Trong dân gian có ngạn ngữ: Có thực mới vực được đạo! Đọc hay nghe qua ngạn ngữ này, gợi lên cảm tưởng như vừa khôi hài diễu cợt cho vui, và cũng vừa xem ra có vẻ gì còn ẩn chứa khúc mắc!
Vậy câu ngạn ngữ này ẩn chứa phản ảnh hình ảnh gì của cuộc sống con người?
Nhà tâm lý học Hoa kỳ Abraham Maslow ( 1908-1970) chỉ ra những nhu cầu cho thân xác: không khí để thít thở, nước uống, thực phẩm, giấc ngủ… Trước hết khi những nhu cầu về thể lý cho thân xác được thỏa mãn có đầy đủ, những nhu cầu cao hơn, như mong muốn khao khát hướng về sự tự do, sẽ đến tiếp theo.
Ông Maslow đã dùng hình ảnh một kim tự tháp để diễn tả điều đó:Những nhu cầu thể lý xây dựng làm thành nền tảng cho cây kim tự tháp này. Nếu những nhu cầu này được chăm sóc cho có đầy đủ, như vậy có thể nói được là nền tảng được xây dựng tạo thành. Trên nền tảng này những nhu cầu cao hơn sẽ được xây dựng lên.
Kinh thánh nơi sách Xuất Hành ( XH 16, 2-4. 12-15 ) thuật lại hình ảnh kim tự tháp trước hết về nhu cầu thể lý, rồi sau đó đến luân lý, trong cuộc sống trong sa mạc của dân Israel trở về đất Chúa hứa từ nước Aicập, vào năm 1440 trước Chúa giáng sinh, tựa như Maslow diễn tả.
Xuất hành được thoát ra khỏi đất nước Ai Cập, nơi họ đã sống đời nô lệ cực nhọc tủi nhục, họ vui mừng reo vui chiến thắng lên đường xuất hành trở về quê cũ. Giấc mơ trở về quê hương cũ thành hiện thực! Nhưng trên đường đi băng qua sa mạc, không chỉ đi đường mệt nhọc, họ còn đói bụng thiếu lương thực ăn. Họ kêu ca yêu cầu sao cho có cơm bánh cho nhu cầu thể lý bao tử. Và như thế xem ra sự tự do thoát cảnh nô lệ lúc này không quan trọng nữa. Họ hoài tưởng đến khi xưa còn ở bên Ai Cập có đầy đủ thức ăn cho thân xác bao tử, một nhu cầu căn bản cho đời sống.
Trước hết cần có nồi cơm, bánh thực phẩm cho no bụng, rồi sau đó nói tới nhu cầu sự tự do, nhu cầu tinh thần…
Và Chúa Giêsu Kitô thấu hiểu điều này, dân chúng không chạy theo đến nghe Ngài rao giảng nước Thiên Chúa, vì họ mong muốn cảm nhận về hình ảnh Thiên Chúa tình yêu thương. Nhưng vì trước đó họ đã được Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh cá ra nhiều cho họ ăn no dư đủ, trong lúc họ đói khát lương thực cho nhu cầu của thân xác bao tử. ( Ga 6, 24-35).
Đọc hai đoạn Kinh Thánh trên, lẽ tất nhiên có ngạc nhiên, và có thể người đạo đức luân lý khắt khe có suy nghĩ cho là sao lại coi trọng miếng ăn thế! Sao lại cho cái bụng trước đã vậy?
Trong cuộc xuất hành ngày xưa trong sa mạc Thiên Chúa Giavê, và Chúa Giêsu, như kinh thánh thuật lại, chú ý đến nhu cầu no đủ cho thân xác của dân chúng trước, trước khi nói cho họ hiểu biết về những luật lệ giới răn, và cung cách sống trong tương quan với Thiên Chúa cùng con người với nhau.
Thiên Chúa Giavê trong sa mạc đã nuôi dân bằng thực phẩm ban cho họ có chim cút và Manna để ăn cho nhu cầu thân xác no đủ.
Chúa Giêsu Kitô đã làm phép lạ cho năm chiếc bánh và hai con cá, hóa ra nhiều cho nhu cầu thể lý no đủ của hàng ngàn dân chúng theo ngài đang trong lúc đói khát.
Kinh Thánh không đưa ra lời rao giảng phải sống khắc khổ nhịn đói để lập công! Nhưng muốn hướng con người đến giới hạn của nhu cầu được no đủ về thể lý. Vì sự thỏa mãn cho nhu cầu thể lý không là duy nhất, và cũng không là đích điểm ý nghĩa sau cùng của đời sống. Nhưng còn có những nhu cầu khác cao hơn nữa.
Kinh thánh ngầm nhắn nhủ: đừng dừng lại nơi nhu cầu no đủ thể lý bao tử. Khi nhu cầu có ăn no đủ cho thân xác, đồng nghĩa với trận chiến đấu cho sức sống nơi bao tử, nơi bắp thịt xương cốt… đã ngã ngũ, con người phải hướng đến tự do, đến gía trị tinh thần cao cả hơn. Ai có cuộc sống no đủ cho nhu cầu thân xác, họ có thể nên suy nghĩ làm cách nào có thể giúp người khác cũng có được no đủ cho nhu cầu thân xác như mình. Một nhu cầu tinh thần bác ái tình liên đới!
Nỗ lực làm việc tìm kiếm miếng cơm manh áo cho nhu cầu thể lý được đáp ứng no đủ, là việc chính đáng cần thiết. Nhưng không là tối thượng bất chấp bằng mọi gía, miễn sao cho mình đạt được đích, như dân gian có ngạn ngữ cảnh báo không được lấy: Mục đích (thánh hóa) biện minh cho phương tiện!
Thiên Chúa Giave trong sa mạc đã ban cho dân Israel lúc đói khát có thực phẩm ăn no đủ. Nhưng đồng thời Ngài cũng truyền ban cho họ 10 điều răn làm khung cảnh đường hướng cho nếp sống tinh thần trong tương quan với Thiên Chúa nơi trời cao, và với người khác cùng chung sống trên mặt đất với nhau. 10 điều răn Thiên Chúa ban đề ra biên giới kỷ cương cho nếp sống có luân lý đạo đức.
Thiên Chúa không cần luân lý của con người. Nhưng con người cần nếp sống có luân lý, để đời sống giữa và cùng với nhau có gía trị tốt đẹp, trật tự cùng niềm vui bình an.
Dẫu vậy khi nhu cầu thể lý cho thân xác được đáp ứng thỏa mãn no đủ, và dẫn đưa đến nhu cầu nếp sống tinh thần luân lý trong nhận thức cần cố gắng. Đây là điều tốt đẹp cần thiết, nhưng chưa phải là đích điểm sau cùng. Một nhu cầu khác cao hơn còn cần phải đạt tới vươn lên nữa: đời sống tinh thần tự thể hiện chính mình!
Maslow đã diễn tả nhu cầu nầy là ngọn cao đỉnh điểm của cây kim tự tháp về những nhu cầu đời sống con người. Ông suy tư phân tích cho rằng khi những nhu cầu từ nền tảng thể lý về no đủ, về tương quan sống xã hội con người liên kết với nhau, về luân lý được tròn đầy, họ vẫn còn thiếu khát vọng nhu cầu cao hơn nữa, nó vượt qúa tầm nhìn, tầm suy hiểu của con người.
Điều này thể hiện phản ảnh nơi xây dựng những đền thờ thánh đường rộng lớn nguy nga với những kỹ thuật nghệ thuật cao vời diệu kỳ, như những nhà thờ chính tòa, những Basiliken khắp nơi trên thế giới… Những bức tranh vẽ, những bức tượng huyền ảo thần thánh thiêng liêng, như chuỗi dải tranh vẽ về lịch sử Thiên Chúa sáng tạo cứu chuộc con người trên trần nhà nguyện Sixtine do danh họa Michael Angelo vẽ, bức tranh nổi tiếng thần thánh Ngày phán xét sau cùng cũng do Michael Angelo vẽ trên tường cung thánh nhà nguyện Sixtine ở Vatican… Những suy niệm chiêm niệm thiêng liêng thần học… Tất cả những sản phẩm đó hướng chỉ về nhu cầu thiêng liêng vượt xa tầm trí khôn con người, mà họ đi tìm khám phám ra nơi tôn giáo đạo đức thiêng liêng.
Trong sa mạc Thiên Chúa Giave nói với Thánh Ngôn sứ Mose, thực phẩm được ban cho dân chúng ăn no đủ, để họ nhận ra Ta là Thiên Chúa của họ (Xh 16,12).
Chúa Giêsu Kitô không đề cao phép lạ bánh hóa ra nhiều cho có đủ lương thực cho dân chúng ăn no đủ. Nhưng Ngài nhấn mạnh, để họ tin nhận Thầy là Đấng được gửi sai đến,( Ga 6,29), Đấng là cơm bánh lương thực cho đời sống do Thiên Chúa ban cho. Cơm bánh lương thực này làm thỏa mãn no đủ nhu cầu quy hướng về sức sống thiêng liêng.
“Có thực mới vựa được đạo!” hay “cái bụng trước đã”! mới chỉ là bước đầu cho nhu cầu đời sống thể lýđược no điủ thỏa mãn, rồi sau đó tiếp tới nhu cầu đời sống luân lý bác ái, nhưng sau cùng nhu cầu ý nghĩa đích điểm cao sâu đời sống con người tìm thấy nhận ra nơi Thiên Chúa, Đấng là chủ, là nguồn đời sống con người nơi con đường đời sống trên trần gian, cũng như nơi con đường đời sống đời sau bên kia trần gian.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long