1. Linh mục Ôn Châu công khai chống lại quyết định của Ban Tôn giáo
Một linh mục Công Giáo Trung Quốc đã ghi danh với các cơ quan chính thức đã viết một bức thư ngỏ gửi tới những nhà lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh Chiết Giang để phản đối tình hình ở giáo phận Ôn Châu.
Trong văn bản đề ngày 16 tháng 8 và được giới Công Giáo địa phương lưu hành, Cha Kim Mộng Tú (Jin Mengxiu, 金梦秀) tố cáo cuộc đột kích của các công an viên mặc đồng phục vào Chúa Nhật, ngày 11 tháng 8, vào một nhà thờ bị bỏ hoang không được chăm sóc mục vụ theo kế hoạch thiết kế lại giáo xứ đã được một linh mục tiếm quyền Giám Mục quyết định vài tháng trước. Cha Mã Hiền Sĩ ( Ma Xianshi, 马贤士) là vị linh mục “yêu nước”, đang là người thực sự lãnh đạo Giáo Hội địa phương này.
Giáo phận Ôn Châu là trung tâm của tình trạng đau thương đối với người Công Giáo Trung Quốc trong nhiều năm. Trên thực tế, theo giáo luật, giáo phận có giám mục riêng, là Đức Cha Thánh Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 61 tuổi, được Tòa Thánh tấn phong làm giám mục phó vào năm 2011 và do đó ngài đương nhiên đã kế vị người tiền nhiệm là Đức Cha Vinh Sơn Chu Vệ Phương sau khi ngài qua đời tháng 9 năm 2016.
Tuy nhiên, vì từ chối tham gia các cơ quan “chính thức” do chính quyền Bắc Kinh áp đặt đối với người Công Giáo Trung Quốc, ngài chưa bao giờ nhận được sự công nhận từ các cơ quan chức năng coi giáo phận này là “trống tòa” và đã giao phó quyền quản lý trên thực tế của cộng đồng Công Giáo địa phương cho Cha Mã Hiền Sĩ.
Đây là lý do tại sao Đức Giám Mục “hầm trú” Thiệu Chúc Mẫn đã bị bắt nhiều lần trong những năm gần đây, đặc biệt trùng với các lễ trọng, nhằm ngăn cản giáo dân tham dự các nghi lễ do ngài chủ trì. Tuy nhiên, vụ bắt giữ cuối cùng của ngài là vào Tháng Giêng năm ngoái và – như AsiaNews đã đưa tin - có liên quan chính xác đến việc ngài phản đối việc tổ chức lại các giáo xứ do Cha Mã quyết định.
Trong thư ngỏ gửi Ban Tôn giáo, Cha Kim Mộng Tú không đề cập đến Đức Cha Thiệu, nhưng vấn đề mà ngài nêu ra hoàn toàn giống nhau: đó là thẩm quyền mà Cha Mã quyết định các vấn đề liên quan đến giáo xứ và giáo sĩ trong giáo phận.
Cha Kim Mộng Tú là một linh mục đang nghỉ việc, không có nhiệm vụ mục vụ - lập luận rằng việc xác định lại địa lý của các giáo xứ bởi một linh mục không phải là giám mục (xảy ra sau lễ khánh thành một nhà thờ mới ở Long Giang năm ngoái tại giáo phận Ôn Châu). với sự cho phép của chính quyền địa phương ) đã tạo ra sự hoang mang trong lòng các tín hữu.
Và vì điều này, ngài cảm thấy nhiệm vụ của mình là cử hành các bí tích trong nhà thờ không có linh mục, bất chấp áp lực ngược lại từ các cơ quan chính thức. Ngài tự bảo vệ mình bằng cách nói rằng mục đích của ngài chỉ là ngăn chặn cộng đồng tín hữu mất đi sự giúp đỡ về mặt tinh thần, gây thêm hỗn loạn trong Giáo Hội địa phương và do đó làm tổn hại đến sự hòa hợp của xã hội.
“Theo giáo luật, chỉ có giám mục mới có quyền thành lập hoặc bãi bỏ các giáo xứ”. Ngài lưu ý rằng điều này chưa từng xảy ra ở các giáo phận khác của tỉnh Chiết Giang và “ngay cả ở Thượng Hải (nơi vẫn tồn tại trong nhiều năm mà không có giám mục) trước khi Giám mục Thẩm Bân đến”.
Ngài lập luận rằng sự can thiệp của công an để hỗ trợ những quyết định của Cha Mã không giúp thúc đẩy sự hòa hợp giữa chính trị và tôn giáo mà trái lại sẽ chỉ làm dấy lên thêm những mâu thuẫn và xung đột. Cha Kim Mộng Tú cũng đặt câu hỏi về các quy định mang tính tôn giáo của tỉnh Chiết Giang và của Cha Mã. Nếu một linh mục hành động bằng cách từ bỏ các quy tắc của Giáo hội đã nuôi dưỡng và hỗ trợ ông ta bấy lâu nay, thì “lòng yêu nước” của ông ta sẽ đáng tin đến mức nào?
Văn bản kết thúc bằng lời kêu gọi các lãnh đạo Sở Tôn giáo cấp tỉnh kêu gọi họ “sửa chữa những sai sót trong việc thực thi pháp luật” và bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và xã hội trong giáo phận Ôn Châu.
2. Nhà nước Nicaragua tiếp tục bách hại Giáo hội
Nhà nước Nicaragua tiếp tục bách hại Giáo Hội Công Giáo. Có thêm hai linh mục bị bắt, vào ngày 10 và ngày 11 tháng Tám vừa qua, và sau đó bị trục xuất sang Roma.
Đó là cha Leonel Belmaceta, cha sở giáo xứ Chúa Giêsu tình thương Chúa Ba Ngôi, thuộc Giáo phận Estelí, và cha Denis Martínez, thuộc ban giảng huấn ở Đại chủng viện Đức Mẹ Fatima, ở thủ đô Managua, nhưng thuộc Giáo phận Matagalpa.
Tổng cộng, trong sáu năm qua, từ 2018, đã có 245 linh mục và tu sĩ nam nữ Nicaragua bị nhà nước trục xuất ra nước ngoài. Trong số các nạn nhân, cũng có cả Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Waldemar Sommertag, người Ba Lan, ba giám mục, 136 linh mục thuộc các giáo phận khác nhau, ba phó tế, 11 chủng sinh và 91 tu sĩ nam nữ. Trong số các vị, có 19 người, đặc biệt là Đức Cha Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa và Đức Cha Silvio Báez, cùng với 14 linh mục khác bị nhà nước gán vào tội phản quốc và tước bỏ quốc tịch.
Theo những người bênh vực nhân quyền và các trang mạng, như La Prensa và 100% Noticias, cả linh mục Danny García, cha sở nhà thờ thánh Gioan Baotixita ở Matagalpa, bị bắt rồi được “trả tự do” vào ngày 15 tháng Tám vừa qua, nhưng rồi cũng đã phải rời bỏ Nicaragua.
3. Công Giáo tăng trưởng mạnh tại Đông Á và Đông nam Á
Trong khi Công Giáo suy giảm tại nhiều nước Âu châu, Giáo hội tại miền Đông và Đông Nam Á trưởng thành mạnh mẽ và cả tại nước Công Giáo chỉ là thiểu số bé nhỏ, nhưng Giáo hội cũng có một ảnh hưởng quan trọng về văn hóa và xã hội.
Tại Nam Hàn, trong 70 năm qua, số tín hữu Công Giáo đã tăng từ khoảng 200.000 lên hơn bốn triệu người như hiện nay. Quốc gia này là nơi diễn ra Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2027, và được coi là một trong những thành công lớn của Giáo Hội Công Giáo tại Á châu. Tại đại lục này, cứ chín người thì có một tín hữu Công Giáo. Tổng cộng họ chiếm 3% trên tổng số gần năm tỉ người.
Những nước đông người ở Á châu có tỉ lệ Công Giáo rất ít: 1.5% tại Ấn Độ, 0,5% tại Trung Quốc, gần 3% tại Indonesia, 0,2% tại Bangladesh, 0,7% tại Pakistan và gần 1% tại Nhật Bản.
Giáo Hội Công Giáo chiếm đa số dân tại Philippines, với 80%, hơn 90% tại Đông Timor, quốc gia sắp được Đức Thánh Cha thăm viếng, từ ngày 10 tháng Chín tới đây.
Đời sống Công Giáo tại Á châu phải đương đầu với nhiều khó khăn về chính trị, tôn giáo, thần học và văn hóa rất khác nhau. Những vấn đề chính mà các tín hữu Công Giáo gặp phải, là sự gia tăng trào lưu Hồi giáo cực đoan tại những nước, như Malaysia, Indonesia hoặc Pakistan, cũng như sự đàn áp của nhà nước. Tại Ấn Độ, cũng có sự đàn áp từ phía nhà nước, do đảng quốc gia Ấn giáo đang cầm quyền, và trong nhiều quốc gia độc tài khác tại Á châu, khó khăn đến từ phía nhà nước hơn là dân chúng.
Mặc dù Kitô giáo được khai sinh ở Đông phương và có mặt tại Ấn từ thế kỷ thứ IV, đạo này vẫn bị coi là một tôn giáo ngoại lai.
Những khó khăn vừa nói cũng như những khó khăn khác không cản trở Á châu có tỷ lệ tín hữu tăng trưởng cao nhất thế giới. Theo thống kê của Tòa Thánh, tại Á châu hiện nay có 153,3 triệu tín hữu Công Giáo. Mỗi năm, bình quân tăng khoảng một triệu 490.000 tín hữu.
4. Nhận định của Đức Hồng Y Woelki sau cuộc viếng thăm Ukraine
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Köln bên Đức, nhận xét rằng nhân dân Ukraine quá mệt mỏi vì chiến tranh, nhưng họ nhất quyết sống trong tự do và độc lập.
Đức Hồng Y cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Phát thanh Domradio của Giáo phận Köln, hôm 18 tháng Tám vừa qua, sau sáu ngày viếng thăm liên đới tại Ukraine. Đức Hồng Y Woelki nói: “Nhiều người dân mệt mỏi. Hầu hết người dân đều muốn cuộc chiến hiện nay chấm dứt, nhưng không phải với bất kỳ giá nào. Họ muốn tự do, muốn độc lập, muốn có chủ quyền, và họ nói tiếp với tôi rằng họ đã bị áp bước suốt dòng lịch sử của họ và tự do như một quốc gia của họ thỉnh thoảng đã bị tước đoạt, nay họ không muốn chấp nhận như vậy nữa. Đó là lý do tại sao nhiều người sẵn sàng từ bỏ mọi sự nhân danh tự do. Đối với nhiều người, điều này có nghĩa là hy sinh mạng sống. Và điều gây sốc là những người ấy ở sau tiền tuyến. Họ chịu đau khổ rất nhiều và đàng khác, họ cảm thấy vinh dự được ngã gục như vậy, một cách không thể tưởng tượng được đối với chúng ta”.
Đức Hồng Y Tổng giám mục Köln cho biết dân Ukraine mong đợi tình liên đới từ phía chúng ta, mong chúng ta đừng quên họ, đừng quen thuộc với chiến tranh này. Họ mong chúng ta không phải chỉ phản ứng bằng cảm xúc, rồi trở lại cuộc sống bình thường. Trái lại, họ mong đợi và hy vọng được nâng đỡ trong tiến trình hòa bình. Nhất là họ mong được hưởng hoặc cảm nghiệm cùng những tự do mà chúng ta coi là chuyện dĩ nhiên. Họ cũng mong chúng ta can thiệp làm sao để các tù nhân được trả tự do. Đức Hồng Y nói: “Tôi gặp nhiều người, những bà mẹ không được tiếp xúc, không có tin tức về con cái họ từ một năm rưỡi, và họ khóc vì đau khổ. Họ không biết nói gì, không biết con mình còn sống hay chết, ở đâu, có bị thương không hay là đã chết rồi? Điều gì xảy ra cho con họ ở mặt trận? Tình trạng không chắc chắn đó hủy hoại con người. Ho mong đợi chúng ta công khai, kể cả trong lãnh vực chính trị, yêu cầu làm sao để quy ước Genève, về quyền của các tù nhân được tôn trọng, nhất là những người biết những gì xảy ra cho con cái họ.”
Trong những ngày viếng thăm, Đức Hồng Y Woelki đã dừng lại tại các thành phố Lvov và thủ đô Kyiv để thăm các dự án bác ái, gặp gỡ các vị lãnh đạo và sinh viên, cũng như cử hành các buổi lễ. Ngài sẽ thăm các địa điểm, như Irpin, Butscha và Hostomel, là những nơi mà sau khi quân Nga rút khỏi sau khi xâm lược, người ta tìm thấy tử thi của hàng trăm người bị giết. Tại các nơi đó, Đức Hồng Y sẽ gặp gỡ và nói chuyện với những người sống sót.
Tại Kyiv, Đức Hồng Y Köln đã gặp Đại sứ Đức, ông Martin Jaeger, cũng như gặp Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Trong chương trình, Đức Hồng Y đã viếng thăm nghĩa trang quân đội và gặp gỡ thân nhân các tử sĩ.