionnel) nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Các lãnh tụ nghiệp đoàn Anh không ngần ngại dùng bạo lực, như vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Các Liên hiệp Lao động (Trade-Unions) của Anh đưa dến việc thành lập Đảng Lao động (Labour Party) vào năm 1906. Đảng được quan niệm như bộ phận nghị trường của hoạt động lao động.

3) Phong trào nghiệp đoàn theo mô hình Pháp (syndicalisme à la française) : Mô hình này đồng thời phát triển ở Ý và Tân Ban Nha, có khuynh hướng phân cực. Tại Pháp có tới 7 tổ chức nghiệp đoàn lớn : CGT, CFDT, FO, CFTC, CFE-CGC, UNSA, không kể SUD quy tụ 7 nghiệp đoàn nhỏ, FEN và FSU trong các trường công lập, CSL độc lập v.v. Sự khác biệt này bắt nguồn từ truyền thống lịch sử lâu đời :

- CGT (Confédération générale du travail : Tổng liên đoàn lao công) và FO (Force ouvrière : Lực lượng thợ thuyền) phát xuất từ phong trào thơ thuyền.

- CFTC (Confédération française des travailleurs chrétiens : Tổng liên đoàn lao động công giáo Pháp) và CFDT (Confédération française démocratique du travail : Tổng liên đoàn lao động dân chủ Pháp) phát xuất từ học thuyết xã hội công giáo (catholicisme social).

B - Các nghiệp đoàn lao động tại Pháp :

Năm 1883, các nhà lập pháp và giới chủ nhân đồng ý hợp thức hóa hoạt động nghiệp đoàn, giống như nghiệp đoàn ở Anh. Đạo luật Waldeck-Rousseau ban hành ngày 25-5-1884 hủy bỏ luật Le Chapelier ngày 14-6-1791. Điều 2 luật Waldeck-Rousseau quy định : ‘‘Các nghiệp đoàn và hiệp hội nghề nghiệp có trên 20 người, cùng làm một ngành nghề hoặc các nghề tương tự có thể đươc thành lập tự do không cần giấy phép của chính phủ.’’

Trong khuôn khổ đạo luật ngày 25-5-1884, Liên đoàn CGT được thành lập nhân đại hội từ 23 đến 28-9-1895 tại Limoges, quy tụ 75 đại biểu liên đoàn cấp tỉnh, thị trường lao động, phòng nghiệp đoàn, các nghiệp đoàn công nghiệp. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã quyết định sáp nhập vào CGT (Tổng liên đoàn lao động). Theo điều 2 điều lệ, ‘‘CGT nhằm thống nhất trên bình diện kinh tế các liên lạc liên đới chặt chẽ, các người lao động cùng tranh đấu để được hoàn toàn giải thoát.’’

CGT trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1939, các đảng viên cộng sản bị trục xuất khỏi CGT. CGT bị phân hóa. Liên đoàn Giáo dục FEN (Fédération de l’Education Nationale) tách ra trở thành nghiệp đoàn độc lập. Nghiệp đoàn Bưu điện và Hỏa xa gia nhập FO (Lực lượng Thợ thuyền). Tưởng cũng nên nhắc lại trước năm 1954, ở Saigon có Liên đoàn Lao công Việt Nam, trụ sở tại Nhà Kiếng (đường Lê Văn Duyệt) do ông Trần Quốc Bửu làm chủ tịch. Ngoài ra còn Lực lượng Thợ thuyền do ông Nguyễn Thạch Vân làm chủ tịch, trụ sở nằm sau hãng ESSO.

FO (Force ouvrière : Lực lượng thợ thuyền) tách ra khỏi CGT và là lực lượng lao động chống cộng (anticommunisme), chủ trương thương thuyết (thay vì đối đầu), nghiệp đoàn phải hoạt động độc lập (indépendance syndicale). FO chủ trương hợp tác với chủ nhân và Nhà nước trong các cơ cấu xã hội như quỹ An sinh, UNEDIC (hệ thống bảo hiểm thất nghiệp) thành lập năm 1958).

Đức Thánh Cha Léon XIII (1878-1903) đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiệp đoàn. Năm 1891, Ngài ban bố thông điệp Rerum Novarum và giao cho sư huynh các trường công giáo trách nhiệm thành lập các nghiệp đoàn công giáo. Năm 1887, sư huynh Hiéron lập nghiệp đoàn công nhân công thương (SECI : Syndicat des Employés de Commerce et d’Industrie). Lúc đầu chỉ có khoảng 20 người, năm 1913 tăng lên 2 500. SECI chính là tiền thân của CFTC sau này.

Đại hội ngày 1 và 2-11-1919 đưa đến việc thành lập Liên đoàn Lao động Công giáo Pháp (CFTC : Confédération Française des Travailleurs Chrétiens). Jules Zirnheld và GastionTessier từng điều khiển SECI trở thành chủ tịch và thư ký của CFTC. CFTC là thành lũy chống lại phong trào nghiệp đoàn vô thần, duy vật trong bối cảnh nhiễu nhương, e sợ chủ nghĩa cộng sản bành trướng từ nước Nga. Đức Thánh Cha Benoît XV kêu gọi thành lập các nghiệp đoàn mạnh theo tinh thần công giáo.

Liên đoàn công giáo có từ 100 000 đến 150 000 đoàn viên, phần lớn là những viên chức trung lưu và phụ nữ so với CGT gồm công nhân và nam giới. Điều lệ của Liên đoàn nêu rõ học thuyết Rerum Novarum và bác bỏ các ý tưởng về đấu tranh giai cấp nhằm có được an hòa xã hội (paix sociale) và chống lại các loại ích kỷ.

CFTC kết hiệp với hàng giáo phẩm, nới rộng đến các chuyên viên và kỹ sư với việc thành lập Liên hiệp Nghiệp đoàn các Kỹ sư Pháp (USIF : Union des Syndicats des Ingénieurs Français), Liên hiệp Nghiệp đoàn các Chuyên viên Nông, Công, Thương (USTICA : Union Syndicale des Techniciens de l’Industrie, du Commerce et de l’Agriculture).

Đức Thánh Cha Piô XI đã đưa ra định hướng mới về xã hội nhằm chống lại khuynh hướng bảo thủ. Năm 1924, Eugène Mathon, chủ tịch dệt Roubaix-Tourcoing đệ trình Tòa Thánh đơn kiện CFTC vì đã thỏa hiệp với cộng sản để xin Tòa Thánh loại bỏ CFTC. 5 năm sau, Tòa Thánh chấp nhận sự chọn lựa của CFTC, hợp thức hóa sự tranh chấp của công nhân nhân danh học thuyết công giáo. CFTC có thể liên kết với phong trào khuynh tả nếu cần.

Năm 1927, linh mục Tiberghien sáng lập phong trào Thanh Lao Công (JOC : Jeunese ouvrière chrétienne). Phong trào này từng được thành lập tại miền Bắc trong thập niên 40 quy tụ một số nhân sĩ công giáo thiên tả như ông Nguyễn Mạnh Hà (bộ trưởng lao động trong chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945), Nguyễn Đình Đầu (vào đầu thập niên 60 chủ nhiệm tuần báo Sống Đạo), linh mục Trương Bá Cần (hiện là chủ nhiệm tuần báo Công giáo và Dân tộc).

Sau thế chiến, vào năm 1947, CFTC sửa lại điều lệ : ‘‘các nguyên tắc luân lý xã hội công giáo (principes de la morale sociale chrétienne) thay thế ‘‘học thuyết xuất phát từ thông điệp Rerum Novarum’’. Trong giai đoạn này, cơ cấu CFTC chuyển từ công nhân viên (văn phòng) sang công nhân (cơ xưởng), đồng thời chuyển từ các khu vực công giáo sang các khu vực công nghiệp. Các nghiệp đoàn phụ nữ vốn là nét đặc trưng của CFTC được sáp nhập với các công đoàn nam giới. Trong các cuộc bầu cử quản trị viên quỹ An sinh xã hội (Sécurité sociale), CFTC có 1 triệu rưỡi cử tri (26% phiếu) so với CGT có 3,5 triệu cử tri (59% phiếu).

Sau khi tách khỏi học thuyết xã hội công giáo, CFTC biến thành CFDT (Confédération française démocratique du travail : Liên đoàn dân chủ lao động Pháp). Những người chống đối và liên đoàn thợ mỏ tách khỏi CFDT và giữ nguyên danh xưng CFTC như cũ. Trong 12 năm CFDT bị mất phân nửa số đoàn viên. CFTC tuyên bố trung thành với luân lý xã hội Thiên chúa giáo (morale sociale chrétienne), đồng thời lên án CFDT muốn chính trị hóa (politisation) nghiệp đoàn.

CFTC chủ trương thành lập các công đoàn lao động liên đới (communautés de travail solidaires). Chính sách gia đình được coi là ưu tiên hoạt động của CFTC. Năm 1980, CFTC ủng hộ các trường tư. Từ 1990, CFTC chủ trương trở về với tu đức. CFTC tham khảo và áp dụng các thông điệp Laborem exercens (1981) và Centisimus (2000) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II. Ảnh hưởng của học thuyết xã hội công giáo trong lãnh vực nghiệp đoàn sẽ được tóm lược trong phần III sau đây.

II- Tóm lược học thuyết xã hội công giáo về nghiệp đoàn :

A) Học thuyết xã hội công giáo được trình bầy qua 13 thông điệp, hiến chế hoặc tài liệu, trải qua 5 triều đại Giáo hoàng suốt một thế kỷ (1891-1991) :

1) 1891 (Léon XIII) Rerum Novarum (Sự việc mới) : Thông điệp đặt ra cơ sở quyền hạn và trách nhiệm của người lao động, của chủ nhân và của chính phủ, đồng thời lên án chủ nghĩa xã hội vô thần.

2) 1931 (Piô XI) Quadragesimo Anno (Cấu trúc lại trật tự xã hội) : Giáo hội lên án tai hại của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cũng như việc tập trung quyền kinh tế vào tay một số người. Giáo hội đề nghị một xã hội dựa trên nguyên tắc phân chia trách nhiệm (principe de subsidiarité). Sau này hiệp ước Maastrich lấy lại thuật từ này của Giáo hội để nói về sự phân chia thẩm quyền giữa Liên hiệp Âu châu và các nước thành viên. Subsidiarité có nghĩa là xã hội phải có trách nhiệm phụ đới hoặc liên đới (fonction subsidaire) nhằm giúp các cá nhân ‘‘thấp cổ bé miệng’’ (individus inférieurs) có thể tự lực cánh sinh.

3) 1963 (Gioan XXIII) Mater et Magistra (Học thuyết công giáo và tiến bộ xã hội) : Giáo hội tỏ ý tiếc về hố ngăn cách giữa các nước giầu và nước nghèo, cuộc chạy đua vũ trang và khủng hoảng nông nghiệp. Giáo hội mời gọi các tín hữu làm việc để xây dựng thế giới công chính.

4) 1963 (Gioan XXIII) Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế) : Giáo hội xác nhận toàn bộ các quyền của nhân loại như là cơ sở xây dựng hòa bình. Giáo hội kêu gọi tài giảm binh bị (désarmement) và thiết lập một thẩm quyền trên giới có khả năng thăng tiến phúc lợi chung của nhân loại.

5) 1965 (Công đồng Vaticanô II) : Gaudium et Spes (Giáo hội trong thế giới ngày nay) : Giáo hội lấy làm tiếc tình trạng túng thiếu ngày càng nhiều trước sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân. Giáo hội mời gọi các giáo dân dấn thân để thành lập các cơ cấu có khả năng xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình.

6) 1966 (Phaolô VI) : Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) : Giáo hội xác nhận quyền của các nước nghèo cần được phát triển và nhận định các cơ cấu kinh tế gây ra sự bất bình đẳng. Phát triển là tên gọi mới của hòa bình. Giáo hội kêu gọi các tổ chức quốc tế cần có hành động cụ thể, khuyến khích các nước ký các thỏa ước song phương.

7) 1971 (Phaolô VI) Octogesima Adveniens (Lời kêu gọi hành động) : Giáo hội kêu gọi các hoạt động nhằm thiết lập công bằng kinh tế.

8) 1971 (Thượng hội đồng Giám muc) : Justice dans le monde (Công bằng trên thế giới) : Giáo hội chủ trương hành động vì công lý, xây đựng đời sống công giáo đồng thời mời gọi các thành phần trong Giáo hội rao giảng về sự công chính.

9) 1975 (Phaolô VI) Evangelli Nutiandi (Phúc âm hóa trên thế giới) : Giáo hội ghi nhận các thay đổi xã hội lớn lao bất lợi cho người nghèo và nhận diện những thử thách đặt ra cho Giáo hội. ‘‘Phúc âm hóa nhằm biến đổi đời sống tinh thần cũng như vật chất.

10) 1979 (Gioan Phaolô II) Redemptor Hominis (Đấng cứu chuộc nhân loại) : Giáo hội đưa ra những đe dọa tác hại đến nhân phẩm và tự do đồng thời xác nhận các cơ cấu kinh tế và chính trị hiện nay không thích hợp để tranh đấu chống lại bất công.

11) 1981 (Gioan Phaolô II) Laborem Exercens (Lao động con người) : Giáo hội xác nhận phẩm giá lao động dựa trên phẩm giá của người lao động. Giáo hội kêu gọi thực hiện công bằng trong môi trường lao động và trách nhiệm của Nhà nước, của chủ nhân và người lao động.

12) 1987 (Gioan Phaolô II) Sollicitudo Rei Socialis (Các quan tâm xã hội) : Giáo hội lên án các ý thức hệ (Đông/Tây) và các ‘‘cơ cấu tội lỗi’’ khác kiềm hãm các nước nghèo thăng tiến. Giáo hội mời gọi thực hiện liên đới nghề nghiệp.

13) 1991 (Gioan Phaolô II) Centesimus Annus (100 năm sau : Bách niên chi kế dư niên hậu) : Giáo hội tác xác nhận các nguyên tắc ghi trong thông điệp Rerum Novarum. Giáo hội cho rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa (cộng sản) và hệ thống tư bản đều thất bại. Giáo hội mời gọi xã hội thăng tiến tự do hoạt động và tham gia vào doanh nghiệp.

B) Các chủ đề của học thuyết xã hội công giáo :

1) Công bằng kinh tế :

Giáo hội lên án :

- sự phân phối bất công phúc lợ xã hội.

- sự bất công ăn sâu trong việc chạy đua đi tìm lợi nhuận và quyền hành.

- các hệ thống kinh tế và chính trị hiện nay trở ngại cho việc phát triển con người toàn diện.

Giáo hội mời gọi :

- Tái phân phối phúc lợi theo tài sản chung và tìm kiếm công bằng xã hội.

- làm chứng cho Tin Mừng qua cách sống và sự biến đổi thế giới.

- tổ chức xã hội trên cơ sở nhân phẩm và mục đích sử dụng tài sản.

2) Liên hệ lao động :

Giáo hội lên án :

- lao động con người bị hạ thấp như một món hàng.

- các điều kiện lao động phi nhân, việc trả lương bóc lột.

- coi lợi nhuận là động lực duy nhất của hoạt động kinh tế, coi thường lao động con người cũng như làm tăng giá trị các tài nguyên thiên nhiên.

Giáo hội mời gọi :

- coi lao động ưu tiên thay vì tư bản.

- thăng tiến các hiệp hội lao động, lương bổng phải công bằng, phân chia trách nhiệm trong xí nghiệp.

- Nhà nước và chủ nhân phải quan tâm đến các vấn đề xã hội.

Học thuyết xã hội công giáo và kinh nghiệm hoạt động nghiệp đoàn củng cố phong trào liên đớI nghề nghiệp. Hướng đi của phong trào sẽ được trình bầy trong phần III sau đây.

III- Hướng đi của Phong trào Liên đới Nghề nghiệp tại Giáo Xứ :

‘‘Liên đới nghề nghiệp’’ là nhiệm vụ của người lao động trong thế kỷ XXI. Bước vào ngàn năm thứ 3, Giáo Xứ thành lập Phong trào ‘‘Liên đới nghề nghiệp’’. Tên gọi của phong trào lấy từ thong điệp Sollicitude Rei Socialis của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng như học thuyết xã hội công giáo.

Tại Pháp, tổng thống Jacques Chirac cũng sử dụng ‘‘Liên đới nghề nghiệp’’ : ‘‘Đối thoại xã hội và sự huy động khả năng của xí nghiệp, phát huy tinh thần liên đới nghề nghiệp (solidarité professionnelle)’’ (Thông điệp chúc Tết đọc tại điện Élysées ngày 6/1/2004). Trong diễn văn đọc trước Phòng Nghề nghiệp Alsace ngày 20/1/1999, tổng thống Chirac tuyên bố : ‘‘Cần duy trì giữa các hội viên tinh thần liên đới nghề nghiệp và phối hợp hành động nhằm bảo vệ nghệ nghiệp’’ (maintenir entre ses membres l'esprit de solidarité professionnelle et de coordonner leur action en matière de défense de la profession).

Liên đoàn Lao động Thế giới chủ trương ‘‘những tiếp cận ngành nghề là cần thiết nếu tiếp cận này nằm trong sác des stratégies syndicales élargies fondées sur la solidarité professionnelle).

Các dẫn chứng vừa kể chứng tỏ phong trào liên đới nghề nghiệp của Giáo Xứ một mặt trung thành với các giáo huấn của Giáo Hội, mặt khác phù hợp với các đòi hỏi của thời đại trong lãnh vực nghiệp đoàn. Phòng trào này cần được phát triển trong những ngày sắp tới, không những nhằm lợi ích thực tế của những người lao động tay chân và trí óc trong Giáo Xứ, mà còn nhằm lợi ích chung của toàn thể cộng đoàn.

Về phương diện nhân sự, phong trào không chỉ giới hạn trong một số các đại biểu hoặc đoàn viên như hiện nay, nhưng cần nới rộng đến toàn thể cộng đoàn. Ngoài những người đang hoạt động nghề nghiệp, phong trào mở rộng cửa đón tiếp các bà nội trợ, các vị cao niên đã về hưu trong các đại hội liên đới nghề nghiệp, tổ chức vào 1/5 hàng năm nhằm lễ kính Thánh Giuse. Chính Thánh Cả đã kết hợp giữa lao động và gia đình. Sự mở rộng này khiến phong trào có thêm sức mạnh.

Về phương diện tổ chức, Liên Đới Nghề Nghiệp có thể đề nghị một số sinh hoạt về hướng nghiệp (orientation professionnelle), huấn nghiệp (formation professionnelle), tương trợ nghề nghiệp (entraide professionnel), bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp. v.v. Trong trường hợp này phong trào sẽ mang đặc tính của một nghiệp đoàn, hoạt động hợp pháp trong khuôn khổ đạo luật ngày 18/4/1834. Ngoài ra, Liên Đới Nghề Nghiệp có thể đề nghị thêm các phương thức hoạt động thích hợp khác, đáp ứng được sự mong đợi của các thành phần nghề nghiệp trong Giáo xứ.

Một vấn đề khác cũng cần được đặc biệt quan tâm là việc mở rộng phong trào đến giới trẻ trong Giáo Xứ. Chính những thành phần trẻ đem lại sự năng động và sức sống cho phong trào.(nguồn: www.giaoxuvnparis.org)