Một nhóm nữ tu dòng Cát Minh ở Arlington, Texas, đã tuyên bố trong tuần qua rằng các sơ sẽ liên kết với Huynh Đoàn Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX, một nhóm theo chủ nghĩa truyền thống không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo và có tình trạng bất thường về mặt giáo luật.

Các nữ tu đã trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi kể từ năm ngoái sau khi Giáo phận Fort Worth mở cuộc điều tra về hành vi sai trái của bề trên tu viện.

Các nữ tu đã bất chấp sắc lệnh của Vatican về việc quản lý tu viện của họ và yêu cầu tòa án địa phương ra lệnh cấm Đức Cha Michael Olson, giám mục Fort Worth, can thiệp vào công việc của tu viện. Việc các nữ tu từ chối thẩm quyền “là điều đáng xấu hổ và thấm đẫm mùi ly giáo”, Đức Cha Olson cho biết trong tuần này.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đôi khi cũng tranh luận điều tương tự về SSPX, một hội huynh đệ gây tranh cãi của các linh mục nổi tiếng với việc cử hành Thánh lễ La-tinh theo truyền thống nghiêm ngặt và phản đối các cải cách của Công đồng Vatican II.

Nguyên tắc hoạt động của nhóm “là chức linh mục và tất cả những gì liên quan đến chức linh mục và không có gì khác ngoài những gì liên quan đến chức linh mục,” SSPX cho biết trên trang web của mình. Nhóm được thành lập vào năm 1970 bởi Tổng giám mục Marcel Lefebvre, một giáo sĩ người Pháp, là người đã chỉ trích gay gắt nhiều thay đổi do Công đồng Vatican II mang lại.

Theo trang web của nhóm, ngoài việc chống báng việc cải cách Thánh lễ theo hướng hiện đại, Đức Cha Lefebvre còn phản đối “chủ nghĩa đại kết và tinh thần đồng đoàn — trong đó nhấn mạnh rằng Giáo hội phải được điều hành chủ yếu thông qua tiến trình dân chủ và các hội đồng giám mục”.

Nhóm này điều hành các tu viện, nhà nguyện và các cơ sở truyền giáo trên khắp thế giới cũng như các chủng viện. Nhóm này cũng có hàng trăm linh mục và vài trăm chủng sinh nữa.

Có lẽ khoảnh khắc gây tranh cãi nhất của nhóm xảy ra vào năm 1988 khi Đức Cha Lefebvre tấn phong bốn giám mục tại Écône, Thụy Sĩ, bất chấp lời cảnh cáo rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong vòng vài giờ, Vatican tuyên bố rằng Lefebvre và bốn giám mục đã tự chuốc lấy vạ tuyệt thông.

Trong tự sắc Ecclesia Dei, Đức Gioan Phaolô II lập luận rằng “không thể duy trì lòng trung thành với Truyền thống trong khi phá vỡ mối liên kết Giáo hội với người mà chính Chúa Kitô đã trao phó cho, qua con người của Thánh Tông đồ Phêrô, sứ vụ hiệp nhất trong Giáo hội của Người”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông này vào năm 2009, mặc dù ngài đã giải thích trong một lá thư rằng SSPX không có tư cách giáo luật và do đó “các linh mục của SSPX không thực hiện các chức vụ hợp pháp trong Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở rộng thêm các đặc quyền của nhóm, ra lệnh trong Năm thánh Lòng thương xót đặc biệt 2015–2016 rằng các linh mục SSPX được ban cho năng quyền giải tội; sau đó ngài đã gia hạn lệnh này vô thời hạn.

Trong khi đó, vào năm 2017, ngài đã chấp thuận một cách thức để các linh mục của nhóm chứng hôn cho các cuộc hôn nhân hợp lệ, trao cho các giám mục giáo phận hoặc các giám mục địa phương khác khả năng phê chuẩn các quyết định như vậy.

Người Công Giáo có thể tham dự thánh lễ do các linh mục của SSPX cử hành không?

Một số người Công Giáo tìm đến Thánh lễ do SSPX cử hành vì tính trang trọng và sự trung thành với các hình thức phụng vụ trước đó. Nhưng Giáo hội có cho phép điều này không?

Jimmy Akin, một nhà biện giáo cao cấp của Catholic Answers, nói với CNA rằng SSPX “hiện không ly giáo”.

“Vào năm 1988, Đức Gioan Phaolô II đã phán quyết rằng các lễ tấn phong giám mục mà hội này tiến hành bất tuân với Giáo hoàng Rôma trên thực tế hàm ý sự phủ nhận quyền tối cao của Rôma và do đó cấu thành hành động ly giáo”, ông lưu ý.

“Điều này đã kích hoạt hình phạt tự động là tuyệt thông vì tội ly giáo đối với các giám mục liên quan và, theo lời của Đức Gioan Phaolô II, bất kỳ ai 'chính thức tuân thủ' nhóm ly giáo này.”

Việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 dỡ bỏ các vạ tuyệt thông này vào năm 2009 “ngụ ý rằng SSPX không còn ly giáo nữa, vì ly giáo sẽ tự động bị vạ tuyệt thông”, ông nói.

“Nếu họ vẫn còn trong tình trạng ly giáo, thì lệnh tuyệt thông không thể được gỡ bỏ. Do đó, họ không còn trong tình trạng ly giáo nữa.”

Nhưng các linh mục của hội này đang “cử hành Thánh lễ mà không có giấy phép thích hợp, tạo ra tình trạng bất thường về mặt giáo luật”, Akin cho biết.

Ông chỉ ra rằng Bộ Giáo luật quy định rằng người Công Giáo “có thể tham gia vào hy tế Thánh Thể và rước lễ trong bất kỳ nghi lễ Công Giáo nào”. Vì SSPX đang sử dụng nghi lễ Thánh lễ được chấp thuận năm 1962, nên “các tín hữu có thể tham dự và rước lễ”.

“Việc các thánh lễ này được tổ chức trong một hoàn cảnh không bình thường theo giáo luật không làm thay đổi điều này”.

Ngài chỉ ra rằng “mỗi khi một linh mục phạm tội lạm dụng phụng vụ, điều đó tạo ra một tình huống bất thường về mặt giáo luật”, nhưng Giáo hội “không muốn giáo dân phải phán đoán tình huống bất thường về mặt giáo luật nào liên quan đến việc vi phạm luật”.

Do đó, “quyền tham dự và rước lễ trong bất kỳ nghi lễ Công Giáo nào của các tín hữu đều được bảo vệ”.

Mặc dù các tín hữu không bị nghiêm cấm tham dự Thánh lễ SSPX, nhưng trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã cảnh báo người Công Giáo không nên làm như vậy, trừ những trường hợp nghiêm trọng.

Đức Ông Camille Perl, khi đó là thư ký của Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đã phát biểu vào năm 1995 rằng: “Các Thánh lễ mà SSPX cử hành cũng hợp lệ, nhưng về mặt đạo đức, việc các tín hữu tham gia vào các Thánh lễ này được coi là bất hợp pháp trừ khi họ bị cản trở về mặt thể chất hoặc đạo đức khi tham gia Thánh lễ do một linh mục Công Giáo có uy tín cử hành”.

Một lá thư năm 1998 của Đức Ông Perl lưu ý rằng “tâm lý ly giáo” của SSPX đã khiến ủy ban giáo hoàng “liên tục khuyến khích các tín hữu không tham dự Thánh lễ được cử hành dưới sự bảo trợ của Hội Thánh Piô X”.


Source:Catholic News Agency