1. Báo cáo mới cho thấy 8.097 nhà thờ ở Ukraine vẫn liên kết với Mạc Tư Khoa

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “8,097 Churches in Ukraine Still Linked to Mạc Tư Khoa, New Report Finds”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, phần lớn những gì có liên quan đến Nga đã trở thành mối ác cảm đối với người Ukraine bình thường – nhưng tôn giáo lại là một lĩnh vực mà Điện Cẩm Linh vẫn đang tiếp tục phát huy ảnh hưởng. Một báo cáo hôm thứ Sáu, ngày 3 tháng 5 của Opendatabot cho biết như trên

Theo báo cáo này, có 8.097 nhà thờ vẫn gắn liền với Mạc Tư Khoa.

Ukraine và Nga mỗi nước có sự lãnh đạo riêng - hay còn gọi là chế độ thượng phụ. Tòa Thượng phụ Ukraine, vốn nằm dưới quyền Mạc Tư Khoa, đã giành được độc lập, thường được gọi là quyền tự trị vào năm 2018.

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa với Điện Cẩm Linh – với nhà lãnh đạo là Thượng phụ Kirill, thường xuyên thúc đẩy cuộc xâm lược của Nga và ca ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin là vị cứu tinh của nước Nga hiện đại – chỉ có 685 nhà thờ trong số 8.782 nhà thờ liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trước tháng 2 năm 2022 được chuyển giao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU.

Hầu hết các nhà thờ được chuyển đến OCU đều ở các vùng Kyiv – 164, Khmelnytskyi – 155 và Vinnytsia – 75.

Đỉnh điểm của quá trình chuyển đổi là vào năm 2023 – khi 386 nhà thờ chuyển sang OCU.

Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, số lượng nhà thờ OCU chỉ tăng thêm 96.

Dữ liệu từ Opendatabot bao gồm cả các khu vực nằm dưới sự xâm lược của Nga hoặc gần tiền tuyến.

Chắc chắn rằng, việc ở dưới sự xâm lược của Nga mà không phải là một phần của một Giáo Hội không thuộc thẩm quyền của Giáo hội Chính thống Nga là rất nguy hiểm.

Như tạp chí Time đã đưa tin vào tháng trước –các tín hữu Công Giáo, Tin lành và Giáo hội Chính thống Ukraine đều bị đàn áp tàn bạo.

“Có hơn 30 trường hợp giáo sĩ bị giết và bắt cóc. 109 trường hợp bị thẩm vấn, buộc trục xuất, bỏ tù, bắt giữ. 600 ngôi nhà thờ bị phá hủy Và đây chỉ là những con số đã được xác nhận, còn con số thực trong bối cảnh mất thông tin ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm có thể sẽ cao hơn nhiều”

2. Linh mục Ukraine: “Đám tang các binh sĩ là thách đố lớn nhất đối với chúng tôi”

Một linh mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cha Rôman MyKyivych, cha sở giáo xứ Tsmenytsia ở miền tây Ukraine, cho biết: “Những đám tang các binh sĩ tử trận là thách đố lớn nhất đối với chúng tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi ngày 03 tháng Năm vừa qua, nhân dịp lễ Phục sinh theo các Giáo hội Đông phương, cha MyKyivych nói: “Lễ này ở nơi trung tâm đời sống Kitô và luôn hiện diện nơi các tín hữu Ukraine, nhưng với chiến tranh, lễ này càng trở thành một lối sống để có thể đương đầu với cái chết của bao nhiêu người, kể cả những người trẻ, dù là họ là thường dân hay binh sĩ”.

Cha cho biết sự đồng hành với người chịu tang bắt đầu với lễ an táng. Đối với các linh mục Ukraine, lễ an táng các binh sĩ tử trận là một trong những thách đố lớn nhất hiện nay, kể từ ngày 24 tháng Hai năm 2022, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Cha MyKyivych cũng là Quản hạt gồm 17 giáo xứ. Cha kể: “Các bạn hãy nghĩ xem trong 17 giáo xứ này, không có giáo xứ nào mà không có các lễ an táng các binh sĩ đã tử trận ở chiến trường. Tất cả các giáo xứ đều có các lễ an táng như vậy. Có vài giáo xứ có tới hơn 10 lễ. Tại đây, giáo xứ Tysmenytsia này của tôi, tôi đã có 5 lễ an táng các binh sĩ, và trong Giáo hạt này, đã có 30 lễ như vậy”.

Để nâng đỡ các gia đình đối phó với thảm trạng, giáo xứ tìm cách cử hành lễ an táng một cách trọng thể bao nhiêu có thể, với sự tham dự của các binh sĩ, đại diện chính quyền địa phương và tất cả các linh mục trong giáo hạt. Cha MyKyivych nói: “Đó là những kinh nghiệm rất quan trọng để nâng đỡ tinh thần cho gia đình, cho những người còn sống. Và sự nâng đỡ này bắt đầu chính từ lễ an táng, với sự hiện diện của một linh mục...”

Cha MyKyivych giải thích rằng nếu một linh mục không tham dự lễ an táng và chỉ đến sau đó để đề nghị hỗ trợ và giúp đỡ gia đình tang chế thì điều đó không hiệu năng lắm. “Gia đình không thể được an ủi bằng những trợ giúp vật chất, và đó là việc của nhà nước. Trái lại, một linh mục phải đích thân giúp dân chúng sức mạnh để sống. Điều này rất quan trọng ngày nay, vì dân đang đánh mất sức sống và điều này người ta thấy rõ ràng. Dân chúng ta thán, một số cho biết là bị trầm cảm, xuống tinh thần, không thấy có viễn tượng nào, một số người khác nói là sợ hãi. Tóm lại, dân chúng mất sức sống và họ không biết tìm ở đâu. Vì thế, khi linh mục đến nói chuyện với họ, điều này giúp ích cho họ. Tại nơi đây, các linh mục còn có uy tín, tại đất nước Ukraine linh mục là nhà tâm lý đầu tiên.”

Trong tư cách là Quản hạt, cha MyKyivych chủ sự tất cả các lễ an táng trong hạt. Cha nhận xét rằng: “Khi bạn đứng trước một thi hài của một binh sĩ trẻ, bạn nghĩ rằng lẽ ra bạn phải là người nằm đó, bạn ý thức rằng nếu binh sĩ này không chiến đấu, thì không biết bạn còn ở đây hay không, còn sống và bước đi trên mặt đất này hay không”.

Cha MyKyivych nói rằng: “Trong bối cảnh đó, cử hành lễ Phục sinh trở thành trung tâm cuộc sống. ‘Đối với chúng tôi, Phục sinh không phải chỉ là một truyền thống hay một lễ. Đối với chúng tôi, Phục sinh là tất cả. Chúng tôi không cần giải thích cho dân Phục sinh là gì. Đối với họ, đó là tột đỉnh, là thánh thiêng. Cho dù một người cả năm không đi nhà thờ, nhưng đối với họ đi kính viếng ảnh Chúa Kitô, được tháo gỡ khỏi thập giá hoặc lễ làm phép bánh cho lễ Phục sinh, là điều thánh thiêng. Trước lễ Phục sinh, các tín hữu đi xưng tội đông đảo. Vì thế, lễ Phục sinh là một biến cố rất quan trọng đối với dân của chúng tôi”.

3. Cựu Tổng thống Trump được thăm dò thắng Tổng thống Biden trong số cử tri Công Giáo do sự thay đổi trong phiếu bầu của người nói tiếng Tây Ban Nha

Peter Pinedo thuộc Phòng tin tức Washington, D.C. của CNA, ngày 2 tháng 5 năm 2024 tường trình rằng theo một cuộc khảo sát gần đây của Pew, cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden hơn 10 điểm trong số cử tri Công Giáo, một phần nhờ vào sự ủng hộ ngày càng tăng từ các cử tri Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn chung, Pew cho biết Cựu Tổng thống Trump dẫn đầu chỉ với 1% trong tổng số cử tri. Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông trong cộng đồng người Công Giáo cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng đáng chú ý so với năm 2020.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew, được thực hiện từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 4, Cựu Tổng thống Trump dẫn trước Tổng thống Biden trong số những người Công Giáo với tỷ lệ 55% đến 43%. Tỷ lệ dẫn đầu 12% là một mức tăng đáng kể so với năm 2020, khi người Công Giáo bỏ phiếu ủng hộ Cựu Tổng thống Trump chỉ với 1%, 50% so với 49%.

Chad Pecknold, giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là chuyên gia về Giáo hội Hoa Kỳ, nói với CNA rằng sự thay đổi của người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha là điều nổi bật nhất trong cuộc thăm dò mới nhất của Pew.

Người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, chiếm khoảng 40% Giáo hội Hoa Kỳ, tiếp tục ủng hộ Tổng thống Biden, nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn nhiều, 49% còn 47%. Đây là sự suy giảm nghiêm trọng trong sự ủng hộ của người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha dành cho Tổng thống Biden. Một cuộc thăm dò tương tự của Pew được thực hiện một tháng trước cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy người nói tiếng Tây Ban Nha ủng hộ Tổng thống Biden với tỷ lệ áp đảo 67% so với 26%.

Điều này xảy ra khi Pew dự đoán người nói tiếng Tây Ban Nha sẽ chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 14.7% trong tổng số cử tri Hoa Kỳ đủ điều kiện trong mùa bầu cử này.

Pecknold nói: “Đảng Dân chủ là chuyên gia gặt hái ‘các danh tính’ để lấy phiếu bầu, vì vậy điều quan trọng là phải hết sức chú ý khi họ thất bại.

“Họ [những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha] từng là những cử tri đáng tin cậy cho đảng Dân chủ, nhưng giờ đây họ đang chia rẽ ở giữa. Điều này cho thấy rằng, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của họ trong việc mua phiếu bầu của họ thông qua các ưu đãi chính trị, các đảng viên Đảng Dân chủ đang đánh mất một trong những nhóm danh tính mà họ đã nỗ lực hết sức để duy trì.”

Trong khi đó, tỷ lệ dẫn đầu của Cựu Tổng thống Trump trong số những người Công Giáo da trắng cũng đã tăng lên, hiện ở mức 61% ủng hộ Cựu Tổng thống Trump với 38% dành cho Tổng thống Biden, so với 57% và 42% vào năm 2020.

Tuy nhiên, cả Tổng thống Biden lẫn Cựu Tổng thống Trump hiện đều có xếp hạng không thuận lợi cao đối với người Công Giáo. Theo Pew, chỉ có 35% người Công Giáo có quan điểm thuận lợi với Tổng thống Biden trong khi 64% có quan điểm không thuận lợi. Trong khi đó, Cựu Tổng thống Trump cũng được đa số người Công Giáo đánh giá không thiện cảm (57%) và có thiện cảm với 42%.

Mặc dù là tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống Biden đã gây ra sự phẫn nộ trong nhiều người Công Giáo vì viện dẫn đức tin Công Giáo của mình để ủng hộ việc phá thai. Đức Hồng Y Wilton Gregory, tổng giám mục Washington, D.C., gần đây đã chỉ trích Tổng thống Biden trên truyền hình quốc gia, nói rằng ông “lựa lọc” các yếu tố của đức tin Công Giáo để tuân theo.

Dữ kiện của Pew cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm chính trị giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tháng trở lên và những người không tham dự.

Bất kể sắc tộc, trong số tất cả những người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tháng hoặc thường xuyên hơn, 61% xác định theo Đảng Cộng hòa hoặc thiên về Đảng Cộng hòa. Điều này bao gồm đa số (67%) người Công Giáo da trắng và người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha (52%).

Tổng thống Biden dẫn đầu nhiều nhất trong cuộc thăm dò này nơi các cử tri vô thần, nhóm nhân khẩu học mà ông dẫn đầu với 76 điểm phần trăm, 87% so với 11%. Ông cũng dẫn đầu rất lớn trong số những người theo đạo Tin lành da đen (77% so với 18%) và những người theo thuyết bất khả tri (82% so với 17%). Tổng thống Biden dẫn đầu trong số cử tri không theo tôn giáo nào với tỷ lệ 69% so với 28%, rất giống với mức ủng hộ ông trong nhóm nhân khẩu học này vào năm 2020.