Đức Hồng Y Parolin: 'Khái niệm về chiến tranh chính nghĩa cần được xét lại'

Tại một sự kiện được tổ chức tại Đại sứ quán Ý tại Tòa thánh ở Rome, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cho biết Thông điệp 'Pacem in Terris' của Đức Giáo Hoàng John XXIII là một minh chứng và khẳng định rằng khái niệm 'chiến tranh chính nghĩa' cần được xét lại.

(Tin Vatican - Antonella Palermo)

Đức Hồng Y Pietro Parolin cho biết vào thứ Ba (2/7/2024) ngay cả khi các nỗ lực ngoại giao chỉ mang lại kết quả nhỏ, "chúng ta không bao giờ được nản chán hoặc đầu hàng trước cám dỗ chịu vậy!" Vì "Hòa bình là nghĩa vụ của mọi người" và bắt đầu "trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong các thành phố, trong các quốc gia của chúng ta, trên thế giới". ĐHY đã phát biểu tại Đại sứ quán Ý tại Tòa thánh ở Rome nhân lễ trao Giải thưởng Văn học của các Đại sứ.

Giải thưởng này được thành lập vào năm 2019 theo sáng kiến của một nhóm các bộ sở được Tòa thánh công nhận, cho các tác giả của những cuốn sách viết bằng tiếng Ý dành cho công chúng nói chung về các chủ đề liên quan đến văn hóa và các giá trị Kitô giáo, mối quan hệ giữa các Giáo hội và Nhà nước Kitô giáo, lịch sử của các Giáo hội và đối thoại liên tôn.

Pacem in Terris là một minh chứng

Năm nay, giải thưởng được trao cho cuốn sách “Può la Chiesa fermare la guerra? Un’inchiesta a sessant’anni dalla Pacem in Terris” (“Giáo hội có thể ngăn chặn chiến tranh không? Một cuộc điều tra sáu mươi năm sau Pacem in terris”) của nhà báo người Ý Piero Damosso do nhà xuất bản RAI phát hành.

Cuốn sách phản ánh về Thông điệp thứ hai của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII về hòa bình trên thế giới và thông qua các đề xuất và phân tích do hơn năm mươi cuộc phỏng vấn, để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi cơ bản được nêu trong tiêu đề: “Giáo hội có thể ngăn chặn chiến tranh không và bằng cách nào?”.

Trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại nguồn gốc và bối cảnh lịch sử mà văn kiện mang tính bước ngoặt của Thánh Giáo hoàng này ra đời, ngài cho biết "được xây dựng dựa trên nhiều tuyên bố khác".

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng hòa bình toàn cầu là điều tốt đẹp liên quan đến mọi người, đồng thời nhắc lại thông điệp được phát hành vào Thứ Bảy Tuần Thánh ngày 13 tháng 4 năm 1963, trong đó Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhấn mạnh đến nhu cầu hòa bình với Thiên Chúa, với mọi dân tộc, trong các gia đình.

Bộ trưởng Ngoại giao nhận xét rằng Thông điệp đó "là một minh chứng": "Những lời rất sâu sắc của ĐTC Roncalli là di sản cần được bảo vệ và vun đắp, mỗi người đều tự đảm nhận trách nhiệm của mình".

Do đó, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh đến nhu cầu phải nhấn mạnh đến các nỗ lực ngoại giao khi đối diện với các cuộc xung đột hiện tại ở nhiều nơi trên thế giới, với niềm tin chắc chắn rằng chúng sẽ đơm hoa kết trái. Ngài kêu gọi nỗ lực và hợp tác chung để thực sự trở thành những người xây dựng hòa bình như Đức Phanxicô mời gọi.

Tình huynh đệ là con đường đích thực dẫn đến công lý

Bộ trưởng Ngoại giao ca ngợi cuốn sách của Damosso "vì đã đưa ra những mong muốn sâu sắc về hòa bình bằng một phương pháp tuyệt vời", bằng cách dùng một số nhân chứng và học giả chia sẻ. Ngài cho biết, những gì đề xuất là một phân tích tổng quan về hòa bình.

Những lời của ngài lặp lại lời của ban giám khảo giải thưởng, những người đã lưu ý rằng cuộc điều tra kỹ lưỡng của nhà báo cho thấy rằng "Mặc dù không có quyền lực thực sự để ngăn chặn xung đột, Giáo hội đã kêu gọi lương tâm toàn cầu của con người hành động để phá vỡ những bức tường của lòng căm phẫn và thù địch, nêu ra tình huynh đệ là con đường đích thực dẫn đến công lý, đoàn kết, hòa nhập và chăm sóc trái đất".

Ban giám khảo tiếp tục nhận xét rằng "Tác giả cũng nhấn mạnh rằng sức mạnh của lời cầu nguyện của dân Chúa có thể khuyến khích các dự án gặp gỡ và đàm phán".

Cần xem xét lại khái niệm 'chiến tranh chính nghĩa'

Tổ chức Công lý và Hòa bình tại Đất Thánh lên án việc vũ khí hóa 'chiến tranh chính nghĩa'

Trước buổi lễ, Hồng Y Parolin đã nói chuyện với một số nhà báo. Khi được hỏi về các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, ngài nhấn mạnh rằng chiến tranh không bao giờ là chiến tranh chính nghĩa. Bình luận về tuyên bố của Ủy ban Công lý và Hòa bình Đất Thánh về vấn đề này, ngài cho hay: "Chúng tôi biết rằng hiện nay có rất nhiều cuộc thảo luận về khái niệm chiến tranh chính nghĩa như một cuộc chiến phòng thủ. Tuy nhiên, với các loại vũ khí hiện có ngày nay, khái niệm này càng trở nên khó khăn, và tôi tin rằng không có lập trường nào bảo vệ cho ý niệm ấy, nên khái niệm này phải được xem xét lại".

Lebanon đang rất cần một tổng thống mới

Bộ trưởng Ngoại giao cũng bình luận về chuyến thăm gần đây của ngài tới Lebanon. Khi được hỏi về các giải pháp khả thi mà ngài hình dung cho cuộc khủng hoảng ở Liban, ĐHY nhận xét rằng ưu tiên hiện tại là bầu cử Tổng thống mới cho nước Cộng hòa: “Điều quan trọng nhất là có một tổng thống, chấm dứt cuộc khủng hoảng thể chế đang gây tổn hại cho toàn bộ đất nước”.

ĐHY cũng bày tỏ hy vọng những người theo đạo Thiên chúa có thể đóng vai trò tích cực trong hệ thống Liban. "(Cuộc bầu cử) chắc chắn sẽ không phải là giải pháp kỳ diệu, nhưng chúng tôi sẽ bắt đầu giải quyết các vấn đề khi tất cả các vai trò thể chế được bổ xung".

Đức Hồng Y Parolin xác nhận rằng Đức Hồng Y Maronite Mar Bechara Boutros Al-Rai là một nhân tố tích cực trong bối cảnh này, "Ngài luôn cố gắng đoàn kết những người theo đạo Thiên chúa và các đảng phái Thiên chúa giáo sẵn sàng đoàn kết, đề cử một hoặc nhiều ứng viên để được chấp nhận rộng rãi".

Khi được hỏi liệu có đối thoại với cộng đồng người Shiite hay không, Đức Hồng Y Parolin ngụ ý rằng có đối thoại, nhưng vấn đề trên hết là ở phía Hezbollah: "Họ là những bên liên quan trong trò điều hành và có ứng cử viên của họ. Câu hỏi là tìm một ứng viên được tất cả các bên chấp nhận".

Việc thả tù nhân có thể giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine không?

Đức Hồng Y Parolin cũng nói về Ukraine và được hỏi về đề xuất do Thủ tướng Hungary Orbán trình lên Tổng thống Ukraine Zelenskiy, với tư cách là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, về lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán hòa bình.

Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cho biết: "Theo như tôi biết, cho đến nay người Ukraine vẫn luôn từ chối". Ngài nhớ lại rằng đối với chính phủ Ukraine, nếu không có sự đảm bảo, "thì đây chỉ có thể là một sự ngưng bắn tạm bợ để rồi lại bắt đầu theo cách thậm chí còn thô bạo và khắc nghiệt hơn".

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại hy vọng của Tòa thánh rằng "có thể có một lệnh ngừng bắn, và sau đó là một cuộc đàm phán".

Liên quan đến việc trao đổi tù nhân mà Tòa thánh đã làm trung gian, Đức Hồng Y cho biết ngài dự kiến sẽ có những cuộc thả tù nhân khác "bởi vì - ĐHY giải thích - đó là một cơ chế hoạt động khác với cơ chế dành cho trẻ em, nơi có nhiều thực tế liên quan. Trong trường hợp tù nhân, về cơ bản là trao đổi danh sách được chuyển cho hai bên, vì vậy tôi hình dung rằng hoạt động này sẽ được tiếp tục và tôi tin rằng đó là cách tích cực và có thể tạo ra các điều kiện thúc đẩy hòa bình và các cuộc đàm phán có thể xảy ra".

Chúng ta cần các giá trị để bảo vệ nền dân chủ

Cuối cùng, trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, Đức Hồng Y đã đề cập đến Tuần lễ Xã hội Ý lần thứ 50 tại Trieste, khai mạc vào thứ Ba và sẽ có sự tham gia của ĐTC Francis vào ngày 7 tháng 7.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao nhận xét rằng chủ đề được chọn cho đại hội này tập trung vào nền dân chủ đặc biệt có liên quan đến thời điểm này "bởi vì - ngài lưu ý - nền dân chủ đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng ở nhiều nơi trên thế giới và tôi tin rằng người Công Giáo cũng rất cần nhắc lại tầm quan trọng và nhu cầu ủng hộ nền dân chủ và trên hết là lấp đầy nó bằng các giá trị".

Đức Hồng Y Parolin kết luận: "Nền dân chủ - ĐHY lưu ý - không phải là một bài toán đơn giản, ai có nhiều hơn và ai có ít hơn, mà trên hết là một bài tập về các giá trị, đó là nhìn vào các giá trị mà xây dựng cuộc sống xã hội. Vì vậy, tôi tin rằng những đóng góp mà người Công Giáo có thể thực hiện thì rất giá trị, tôi hy vọng rằng những điều tốt đẹp sẽ rút ra từ tuần lễ xã hội này.”