Tạp chí Aleteia, ngày 22 tháng 5, có bài “100 năm kể từ Thượng hội đồng duy nhất của Trung Quốc: Bây giờ chúng ta đang ở đâu?”:



Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Tagle và Đức Giám Mục Shen Bin tại hội nghị nhân kỷ niệm 100 năm Công đồng Thượng Hải, chỉ ra quá khứ và tương lai phức tạp.

“Chúa, ở Trung Quốc, đã giữ vững đức tin của dân Chúa trong suốt cuộc hành trình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp video gửi đến những người tham gia cuộc hội thảo do Tòa thánh tổ chức vào ngày 21 tháng 5 năm 2024 tại Rome nhân kỷ niệm 100 năm của Concilium Sinense, Thượng hội đồng đầu tiên của Trung Quốc.

Buổi hội thảo có sự tham dự của Đức cha Joseph Shen Bin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc (chưa được Vatican công nhận) và Giám mục Thượng Hải. Bên lề biến cố, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cho biết ngài hy vọng rằng thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục được Trung Quốc và Vatican ký kết vào năm 2018 “có thể được tái tục và một số điểm nhất định có thể được phát triển”.

Vào mùa xuân năm 1924, Công đồng đầu tiên và duy nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, còn được gọi là “Thượng hội đồng Thượng Hải”, đã được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Thượng Hải. Đức Giáo Hoàng Benedict XV đã kêu gọi thực hiện cam kết này trong tông thư Maximum Illud năm 1919. Mục đích là đẩy nhanh quyền tự chủ và thâm nhập vào xã hội Trung Quốc của một Giáo hội lúc đó hoàn toàn do các nhà truyền giáo nước ngoài điều hành, nhưng cũng để loại bỏ nó khỏi ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài.

Một bước nữa của sự xích lại gần nhau

Để kỷ niệm 100 năm sự kiện này, Tòa Thánh cùng với Giáo hoàng Đại học Urbano đã tổ chức hội nghị kéo dài một ngày này với sự hợp tác của Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Lấy bối cảnh tại giảng đường lớn của khuôn viên trường đại học Rôma, trên một ngọn đồi đối diện với các bức tường của Vatican, cuộc gặp gỡ được dự định là một bước tiến xa hơn trong việc nối lại quan hệ hữu nghị quan trọng của Tòa thánh đối với Bắc Kinh kể từ khi ký kết các thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc vào năm 2018.

Khi được hỏi về các bước tiếp theo trong tiến trình này bên lề cuộc họp, Đức Hồng Y Parolin, kiến trúc sư chính của bước ngoặt ngoại giao này, nói rằng Tòa Thánh hy vọng “có thể có sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc, ngay cả khi ban đầu thì không mang hình thức đại diện giáo hoàng, của một sứ thần tòa thánh.”

Đức Hồng Y người Ý nhấn mạnh rằng “hình thức” của sự đại diện này có thể “khác” và ngài muốn tăng cường các mối liên hệ. Cuối cùng, ngài bày tỏ mong muốn của Tòa Thánh rằng thỏa thuận mục vụ tạm thời năm 2018, được gia hạn vào năm 2020 và 2022, “có thể được tái tục và phát triển một số điểm nhất định”.

Sinh hoa trái cho tất cả người dân Trung Quốc

Có thể nhận thấy một sự lạc quan nhất định trong thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô với phụ đề tiếng Trung Hoa, được phát sóng vào đầu phiên họp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “cơ hội quý giá” mà cuộc hội thảo này mang lại để chiêm ngưỡng “con đường” mà Giáo hội đã vạch ra trong lịch sử của mình ở Trung Quốc, từ sứ mạng của tu sĩ Dòng Tên Matteo Ricci thế kỷ 16 cho đến ngày nay. Theo quan điểm của ngài, Thượng Hội đồng Thượng Hải “đã đẩy vào quên lãng những cách tiếp cận sai lầm từng thịnh hành” cho đến thời điểm đó, đặc biệt là những thỏa hiệp của Giáo hội với các thế lực thuộc địa, và do đó mang lại “kết quả cho toàn thể người dân Trung Quốc”.

Trong viễn cảnh lịch sử này, Đức Thánh Cha chỉ ám chỉ đến “những thời kỳ kiên nhẫn và thử thách” cũng như “những con đường không lường trước được” mà người Công Giáo Trung Quốc đã trải qua, đặc biệt là sau năm 1949. Giáo hội đã hiện hữu hầm trú, với các giám mục thường xuyên bị bắt giữ; một Giáo Hội Công Giáo chính thức song song đã được “Hiệp hội Yêu nước” chấp thuận.

Đức Thánh Cha ca ngợi công lao của thượng hội đồng một trăm tuổi, thậm chí còn mô tả nó như một mô hình của “con đường đồng nghị” đã và vẫn có khả năng đề xuất “những con đường mới cho toàn thể Giáo hội”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân Trung Quốc “hiệp thông với Giám mục Rôma”, để có thể thực sự đóng góp vào lợi ích không chỉ của xã hội Trung Quốc, mà rộng hơn là, cho “sự chung sống xã hội” của các dân tộc.

Xuất hiện trên video bên cạnh bản sao Đức Mẹ Sheshan, Đức Giáo Hoàng người Argentina tuyên bố rằng ngài sẽ leo lên ngọn đồi của đền thánh Đức Mẹ vĩ đại này ở Thượng Hải “trong tinh thần” vào ngày 24 tháng 5, ngày được Đức Bênêđíctô XVI thiết lập là Ngày Thế giới cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc năm 2007.

Đức Giám Mục Jpseph Shen Bin lên tiếng

Tiếp theo sau Đức Giáo Hoàng là Đức Giám Mục Thượng Hải, Joseph Shen Bin, người đã đến Rome một cách đặc biệt - những chuyến đi của các giám mục Trung Quốc rất hiếm và do chính quyền Cộng sản kiểm soát. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc từ năm 2022 và là thành viên tích cực của Hiệp hội Yêu nước – cơ quan kiểm soát Giáo hội của Bắc Kinh – Đức Giám Mục Shen Bin được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải mà không có sự cho phép của Giáo hoàng vào tháng 4 năm 2023. Tòa Thánh đã phản đối trước khi cho phép bổ nhiệm vào tháng 6 năm 2023 với tinh thần hòa dịu.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giám Mục Shen Bin nhắc lại sự sỉ nhục của Chiến tranh Nha phiến năm 1840 và việc ký kết “các hiệp ước bất bình đẳng” do các thế lực nước ngoài áp đặt, cũng như việc các cường quốc này đã được một số nhà truyền giáo hỗ trợ ra sao với “ý thức mạnh mẽ về tính ưu việt văn hóa”, đặc biệt là thông qua hệ thống “bảo trợ”. Ngài tố cáo sự phân biệt đối xử đối với các linh mục bản xứ và thành kiến của các giáo sĩ châu Âu đối với xã hội và văn hóa truyền thống Trung Quốc, đồng thời cho rằng những sai trái này là gốc rễ của “sự căm ghét Giáo Hội Công Giáo” của người dân khi tình cảm dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Mặt khác, vị giám mục Trung Quốc ca ngợi nhận thức của Tòa thánh “về những mối nguy hiểm liên quan đến mối quan hệ của Giáo hội với các thế lực phương Tây”, ca ngợi những can thiệp của Đức Giáo Hoàng Gregory XVI (Về Giáo sĩ Bản địa, 1845) - và trên hết là Đức Bênêđíctô XV (Maximum Illud, 1919), người đã triệu tập Thượng Hội đồng Thượng Hải. Ngài cũng tán thành tinh thần của Thượng Hội đồng này, đặc biệt là hành động của Đức Giám Mục Celso Costantini, đại diện của Giáo hoàng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ngài nói rằng những khuyến nghị của cuộc họp này chỉ được áp dụng một cách nhẹ nhàng sau đó, với việc Công Giáo vẫn giữ “cái mác ‘tôn giáo nước ngoài’”.

“Giáo hội tại Trung Quốc luôn trung thành với đức tin Công Giáo của mình”

Đức Giám Mục Thượng Hải tiếp tục khẳng định: “Kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới vào năm 1949, Giáo hội tại Trung Quốc luôn trung thành với đức tin Công Giáo của mình, mặc dù Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều để không ngừng thích ứng với hệ thống chính trị mới”.

Ngài khẳng định rằng Bắc Kinh ngày nay “không quan tâm đến việc thay đổi đức tin Công Giáo”, mà chỉ hy vọng “các giáo sĩ và tín hữu Công Giáo sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc”. Ngài ám chỉ đến “chính sách thù địch” của Vatican đối với chế độ Trung Quốc trong quá khứ.

Từ nay trở đi, “sự phát triển của Giáo hội ở Trung Quốc phải được ghi nhận theo quan điểm của Trung Quốc”, Đức Giám Mục Shen Bin nhấn mạnh, lặp lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình về vị trí của các tôn giáo ở Trung Quốc. Ngài nhấn mạnh, các linh mục Trung Quốc phải “liên kết chặt chẽ sự phát triển của Giáo hội với hạnh phúc của người dân”, nhưng cũng giúp Trung Quốc hóa Giáo hội địa phương. Để đạt mục đích này, ngài kêu gọi sự hội nhập các yếu tố văn hóa truyền thống Trung Quốc vào nghệ thuật thánh thiêng và phụng vụ.

Không có thái độ thờ ơ đối với Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc

Hội nghị được kết thúc bởi Đức Hồng Y người Philippines Luis Antonio Tagle, Phó Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, người gốc Trung Quốc. Ngài bảo đảm với khán giả rằng vấn đề không phải là đưa các nhà truyền giáo trong quá khứ ra xét xử mà là bảo đảm rằng giới giáo sĩ Trung Quốc hiện nay có thể gặt hái thành quả của các ngài. Ngỏ lời với Đức Giám Mục Shen Bin bằng tiếng Trung Quốc, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Giáo hội ở Trung Quốc phải “cởi mở đối với Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương khác”.

Cuối cùng, Đức Hồng Y thừa nhận rằng có thể có “các vấn đề, hiểu lầm và biến cố” trong cuộc đối thoại của Vatican với các tín hữu ở Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng “không bao giờ có bất kỳ sự hững hờ hay thờ ơ nào đối với con đường của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc”.