1. Trong một báo cáo Kyiv chọc tức Nga về kế hoạch phá hủy cầu Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Bridge Destruction Plan Teased by Kyiv in Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine được tường trình đã tuyên bố rằng họ đang âm mưu cho nổ tung cầu Crimea và việc phá hủy biểu tượng xâm lược của Nga là “không thể tránh khỏi”.

Cây cầu Kerch dài 19 km nối Crimea với Nga đã từng là mục tiêu trong hai cuộc tấn công lớn liên quan đến Kyiv trước đây.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 7 năm ngoái đã làm hư hại đoạn đường song song với đoạn hỏa xa được Nga sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự. Vào tháng 10 năm 2022, một vụ nổ đã khiến nhiều đoạn đường rơi xuống nước. Nga cho biết vụ nổ là do một quả bom được tuồn lậu vào một chiếc xe tải gây ra.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết họ đang âm mưu thực hiện nỗ lực tấn công thứ ba. Một quan chức Ukraine giấu tên nói với tờ báo Anh, The Guardian, “Chúng tôi sẽ thực hiện việc đó vào nửa đầu năm 2024” và rằng Kyiv đã có “hầu hết các phương tiện để thực hiện mục tiêu này”.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, trước đây đã hứa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới vào các vị trí của Nga ở Crimea và cầu Kerch, hé lộ về một “chiến dịch nghiêm chỉnh” sẽ sớm được triển khai trên bán đảo này.

Việc phá hủy vĩnh viễn cây cầu có thể buộc lực lượng Nga phải tiếp tế cho quân xâm lược bằng đường bộ qua miền nam Ukraine bị tạm chiếm một phần, qua các khu vực Kherson và Zaporizhzhia. Điều này có thể làm suy yếu các cuộc tấn công của Nga vốn đã có động lực kể từ khi chiếm được Avdiivka ở tỉnh Donetsk.

The Guardian cho biết, việc tấn công vào cây cầu là một phần trong kế hoạch được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phê duyệt nhằm “giảm thiểu” sự hiện diện của hải quân Nga ở Hắc Hải, nơi Ukraine đã đánh chìm các tàu đổ bộ và tàu lớn trong những tháng gần đây.

Những cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải đã đẩy phần lớn Hải quân Nga từ thành phố cảng Sevastopol xa hơn về phía đông tới Novorossiysk.

Tờ báo này đưa tin, vũ khí của phương Tây sẽ cho phép Ukraine phá hủy cây cầu dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó, ông Zelenskiy đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus KEPD-350, một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước đã nhắc lại lời từ chối của ông trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Märkische Allgemeine, trong đó ông nói rằng ông muốn “ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh giữa Nga và NATO”.

Tuy nhiên, Gustav Gressel, thành viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu nói với Newsweek vào tuần trước rằng quyết định của Scholz chỉ làm cho cuộc chiến kéo dài hơn. Ông cũng nói rằng trao Taurus cho Ukraine thì cũng giống như những gì Vương quốc Anh và Pháp đã trao cho Ukraine thôi.

“Quan điểm cho rằng Scholz sẽ tránh được một cuộc chiến tranh NATO-Nga bằng cách không cung cấp một loại thiết bị nào – dù là xe tăng hay Taurus – là hoàn toàn vô lý. Trên thực tế thì điều ngược lại mới đúng”, Gressel nói.

2. Hai máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga làm tăng thêm quyết tâm của NATO

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga đã thực hiện chuyến bay kéo dài 5 giờ theo lịch trình trên vùng biển trung lập ở vùng biển Barents và Na Uy.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Ở một số giai đoạn nhất định của tuyến đường, các máy bay ném bom chiến lược đã bị kè sát bởi các chiến đấu cơ của NATO.

Vụ dương oai diệu võ mới nhất của Nga diễn ra trong bối cảnh NATO đang họp về cách thức viện trợ dài hạn cho người Ukraine. Nó còn làm tăng thêm quyết tâm của NATO.

3. Putin phải đối mặt với nỗi xấu hổ mới vì thất bại trong vụ khủng bố

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Faces Fresh Embarrassment Over Terror Failure”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính phủ Mỹ đã thông báo cho các quan chức Nga về kế hoạch đe dọa tấn công Tòa thị chính Crocus, hơn hai tuần trước khi những kẻ khủng bố xông vào địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa và giết chết 144 người. Công hàm của Mỹ nêu đích danh phòng hòa nhạc Crocus là địa điểm sẽ xảy ra vụ khủng bố.

Báo cáo của The Washington Post cũng đặt thêm câu hỏi về lời giải thích của Vladimir Putin về vụ tấn công khủng bố và sai sót an ninh ở Nga, nơi bất cứ phản đối nào cũng có thể dẫn đến án tù dài hạn, tuy nhiên, với rất ít trở ngại, các tay súng có thể vào một tòa nhà, bắt đầu nổ súng và đốt cháy nó.

Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo cho biết họ đã thực hiện vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Nga trong hai thập kỷ vào ngày 22 tháng 3, và các quan chức Mỹ nói rằng Nhà nước Hồi giáo-Khorasan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Kevin Riehle, tác giả cuốn “The Russian FSB: A Concise History of the Federal Security Service”, nghĩa là “Cơ quan An ninh Liên bang Nga: lịch sử ngắn gọn về dịch vụ An ninh Liên bang”, nói với Newsweek: “Vụ tấn công khủng bố tại Tòa thị chính Crocus ở Mạc Tư Khoa cho thấy mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa với phương Tây đã sa sút đến mức nào.”

Riehle, giảng viên nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Brunel ở Luân Đôn, cho biết thêm: “Chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã cố gắng chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố, nhưng FSB lại phớt lờ nó”. Ông cho rằng điều này là “điềm báo xấu cho an ninh Nga trong tương lai”.

Mikhail Khodorkovsky sinh ngày 26 Tháng Sáu, 1963, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các hành vi phi pháp của Putin.

Khodorkovsky cho rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã tỏ ra có hiệu quả một cách tàn nhẫn trong việc bắt giữ những kẻ khủng bố trong vụ tấn công phòng hòa nhạc Crocus. Như thế, tại sao sau khi đã được Anh, Mỹ cảnh báo, FSB đã không bắt nhóm này trước khi chúng có cơ hội ra tay. Ông bày tỏ mối hoài nghi rằng chính Putin mong muốn những vụ khủng bố như thế xảy ra như ông ta đã làm hồi năm 1999.

Khodorkovsky nhấn mạnh rằng ở Mạc Tư Khoa, người dân chỉ cần tụ tập đông đảo trong vòng 5 phút là đặc vụ Nga có mặt ngay lập tức. Vậy tại sao, một tiếng đồng hồ sau khi những tên khủng bố tấn công phòng hòa nhạc Crocus, các cơ quan an ninh Nga mới kéo đến hiện trường. Tất cả những điều này chứng minh rằng Vladimir Putin cố tình để cho vụ khủng bố xảy ra để mưu cầu những lợi ích chính trị như ông ta đã từng làm hồi 1999.

Vladimir Putin đã bác bỏ những cảnh báo của Hoa Kỳ ba ngày trước các cuộc tấn công là “tống tiền” và cùng với các quan chức Nga khác và những người ủng hộ Điện Cẩm Linh, đưa ra tuyên bố về sự liên quan của phương Tây và Ukraine mà không đưa ra bằng chứng.

Sergei Naryshkin, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, hôm thứ Ba cho biết các cảnh báo của Mỹ là “quá chung chung”, nhắc lại những gì Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang FSB Alexander Bortnikov đã nói vào tuần trước về việc thu thập thông tin chung chung khiến không thể có hành động được.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại phản đối điều này khi nói với The Washington Post rằng Mạc Tư Khoa đã được thông báo rằng Tòa thị chính Crocus là mục tiêu tiềm năng. Thông tin này được chuyển tới Nga vào ngày 6 Tháng Ba, một ngày trước khi Đại sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa đưa ra cảnh báo vào ngày 7 Tháng Ba, khuyên công dân Mỹ tránh đến những nơi tụ tập đông người.

Washington thường chia sẻ cảnh báo khủng bố với nước ngoài, theo chính sách được gọi là “nghĩa vụ cảnh báo”. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho đối thủ là điều bất thường vì điều này có thể tiết lộ cách thu thập thông tin tình báo, và có khả năng gây rủi ro cho các nguồn.

Tờ Washington Post cho biết có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Nga đã xem xét nghiêm chỉnh cảnh báo của Washington ít nhất là ban đầu, với việc FSB tuyên bố một ngày sau khi nhận được thông tin rằng họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo vào một giáo đường Do Thái ở Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, không rõ tại sao an ninh không được tăng cường và duy trì sau cảnh báo ban đầu. Tờ báo cho biết các quan chức Mỹ đã suy đoán một lý do có thể là các cơ quan an ninh của Nga cho rằng thông tin này không chính xác sau khi không thấy có cuộc tấn công nào trong những ngày ngay sau cảnh báo ngày 7 Tháng Ba.

Trong một diễn biến cho thấy người Nga choáng váng trước tiết lộ mới nhất của The Washington Post đến mức nào, và nghi ngờ Putin ra sao, các cơ quan truyền thông nhà nước Nga như RBC, TASS và Izvestia đều đưa tin về tuyên bố của The Washington Post. Cho đến nay Điện Cẩm Linh chưa phản hồi.

4. Bộ Ngoại giao Nga nhận định NATO đã quay trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên: “Hôm nay, trong mối quan hệ với Nga, khối NATO đã quay trở lại bối cảnh Chiến tranh Lạnh”.

Bà cho biết liên minh này không có chỗ đứng trong một “thế giới đa cực”.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hô hào thành lập một quỹ viện trợ cho Ukraine 100 tỷ. Nhà lãnh đạo NATO nói rằng Ukraine cần những viện trợ 'có thể đoán trước' và ổn định bất chấp các dao động vì chính trị nội bộ của các quốc gia cung cấp viện trợ.

Đến cuộc họp của các bộ trưởng NATO sáng Thứ Tư, Jens Stoltenberg, tổng thư ký của liên minh, đã đề xuất thay đổi cách chuyển viện trợ cho Ukraine.

Ông cho biết các quan chức hiện nay sẽ thảo luận về cách NATO có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều phối trang thiết bị quân sự cho Kyiv và các bộ trưởng sẽ thảo luận về một gói kéo dài nhiều năm.

NATO với tư cách là một tổ chức ban đầu tránh xa việc hỗ trợ trực tiếp cho Kyiv các tài nguyên quân sự gây sát thương, khi một nhóm liên lạc do Mỹ dẫn đầu đảm trách các nỗ lực phối hợp này.

Nhà lãnh đạo NATO cho biết: “Ukraine có những nhu cầu cấp thiết – bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp hỗ trợ đều gây ra hậu quả trên chiến trường như chúng ta đang nói”. “Vì vậy, chúng ta cần thay đổi động lực hỗ trợ của mình.”

Ông nói thêm:

Chúng ta phải bảo đảm sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy và có thể dự đoán được cho Ukraine trong thời gian dài để chúng ta ít dựa vào những đóng góp tự nguyện mà dựa nhiều hơn vào các cam kết của NATO, ít hơn vào những lời đề nghị ngắn hạn và nhiều hơn vào những cam kết nhiều năm.

Do đó, các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách NATO có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều phối thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine, gắn chặt vấn đề này trong khuôn khổ NATO mạnh mẽ. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về cam kết tài chính nhiều năm để duy trì sự hỗ trợ của chúng tôi.

Các đồng minh NATO cung cấp 99% tất cả các hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Vì vậy, làm nhiều hơn dưới sự chỉ đạo của NATO sẽ khiến những nỗ lực của chúng ta ngày càng hiệu quả hơn.

Khi được hỏi về đề xuất của mình, ông Stoltenberg từ chối đi vào chi tiết nhưng cho biết các đồng minh đang thảo luận về cách thể chế hóa sự hỗ trợ trong khuôn khổ NATO và cách làm cho điều đó dễ dự đoán hơn.

5. Tàu chở hạt nhân của Nga bị giữ tại cảng NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia-Linked Ship With Nuclear Load Held at NATO Port”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một tàu chở hàng đi từ St. Petersburg, Nga đến Hoa Kỳ đã bị giữ tại Rostock, cảng Baltic lớn nhất của Đức, trong nhiều tuần sau khi uranium và gỗ bị trừng phạt của Nga được phát hiện trên tàu.

Tờ Ostsee Zeitung của Đức đưa tin hôm thứ Năm rằng Atlantic Navigator II, một con tàu dài 633 feet mang cờ Quần đảo Marshall khởi hành từ St. Petersburg đã buộc phải ghé cảng vào ngày 4 tháng 3 do chân vịt của nó bị hư hỏng.

Sau khi tiến hành kiểm tra như một phần của việc giám sát việc tuân thủ các hạn chế ngoại thương, các nhân viên hải quan Đức đã giữ con tàu sau khi phát hiện ra rằng nó đang vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt trị giá 40 triệu euro hay 43 triệu Mỹ Kim, bao gồm gỗ bạch dương và uranium đã được làm giàu cho các nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ.

Các quan chức hải quan cho biết số gỗ này đến từ các nhà máy gỗ của một nhà tài phiệt người Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

Liên minh Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm vận đối với gỗ của Nga nhằm đáp lại quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2 năm 2022. Các hạn chế này có hiệu lực vào tháng 7 năm 2022 và cấm nhập khẩu gỗ viên, gỗ xẻ và các sản phẩm gỗ khác từ Nga.

Washington vẫn chưa trừng phạt uranium hoặc gỗ của Nga. Tuy nhiên, vào tháng 12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Vào năm 2022, các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã nhập khẩu khoảng 12% uranium từ Nga.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành và con tàu chở hàng sẽ vẫn ở cảng Rostock trong khi chờ tiến triển của cuộc điều tra.

“Do trên tàu có hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt nên tàu đã nhận được lệnh tạm giữ từ hải quan. Do đó, việc rời cảng bị cấm”, Falk Zachau, nhà lãnh đạo cảng Rostock, nói với tờ báo.

“Hàng hóa trên tàu, giống như tất cả hàng hóa được đưa vào Liên Hiệp Âu Châu, phải chịu sự giám sát của hải quan. Là một phần của hoạt động giám sát này, chúng tôi đặc biệt kiểm tra việc tuân thủ các hạn chế đối với hoạt động ngoại thương, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các cuộc điều tra hiện tại vẫn đang tiếp diễn”, cơ quan hải quan ra lệnh bắt giữ tàu cho biết.

Chủ tàu đã nộp đơn khiếu nại việc bắt giữ tàu.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Mạc Tư Khoa để đáp trả cuộc chiến, hàng tấn gỗ của Nga vẫn tiếp tục xâm nhập trái phép vào thị trường Liên Hiệp Âu Châu, Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra đối tác ở Âu Châu cho biết vào tháng 3.

6. Kyiv cho biết Nga mất gần 1.000 hệ thống pháo binh trong tháng 3

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Lost Almost 1,000 Artillery Systems in March: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, do mối lo ngại sâu sắc về tình trạng thiếu hụt đạn pháo của Ukraine, Kyiv đã ưu tiên tập trung vào việc phá hủy số lượng lớn nhất các hệ thống pháo binh của Nga trong một tháng vào tháng 3, để tránh tình trạng Nga giành được ưu thế quá lớn về pháo binh.

Nga đã mất 976 hệ thống pháo binh vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm thứ Tư. Kyiv nói thêm: “Các chiến binh Ukraine đã làm rất tốt.

Pháo binh và đạn dược để duy trì hoạt động của các hệ thống này là một phần quan trọng trong cuộc chiến trên bộ kéo dài hơn 25 tháng ở miền đông và miền nam Ukraine.

Trong số liệu cập nhật do quân đội Ukraine công bố hôm thứ Tư, Kyiv cho biết lực lượng Nga đã mất tổng cộng 11.142 hệ thống pháo binh kể từ tháng 2 năm 2022. Con số này bao gồm việc mất 30 hệ thống pháo binh trong 24 giờ trước đó, Ukraine cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết Ukraine đã mất 8.629 khẩu pháo dã chiến và súng cối trong hơn hai năm chiến tranh.

Trong khi các hệ thống pháo binh luôn nằm trong danh sách mong muốn cung cấp của Kyiv từ những người ủng hộ phương Tây, thì ưu tiên trong nhiều tháng là đạn dược để giữ cho hệ thống này hoạt động và hữu ích. Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho biết các hoạt động của Ukraine đã bị hạn chế do nạn đói đạn pháo khi lực lượng Nga tiến về phía tây.

Các chiến binh của Kyiv được cho là chỉ có khả năng bắn khoảng 20% số đạn mà quân đội Nga có thể sử dụng.

Các đồng minh NATO đã nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động của pháo binh ở Kyiv, nhưng điều đó tỏ ra là một yêu cầu cao. Liên minh Âu Châu đã thừa nhận vào tháng trước rằng họ sẽ không đáp ứng được thời hạn đã đặt ra vào năm trước để giao 1 triệu viên đạn cho Ukraine vào cuối tháng 3 năm 2024.

Khối này cho biết vào giữa tháng 3 rằng họ sẽ cung cấp hơn 500.000 viên đạn vào cuối tháng và 1 triệu viên đạn trước khi hết năm.

Tháng trước, CNN đưa tin Mạc Tư Khoa có thể sẽ sớm sản xuất số lượng đạn pháo gấp ba lần lượng đạn pháo mà Mỹ và Âu Châu có thể sản xuất. Một quan chức cao cấp của NATO nói với mạng lưới: “Những gì chúng ta đang gặp phải hiện nay là một cuộc chiến về sản xuất”.

Chính phủ Tiệp đang dẫn đầu nỗ lực cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine từ bên ngoài Âu Châu. Đức cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ đóng góp 180.000 quả đạn cho sáng kiến này.

7. NATO đã có cách để ai làm Tổng thống Mỹ giờ đây sẽ ít quan trọng hơn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO May Have Solved Its Trump Problem”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các báo cáo cho biết, NATO đang vạch ra các kế hoạch mới có thể giúp liên minh 75 tuổi này vượt qua chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” đang nổi lên của cựu Tổng thống Donald Trump, người có thể bảo đảm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng 11.

Tờ Financial Times đưa tin rằng hôm thứ Tư, các ngoại trưởng NATO đã thảo luận về đề xuất Phái đoàn đại diện cho Ukraine do Tổng thư ký sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg đưa ra, trong đó sẽ điều phối khoản tài trợ khoảng 100 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv.

Tờ Financial Times và Politico cũng đưa tin rằng 32 thành viên liên minh đang cân nhắc việc chịu trách nhiệm tập thể đối với nhóm hỗ trợ viện trợ quân sự Ramstein do Hoa Kỳ lãnh đạo - nhóm mà trong trường hợp cựu Tổng thống Trump tái đắc cử có thể bị giải tán hay có thể bị mắc kẹt hàng vài tháng trong các tranh cãi liên quan đến các dự luật tài trợ.

Tờ Financial Times đưa tin Stoltenberg muốn kế hoạch chi tiết mới được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của liên minh tại Washington, DC. Ông dự kiến sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo NATO vào mùa thu này, sau khi nhiệm kỳ của ông được kéo dài vì chiến tranh ở Nga.

Nhà lãnh đạo NATO tiếp theo – được nhiều người dự đoán là đương kim Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte – có thể phải vật lộn với nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Trump. Cựu tổng thống vẫn công khai chỉ trích liên minh xuyên Đại Tây Dương và các thành viên quan trọng nhất của liên minh này, đồng thời ông sẵn sàng ủng hộ tầm nhìn về chiến thắng của Ukraine mà phần lớn các đồng minh đều chia sẻ.

Ngay cả khi Tổng thống Joe Biden bảo đảm được một nhiệm kỳ khác, ông ấy có thể phải đối mặt với sự phản đối của một số thành viên Quốc Hội, những người hiện nay đã thể hiện rõ ảnh hưởng của họ, khi chặn khoảng 61 tỷ Mỹ Kim tài trợ cho Ukraine bất chấp những lời cầu xin liên tục từ Kyiv và các thủ đô Âu Châu để giải ngân khoản tiền này.

Một quan chức ngoại giao Âu Châu giấu tên nói với Newsweek rằng thực tế tàn khốc về hành động gây hấn của Nga ở Ukraine là “hồi chuông báo động” thực sự đối với NATO.

Quan chức này cho biết: “Điều này xảy ra trước khi Trump 2.0 thực sự trở thành một tương lai khả thi”. “Tôi muốn nói rằng nhiệm kỳ mới đầy tiềm năng của cựu Tổng thống Trump đang đẩy nhanh quá trình đó và nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng phòng thủ của chính Âu Châu.”

Tuy nhiên, việc Tòa Bạch Ốc của cựu Tổng thống Trump giám sát một cuộc chiến lớn ở Âu Châu sẽ là một ẩn số. Quan chức này nói thêm: “Nhiệm kỳ mới tiềm năng của ông ấy cũng nằm trong bối cảnh tình hình chiến tranh thực tế nên lời nói của ông ấy càng có sức nặng hơn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với CNN vào tháng 2, rằng ông không tin những lời đồn đại rằng cựu Tổng thống Trump đứng về phía Nga. Putin “đã giết chết tất cả các giá trị mà chúng tôi bảo vệ ngày nay”, “Đó là lý do tại sao tôi không thể hiểu làm thế nào Donald Trump có thể đứng về phía Putin. Vì vậy, đối với tôi, đó là một điều không thể tin được.”

Dù dưới thời Trump hay Tổng thống Biden, Ukraine cần có kế hoạch dài hạn. Oleksandr Merezhko, thành viên quốc hội Ukraine và chủ tịch ủy ban đối ngoại của nước này, nói với Newsweek: “Tôi không biết liệu ý tưởng này có liên quan đến kết quả có thể xảy ra của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hay không vì hiện tại nó không thể đoán trước được”

“Đồng thời, đối với tôi, ý tưởng đưa định dạng Ramstein vào tầm ngắm của NATO có vẻ khá hợp lý và khả thi. Nó sẽ mang lại cho Ukraine sự ổn định và khả năng dự đoán cao hơn về viện trợ quân sự bất chấp những thay đổi chính trị ở các quốc gia thành viên NATO. Ngoài ra, quyết định này sẽ tăng cường tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương trong NATO”.

Merezhko nói: “An ninh của Ukraine không thể chỉ phụ thuộc vào một quốc gia”. “Chúng tôi thực sự cần sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương ở đây.”

8. Mélanie Joly, ngoại trưởng Canada, cho biết khi đến trụ sở NATO rằng “Putin nghĩ rằng ông ấy sẽ chia rẽ chúng tôi; bây giờ chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Cô nói: “Chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi phải tiếp tục đầu tư vào việc hỗ trợ quân sự và các cấp cho Ukraine”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói tất cả các nước nên 'chi hơn 2%' GDP cho quốc phòng

Đến cuộc họp của các bộ trưởng NATO, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã kêu gọi các đồng minh tăng cường chi tiêu quốc phòng.

“Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo đảm liên minh này tiếp tục phát triển và củng cố là bảo đảm rằng tất cả chúng ta chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Hiện nay có nhiều quốc gia đang làm điều đó nhưng chúng ta cần mọi quốc gia đều làm điều đó.

Thành thật mà nói, đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để bảo đảm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào mùa hè này thành công và đó cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Mỹ vào mùa thu, bất kể kết quả của chúng ra sao”.

9. Kyiv cho rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga trải qua 'tháng tồi tệ'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet Suffered 'Bad Month'—Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kyiv cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga đã trải qua một “tháng tồi tệ”, sau khi lực lượng Ukraine tấn công một loạt tàu Nga đóng xung quanh bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

“Hạm đội Hắc Hải của Nga tiếp tục gặp khó khăn”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Đầu tháng 3, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái hải quân Magura V5 tự sản xuất để tấn công vào tàu tuần tra Sergei Kotov gần eo biển Kerch ở phía đông Crimea. Ukraine cho biết các cuộc tấn công đã làm hư hại phần đuôi tàu, bên phải và bên trái trước khi tàu chìm.

Cuối tháng, lực lượng không quân Kyiv cho biết lực lượng của họ đã tấn công ba tàu đổ bộ của Nga, cũng như tàu trinh sát Ivan Khurs, tại cảng Sevastopol trên Hắc Hải, nơi Nga đóng quân một phần Hạm đội Hắc Hải. Ukraine cho biết 4 tàu bị bắn trúng nhưng không cho biết chúng đã bị phá hủy hoàn toàn hay chưa.

“Các chiến binh Ukraine đã làm rất tốt,” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói trong bài đăng trên mạng xã hội.

Trong hơn hai năm, Ukraine đã nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga, tấn công – và thường thành công – vào các tàu có giá trị cao đang di chuyển hoặc neo đậu quanh Crimea. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát vùng lãnh thổ mà họ sáp nhập từ Ukraine trong một thập kỷ và đã sử dụng nó để phối hợp và tiến hành các cuộc tấn công vào đất liền. Kyiv đã cam kết giành lại Crimea.

Ukraine đã sử dụng hỗn hợp máy bay không người lái, bao gồm máy bay không người lái cải tiến của hải quân, hỏa tiễn do phương Tây cung cấp và hỏa tiễn chống hạm sản xuất trong nước để tiêu diệt lực lượng mà các quan chức Ukraine ước tính có khoảng 1/3 Hạm đội Hắc Hải.

Nga, trái ngược với thành công vang dội trước hệ thống phòng thủ trên đất liền của Ukraine, dường như không được trang bị đầy đủ để đối phó với các mối đe dọa do chiến thuật của Ukraine gây ra đối với các tài sản ở Hắc Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, hồi tháng 3 tuyên bố rằng Hạm đội Hắc Hải sẽ nhận được súng máy cỡ nòng lớn để sử dụng chống lại máy bay không người lái đang bay tới, đồng thời bổ sung thêm các nhân viên sẽ trải qua khóa huấn luyện “ngày đêm” chống lại các phương tiện không người lái.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các mồi nhử hiện đang được sử dụng tại các căn cứ ở Hắc Hải và Nga đã cố gắng ngụy trang các tàu của mình bằng sơn và những hình bóng khó hiểu.

Các hoạt động của Kyiv đã buộc Nga phải di dời nhiều tài sản của mình ở Crimea đến Novorossiysk, một căn cứ xa hơn về phía đông trên Hắc Hải thuộc vùng Krasnodar của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh nhận xét vào cuối tháng 3: “Do nguy cơ bị Ukraine tấn công ngày càng tăng tại cảng quê hương truyền thống Sevastopol của họ, cảng Novorossiysk hiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những tài sản quý giá nhất của Hạm đội Hắc Hải”.

Bộ này cũng cho biết Nga hiện đang sử dụng sà lan để bảo vệ hạm đội ở Novorossiysk trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Các báo cáo cho thấy Mạc Tư Khoa đang đặt nền móng cho một căn cứ ở Hắc Hải ở khu vực Abkhazia ly khai của Georgia, thậm chí còn cách xa vùng biển duyên hải của Ukraine hơn.

Nhưng Nga vẫn chiếm ưu thế trên phần lớn Hắc Hải, ngay cả khi nước này bị hạn chế ở góc tây bắc gần Ukraine nhất vì các cuộc tấn công của lực lượng Kyiv, Đại úy Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko nói với Newsweek vào đầu tháng 3.