Christopher Wells của Vatican News tường trình:



Tại cuộc họp báo gần nhất của Thượng hội đồng, các thành viên thảo luận về vai trò và thẩm quyền của các giám mục, nhu cầu giáo luật phải phản ảnh tính đồng nghị, thẩm quyền về giáo lý của các hội đồng giám mục và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Thực vậy, những người tham gia Thượng hội đồng đã đề nghị hơn một nghìn “modi” hay sửa đổi cho điều gọi là “Tài liệu cuối cùng”, đánh dấu sự kết thúc công việc của Phiên họp Toàn thể.

Hơn 900 sửa đổi đã được các nhóm làm việc nhỏ của Thượng hội đồng đề nghị, trong đó mỗi đề nghị phải được đa số phiếu thông qua. Nhóm biên soạn chịu trách nhiệm chuẩn bị tài liệu cuối cùng cũng đã nhận được khoảng 100 đề nghị sửa đổi từ các cá nhân tại Thượng hội đồng.

Nhóm biên soạn hiện đang chuẩn bị bản thảo cuối cùng của tài liệu, sẽ được đọc tại Thượng hội đồng vào sáng thứ Bảy và bỏ phiếu vào buổi chiều.

Tại buổi họp báo hôm thứ Tư tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Tiến sĩ Paolo Ruffini, chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng, đã thông báo với các nhà báo rằng các thành viên Thượng hội đồng hiện sẽ bỏ phiếu về việc gia hạn Hội đồng Thường trực của Thượng hội đồng, nơi chịu trách nhiệm chuẩn bị cho Phiên họp Toàn thể tiếp theo. Các thành viên mới được bầu sẽ nhậm chức vào cuối phiên họp hiện tại.

Tuyên bố của Hồng Y tân cử Timothy Radcliffe

Tiến sĩ Ruffini cũng thông báo cho các nhà báo về tuyên bố của Hồng Y tân cử Timothy Radcliffe liên quan đến câu trả lời của Hồng Y Fridolin Ambongo cho một câu hỏi trong buổi họp báo hôm thứ Ba.

Đề cập đến bài phát biểu của Hồng Y tân cử Radcliffe được đăng lại trên tờ L’Osservatore Romano, một nhà báo đã yêu cầu Hồng Y Ambongo trả lời về gợi ý rằng những xem xét về tài chính là lý do đằng sau phản ứng của Châu Phi đối với Fiducia supplicans. Hồng Y Ambongo đã bảo vệ mạnh mẽ Hồng Y tân cử, nói rằng ngài đã nói chuyện với Hồng Y tân cử Radcliffe, người đã đảm bảo với ngài rằng ngài chưa bao giờ gợi ý bất cứ điều gì tương tự như vậy.

Trong tuyên bố được công bố vào thứ Tư, Hồng Y tân cử Radcliffe giải thích rằng cuộc trò chuyện của ngài với Hồng Y Ambongo không đề cập đến bài phát biểu gốc do L'Osservatore Romano công bố, mà là một bài viết của Phil Lawler xuất hiện trên trang web của Catholic Culture.

"Việc Lawler đọc bài viết của Osservatore đã hiểu sai những gì tôi đã viết", Hồng Y tân cử Radcliffe khẳng định. "Tôi chưa bao giờ viết hoặc ám chỉ rằng các lập trường của Giáo Hội Công Giáo ở Châu Phi chịu ảnh hưởng bởi các xem xét về tài chính. Tôi chỉ thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo ở Châu Phi đang chịu áp lực rất lớn từ các tôn giáo và nhà thờ khác được tài trợ tốt từ các nguồn bên ngoài".

Hồng Y tân cử Radcliffe kết thúc tuyên bố của mình bằng cách nói rằng ngài “rất biết ơn Hồng Y Ambongo vì đã bảo vệ rõ ràng lập trường của tôi”.

Quyền hạn và vai trò của các giám mục trong Giáo hội

Sau bài thuyết trình của Tiến sĩ Ruffini, các diễn giả khách mời của ngày thứ Tư đã lên tiếng, bắt đầu với Hồng Y Robert Prevost, OSA.

Tổng trưởng Bộ Giám mục đã phát biểu về vai trò và thẩm quyền của các giám mục và hội đồng giám mục, bắt đầu bằng cuộc thảo luận về tiến trình lựa chọn giám mục. Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng các giám mục không phải là “người quản lý doanh nghiệp”, mà trước hết và trên hết phải là mục tử, đồng hành cùng dân Chúa được giao phó cho các vị chăm sóc.

Đức Hồng Y Prevost lưu ý đến sự căng thẳng mà các giám mục cảm thấy liên quan đến vai trò là cha và mục tử của các vị trong khi đôi khi cũng phải là thẩm phán và người áp dụng kỷ luật.

Đức Hồng Y nhiều lần nhấn mạnh rằng thẩm quyền của giám mục dựa trên “sự phục vụ”, nói rằng điều rất quan trọng là phải thay đổi động lực của các cấu trúc quyền lực trong Giáo hội bằng cách nhấn mạnh đến nhu cầu phục vụ tất cả các thành viên của một giáo phận. Trong bối cảnh này, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu các giám mục phải tham khảo ý kiến và làm việc với các linh mục, tu sĩ và giáo dân, cũng như các cấu trúc đồng nghị khác nhau đã được công nhận trong luật giáo luật.

Ngài tiếp tục khuyến khích các giám mục tìm hiểu về giáo dân của mình và lắng nghe họ.

Cuối cùng, Đức Hồng Y Prevost cho biết điều “rất quan trọng” đối với các giám mục là tiếp cận những người ở bên lề xã hội và những người cảm thấy bị loại trừ, và mời họ trở thành một phần của Giáo hội.

Ngài nhấn mạnh câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “mọi người, mọi người, mọi người,” có nghĩa là tất cả đều phải được chào đón, và lưu ý rằng các giám mục được đặc biệt kêu gọi trở thành biểu thức của sự chào đón và cởi mở đó.

Vai trò của giáo luật trong tiến trình đồng nghị

Diễn giả tiếp theo, Giáo sư Myriam Wijlens, một chuyên gia tại Thượng hội đồng, đã đề cập đến vai trò của giáo luật liên quan đến tính đồng nghị.

Bà đã sử dụng phép ẩn dụ “nhấn nút thiết lập lại” [hitting the reset button], ám chỉ đến một bài giảng trước đó mà bà đã trình bày, và cho biết điều này liên quan đến việc thay đổi hệ thống trong đó chúng ta làm việc để tối ưu hóa các điều kiện làm việc cho một nhiệm vụ đặc thù.

Bà cho biết Thượng hội đồng hiện tại là lời mời của Đức Giáo Hoàng để Giáo hội được “tái cấu hình” liên quan đến các chủ thể hành động nhằm tối ưu hóa nhiệm vụ truyền giáo của Giáo hội.

Có nguồn gốc từ Công đồng Vatican II, điều này liên quan đến các thành viên của Giáo hội cùng nhau phân định, theo sự đa dạng của các ơn gọi, đặc sủng, v.v., và trong các bối cảnh khác nhau trong đó họ đang hiện hữu, họ có thể giúp làm cho sứ mệnh của Giáo hội đáng tin cậy và hiệu quả hơn ra sao.

Giáo sư Wijlens cũng nhận xét về "sự nhất quán tuyệt vời" của dân Chúa, những người đã nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi do Thượng hội đồng khởi xướng phải đi kèm với các cấu trúc giáo luật. Bà lưu ý các lời kêu gọi các cuộc họp giám mục và giáo hội có sự tham gia của toàn thể dân Chúa ở mọi bình diện của Giáo hội, bao gồm cả bình diện lục địa, cũng như các lời kêu gọi phải có các hội đồng mục vụ có tính ra mệnh lệnh [mandatory], mà bà cho biết cần phải được tăng cường.

Cuối cùng, Giáo sư Wijlens nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình, minh bạch và đánh giá, lưu ý rằng các hành vi lạm dụng trong Giáo hội đã tác động đến uy tín của Giáo hội.

Bà lưu ý rằng nhận thức ngày càng tăng rằng tất cả các tín hữu đều gắn kết với nhau và điều này ngụ ý một trách nhiệm chung để giữ gìn lẫn nhau. Bà nói thêm rằng nhận thức này không xuất phát từ quan điểm xã hội mà từ góc độ thần học sâu sắc.

Thẩm quyền tín lý của các hội đồng giám mục

Cha Gilles Routhier, một nhà thần học và chuyên gia về giáo hội học và lịch sử Giáo hội, đã phát biểu tiếp theo, thảo luận về vấn đề thẩm quyền tín lý của các hội đồng giám mục.

Ngài lưu ý rằng vấn đề này không phải là mới, đã được giải quyết trong một số văn kiện của giáo quyền kể từ Công đồng Vatican II.

Ngài nhấn mạnh vào một mô tả chặt chẽ về ý nghĩa của thuật ngữ này, nhấn mạnh rằng các hội đồng giám mục không có thẩm quyền đề nghị các tín điều mới mà phải hành động trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội và với Đức Giáo Hoàng.

Cụ thể, ngài đã nói về thẩm quyền của các hội đồng giám mục trong việc giảng dạy đức tin chung của Giáo hội theo cách đáp ứng nhu cầu của một nhóm người đặc thù—tức là không để giáo huấn như một ý tưởng trừu tượng mà áp dụng giáo huấn của Giáo hội vào các nhu cầu và thách thức mà người dân của họ phải đối diện.

Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Thượng hội đồng

Cuối cùng, Cha Khalil Alwan, ML, một nhân chứng của quá trình đồng nghị từ Giáo hội Maronite, đã nói về các Giáo Hội Công Giáo Đông phương khác nhau.

Ngài bắt đầu bằng cách lưu ý đến một điểm mới của Thượng hội đồng hiện tại, theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã mời những người không phải giám mục—linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, và giáo dân—tham gia với tư cách là thành viên có đầy đủ quyền biểu quyết. Ngài cho biết điều này được giáo dân đánh giá rất cao và cho phép Phiên họp này “là biểu thức tốt nhất của cảm thức đức tin của Giáo hội hoàn vũ”.

Cha Alwan tiếp tục thảo luận về các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, không chỉ là các Giáo hội địa phương, mà là các Giáo hội Tông truyền và Thượng phụ với thẩm quyền, truyền thống và di sản riêng của họ.

Ngài cho biết, những người Công Giáo Đông phương đã di cư ra khỏi quê hương của họ trên khắp thế giới, mang theo sự đồng thuận của các Giáo hội của họ, những nơi thường phải chịu nhiều đau khổ khác nhau, bao gồm cả chiến tranh.

Những người Công Giáo Đông phương phân tán khắp thế giới mang theo “nỗi đau của nhân dân” trong khi vẫn gắn bó với vùng đất quê hương của họ. Thường được đánh dấu bằng “phúc tử đạo”, họ duy trì hy vọng về sự Phục sinh.

Cha Alwan cho biết trong Thượng hội đồng này, những người Công Giáo Đông phương đã trải nghiệm sự phong phú của sự hiệp nhất trong Giáo hội nhưng vẫn đa dạng. Cha nói, “Thông qua sự phân định trong Chúa Thánh Thần, chúng ta đã tìm thấy lòng cảm thương, sự hiểu biết và hy vọng từ những người khác”.

Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “dệt nên các mối quan hệ và xây dựng những cây cầu đối thoại” nhằm mục đích hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau làm việc vì lợi ích chung.

Cha cũng lưu ý những dấu hiệu cụ thể của tình liên đới, bao gồm bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho những người Công Giáo ở Cận Đông và lời kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay để chấm dứt “những hành động tàn bạo” của chiến tranh ở Đất Thánh, cũng như việc phong thánh cho mười một vị tử đạo từ Damascus trong Thánh lễ vào Chúa Nhật, ngày 20 tháng 10.

Cuối cùng, sau khi lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấm dứt chiến tranh ở Đất Thánh, Cha Alwan giải thích rằng hy vọng của người Kitô hữu không chỉ là sự lạc quan hời hợt.

Cha nói rằng Thập giá không phải là lời cuối cùng. Thiên Chúa đã chuẩn bị một con đường sống ngay cả trong đau khổ, “cho chúng ta hy vọng để tiếp tục, hy vọng về một tương lai hòa bình ở Trung Đông, ngay cả khi nó có vẻ xa vời”.