1. Nga đã chịu 17.800 thương vong kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công Kursk, Syrskyi tuyên bố

Lực lượng Ukraine đã giết, làm bị thương hoặc bắt giữ 17.819 binh sĩ Nga ở Tỉnh Kursk kể từ những ngày đầu tiên Kyiv tấn công xuyên biên giới, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi tuyên bố vào ngày 25 tháng 10.

Theo vị tướng này, tổng cộng có 6.662 quân Nga thiệt mạng, 10.446 người bị thương và 711 người bị bắt kể từ ngày 6 tháng 8, khi Ukraine vượt biên giới tấn công Nga.

Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào Tỉnh Kursk vào ngày 6 tháng 8, tuyên bố ban đầu sẽ chiếm được khoảng 1.300 km2.

Syrskyi bác bỏ tuyên bố của Putin đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan vào ngày 24 tháng 10 rằng khoảng 2.000 quân Ukraine đã bị cô lập tại Tỉnh Kursk.

Syrskyi cho biết: “Đây hoàn toàn là thông tin sai lệch không phản ánh đúng tình hình thực tế”.

“Quân đội Ukraine tiếp tục hoạt động tích cực theo hướng Kursk, phá hủy khả năng chiến đấu của đối phương trong tháng thứ ba liên tiếp.”

Các báo cáo được đưa ra vài ngày sau khi những người lính Bắc Hàn đầu tiên được cho là đã được điều động cùng với lực lượng Nga trên tuyến đầu ở Kursk. Tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR cho biết Bắc Hàn đã gửi gần 12.000 quân đến Nga, bao gồm 500 sĩ quan trong đó có ba vị tướng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đang có kế hoạch đưa những binh lính Bắc Hàn đầu tiên tới vùng chiến sự vào ngày 27-28 tháng 10.

[Kyiv Independent: Russia 'not planning any concessions,' Putin says on peace talks with Ukraine]

2. Kyiv cho biết quân đội Bắc Hàn của Putin hiện đang ở trong vùng chiến sự

Các đơn vị quân sự từ Bắc Hàn đã rời khỏi bãi huấn luyện ở Nga và lần đầu tiên tiến vào khu vực giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine, cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, gọi tắt là HUR cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Năm.

Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự HUR của Ukraine cho biết các điệp viên Ukraine đã ghi hình quân đội ở khu vực Kursk của Nga vào thứ Tư.

Ông cho biết binh lính Bắc Hàn, gọi tắt là DPRK đang được huấn luyện tại năm địa điểm quân sự ở vùng Viễn Đông của Nga và sẽ phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài nhiều tuần trước khi được triển khai trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Hoa Kỳ xác nhận hôm thứ Tư rằng hàng ngàn người Bắc Hàn đang được huấn luyện tại Nga cùng với quân đội Điện Cẩm Linh.

Theo ước tính cập nhật từ Kyiv, Bình Nhưỡng đã chuyển khoảng 12.000 quân sang Nga, bao gồm 500 sĩ quan và ba tướng quân đội. Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã phát hiện các sĩ quan quân đội Bắc Hàn ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm tại khu vực Donbas phía đông Ukraine.

Putin không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn tại nước mình. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh cho biết “không phải hành động của Nga dẫn đến leo thang” và cáo buộc các nước phương Tây giúp Ukraine chống lại Mạc Tư Khoa.

Thay vào đó, ông nhắc lại rằng quốc hội Nga đã phê chuẩn một thỏa thuận về “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Bắc Hàn, được Putin ký tại Bình Nhưỡng vào mùa hè này, trong đó cả hai bên đều hứa “hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tạm chiếm” nhằm vào một trong hai bên ký kết.

“Chúng ta hãy xem quá trình này diễn ra như thế nào”, Putin nói.

Trong khi Điện Cẩm Linh khẳng định rằng Nga có quyền tham gia vào bất kỳ hợp tác quân sự nào mà nước này mong muốn với Bắc Hàn, và bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng không nhằm vào “các nước thứ ba”, Bình Nhưỡng đã bác bỏ tin tức cho rằng quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn đang chuẩn bị tham gia vào cuộc chiến của Nga là những tin đồn vô căn cứ.

Tình báo quân sự Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov để giám sát quá trình huấn luyện và thích nghi của quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn.

“Những người lính do Bình Nhưỡng gửi đến được trang bị đạn dược, chăn ga gối đệm, quần áo mùa đông và giày dép, cũng như các sản phẩm vệ sinh. Điện Cẩm Linh đặt nhiều kỳ vọng vào thành phần Bắc Hàn trong cuộc chiến chống lại Ukraine và cuộc đối đầu toàn cầu với phương Tây”, Tướng Budanov cho biết.

“Tôi nghĩ họ đã cử các sĩ quan đến vì các sĩ quan của họ sẽ hiểu được những gì đang diễn ra trước rồi mới cử đoàn quân đi. Bởi vì, làm sao để quản lý họ, làm sao để chỉ huy họ? Tôi đang nói về ngôn ngữ. Tôi nghĩ đây là những khó khăn nghiêm trọng”, Zelenskiy nói với các phóng viên tại Kyiv.

[Politico: Putin’s North Koreans now in combat zone, Kyiv says]

3. Hậu trường hội nghị thượng đỉnh BRICS: hướng dẫn cho những tuyên truyền viên và chiến dịch bot quy mô lớn

Điện Cẩm Linh đang tìm cách miêu tả hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan như một cuộc biểu dương sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế dành cho Nga, đặc biệt là nhắm vào đối tượng dân chúng Nga trong nước.

Trong bản đánh giá tình hình mới nhấtm Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết: Meduza, một cơ quan truyền thông Nga có trụ sở tại Latvia, đưa tin vào ngày 24 tháng 10 rằng họ đã xem xét một chỉ thị do Văn phòng Tổng thống Nga ban hành, hướng dẫn các phương tiện truyền thông nhà nước và các nhà tuyên truyền về nội dung ưu tiên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan.

Theo như báo cáo, hướng dẫn này nhấn mạnh ba chủ đề: Thứ nhất, Putin là “nhà lãnh đạo không chính thức của đa số thế giới”; Thứ hai, giới tinh hoa phương Tây đang “hoảng loạn”; Thứ ba, nhìn chung, phương Tây đang “lo lắng”.

Điện Cẩm Linh được cho là đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS đang thu hút sự chú ý của toàn cầu và là bằng chứng cho thấy những nỗ lực cô lập Nga sau cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraine đã thất bại.

Meduza đưa tin rằng truyền thông Nga đã được chỉ đạo nhấn mạnh cách Tổng thống Putin đang hình thành “mối quan hệ chiến lược không chỉ giới hạn ở một hướng”, trái ngược hoàn toàn với “liên minh phù du của phương Tây”. Thuật ngữ “liên minh phù du của phương Tây” ám chỉ NATO. Tuy Nga thường chế giễu liên minh này là phù du, NATO đã kỷ niệm 75 năm thành lập vào năm nay.

ISW nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông nhà nước và bộ máy tuyên truyền của Nga đã xuất bản các bài viết đề cập đến nhiều chủ đề được nêu trong chỉ thị, thường sao chép chúng gần như nguyên văn.

Vào ngày 24 tháng 10, hãng truyền thông Nga Verstka đưa tin rằng các bot ủng hộ Nga trên nền tảng truyền thông xã hội VKontakte, gọi tắt là VK đã tạo ra hơn 10.000 bình luận về hội nghị thượng đỉnh BRICS chỉ trong vòng hai ngày, đánh dấu đây là một trong những chiến dịch bot lớn nhất của Điện Cẩm Linh trong ký ức gần đây. Các bot này phát tán các thông tin cho rằng Nga không bị cô lập trên trường quốc tế, nhấn mạnh đến ảnh hưởng ngày càng tăng của BRICS, tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt chống Nga đang được nới lỏng và khẳng định rằng lực lượng Nga đang có những bước tiến ở Ukraine.

Vào ngày 24 tháng 10, một người Nga trong cuộc tiết lộ rằng các nguồn tin giấu tên có quan hệ với Điện Cẩm Linh cho biết các quốc gia BRICS phần lớn không tán thành lập trường của Nga về cuộc chiến ở Ukraine. Điều này đã buộc Điện Cẩm Linh phải gác vấn đề này lại để đạt được một số “mối liên hệ quốc tế nghiêm chỉnh”. Nguồn tin trong cuộc khẳng định rằng nhiều cuộc họp trong hội nghị thượng đỉnh đã thảo luận về các đề xuất hòa bình từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Brazil, được Nga ủng hộ, nhưng các cuộc thảo luận này “cuối cùng không đi đến đâu cả”.

Theo đánh giá của ISW vào ngày 23 tháng 10, việc thông qua Tuyên bố Kazan vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh BRICS chứng tỏ rằng Nga chưa nhận được sự ủng hộ của quốc tế cũng như chưa tạo ra được cấu trúc an ninh thay thế mà Điện Cẩm Linh mong muốn.

[Ukrainska Pravda: Behind the scenes of BRICS summit: guide for propagandists and large-scale bot campaign – ISW]

4. Hoa Kỳ báo cáo quân đội Bắc Hàn di chuyển đến khu vực Kursk của Nga

Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng một đội quân Bắc Hàn đang trên đường đến khu vực Kursk của Nga để hỗ trợ Mạc Tư Khoa chống lại cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine được phát động tại đây vào tháng 8.

Mặc dù các quan chức Hoa Kỳ chưa xác nhận báo cáo của Nam Hàn rằng binh lính Bắc Hàn sẽ tham gia chiến đấu trực tiếp, nhưng họ ước tính lực lượng Bắc Hàn có thể lên tới hàng ngàn người và có thể nhanh chóng được giao nhiệm vụ chiến đấu, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Nhận xét của quan chức Hoa Kỳ được đưa ra sau tuyên bố trước đó vào ngày 25 tháng 10 của phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, trong đó ông lưu ý rằng một số quân nhân Bắc Hàn đồn trú tại nhiều địa điểm huấn luyện ở miền đông nước Nga có thể sẽ được điều động đến Kursk, mặc dù mục đích cụ thể vẫn chưa rõ ràng.

“...Ít nhất một số quân đội Bắc Hàn này có thể được điều động đến khu vực Kursk,” Kirby nói. “Nhưng với tư cách gì, vì mục đích gì, thì vẫn chưa rõ ràng.”

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ thừa nhận công khai đánh giá rằng quân đội Bắc Hàn có thể sớm có mặt ở Kursk, diễn ra một ngày sau khi tình báo quân sự Ukraine báo cáo rằng các đơn vị ban đầu được huấn luyện tại Nga đã di chuyển đến khu vực này.

Ban đầu, các quan chức Hoa Kỳ ước tính có khoảng 3.000 quân Bắc Hàn đang huấn luyện tại Nga, nhưng Kirby cho biết con số tổng thể hiện có thể cao hơn. Tình báo Nam Hàn đã thông báo với các nhà lập pháp rằng số lượng quân Bắc Hàn tại Nga có thể lên tới 12.000 vào tháng 12.

[Kyiv Independent: US reports North Korean troops moving to Russia’s Kursk region]

5. Nga chịu tổn thất lớn thứ ba về quân số trong một ngày ở Ukraine

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đã phải chịu tổn thất về quân số trong một ngày lớn thứ ba tại Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, 25 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Nga đã mất 1.630 quân vào ngày 25 tháng 10, nâng tổng số binh sĩ Nga thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu lên 685.910 người.

Bài đăng của Bộ Quốc phòng, với thông tin về tổn thất thêm về vũ khí và xe cộ, có kèm theo câu trích dẫn “Phép lạ sẽ xuất hiện trong khó khăn” của Jean de la Bruyère.

Số lượng binh lính cao nhất mà Nga mất trong một ngày là 1.740 người vào ngày 12 tháng 5.

Con số thương vong lớn thứ hai trước đó của quân đội Nga vào đầu tháng này là 1.530 người trong một ngày.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga cũng mất 33 xe thiết giáp chiến đấu, 34 hệ thống pháo, 7 xe tăng, 1 hệ thống phòng không, 73 UAV, 79 xe và thùng nhiên liệu, cùng 22 thiết bị đặc biệt trong ngày hôm nay.

Theo số liệu của Quân đội Ukraine, kể từ thứ Hai, Nga đã mất 7.390 quân tại Ukraine.

Nga cũng mất 188 hệ thống pháo, 383 UAV, 176 xe chiến đấu bọc thép và nhiều hơn nữa kể từ thứ Hai.

Mạc Tư Khoa cũng chứng kiến tình trạng gia tăng tổn thất về UAV và hệ thống pháo trong tháng trước và chỉ giảm nhẹ trong tháng vừa qua.

Ngoài tổn thất lớn về quân số của Nga, tổn thất về các hệ thống pháo của Mạc Tư Khoa lên tới 8 tỷ đô la chỉ riêng trong năm 2024.

Những tổn thất này của Nga xảy ra sau khi Hoa Kỳ xác nhận rằng Bình Nhưỡng đã điều động quân tới Nga sau những báo cáo tương tự được đưa ra bởi Nam Hàn và Ukraine.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết ông tin rằng có 3.000 binh lính Bắc Hàn đang được huấn luyện tại Nga, sau khi tình báo Nam Hàn công bố những bức ảnh vệ tinh về binh lính Bắc Hàn đang huấn luyện ở Viễn Đông của Nga.

Putin đã xác nhận sự hiện diện của binh lính Bắc Hàn tại Nga khi ông nói với các nhà báo nước ngoài rằng: “Hình ảnh là vấn đề nghiêm chỉnh; nếu có hình ảnh, chúng phản ánh điều gì đó” liên quan đến hình ảnh vệ tinh của Nam Hàn.

Putin cũng lưu ý đến hiệp ước an ninh mới được ký giữa Nga và Bắc Hàn, trong đó có điều khoản phòng thủ chung.

Cơ quan tình báo Nam Hàn cũng ước tính rằng Bắc Hàn sẽ gửi tới 12.000 binh sĩ tới Nga vào tháng 12.

Việc điều động quân đội Bắc Hàn để chiến đấu ở Ukraine đánh dấu cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên trong lịch sử của nước này.

[Newsweek: Russia Suffers Third-Greatest Single Day Loss of Troops in Ukraine: Kyiv]

6. Sự tham chiến của Bắc Hàn có biến cuộc chiến ở Ukraine với thành một cuộc chiến tranh thế giới không?

“Đây là bước thứ nhất của chiến tranh thế giới”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nghiêm chỉnh nói như trên với các đồng minh của Kyiv trong chuyến đi vận động tới Brussels tuần trước khi có báo cáo về sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn ở Nga.

Đây chính xác là điều mà các đồng minh của Ukraine trong NATO hy vọng tránh được. Liên minh này đã cảnh giác với bất kỳ động thái nào có thể mở rộng cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine, vốn đã là cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II, sang các quốc gia khác.

Nhưng mặc dù nhìn chung các quan chức trên thế giới coi đây là một sự leo thang đáng lo ngại, chiến tranh thế giới thứ ba vẫn chưa xuất hiện.

James Rogers, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại Anh, cho biết: “Việc Nga có khả năng huấn luyện và điều động quân đội Bắc Hàn tại Ukraine đánh dấu một giai đoạn quan trọng khác trong cuộc xâm lược của Nga, nhưng sẽ không gây ra một cuộc chiến tranh toàn cầu rộng lớn hơn”.

Ông cho biết: “Mặc dù điều này có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa, nhưng không nghiêm trọng đến mức có thể cho rằng sự hiện diện của những đội quân này sẽ mở rộng xung đột thành một cuộc chiến tranh thế giới”.

Các quan chức Nam Hàn và Ukraine cho biết khoảng hơn 10.000 quân Bắc Hàn đang được gửi đến Nga, bao gồm đợt đầu tiên gồm khoảng 1.500 chiến binh.

Cơ quan tình báo Nam Hàn cho biết hôm thứ Tư rằng ước tính có khoảng 3.000 nhân sự đã đến các căn cứ của Nga, 7.000 người còn lại sẽ được điều động vào cuối năm nay.

Sau hơn hai năm rưỡi chiến tranh toàn diện ở Ukraine, cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều đang tìm kiếm những cách thức mới để bổ sung lực lượng đã kiệt sức của mình, khi mùa đông khó có thể giúp giảm bớt số lượng thương vong cao.

Nga và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước quốc phòng vào đầu năm nay. Quân đội Bắc Hàn tăng cường quân số cho Nga có thể là một viễn cảnh rất hấp dẫn đối với Điện Cẩm Linh, khi phải cân nhắc các lựa chọn không được ưa chuộng là huy động thêm nhân sự hoặc gửi lính nghĩa vụ đến Ukraine.

Cho đến nay, chưa có quốc gia nào bên ngoài cuộc xung đột chính thức đưa quân ra tiền tuyến, một động thái sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cuộc chiến và khiến Kyiv cùng những người ủng hộ nước này vô cùng lo lắng.

Kyiv coi Bình Nhưỡng là đồng minh nguy hiểm nhất của Mạc Tư Khoa và Bắc Hàn đã cung cấp một lượng lớn đạn dược và hỏa tiễn cho Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Tư rằng có “bằng chứng” về quân đội Bắc Hàn ở Nga nhưng vẫn “phải chờ xem” họ sẽ thực hiện những hoạt động gì. Một đại diện của Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc gọi các báo cáo này là “vô căn cứ”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov mô tả các báo cáo về quân đội Bắc Hàn đến Nga là “tin giả” vào đầu tháng này. Trong các bình luận mới vào thứ Hai, Peskov cho biết các báo cáo là “mâu thuẫn” nhưng không phủ nhận rõ ràng các cáo buộc.

“Bắc Hàn là nước láng giềng gần gũi, là đối tác của chúng tôi, và chúng tôi đang phát triển quan hệ của mình trong mọi lĩnh vực. Đây là quyền chủ quyền của chúng tôi,” Peskov phát biểu trong bài phát biểu được truyền thông nhà nước Nga đưa tin. “Điều này không nên khiến bất kỳ ai lo lắng, vì sự hợp tác này không nhằm vào các nước thứ ba.”

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết trong cuộc họp báo chung tại Luân Đôn hôm thứ Tư với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius rằng rất có khả năng quân đội Bắc Hàn đã được điều động tại Nga nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có được sử dụng trong chiến đấu tiền tuyến hay không.

Healey cho biết: “Tôi coi đây là dấu hiệu của sự tuyệt vọng cũng như sự leo thang đáng kinh ngạc trên mặt trận”.

Nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Belarus và là đồng minh chủ chốt của Putin, Alexander Lukashenko, đã trả lời phỏng vấn của BBC hôm thứ Tư rằng “Putin sẽ không bao giờ cố gắng thuyết phục một quốc gia khác đưa quân đội của mình vào hoạt động đặc biệt của Nga ở Ukraine”.

Lukashenko nói thêm rằng “sẽ là một bước tiến tới leo thang xung đột nếu quân đội của bất kỳ quốc gia nào, ngay cả Belarus, có mặt trên giới tuyến”.

Khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine vào tháng 2 năm 2022, một phần lực lượng xâm lược của Mạc Tư Khoa đã phát động chiến dịch từ Belarus.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hán Thành, gọi tắt là NIS tuần trước cho biết Bắc Hàn đã cử khoảng 1.500 lính đặc nhiệm đến thành phố cảng Vladivostok của Nga từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 10.

Cơ quan gián điệp cho biết những người lính Bắc Hàn được điều đến một số căn cứ ở Viễn Đông của Nga đã được trang bị quân phục Nga, vũ khí do Nga sản xuất và các giấy tờ giả khẳng định những chiến binh này là cư dân của các khu vực ở Siberia.

“Có vẻ như họ đã cải trang thành lính Nga”, NIS cho biết. Những người lính này “dự kiến sẽ được điều động ra tiền tuyến ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo thích nghi”, cơ quan này cho biết thêm.

Những cảnh quay được các nguồn tin từ Nga và Ukraine công bố trực tuyến trong những ngày gần đây dường như cho thấy cảnh những người lính Bắc Hàn có mặt tại một bãi huấn luyện của Nga ở vùng Primorsky thuộc Viễn Đông, giáp với Bắc Hàn.

Nam Hàn, lo ngại sâu sắc về quân đội Bắc Hàn ở Nga, cho biết họ đã triệu tập đại sứ Mạc Tư Khoa tại Hán Thành đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng ngay lập tức đưa các chiến binh trở lại Bán đảo Triều Tiên.

Nam Hàn cũng cho biết hiện họ đang cân nhắc gửi vũ khí tới Ukraine, một sự thay đổi đáng kể so với chính sách lâu nay là tránh gửi viện trợ sát thương tới tiền tuyến.

“ Chúng tôi đã tuân thủ nguyên tắc không trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương, nhưng chúng tôi có thể xem xét lại nguyên tắc này một cách linh hoạt hơn tùy thuộc vào các hoạt động quân sự của Bắc Hàn”, Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt cho biết hôm thứ năm, theo hãng thông tấn Yonhap của nước này.

[Newsweek: Would North Korea Fighting in Ukraine Make Conflict a World War?]

7. Putin tuyên bố đã nhận được “đề xuất bí mật” từ Ukraine

Vladimir Putin tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng một đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được một đề xuất cho Nga từ Ukraine trong phiên họp tháng 9 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York và đã chuyển thông tin này cho Điện Cẩm Linh.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti liên kết với Điện Cẩm Linh, trích dẫn lời Putin tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS. Putin nói lấp lửng mà không nêu rõ bản chất đề xuất của Ukraine gì. Ông ta nói thêm rằng:

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra sáng kiến liên quan đến tình hình Hắc Hải: bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển, thiết lập một số thỏa thuận nhất định và đạt được các thỏa thuận an ninh liên quan đến các cơ sở năng lượng hạt nhân.”

Putin tuyên bố ông ta đã đồng ý với đề xuất này, nhưng sau đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã công bố Kế hoạch Chiến thắng, mà Putin cho rằng đã hủy bỏ khả năng đàm phán.

Khi được yêu cầu đánh giá cơ hội giải quyết cuộc chiến với Ukraine theo thang điểm từ một đến mười, Putin cho biết ông thấy không phù hợp khi đưa ra bất kỳ con số hay điểm số nào.

Tưởng cũng nên biết thêm: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào ngày 21 tháng 9 rằng việc dừng các cuộc tấn công trên không của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng và tàu chở hàng của Ukraine có thể mở đường cho các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh.

[Ukrainska Pravda: Putin claims to have received “secret proposal” from Ukraine]

8. Các đồng minh của Nga giáng đòn mạnh vào kế hoạch quân đội Bắc Hàn của Putin

Vladimir Putin đã phải chịu một đòn đau khi hai đồng minh thân cận nhất của ông không tán thành việc gửi quân đội Bắc Hàn đến chiến đấu cùng lực lượng Nga chống lại Ukraine.

Các chuyên gia cũng đang nghi ngờ giá trị chiến lược của động thái này của nhà lãnh đạo Nga.

Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ xác nhận họ có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã triển khai quân đội tới Nga sau các báo cáo từ Nam Hàn và Ukraine, cho biết quốc gia lạc loài bị thế giới xa lánh này đang có kế hoạch đưa hàng ngàn quân vào cuộc chiến.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, người dựa vào Putin để duy trì quyền lực, cho rằng động thái như vậy sẽ là một ý tưởng tồi tệ.

Khẳng định rằng Putin “sẽ không bao giờ cố gắng thuyết phục một quốc gia khác đưa quân đội của mình vào cuộc chiến”, Lukashenko nói với BBC bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng sẽ “là một bước tiến tới leo thang xung đột nếu quân đội của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Belarus, có mặt trên giới tuyến”.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi được tổ chức vào tuần này tại thành phố Kazan của Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu rằng “không nên mở rộng chiến trường, không leo thang thù địch và không thổi bùng ngọn lửa”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trong suốt quá trình chiến tranh mà ông ta phát động, trùm mafia Vladimir Putin đã dựa vào sự gia tăng lớn trong thương mại với Trung Quốc để bù đắp cho những tổn thất kinh tế do các lệnh trừng phạt do phương Tây gây ra và ông đã ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ của mình với Tập Cận Bình.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một nhóm nghiên cứu tại Washington, DC, lưu ý rằng Tập Cận Bình đã nói rằng các thành viên BRICS phải ngăn chặn chiến tranh lan rộng sang “các bên thứ ba” khi ông kêu gọi “nhanh chóng hạ nhiệt tình hình ở Ukraine”.

BRICS được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc và họp lần đầu tiên vào năm 2009. Hiện nay khối này bao gồm chín quốc gia thành viên và cũng bao gồm Ethiopia, Nam Phi và Ai Cập.

Michael Butler, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Clark ở Worcester, gọi tắt là MA cho biết tầm quan trọng về mặt địa chính trị của việc quân đội Bắc Hàn chiến đấu cho Nga “không nên bị đánh giá thấp”, tuy nhiên, “chưa rõ liệu sự gia tăng này có phải là một lực lượng nhân lên đáng kể hay không, ít nhất là trong ngắn hạn”.

“Quân đội Nhân dân Bắc Hàn có quy mô lớn nhưng không tham gia chiến đấu tích cực kéo dài kể từ những năm 1950, hoàn toàn không quen thuộc với môi trường xung đột ở Ukraine và từ lâu đã phải chịu đựng những vấn đề về nguồn cung và tinh thần cũng như công nghệ kém “, ông nói với Newsweek.

Ông nói thêm: “Theo một số cách, đây là ví dụ mới nhất trong một loạt ví dụ nổi bật về việc Putin chuyển giao việc tiến hành chiến tranh của mình, điều này cho thấy năng lực tiến hành chiến tranh của chính nước Nga”.

Khi lực lượng Nga phải đối mặt với thương vong cao, Putin ngày càng dựa vào đạn pháo và đạn dược khác của Bắc Hàn. Nhưng Cục Tình báo Quốc phòng Kyiv cho biết sự giúp đỡ này đang mở rộng đến nhân lực với khoảng 11.000 lính bộ binh Bắc Hàn đang huấn luyện ở Viễn Đông của Nga và sẽ sẵn sàng chiến đấu vào ngày 1 tháng 11.

Nhóm quân đầu tiên của Bắc Hàn đã được gửi đến khu vực Kursk của Nga, nơi một số người đã cố gắng đào ngũ, theo các báo cáo. Ukraine đã phát động một cuộc tấn công vào khu vực của Nga vào ngày 6 tháng 8 và Putin được cho là đang có kế hoạch sử dụng quân lính Bắc Hàn trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ của mình.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby phát biểu với các phóng viên hôm thứ Tư rằng bất kỳ quân đội Bắc Hàn nào chiến đấu cho Nga đều sẽ là “mục tiêu dễ dàng” đối với lực lượng Ukraine và quân đội Kyiv “sẽ tự vệ trước quân đội Bắc Hàn giống như cách họ tự vệ trước quân đội Nga”.

David Silbey, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, cho biết động thái của Bình Nhưỡng nhằm thể hiện cam kết của nước này đối với liên minh với Nga.

“Rất khó có khả năng Bắc Hàn sẽ cung cấp đủ quân lính để tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào, ngay cả khi họ là lực lượng đặc biệt”, ông nói với Newsweek. “Họ gần như chắc chắn sẽ chiến đấu và chúng ta có thể sẽ nghe rất nhiều về điều đó, để nhấn mạnh đến sự hy sinh.

Ông nói thêm rằng, “Trong Thế chiến thứ II, Winston Churchill đã từng nói rằng việc người Mỹ tử trận để bảo vệ nước Anh sẽ củng cố liên minh hơn bất kỳ điều gì khác”.

Ngoài ra còn có câu hỏi liệu quân đội và vũ khí của Bắc Hàn có thể thay đổi được những gì đang diễn ra trên chiến trường hay không.

Trong các bình luận gửi qua email cho Newsweek, Markus Garlauskas, giám đốc Sáng kiến An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Snowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết động thái này có thể phản tác dụng với Nga vì nó “có thể thúc đẩy sự ủng hộ ngày càng tăng của Nam Hàn đối với Ukraine, qua đó có thể nhanh chóng cân bằng lại những gì Bắc Hàn cung cấp”.

Tuy nhiên, ông cho biết Bình Nhưỡng có thể hưởng lợi về lâu dài khi trải nghiệm công nghệ và năng lực quân sự của Nga, điều này có thể “định hình lại cơ bản tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và rộng hơn là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân có thể đạt đến “điểm tới hạn trong tính toán leo thang của mình dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự hoặc xung đột vũ trang trên bán đảo”, có thể kéo theo Trung Quốc và Hoa Kỳ. Garlauskas nói thêm rằng điều này “sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Ukraine nhiều hơn nhiều so với những gì quân đội Bắc Hàn sẽ mang đến cho cuộc chiến”.

[Newsweek: Russia Allies Deal Blow to Putin's North Korean Troops Plan]

9. Thanh tra viên cho biết Kyiv nhận được danh sách những người lính Ukraine mất tích qua Qatar

Ukraine đã nhận được danh sách những người lính Ukraine mất tích qua trung gian của Qatar, Thanh tra Dmytro Lubinets.

Lubinets đã đưa ra thông báo này trên kênh Telegram của mình sau khi đến thăm Qatar và gặp Lolwah Al-Khater, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nước này.

Quốc gia vùng Vịnh này trước đây đã đóng vai trò trung gian giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa để đưa những trẻ em Ukraine bị Nga giam giữ bất hợp pháp trở về.

Trong tuyên bố của mình, Lubinets không nói rõ liệu danh sách này có được Mạc Tư Khoa cung cấp cho Qatar hay tình trạng của những người lính mất tích được liệt kê hay không.

Ngoài danh sách này, ông còn nhận được thư từ các tù binh chiến tranh, gọi tắt là POW Ukraine gửi cho gia đình họ và thảo luận về khả năng đẩy nhanh quá trình trao đổi tù binh chiến tranh giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.

Lubinets cho biết các bên cũng đồng thanh hỗ trợ những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, bao gồm cả việc khôi phục lại các giấy tờ cá nhân.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến cuối tháng 9, Ukraine ghi nhận 55.000 công dân trong sổ ghi danh những người mất tích trong những trường hợp đặc biệt. Sổ ghi danh bao gồm những người mất tích do chiến tranh, xâm lược hoặc thiên tai và thảm họa do con người gây ra.

[Kyiv Independent: Kyiv receives lists of missing Ukrainian soldiers via Qatar, ombudsman says]

10. Nga đã cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử, và cuộc trưng cầu dân ý của Moldova như thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Mặc dù sự can thiệp của Nga đã diễn ra dưới nhiều hình thức ở Moldova kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1991, nhưng kết quả bầu cử và trưng cầu dân ý hôm Chúa Nhật đã gây sốc cho nhiều người Moldova ủng hộ Âu Châu.

Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với việc đưa mong muốn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào hiến pháp của đất nước, nhưng thành công của cuộc trưng cầu dân ý về Liên Hiệp Âu Châu vẫn còn rất hạn chế, với tỷ lệ chiến thắng là 50,38%. Nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng người Moldova ở nước ngoài, thậm chí cuộc trưng cầu dân ý của Moldova sẽ chứng kiến số phiếu chống cao hơn cả số phiếu thuận.

Phiếu “đồng ý” chỉ giành được chiến thắng với khoảng cách 11.000 phiếu.

Chính quyền Moldova, Liên Hiệp Âu Châu và các quan chức Hoa Kỳ, cũng như các nhà quan sát độc lập, đổ lỗi cho một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của nước này là do các mạng lưới tội phạm và các nhóm chính trị có liên hệ với Nga gây ra.

Hai tuần trước cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử tổng thống diễn ra cùng ngày, cảnh sát Moldova và cơ quan chống tham nhũng của nước này đã tuyên bố rằng họ có bằng chứng cho thấy khoảng 130.000 người đã nhận hối lộ từ các thế lực có liên hệ với Nga nhằm lật ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Trong một cuộc họp báo lúc 1 giờ sáng, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết, theo thông tin của bà, những người định phá hoại cuộc trưng cầu dân ý đã được khuyến khích mua tới 300.000 phiếu bầu.

Họ có bằng chứng cho thấy khoảng 130.000 người đã nhận hối lộ từ các thế lực có liên hệ với Nga nhằm lật ngược kết quả trưng cầu dân ý

Nếu đúng như vậy, con số này sẽ chiếm khoảng 20% trong tổng số 1,5 triệu lá phiếu được bỏ vào ngày 20 tháng 10.

Tổng cộng, cảnh sát cho biết nhà tài phiệt bỏ trốn Ilan Shor đã chuyển 39 triệu đô la để mua phiếu bầu vào tháng 9 và tháng 10. Shor, người vẫn duy trì một số sự ủng hộ chính trị mặc dù đang chạy trốn, phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Các cuộc điều tra của báo chí do Ziarul de Gardă và Zona de securitate thực hiện đã xác nhận rằng kế hoạch này được thực hiện thông qua các nhóm Telegram và sử dụng ngân hàng nhà nước Nga Promsvyazbank cùng các chi nhánh của ngân hàng này tại khu vực ly khai Transnistria chịu ảnh hưởng của Nga ở phía đông đất nước.

Tatiana Cojocari, một nhà xã hội học của Watchdog, một trong những nhóm nghiên cứu ủy quyền tiến hành các cuộc thăm dò ý kiến ở Moldova, cho biết: “Phép tính toán đơn giản đã xác nhận những gì chính quyền đã nói: đúng, đã có gian lận bầu cử trên quy mô lớn”.

“Những người lẽ ra sẽ bỏ phiếu thuận đã bị mua chuộc. Chúng tôi đã có một cuộc vận động hối lộ hàng loạt để bỏ phiếu 'chống' trong cuộc trưng cầu dân ý, giống như các cuộc điều tra của giới truyền thông đã chỉ ra”, bà nói thêm.

Sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý, mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào vòng bầu cử tổng thống vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 3 tháng 11.

Tổng thống thân Liên Hiệp Âu Châu Sandu sẽ ra tranh cử với cựu Tổng công tố Alexandr Stoianoglo, người mà bà đã sa thải vì cáo buộc tham nhũng.

Stoianoglo giành được 26% số phiếu trong vòng đầu tiên, cao hơn đáng kể so với dự đoán từ 9% đến 11% của các cuộc thăm dò ý kiến.

Trong khi Stoianoglo, giống như Sandu, là công dân mang hai quốc tịch Moldova và Rumani và công khai tuyên bố ủng hộ việc đất nước mình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, thì cựu công tố viên này lại được Đảng Xã hội chủ nghĩa phò Điện Cẩm Linh ủng hộ.

Vài ngày trước cuộc bầu cử, ảnh chụp màn hình từ các nhóm Telegram đã bị rò rỉ cho báo chí, trong đó nói rằng mạng lưới mua phiếu bầu do nhà tài phiệt bỏ trốn Shor, hiện đang sống tại Mạc Tư Khoa, kiểm soát đã được yêu cầu bỏ phiếu cho Stoianoglo.

Cả Shor và Stoianoglo đều phủ nhận việc có liên quan đến các chương trình hối lộ.

Nhà phân tích Igor Boțan, từ tổ chức nghiên cứu ADEPT, nói với tờ Kyiv Independent rằng: “Các mạng lưới tội phạm đã chứng minh rằng chúng mạnh hơn về mặt công nghệ so với các tổ chức nhà nước”.

Để bảo đảm cuộc bầu cử công bằng vào ngày 3 tháng 11 và mùa hè năm sau (trong cuộc bầu cử quốc hội), chính phủ sẽ cần chặn các giao dịch ngân hàng từ Nga và việc sử dụng tiền điện tử ở Moldova, nơi tiền của Nga được chuyển qua.

“Nếu họ không có đủ năng lực để thực hiện, họ nên kêu gọi các đối tác Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ”, Boțan cho biết.

Theo nhà phân tích Victor Ciobanu, kết quả bầu cử cho thấy cuộc bỏ phiếu phản đối có thể là “lời cảnh tỉnh” cho chính phủ thân Âu Châu của Sandu.

Kể từ cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát đã tăng 40% ở Moldova, trong khi lương và lương hưu không theo kịp. Nhiều người đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng giá cả tăng cao và chia sẻ sự thất vọng với các cải cách chống tham nhũng và tư pháp chậm chạp.

“Nhưng chính phủ chỉ có thể và nên được thay đổi thông qua các cuộc bầu cử bình thường, công bằng và trung thực”, Ciobanu nói.

Ông cho biết: “Những gì đã diễn ra ở đây trong nhiều năm nay — tại Orhei, Gagauzia và bây giờ là trên toàn quốc — không thể được gọi là bầu cử” vì sự hiện diện tràn lan của “tiền bẩn” và “lời nói dối”.

Ciobanu lập luận rằng nếu quá trình làm băng hoại nền tảng dân chủ không bị ngăn chặn, thì vào năm 2025, sau cuộc bầu cử quốc hội, người Moldova sẽ lại một lần nữa rơi vào tình trạng “một nhà nước mafia bị tạm chiếm”.

“Và Điện Cẩm Linh sẽ có được một chính phủ thân Nga ở Moldova mà không cần phải bắn một phát súng nào và có cơ hội mở mặt trận thứ hai chống lại Ukraine,” Ciobanu nói thêm.

[Kyiv Independent: How Russia attempted to steal Moldovan election, referendum, and what comes next?]