Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì một sự kiện long trọng vào thứ Hai tại điện Tông Tòa ở Vatican để kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Á Căn Đình và Chile nhằm giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Giáo hoàng lên án sự đạo đức giả của một số quốc gia “nơi người ta nói nhiều về hòa bình” nhưng “những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất lại là sản xuất vũ khí”.

Thái độ pharisêu này, ngài nói tiếp, luôn dẫn đến “sự thất bại của tình huynh đệ và hòa bình. Mong rằng cộng đồng quốc tế làm cho sức mạnh của luật pháp thắng thế thông qua đối thoại, vì đối thoại “phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế”.

Thỏa thuận giữa Chile và Á Căn Đình đã giải quyết cuộc khủng hoảng do tranh chấp lãnh thổ về eo biển Beagle và chủ quyền của một số đảo. Vatican đóng vai trò thiết yếu trong thỏa thuận hòa bình này sau khi Thánh Gioan Phaolô II cử Hồng Y Antonio Samorè làm trung gian, người đã đưa ra thỏa thuận giữa hai quốc gia, tránh xung đột vũ trang.

Phát biểu trước các nhà chức trách và đoàn ngoại giao của cả hai nước, trong đó có đại sứ Á Căn Đình tại Tòa thánh, Luis Pablo Beltramino và Ngoại trưởng Chile, Alberto van Klaveren, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi hoạt động hòa giải của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tránh được cuộc xung đột “sắp khiến hai dân tộc anh em chống lại nhau”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã đề xuất thỏa thuận này như một mô hình để noi theo, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi hòa bình và đối thoại trước các cuộc xung đột hiện nay, nơi mà “sử dụng vũ lực” đang chiếm ưu thế.

Vai trò trung gian của Thánh Gioan Phaolô II

Ngài đặc biệt nhắc lại công việc trung gian của Thánh Gioan Phaolô II, người ngay từ những ngày đầu tiên của triều đại giáo hoàng đã thể hiện sự quan tâm lớn lao và nỗ lực không ngừng không chỉ để ngăn chặn tranh chấp giữa Á Căn Đình và Chile “trở thành một cuộc xung đột vũ trang đáng xấu hổ”, mà còn tìm ra “cách giải quyết dứt điểm tranh chấp này”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng sau khi nhận được yêu cầu của cả hai chính phủ “kèm theo những cam kết cụ thể và nghiêm ngặt”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đồng ý làm trung gian hòa giải xung đột với mục đích đề xuất “một giải pháp công bằng, bình đẳng và do đó là danh dự”.

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thỏa thuận này xứng đáng được đề xuất “trong tình hình thế giới hiện nay, khi rất nhiều xung đột vẫn tiếp diễn và suy thoái mà không có ý chí thực sự để giải quyết chúng thông qua việc loại trừ hoàn toàn việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Đức Giáo Hoàng nhắc lại lời của Đức Bênêđíctô XVI trong lễ kỷ niệm 25 năm hiệp ước, người đã nói rằng thỏa thuận này “là một ví dụ điển hình về sức mạnh của tinh thần con người và mong muốn hòa bình trước sự tàn bạo và vô nghĩa của bạo lực và chiến tranh như một phương tiện giải quyết những khác biệt”.

Đối với Đức Thánh Cha, đây là “một ví dụ kịp thời nhất” về việc cần phải kiên trì mọi lúc với “quyết tâm vững chắc hướng đến hậu quả cuối cùng trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp với mong muốn thực sự đối thoại và thỏa thuận, thông qua đàm phán kiên nhẫn và với những thỏa hiệp cần thiết, luôn luôn tính đến các yêu cầu chính đáng và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi người”.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả những gì đang xảy ra ở Ukraine và Palestine là “hai thất bại” của nhân loại ngày nay, nơi “sự ngạo mạn của kẻ xâm lược lấn át đối thoại”.


Source:Catholic News Agency