Hang Bêlem trên dốc Cùi Chỏ
Chị ơi, chị hát hay quá!” Chúng tôi với gọi người phụ nữ vội vã rời sân khấu, ngay khi chị vừa hát xong ca khúc bất hũ Hang Bêlem của Hải Linh - Minh Châu. “Chị thuộc bài thánh ca này quá! Chị học lời bài hát ở đâu vậy?” tôi hỏi vồn vã. Chị cười gượng, khẻ cúi đầu cảm ơn, rồi lập tức chạy đi… “Hai mươi năm, đã hai mươi năm rồi em ơi, tôi không đến nhà thờ, không xưng tội... Chúa không chấp nhận tôi đâu.”

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người…”

Chuyến xe rời khỏi thành phố mơ ngủ, hay còn đang chếch choáng hơi men vì những cuộc vui của đêm Vọng Thánh. Đưa đoàn người cùng khối hành trang nặng trĩu, chứa đựng những tấm lòng cơi mở thường gặp nơi cộng đồng Công Giáo mỗi độ Giáng Sinh, phom phom trong sương mai hướng về xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Vẫn không ngoài mục đích sẻ chia, nhưng có lẽ đối với anh em nhóm Đức Tin-Văn Hoá và các bạn trẻ thuộc Ủy ban Bác Ái Xã Hội (Toà TGM Sài Gòn), mùa Noel năm nay còn hơn cả ý nghĩa “làm từ thiện”? Họ “đi đón Chúa” trong “trại cải tạo” ở tận Cao Nguyên hùm thiêng.

Xe vòng qua núi Bà Rá, leo hết dốc Cùi Chỏ, rẽ vào thôn Khắc Khoan. Trong cái tịch mịch của mùa đông miền cao, một ngôi sao màu đỏ, tám cánh dần hiện ra ở cuối dốc. Cùng ba cái “đuôi” đèn dây, “quét” xuống những mái ngói lô nhô còn mới tinh, được bao bọc bởi những hàng rào cao có dây thép gai. “Ngôi sao lạ” mà chúng ta nhìn thấy, “mọc” ngay tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (trực thuộc Sở Lao động thương binh xã hội TP.Sài Gòn). Nơi đang cưu mang gần 300 “cô gái lầm lỡ” (mại dâm, ma túy…), được “gom” về từ khắp mọi miền đất nước. Hay nói như cô giáo dục viên N.H - người “vọt” lên đây ngay khi vừa tốt nghiệp khoa Xã hội học, đại học Khoa học xã hội & nhân văn Sài Gòn: “276 con người ở đây, là 276 câu chuyện khóc cười khác nhau, không ai giống ai…”

Len qua cánh cổng đã mở sẵn, xe chúng tôi chạy thẳng vào sân trại. Nhớ lại, thánh lễ đêm qua, réveillon ở nhà hàng với bạn bè, rồi những ly rượu mạnh cùng gia đình… làm thân xác tôi rã rời như bún. Hơn 2g00 sáng, tôi mới lên giường.. Nhưng không sao chợp mắt được. Tôi mãi nghĩ đến chuyến đi này. Nó làm tôi nôn nao bởi lời “rủ rê” quá hấp dẫn của anh bạn trong nhóm: “Có máng cỏ, Chúa Hài Nhi, hang đá, giải tội và thánh lễ… trong trại giam.” Thật vậy sao? Quyết định tham gia chỉ được tôi đưa ra vào phút chót. Và khi đã thực đứng ở đây, tất cả chúng tôi quá nghẹn ngào. Tượng bé Giêsu dang rộng hai tay và ánh sao lạ mọc ngay cửa ngõ đại ngàn. Nghe như đâu đây tiếng sử thi hùng vang một góc đất trời phía tây Tổ quốc, mà 276 số phận “đèo heo” cùng chúng tôi cất bước như ba nhà Đạo sĩ xưa:

Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?
Chúng tôi đã thấy vì Người xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người.

“Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa…”
Đem điều ngạc nhiên đi hỏi thăm. Chúng tôi được ban quản lý trung tâm cho biết đây là ý tốt của Phó Giám đốc trung tâm, chị D.D, và đã được tất cả cán bộ, nhân viên, giáo viên và nhất là các bạn học viên ủng hộ hết lòng. Vì muốn thêm một chút niềm vui, một chút sắc màu cho các bạn đón Giáng Sinh và năm mới trong những tháng ngày “tập trung cải tạo”. Sẽ là một kỷ niệm khó quên với chị em, mà đa số chỉ mới đến Phú Nghĩa được vài ba tháng. Trong những tuần lễ trước, khi cái phép “được làm hang đá” ban ra, các chị vui mừng bắt tay làm ngay. Không chỉ một hang đá to ngay giữa sân trại, mà mỗi dãy phòng (6 dãy) đều có máng cỏ, cây thông…

- Xin cho tụi em tượng của ông Chúa và hai người cận vệ của ổng đứng hai bên nữa…

Chị D.D cười ngậm ngùi thuật lại những câu nói hồn nhiên của các cô gái học viên khi họ làm hang đá. Một bất ngờ thú vị, chúng tôi được biết chị D.D cũng là một bác sĩ Công Giáo. Việc “cải theo đạo” của chị không khác gì một chuyện phim. Trong những ngày đầu đất nước thống nhất, chị thuộc đoàn cán bộ đi tiếp quản cơ sở dòng Đồng Công, Thủ Đức. Lần ấy, chị nhặt được một tấm ảnh Đức Mẹ. Thoạt tiên, chỉ muốn giữ lại vì gương mặt người phụ nữ trong hình đẹp quá. Phía sau lại có lời kinh Kính Mừng. Đọc nghe cũng hay hay, mặc dù chẳng hiểu gì cả… Đó là lần đầu chị tiếp cận với tôn giáo, và đây chính là “cú đẩy” khiến chị phải tìm hiểu, đi học đạo rồi quyết định lãnh nhận Phép Rửa không lâu sau đó với tên thánh là Têrêsa Hài Đồng.

Khi sở thành lập trung tâm Phú Nghĩa theo quyết định ngày 15/12/2003 và chính thức đi vào hoạt động ngày 24/8/2004, chị đã xin về phục vụ tại đây. Trong tương lai, nơi đây sẽ có tất cả 5 khu trại do nhà nước đầu tư. Có thể tiếp nhận hơn 2.000 học viên, vừa học tập, lao động và cai nghiện. Lại cần lắm những “ngôn sứ” dám dấn thân như chị. Để đi đến đâu, Thiên Chúa cũng chúc phúc cho những “sa mạc” mà chúng ta đến:

Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.

“Em chờ mong như đợi một âm thầm…”

Có cảm giác như các chị em rất hào hứng chờ đón đoàn của “nhà thờ” đến thăm, phát quà và giao lưu văn nghệ. Hội trường lớn nhất của trung tâm đã được quét dọn, lau chùi cẩn thận. Các chị theo từng tổ, xếp hàng ngồi chung quanh sân khấu. Phút lạ lẫm ban đầu nhanh chóng tan biến với phần mở đầu chương trình của 3 ông già Noel chính hiệu. Tôi bắt gặp một thoáng trẻ thơ vọng lại trên tất cả gương mặt vận đồng phục màu cam của Phú Nghĩa. Hồn nhiên chơi trò chơi, cười sung sướng khi thắng phần thưởng, tâm tư khi nghe các ca khúc tự tình trên sân khấu… Các tiết mục cố được dàn dựng theo kiểu cây nhà lá vườn tạo sự gần gũi và xen kẽ giữa các tiết mục của chúng tôi với các tiết mục của chính các chị em học viên. Điều phải ghi nhận là ý thức chấp hành kỹ luật rất tốt và sự nề nếp của trung tâm Phú Nghĩa. “Các cô ở đây ngoan quá!”, một người trong chúng tôi, có nhiều kinh nghiệm với các trại như thế này, nhận xét. Buổi giao lưu đọng lại với cảnh tượng “chỉ người bệnh, mới thương người đau”: chính các chị không khỏi xúc động khi thưởng thức điệu muá cung đình Huế và lời chào mừng “ọ ẹ”, phải hai ba lần mới nghe ra, của các bé gái khiếm thính Thuận An (Lái Thiêu) cùng đi với đoàn.

Và cái thẳm sâu trong tâm hồn con người mới chạm được nhau, khi ban tổ chức thông báo sẽ có linh mục ban Bí tích Hoà Giải và thánh lễ vào buổi chiều. Lác đác vài học viên Công Giáo rụt rè đứng lên, rồi dần dần đông hơn. Cuối cùng, dãy phòng dành cho hai linh mục “ngồi toà” có gần 30 chị. 90% trong số họ đều là “đạo gốc”. Nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, đời sống đức tin từ lâu hoàn toàn bị gián đoạn. Thiên Chuá giờ đây chỉ là những ý niệm lờ mờ, nhớ không ra nổi một câu kinh. Bác sĩ Khôi, người giúp số chị em này xét mình, cho biết: “Hều hết trình độ văn hoá rất thấp và là dân nhập cư vào thành phố sinh sống. Có cô ngồi đếm ngón tay, miệng lẩm nhẩm. Tôi tặng xâu chuỗi mình mang theo và biết được ngày xưa ở quê, cô đã từng trong hội Mân Côi của giáo xứ…”

Có thể, họ không còn đủ can đảm kêu tiếng “Chúa ơi!” hay là dám lần hạt.

Chị ơi, chị hát hay quá!” chúng tôi với gọi người phụ nữ vội vã rời sân khấu, ngay khi chị vừa hát xong ca khúc bất hũ Hang Bêlem của Hải Linh - Minh Châu. “Chị thuộc bài thánh ca này quá! Chị học lời bài hát ở đâu vậy?” tôi hỏi vồn vã. Chị cười gượng, khẻ cúi đầu cảm ơn, rồi lập tức chạy đi. Vì ngờ ngợ chị có lẽ là người Công Giáo, nên thuận đà tôi muốn đi theo. Hơn nữa, nhìn những đôi cánh thiên thần và chiếc áo giấy của nhóm múa minh hoạ có dán hình Bánh và Chén Thánh, tôi không khỏi ngạc nhiên và muốn biết xem ai là người đã “thiết kế” chúng. Không ngoài dự đoán của chúng tôi. Người giáo dục viên chỉ vào tất cả, nói: “Mọi thứ đều do chị T.A - tên người phụ nữ - hướng dẫn chúng tôi làm.” Đến lúc này chị mới tỏ bày:

- Chị có đạo mà em!
- Tên thánh của chị là gì?
- Maria.
- Đang có cha giải tội. Chị có muốn ra xưng không?
Chị lặng người đi trong giây lát, rồi tuôn trào:
- Hai mươi năm, đã hai mươi năm rồi em ơi, tôi không đến nhà thờ, không xưng tội. Một lần xếp hàng vào toà ở Bình Triệu. Đến lượt tôi là người cuối cùng, thì cha giải tội đứng ngay dậy... Chúa không chấp nhận tôi đâu.
Trong lời nói ấy, tôi nghe rõ nhịp trái tim chị đã chờ đợi giây phút này từ lâu. Nên nói ngay: “Chị cứ việc vào nói thẳng với cha đang ngồi trong kia, con đã không xưng tội hai mươi năm nay… Các cha ở đây rất cảm thông!” Dường như chỉ chờ có thế, chị ôm mặt, vỡ oà trong nước mắt. Chị khóc giòn giã, khóc tức tưởi giữa sân trại cải tạo loang bóng nắng chiều.

Bước ra từ trong Bí tích Giao Hoà, chị khóc nhiều hơn: “Chị vui quá em ơi! Chị không ngờ là mình có ngày hôm nay.” Chị xin một chuỗi tràng hạt mân côi. Thầm nói câu “Tạ ơn Chúa!” là chị lại không cầm được nước mắt.

Thánh lễ cuối ngày, do hai cha dòng Đa Minh Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Giuse Đinh Tuấn Hậu đồng tế. Tôi ngước nhìn sân khấu, lúc này đã là nơi ca đoàn đứng hát, được trang trí đơn sơ nhưng ấm áp với dòng chữ “Mừng Giáng Sinh An Lành”. Với chúng ta, có thể nghe rất thường lỗ tai. Nhưng tại đây, trong khung cảnh này, còn gì đáng ước mơ hơn với nỗi niềm của 276 con người nhiều đớn đau và đầy mặc cảm này: bình an và lành mạnh. Trong số họ có cô đã bị nhiễm HIV/AIDS. “Có xét nghiệm rồi, nhưng em không biết kết quả thế nào.” V.T.T.N (sinh 1982) mắt đen láy, chớp chớp nói với tôi. Nhìn gương mặt và tuổi đời của em, tôi chỉ còn biết cầu mong một phép lạ cho em được hoàn toàn khoẻ mạnh. Em còn mẹ và em gái.

Có em trẻ nhất chỉ mới 14. Thoạt nhìn cứ tường là con cái của cán bộ, nhân viên ở đây. Người lớn tuổi nhất đã ngoài 50. Đưa tay qua cửa kính xe vẫy chào tạm biệt họ, có cô ở ngoài Bắc vào, có em từ miền Tây lên, có người bị lừa gạt, có kẻ tự mình chọn lựa... tôi đều cảm thấy cánh tay mình đầy dối trá. Giờ này ở đất Sài thành, hàng trăm cô gái khác, “đồng nghiệp” của các cô, đang lượn lờ chờ đợi cũng cái vẫy tay ấy. Và tôi đã cho họ điều gì? Có phải là ánh sao hôm sáng tỏ hay hang đá Bêlem trong lòng tôi không? Không, hoàn toàn không! Hang đá trong trại giam? Điều đó đã có thật! Và tôi đã chứng kiến. Nhưng tâm hồn tôi thì... không.

Em đứng đợi một người không hẹn đến
Bán cho người tất cả những niềm vui

Trong đêm mỏi hàng mi mờ khẽ ướt
Má phai duyên trên gối đẫm thẹn thùng
Ấp mặt bên người lạ, lạnh mênh mông
Bàn tay nhỏ thẫn thờ như lạc lõng

Đêm gần tàn em ơi người gái đĩ
Đợi trong khuya, bến vắng ngủ say rồi
Nhìn ánh đèn vương lại cửa nhà ai
Rồi kéo vội khăn quàng trên vai lạnh...


(Phóng sự đường xa, Bình Phước, 25/12/2005)