* VINH DANH ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM * -
Lễ Kính Trọng Thể 24/11

+ Cảm xúc khi đọc ‘Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN’

* “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em
Trên Trời lớn lao
.” (Mt.5: 10- 12 & Lc.6: 22)
 
Alleluia. Alleluia.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ Alleluia.

TIN MỪNG  

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.



Anh hùng tử đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Ấn tích Anh Hùng Tử Đạo còn đó,
Gông cùm, tra tấn, đầu rơi, máu đổ,
Cho hoa muôn màu trổ đẹp hôm nay,
Giáo Hội Việt Nam hy vọng tràn đầy,
Vươn cao mãi trên bầu trời oanh liệt.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Lời ngợi ca vang vọng khắp năm châu,
Tiếng Thánh Ca tràn ngập cả tinh cầu,
Của hơn Một Trăm Ngàn Vị Tử Đạo,
Nhận cái chết lòng không hề than oán,
Để chứng minh một Đạo Giáo Tình Yêu,
Dâng cuộc đời làm của Lễ Toàn Thiêu,
Theo gương Chúa Hiến Mình trên Thập Giá.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Hùng Sử Thi bất diệt rọi ngàn sau,
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước xích xiềng gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nẩy mầm bao hạt giống Đức Tin,
Chuông báo tử chính là chuông Phục Sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Vinh Hiển Thánh Một Trăm Mười Tám Vị,
Những Anh Hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Xin cúi đầu kính bái và cậy trông,
Phù trợ con yêu cuộc sống Vĩnh Hằng,
Như Các Ngài hân hoan vào Đất Hứa.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Đây Sở Kiện bảo tàng còn ghi dấu,
Anh hùng Tử đạo muôn đời khoe sắc
Giáo Hội Việt bao biến cố xoay vần,
Vẫn nở hoa hơn tám triệu giáo dân,
Cùng đón nhận hồng ân mừng Chư Thánh.
 
 
+ Suy niệm về các Thánh Tử Đạo VN +
 
Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

SỐNG CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:
– Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.
– Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.
– Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.

Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.

Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.

Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.

Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng.

Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.

Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.

Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen

+ Phụ dẫn :

*Truyện về Vị Thánh trẻ đứng đầu danh sách Tử đạo VN
Ngày 27 tháng 6
CHÂN PHƯỚC ANRE PHU YEN Thầy Giảng - (1625-1644)
Tiểu sử

Anrê Phú Yên sinh vào khoảng năm 1625 hoặc 1626, gần trị sở dinh Trấn Biên[3], nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc giáo phận Quy Nhơn, Việt Nam[4]. Anrê là con út của một người phụ nữ mộ đạo tên thánh là Gioanna.[5]

Năm 1641, linh mục Alexandre de Rhodes đã rửa tội cho ông cùng với 91 người khác. Ông được đặt tên thánh là Anrê. Mẹ đỡ đầu của ông là Quận chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên, vợ Trấn thủ Trấn Biên Nguyễn Phúc Vinh. Ông đi theo linh mục Alexandre de Rhodes với vai trò là giáo lý viên (còn gọi là thầy giảng). Năm 1642, ông được linh mục Alexandre de Rhodes đưa ra Hội An để học trường các thầy giảng, trở thành học viên xuất sắc nhất mặc dù còn trẻ.

Ngày 31 tháng 7 năm 1643, cùng với một số đồng bạn, ông phát lời nguyện tận hiến đi phục vụ Giáo hội suốt đời, tức là đi phụ giúp các linh mục truyền giáo và cổ vũ giáo dân. Sau đó, ông cùng các bạn đi truyền giáo ở các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.

Việc truyền đạo gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm của các quan lại ảnh hưởng Tam giáo cho rằng đạo Công Giáo là bàng môn tả đạo cần phải bị diệt trừ. Ngày 25 tháng 7 năm 1644, trong khi truyền đạo ở Quảng Nam, ông bị quan binh sở tại bắt giữ và tống giam vào ngục. Khi đưa ra công đường, quan viên sở tại nhiều lần khuyên ông bỏ đạo để bảo toàn tính mạng, tuy nhiên ông đã từ chối, cương quyết xưng mình là Kitô hữu và là thầy giảng, và sẵn sàng hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa Kitô.

Ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông bị tuyên án giải giao thị chúng và chém đầu. Ngay chiều hôm đó, ông bị giải qua các phố ở Kẻ Chàm, Quảng Nam. Tương truyền, ông bị đâm nhiều nhát giáo xuyên cạnh sườn rồi bị chém đầu sau đó.[6] Máu của ông đã đổ ra trên mảnh đất Phước Kiều (thuộc Quảng Nam) nên hiện nay Đền Thánh Anre Phú Yên thuộc Giáo xứ Phước Kiều, Giáo phận Đà Nẵng
 
Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp