1. Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến tông du đến Luxembourg và Bỉ vào tháng 9

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Luxembourg và Bỉ vào cuối tháng 9 năm 2024.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận lời mời của các Nguyên thủ quốc gia và Giáo hội của cả hai quốc gia và sẽ thực hiện chuyến tông du đến Luxembourg vào ngày 26 tháng 9.

Sau đó, ngài sẽ tới Bỉ vào cuối ngày và ở đó cho đến ngày 29 tháng 9, dự kiến Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm các thành phố Brussels, Leuven và Louvain-la-Neuve. Lịch trình đầy đủ sẽ được cung cấp sau.

Đầu tháng 9, từ ngày 2 đến ngày 13, Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore, đây sẽ là chuyến tông du dài nhất của ngài từ trước đến nay.

2. Tòa Thánh gởi điện chia buồn trước tai nạn của Tổng thống Iran. Éo le là người dân Iran không buồn

Theo giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện chia buồn với nhân dân Iran sau khi tổng thống nước này, Ebrahim Raisi, thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hôm Chúa Nhật.

Tuy nhiên, phản ứng về cái chết của Raisi của người Iran rất rõ ràng. Masih Alinejad, một nhà báo Iran cho biết như sau: “Trên mạng xã hội tôi thấy thành viên gia đình của những người bị hành quyết do lệnh của ông ta đang reo hò. Người dân Iran đang ăn mừng; có pháo hoa ở khắp mọi nơi ở các thành phố khác nhau. Họ thực sự coi Raisi là một tấm gương của toàn bộ hệ thống, của toàn bộ chế độ. Niềm vui dâng trào tự phát này phản ánh sự phẫn nộ sâu sắc mà hầu hết người Iran cảm thấy đối với chế độ thần quyền tàn ác và tham nhũng đã đánh cắp giấc mơ của họ.”

Raisi là một kẻ sát nhân hàng loạt, là kẻ phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo và áp bức ở Iran và trên toàn khu vực. Đây là lý do tại sao ông ta được mệnh danh là “Đồ tể của Tehran”.

Năm 1988, khi còn là phó công tố viên trẻ ở Tehran, ông ta được bổ nhiệm vào “Ủy ban tử hình”, một nhóm chịu trách nhiệm về các vụ hành quyết không qua xét xử hàng ngàn tù nhân chính trị. Các nạn nhân phải chịu những phiên tòa giả mạo kéo dài chỉ vài phút. Raisi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng này, quyết định ai sẽ sống và ai sẽ bị đưa lên giá treo cổ. Một cựu tù nhân chính trị đã viết rằng Raisi “rõ ràng rất vui mừng khi có được quyền lực đối với sự sống và cái chết, và ông ta đã sử dụng nó một cách thoải mái trong hàng ngàn trường hợp trong vụ thảm sát vào mùa hè năm đó. Đối với những người đã từng tiếp xúc với cá nhân ông ta, Raisi tượng trưng cho cái chết của hy vọng”, cựu tù nhân chính trị Iran Mahmoud Royaei viết.

Raisi cũng là kẻ áp đặt quy định về trang phục thời Trung cổ đối với phụ nữ và buộc các nhóm tôn giáo thiểu số phải trốn tránh bằng đàn áp, sát hại những người bất đồng chính kiến và xuất khẩu bạo lực ra nước ngoài.

Sự tàn bạo của chế độ này được thể hiện qua việc đàn áp những phụ nữ và trẻ em gái đau khổ lâu năm ở Iran cũng như phong trào “phụ nữ, sự sống, tự do” đấu tranh cho phẩm giá của họ. Nhiều phụ nữ tham gia biểu tình hoặc cởi bỏ khăn trùm đầu bắt buộc đã bị lực lượng an ninh bắt cóc, giam cầm, cưỡng hiếp và tra tấn. Theo các con số chính thức của nhà cầm quyền Iran, 500 phụ nữ bị giết trong các cuộc biểu tình hồi năm 2022, 22.000 người bị bắt. Nhiều người đã bị xử tử, thường bằng cách treo cổ từ những cần cẩu xây dựng khổng lồ trong một sự pha trộn kỳ cục giữa thời trung cổ và siêu thực.

Sự độc ác của chế độ này vượt xa biên giới Iran. Iran của các ayatollah cung cấp vũ khí tinh vi, tài trợ và huấn luyện cho các nhóm khủng bố giết người Hezbollah ở Li Băng, Hamas ở Lãnh thổ Palestine và Gaza, cũng như các lực lượng dân quân đang gây bất ổn ở Iraq và Yemen. Ở Syria, sự ủng hộ của Raisi dành cho chế độ độc tài Assad là công cụ kéo dài cuộc nội chiến tàn khốc, không chỉ duy trì một trong những chế độ đàn áp nhất trong khu vực mà còn góp phần gây ra thảm họa nhân đạo, với hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải di dời. Ở Ukraine, Raisi cung cấp cho quân xâm lược Nga các máy bay điều khiển từ xa Shahed và các hỏa tiễn đạn đạo Fateh-110 tiên tiến nhất của Iran để giết cơ man các binh lính và thường dân Ukraine vô tội, mặc dù họ chẳng có thù oán gì với Iran.

Chủ nghĩa bài Do Thái của Raisi không chỉ giới hạn ở những luận điệu. Vào ngày 7 tháng 10, những kẻ khủng bố Hamas—được Iran hỗ trợ—đã xâm chiếm miền nam Israel và tàn sát 1.200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chỉ trong một ngày. Đây là vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất kể từ Holocaust, với nhiều nạn nhân bị hãm hiếp và bị cắt xẻo thân thể.

Trong niềm hân hoan của một dân tộc vừa thoát ách một tên bạo chúa kinh hoàng như thế, rõ ràng chia buồn là đứng trên quan điểm của bọn cầm quyền, không phải của dân chúng bị áp bức.

Các giao thức ngoại giao của Tòa Thánh cần phải được cải thiện, cần phải nhạy cảm hơn với người nghèo, những người bị áp bức là những người Tòa Thánh không ngừng tuyên bố đứng về phía họ.

Bây giờ, hãy thử tưởng tượng, nếu Tập Cận Bình “băng hà” thì sao? Việc “chia buồn với nhân dân Trung Quốc” sẽ thực sự là thảm họa, là một điều cực kỳ không thể hiểu nổi đối với các Kitô Hữu, những người mà nhà thờ của họ có thánh giá bị giật xuống, những người mà Giám Mục của họ bị công an bắt đi cải tạo hết năm này đến năm khác, những người mà con cái của họ không được đến nhà thờ, và bản thân họ không kiếm được công ăn việc làm phù hợp với khả năng chỉ vì họ là người Công Giáo. Xa hơn nữa, Kinh Thánh của họ bị hán hóa cho phù hợp với tư tưởng Tập Cận Bình và nhà thờ của họ buộc phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng và to hơn cả các ảnh tượng Chúa và các thánh.

Hay nếu bạo chúa Vladimir Putin “băng hà” thì sao? Kẻ đã từng gây ra đau khổ cho người dân Nga, người dân Ukraine, gây ra cái chết của hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói hàng triệu người, khi hắn ta chết đi thì biết bao nhiêu người vui mừng. Nếu ta nhắm mắt tuân thủ các giao thức ngoại giao mù quáng, thì việc chia buồn với nhân dân Nga trong bối cảnh như thế thật quá sức vô lý, và chắc chắn phương hại đến khả năng truyền giáo.

Nên chăng đối với những kẻ tàn ác như vậy, khi họ chết đi, nếu không muốn nói nặng, ta cũng nên im lặng. Im lặng có sức mạnh của nó. Im lặng để cầu nguyện cho những nạn nhân của những kẻ tàn bạo đó.

3. Tòa Thánh giải oan cho Đức Hồng Y Lacroix

Tòa Thánh giải oan cho Đức Hồng Y Gérard Lacroix, Tổng giám mục Giáo phận Québec, bị cáo gian trong một vụ kiện tập thể về tội lạm dụng tính dục.

Đức Hồng Y năm nay 66 tuổi, cũng là thành viên Hội đồng chín Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha. Hồi đầu năm nay, ngài bị cáo là đã “đụng chạm” một trẻ vị thành niên. Đức Hồng Y đã phủ nhận những lời cáo buộc đó trong một Video dài gửi các tín hữu.

Trong thông cáo, công bố hôm 21 tháng Năm, Phòng Báo chí Tòa Thánh nói rằng: “Ngày 08 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha đã ủy cho ông André Denus, thẩm phán về hưu tòa án cao cấp của bang Québec, sứ vụ làm sáng tỏ lời cáo buộc trong vụ kiện tập thể chống Tổng giáo phận Québec.

Phúc trình về cuộc điều tra sơ khởi, theo giáo luật do thẩm phán thực hiện, đã kết thúc vào ngày 06 tháng Năm vừa qua, và đệ lên Đức Thánh Cha những ngày qua.

Dưới ánh sáng những sự kiện được thẩm phán cứu xét, phúc trình không cho phép xác định hành động nào có thể được gọi là hành vi sai trái hoặc lạm dụng từ phía Đức Hồng Y Gérald Lacroix. Vì thế, không có biện pháp giáo luật nào đi sâu hơn được trù định.

Đức Thánh Cha cho phép thẩm phán André Denis phổ biến thông cáo tóm tắt những yếu tố trong cuộc điều tra của ông và cũng cho phép ông trả lời những câu hỏi, nếu có về vấn đề này.

Đức Thánh Cha chân thành cám ơn thẩm phán André Denis đã hoàn thành trong thời gian ngắn sứ vụ được ủy thác cho ông một cách vô tư, trong bối cảnh vụ kiện tập thể chống lại Tổng giáo phận Québec.

4. Đức Hồng Y Pizzaballa gặp gỡ các nhà báo để thảo luận về chuyến viếng thăm giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Vào thứ Hai, ngày 20 tháng 5, một ngày sau khi trở về từ giáo xứ Công Giáo ở phía bắc Gaza, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa đã gặp gỡ một nhóm nhỏ các nhà báo tại tòa thượng phụ ở Giêrusalem để nói về chuyến viếng thăm của ngài.

Pizzaballa, Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem cho biết: “Tôi được an ủi khi gặp gỡ cộng đồng.”

Ngài nói: “Tình hình rất phức tạp, nhưng tôi đã tìm thấy một cộng đồng năng động, được tổ chức tốt có khả năng sống trong hoàn cảnh này với thái độ đúng đắn. Tôi không nghe thấy một lời giận dữ nào. Tôi nghe thấy những lời đau đớn, đau khổ và than thở - nhưng không phải sự tức giận hay oán giận. Mọi người đều mong muốn chiến tranh kết thúc. Họ nói với tôi, 'Kitô hữu chúng con không có bạo lực trong máu, chúng con không thể hiểu được tất cả những điều này.' Những lời của họ thực sự đánh động tôi”

Trên hết, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết ngài đã tìm thấy một cộng đồng vẫn biết cách nhìn về tương lai, với sự quan tâm nhưng cũng đầy hy vọng.

Ngài nói: “Họ quan tâm đến tương lai của trẻ em, trường học, những ngôi nhà… Điều quan trọng và cấp bách là phải đưa ra những câu trả lời cụ thể và ngay lập tức để bảo đảm với họ rằng có một tương lai dành cho họ”.

Ngài nói: “Từ góc độ nhân đạo, tình hình đã được cải thiện”, ngay cả khi “điều đó không có nghĩa là tốt”. Nhiều khó khăn vẫn tồn tại, và các Kitô hữu, cũng như phần còn lại của dân chúng, phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản, chấn thương tâm lý, thương tích thể xác, bệnh mãn tính, nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

Theo thông cáo báo chí từ Tòa Thượng Phụ Latinh ban hành hôm thứ Ba 21 Tháng Năm,, chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y bắt đầu vào ngày 15 tháng Năm.

Đức Hồng Y Pizzaballa từ chối cung cấp thông tin chi tiết về hậu cần hoặc thông tin liên quan đến việc phối hợp với Quân đội Israel để thực hiện chuyến thăm. Tuy nhiên, ngài mô tả tác động của việc tiến vào Gaza.

“Tôi đã đến đó ít nhất 10 lần trước chiến tranh. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào là sự mất phương hướng do sự tàn phá trên diện rộng. Đường phố không còn như xưa nữa; chúng tôi đi qua những đống đổ nát, những con đường tạm bợ giữa những đống rác. Những nơi tôi đã quen thuộc phần nào không thể nhận ra được. Rất khó để tìm được một ngôi nhà còn nguyên vẹn. Chúng tôi bước đi trong im lặng.”

Ngay cả khi đã nhìn thấy những bức ảnh trước đó, “việc tận mắt chứng kiến nó có tác động hoàn toàn khác”. “Bạn không chỉ chứng kiến sự tàn phá mà còn cả những người sống ở đó, và mối quan hệ này chạm đến trái tim.”

Trong thời gian ngài ở Gaza, “liên tục xảy ra các cuộc giao tranh và vụ nổ, một số ở gần hơn, một số khác ở xa hơn, nhưng gần như liên tục. Lúc đầu thì hơi khó khăn nhưng sau sẽ quen dần”, ngài nói. “Đối với họ, điều đó đã trở nên khá bình thường… ngay cả đối với trẻ em.”

Đức Hồng Y Pizzaballa đã gặp gỡ cộng đồng Kitô hữu di tản, nói chuyện với các tín hữu, cử hành Thánh lễ và hướng dẫn cầu nguyện. Ngài đến thăm nghĩa trang, nơi ngài làm phép mộ cho các tín hữu đã ra đi, đặc biệt là Nahida và Samar, hai phụ nữ bị sát hại trong khuôn viên giáo xứ vào ngày 16 tháng 12 năm 2023.

Đức Thượng phụ cũng đã đến thăm một số công trình giáo xứ bị phá hủy và giáo xứ Chính thống giáo Đông Phương Thánh Porphyrius, đồng thời cũng làm phép tiệm bánh của một gia đình Kitô giáo gần đây đã hoạt động trở lại. Ngài cũng cử hành lễ trọng thể Lễ Ngũ Tuần với cộng đồng Gaza và ban bí tích Thêm sức cho hai giáo dân trẻ tên là George và Salama.

Trong số những người vào Gaza cùng với Đức Hồng Y Pizzaballa có Cha Gabriel Romanelli, linh mục quản xứ của Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza, người cuối cùng đã được đoàn tụ với cộng đồng của mình. Ngoài ra còn có Cha Carlos Ferrero, giám tỉnh của Tu viện Ngôi Lời Nhập Thể; các nữ tu Dòng Ngôi Lời Nhập Thể; và hai nữ tu Thừa Sai Bác Ái cũng đã đến và lưu trú tại giáo xứ ở Gaza.

Theo Tòa Thượng phụ, hiện tại trong khuôn viên Công Giáo của Thánh Gia chỉ có dưới 500 Kitô hữu, trong đó có 60 trẻ em khuyết tật được các nữ tu chăm sóc. Trong khu phức hợp Chính thống giáo, có khoảng 130 Kitô Hữu và 40 người theo đạo Hồi. Khoảng 40-50 Kitô hữu bị mắc kẹt ở phía nam Dải Gaza. Chỉ còn lại khoảng 50 người Công Giáo trên toàn Gaza, hầu hết đều đang tị nạn tại giáo xứ Latinh.

“Tôi đã gặp tất cả các gia đình,” Đức Hồng Y Pizzaballa nói với các nhà báo. “Cần phải ở bên nhau, cố gắng lắng nghe từng người, ở bên họ. Mặc dù chúng ta không có giải pháp tức thời, nhưng điều quan trọng là phải có mặt ở đó để mang lại sự thoải mái, gần gũi và đoàn kết. Tôi muốn bảo đảm với họ về sự hỗ trợ của Giáo hội và rằng chúng tôi sẽ ở đó, chúng tôi không hề thảnh thơi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ họ nhiều nhất có thể tùy theo tình hình hiện tại.”

Một trong những dấu hiệu cụ thể của sự gần gũi này đến từ Bản ghi nhớ được ký ngày 14 tháng 5 giữa Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem và Dòng Malta, thiết lập một sứ mệnh nhân đạo chung.

Các nhà lãnh đạo của Hiệp sĩ Malta đã liên lạc với Tòa Thượng Phụ từ tháng 11 năm 2023, nhưng vào thời điểm đó, không thể tính đến việc vào tận Gaza, và không ai có thể tưởng tượng rằng cuộc chiến sẽ kéo dài như vậy.

Đức Hồng Y Pizzaballa nói: “Vào dịp Lễ Phục sinh, chúng tôi cảm thấy đã đến lúc phải làm điều gì đó.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi muốn thành lập một trung tâm phân phối thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cũng như một bệnh viện dã chiến bên ngoài khu nhà của chúng tôi để mọi người đều có thể tiếp cận được”. Khía cạnh đầu tiên cần được giải quyết là hàng hóa thiết yếu.

“Một số nguồn cung cấp đang được chuyển đến; vấn đề nằm ở việc phân phối”, Đức Hồng Y nói. Khía cạnh còn lại là chăm sóc sức khỏe.

“Toàn bộ phía bắc Dải Gaza chỉ có một bệnh viện hoạt động, điều này là không đủ. Hiệp sĩ Malta là những chuyên gia về bệnh viện dã chiến ở vùng chiến sự. Điều quan trọng là bắt đầu và sau đó mở rộng dần dần để thu hút sự hợp tác của các tổ chức khác.”

“Người dân cũng đang yêu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý”, Đức Thượng Phụ chia sẻ. “Chúng tôi hiện đang tìm cách can thiệp vào vấn đề này. Tác động đau thương của chiến tranh đối với người dân là rất lớn”.

Dịp này, Đức Hồng Y Pizzaballa cũng đưa ra lời kêu gọi chấm dứt xung đột.

Ngài nói: “Nó càng kết thúc sớm thì chúng ta càng sớm có thể bắt đầu xây dựng lại các giải pháp hòa bình hơn”.