1. Ba mươi nhân vật giải Nobel kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo gia tăng sức ép để có cuộc đình chiến

Ba mươi nhân vật đã được giải Nobel kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị lãnh đạo tôn giáo gia tăng sức ép để có cuộc đình chiến, nhân dịp Thế vận Olympic sắp tới.

Báo Il Messaggero, hay Người sứ giả, cho biết lời kêu gọi được gửi đến Đức Giáo Hoàng, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị đại diện Hồi giáo, Do thái giáo, để xin các vị gióng lên một lời kêu gọi hoàn vũ, gởi đến các chính phủ, nhân dịp Thế vận hội Olympic ở Paris. Trong lời kêu gọi, có đoạn viết: “Hàng tỉ người xem các cuộc tranh tài sắp tới, sẽ hiệp với các ngài để kêu gọi hòa bình. Chúng ta hãy làm sao để con cháu chúng ta sống còn”.

“Hiện nay, đang có ít nhất 55 cuộc xung đột võ trang trên thế giới. Dĩ nhiên, mấu chốt chính vẫn là cuộc xung đột Nga-Ukraine, khởi sự cách đây hai năm rưỡi vì cuộc xâm lăng và tấn công của Nga trên đất Ukraine. Đó là một cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Âu châu, lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Những hậu quả của cuộc xung đột này kéo dài, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, tạo nên sự gia tăng đói kém ở các nước Phi châu, một cuộc khủng hoảng di dân vào Âu châu và để lại những chất độc hại về mỗi cuộc dội bom vào các nơi dự trữ nước, lương thực và sữa, lan rộng tới những người ở sáu đại lục. Trước cuối năm nay, người ta dự kiến số người chết và bị thương ở Trung Âu vượt quá một triệu người, lần đầu tiên xảy ra từ sau Thế chiến thứ II”.

Trong cuộc xung đột này, ngân sách quốc phòng trên toàn thế giới gia tăng đến độ có thể ví với những tài nguyên cần thiết để làm chậm lại sự thay đổi khí hậu.

Trong khi người ta giết nhau, con người cũng tàn phá trái đất chúng ta. Sự gia tăng chi phí võ trang cũng có thể so sánh với những phí tổn cần thiết để xóa bỏ nghèo đói trên thế giới trong vòng 80 năm tới đây: lẽ ra, sẽ không ai phải chịu đói hoặc chết vì kiệt lực nữa, và không trẻ em nào còn bị bỏ mặc không có lương thực. Trái lại, thay vì nâng đỡ sự sống, thì những tài nguyên lại bị phung phí để gieo rắc chết chóc”.

Thư của các nhân vật Nobel cũng đặt câu hỏi: ai là những nạn nhân chiến tranh ngày nay? Các nạn nhân thường ở lứa tuổi từ 30 đến 40, điều này có nghĩa là mỗi người ấy mất đi 40 năm cuộc sống. Vì thế, cứ 100.000 người bị giết, thì tương đương với bốn triệu năm không được sống (...) “Chúng ta phải hành động. Chúng tôi xin các ngài hãy phản ứng! Chúng tôi xin các ngài giúp kêu gọi ngưng chiến! Chấm dứt sự uổng phí nhân mạng! Ngăn cản thảm họa hạt nhân!”

Cụ thể, ba mươi nhân vật được giải Nobel yêu cầu áp dụng ngay những nguyên tắc sau đây cho các cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza: ngoài việc ngưng chiến, nhân dịp thế vận hội, còn có sự trao đổi tù nhân của tất cả mọi phe, trả tự do cho các con tin và trả lại thi hài những người chết, và khởi sự thương thuyết”.

Tuy nhiên, vấn đề đôi khi vượt quá những suy nghĩ đơn giản. Ngưng chiến có thể lại mang đến nhiều chết chóc hơn nếu người ta lợi dụng thời gian ngưng bắn để chuyển quân, vận chuyển khí tài chiến tranh, tái phối trí lực lượng. Trong trường hợp như thế, sau ngưng bắn số người chết còn gia tăng mạnh hơn nữa.

2. Thánh tích chân phước Carlo Acutis thánh du tại Đức

Hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy vừa qua, thánh tích của chân phước thiếu niên Carlo Acutis đã bắt đầu được rước đến nước Đức qua năm chặng khác nhau và sau đó sẽ tiếp tục hành trình sang Hòa Lan và Bỉ.

Thánh tích là màng trái tim của chân phước Carlo Acutis, được giữ trong một khám vàng đỏ. Vị Á thánh người Ý, qua đời tại thành phố Monza, bắc Ý, năm 2006, lúc mới 15 tuổi và được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước cách đây gần bốn năm, ngày 10 tháng Mười năm 2020. Ngày 23 tháng Năm vừa qua, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ thứ hai của chân phước mở đường cho việc phong hiển thánh. Tiếp đó, trong Công nghị Hồng Y, ngày 01 tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha đã quyết định sẽ phong chân phước lên bậc hiển thánh, có thể là trong Năm Thánh 2025 sắp tới.

Trong cuộc thánh du sắp bắt đầu, sau khi được rước tới thành phố Munich, thánh tích của chân phước Acutis sẽ được rước tới Đan viện Weltenburg, rồi đến nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Köln, nhà thờ thánh Clemens ở Berlin và sau cùng, là nhà thờ Thánh giá ở thành phố Hamburg.

Tại Đức, việc sùng kính chân phước Acutis, tông đồ bằng Internet, rất phổ biến, ngày từ những tháng đầu tiên sau khi Acutis qua đời hồi năm 2006. Thánh đường Chúa Thánh Linh ở Viktualienmarkt thuộc thành phố Munich sẽ đón tiếp thánh tích. Linh mục Daniel Lerch, cha sở giáo xứ Thánh Linh, chờ đợi đông đảo các bạn trẻ sẽ đến tham dự thánh lễ ban chiều, trước sự hiện diện của thánh tích chân phước Acutis.

Từ nhiều năm nay, một vài sợi tóc của chân phước được giữ trong một nhà tạm cũ tại bàn thờ bên hông thánh đường và rất đông các bạn trẻ muốn nhận được phép lành từ thánh tích của vị chân phước thiếu niên này. Tại nhà thờ Thánh Linh, có 133 bạn trẻ dấn thân mỗi tuần dành một giờ để cầu nguyện với chân phước Acutis.

Ngày thứ Hai, ngày 22 tháng Bảy sau đó, cha Marco Gaballo ở thành Assisi bên Ý, nơi có di hài của chân phước Acutis đã mang thánh tích đến Đan viện Weltenburg và cả Đức Cha Rudolf Voderholzer, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Regensburg, cũng tham dự các buổi lễ với thánh tích của chân phước.

Hồi tháng Năm vừa qua, thánh tích chân phước Acutis cũng đã được rước tới Ái Nhĩ Lan lần thứ ba.

3. Sắc lệnh của Tòa Ân Giải nhân dịp Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ tư

Nhân Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên lần thứ tư, Đức Thánh Cha Phanxicô ban Ơn Toàn xá cho các ông bà, người già và tất cả các tín hữu tham gia sự kiện với “tinh thần sám hối và bác ái thực sự”.

Tòa Ân giải Tối cao giải thích rằng “để gia tăng lòng sùng kính của các tín hữu và để cứu rỗi các linh hồn,” các ông bà nội ngoại, người già và các tín hữu sẽ có thể được nhận Ơn Toàn xá vào Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên lần thứ tư, sẽ được tổ chức vào ngày 28 tháng 7 tới đây, với chủ đề “Xin đừng bỏ rơi con khi con đã già” (x. Tv 71:9)

Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cho biết Đức Thánh Cha đã cho phép ban ơn Toàn xá sau khi lắng nghe yêu cầu của Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, muốn có Ơn Toàn Xá để đánh dấu Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên.

Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.

Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong dịp này cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong ba công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định.

Thứ nhất: Ơn Toàn xá sẽ được ban cho các ông bà nội ngoại, người cao niên, cũng như các tín hữu tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi vào ngày 28/7, hoặc các Thánh lễ khác được cử hành trên toàn thế giới.

Thứ hai: Ơn Toàn xá cũng được ban vào cùng ngày này cho các tín hữu dành thời gian thích đáng để thăm viếng, cách trực tiếp hay trực tuyến, những người già yếu đang gặp khó khăn hoặc hoạn nạn (chẳng hạn những người đau yếu, những người bị bỏ rơi, những người khuyết tật và những người ở trong những trường hợp tương tự).

Thứ ba: Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cũng cho biết Ơn toàn xá cũng có thể được ban cho những người, vì những lý do nghiêm trọng, không thể ra khỏi nhà và “hiệp nhất cách thiêng liêng với các cử hành thánh của Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những nỗi đau hay những đau khổ trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong thời gian phát sóng Thánh lễ, qua các phương tiện truyền hình và đài phát thanh, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội mới.

+ ĐHY Angelo De Donatis, chánh Tòa Ân Giải Tối Cao