Cha Raymond J. de Souza, trên First Things ngày 25/03/2024, nhận định rằng lễ kỷ niệm 11 năm ngày nhậm chức của Đức Giáo Hoàng (19 tháng 3) rơi vào một thời điểm khó khăn, với cuộc tranh cãi hoàn cầu về nhận định “cờ trắng” Ukraine của ngài, trong đó ngài nói rằng Ukraine nên đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Nga. Đáng tiếc là nó lại phù hợp, vì năm thứ 11 của triều đại giáo hoàng là một năm gập ghềnh đối với Đức Phanxicô. Một năm trước, người ta mong đợi, sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y George Pell, con đường sẽ rộng mở hơn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi theo chương trình của ngài. Mọi chuyện không diễn ra suông sẻ như vậy.

Ngay cả trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Đức Phanxicô cũng có sự bất an. Mike Lewis của Where Peter Is đã viết vào tháng 12 rằng “đã đến lúc bắt đầu lại... bởi vì nhiều người Công Giáo đơn giản là không hiểu Đức Phanxicô.” Massimo Faggioli ở Commonweal than thở rằng “dường như không có vị giáo phẩm nào ở Vatican có thể nói chuyện với người Đức ở cùng bình diện thần học như Đức Hồng Y Ratzinger hay Đức Hồng Y Mueller đã làm” và tự hỏi liệu “một Vatican với sự lãnh đạo của người Mỹ Latinh có thể hòa giải những khác biệt hay không giữa Đức và Châu Phi.” Michael Sean Winters của tờ National Catholic Reporter thú nhận rằng “vị giáo hoàng tuyệt vời của chúng ta đã sai lầm khủng khiếp về Ukraine”.

Vì thế năm thứ mười một thật là khó khăn. Dưới đây là 11 khúc mắc trên đường đi từ tháng 3 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024.

1. Nicaragua

Vào tháng 3 năm 2023, chế độ Ortega ở Nicaragua đã trục xuất sứ thần của giáo hoàng – một dấu hiệu bi thảm về việc gia tăng đàn áp Giáo hội. Đạo luật này là một phần của việc chế độ bỏ tù các giám mục và linh mục, trục xuất các Thừa sai Bác ái, và chiến dịch trừng phạt pháp lý chống lại các tổ chức của Giáo hội. Tuy nhiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao một cách hiệu quả đã nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Vatican không có tác dụng đáng kể ở Châu Mỹ Latinh, dù ở Nicaragua, Venezuela hay thậm chí là Argentina.

Vào tháng 1 năm 2024, được coi là một chiến thắng cho chính sách ngoại giao của Tòa thánh khi các Giám mục Nicaragua Rolando Álvarez của Matagalpa và Isidoro del Carmen Mora Ortega của Siuna, cùng với nhiều linh mục khác, được thả ra khỏi nhà tù và bị đày đến Rome. Nhưng việc họ bị trục xuất khỏi đất nước và xa đàn chiên của mình chỉ là một sự cải thiện tương đối so với những lựa chọn còn khủng khiếp hơn ở quê nhà.

2. Argentina

Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn chú ý cẩn thận đến chính trị ở quê nhà, thường viện dẫn tình hình chính trị là lý do tại sao ngài chưa bao giờ trở lại thăm với tư cách giáo hoàng. Tháng 12 năm ngoái, Javier Milei đã giành được chiến thắng vang dội cho chức tổng thống, sau một chiến dịch tranh cử trong đó ông đã nhắc đến Đức Giáo Hoàng một cách thiếu tôn trọng, thô lỗ và thô tục nhất. Trong ký ức còn sống, chưa có nguyên thủ quốc gia dân chủ nào từng nói về giáo hoàng theo cách như vậy, chứ đừng nói đến ở quê nhà.

Trong khi người Argentina dường như không quá bận tâm đến điều đó, thì các “linh mục khu ổ chuột” gắn liền với tầm nhìn của Đức Phanxicô ở Argentina đã tổ chức một số sự kiện, trước và sau cuộc bầu cử, để thể hiện sự phản đối của họ đối với Milei.

Sau cuộc bầu cử, Đức Giáo Hoàng tỏ ra ân cần và Milei đã có giọng điệu thân thiện, thậm chí còn ôm hôn nồng nhiệt Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Rôma và mời ngài đến thăm Argentina. Tuy nhiên, sự thù địch trong lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử của ông đã gây sốc cho người Công Giáo trong năm qua.

3. Đức

“Con đường đồng nghị” của Đức tiếp tục tiến bước một cách thách thức, không quan tâm đến những cảnh cáo, lời khẩn cầu và lời khuyên răn từ Rome. Tiến bộ nhỏ đã đạt được vào tháng trước khi cuộc bỏ phiếu về việc thành lập hội đồng đồng nghị thường trực cho Đức bị hoãn lại. Năm nay, một số phiên đối thoại đã được lên kế hoạch giữa các viên chức Đức và Rôma. Đức là một lời nhắc nhở thường xuyên về việc đây là một triều giáo hoàng có sự chia rẽ gia tăng như thế nào.

4. Chủ nghĩa đế quốc Nga

Vào tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi nói chuyện với một nhóm thanh niên Nga, đã khuyến khích họ tự hào về “nước Nga vĩ đại”. Ngài đề cập đến các nhân vật hoàng gia Catherine và Peter Đại đế. Với những lời lên án thường xuyên của ngài đối với chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở những nơi khác, bài ca ngợi đế quốc Nga này rất đáng lưu ý.

Những người dân bị khuất phục bởi quyền lực của Nga – người Litva, người Ba Lan, người Ukraine – đã ngạc nhiên và tổn thương trước những nhận xét của Đức Giáo Hoàng, tự hỏi liệu sự ngưỡng mộ nào đó đối với chủ nghĩa đế quốc Nga có đang thúc đẩy cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng đối với cuộc chiến chống Ukraine hay không.

5. Thành Cát Tư Hãn

Ngay sau bài phát biểu về đế quốc Nga, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi “Hòa bình Mông Cổ” của Thành Cát Tư Hãn trong chuyến thăm Ulaanbaatar, và tuyên bố rằng đế quốc này là hình mẫu của tự do tôn giáo. Nhận xét của ngài là một cách đọc đầy thiện cảm khác về lịch sử đế quốc. Chuyến đi đến Mông Cổ là chuyến đi đầu tiên của Đức Giáo Hoàng, cũng như đánh giá tích cực về một đế chế thường gắn liền với sự chinh phục, tàn bạo, hãm hiếp và cướp bóc. Theo thông lệ, các giáo hoàng sẽ tìm thấy điều gì đó đáng khen ngợi trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào họ đến thăm. Đức Phanxicô chắc chắn đã thực hiện nỗ lực đó trong số những người thừa kế của người Mông Cổ.

6. Thượng Hội đồng về tính đồng nghị

Tiến trình đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị là sáng kiến hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mời người Công Giáo tìm ra “một cách thức mới để là Giáo hội”, như Đức Hồng Y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa thánh tại Washington, đã nói. Quá trình hội nghị khổng lồ có nhiều khúc mắc khác nhau trong suốt năm 2023, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gia hạn tiến trình này thêm một năm nữa. Nó được cho là sẽ lên đến tuyệt đỉnh trong một phiên họp thượng hội đồng khác sẽ nhóm họp tại Rome trong một tháng vào tháng 10 này. Rồi vào tuần trước, ngài đã kéo dài tiến trình đồng nghị đến năm 2025 và có lẽ xa hơn nữa.

Một dự án hành chánh lớn như vậy chắc chắn sẽ trao quyền lớn cho các quản trị viên của thượng hội đồng. Điều đó được thấy rõ ràng trong những ngày cuối cùng của Thượng Hội đồng, khi hàng trăm đại biểu được đọc một bản văn dài 40 trang (chỉ bằng tiếng Ý). Hơn một nghìn sửa đổi đã được đệ trình để các nhà quản trị thượng hội đồng xem xét trong một phiên họp kéo dài suốt đêm trước khi được bỏ phiếu vào ngày hôm sau. Quá trình đó dường như không phù hợp với tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng về “Chúa Thánh Thần là nhân vật chính” của Thượng Hội đồng.

7. Cha. Marko Rupnik, tu sĩ Dòng Tên

Vụ tai tiếng linh mục lạm dụng bẩn thỉu của Cha Marko Rupnik đã tạo ra những diễn biến đáng thất vọng trong suốt cả năm. Nó đã đạt đến điểm thấp trong chính cuộc họp thượng hội đồng, khi có tin tức cho biết, sau khi bị trục xuất khỏi Dòng Tên, Cha Rupnik đã được giáo phận quê hương của ông ở Slovenia chấp nhận với tư cách tốt.

Tin tức này đã gây ra sự kinh ngạc rộng rãi trong số các thành viên Thượng Hội đồng đến nỗi chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến phát biểu trước toàn thể hội nghị vào chiều hôm đó. Đó là một khoảnh khắc siêu thực. Không nói một lời nào về vụ tai tiếng Rupnik, Đức Giáo Hoàng chỉ trích cách lựa chọn trang phục truyền thống của các chủng sinh. Không ai trong hội trường biết rõ điều gì đã làm vấn đề đó ra cấp bách trong khi các hàng tít trên khắp thế giới đang dẫn đầu về Rupnik.

8. Laudate Deum

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố Laudate Deum, một tông huấn “tiếp theo” của thông điệp Laudato Si năm 2015 của ngài, trùng với thời điểm diễn ra phiên họp thượng hội đồng. Đó là một tài liệu đặc biệt nhất của Đức Giáo Hoàng, vì nó tuyên bố về các vấn đề chuyên biệt khoa học và chính sách cụ thể, đồng thời được dùng như một loại tài liệu làm việc của tổ chức phi chính phủ cho hội nghị khí hậu sắp tới ở Dubai.

Bản văn có rất ít tiếng vang. Một phần vì về cơ bản nó không phải là một bản văn tôn giáo mà là một bản văn chính trị, và một phần vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định đích thân vận động hành lang cho nó ở Dubai, nhưng không thể thực hiện chuyến đi vì lý do sức khỏe.

9. Đức Hồng Y Raymond Burke

Đức Hồng Y Raymond Burke đã không hề e ngại trước những lời chỉ trích của mình đối với triều giáo hoàng. Tuy nhiên, thật là một cú sốc ở Giáo triều Rôma khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định cắt tiền trợ cấp của ngài (thực sự là tiền hưu trí, vì Burke đã nghỉ hưu) và loại bỏ căn hộ được trợ cấp của ngài. Nó có vẻ không xứng đáng với phẩm giá của chức vụ giáo hoàng. Và tất nhiên, nó mời gọi sự so sánh trong tương lai khi các Hồng Y khác duy trì lương hưu và căn hộ của họ.

10. Tính đồng nghị bị phá hoại một cách bí mật

Quá trình đồng nghị vẫn tiếp tục, nhưng không rõ ràng là nó có giữ được bất cứ sự tín nhiệm nào hay không. Việc công bố Fiducia Supplicans vào tháng 12 về việc ban phép lành cho các cặp vợ chồng bất hợp pháp và đồng tính đã tiết lộ rằng các viên chức cấp cao của giáo triều đang làm việc bí mật sau lưng Thượng Hội đồng. Trong khi Thượng Hội đồng quyết định không đề cập đến chủ đề này thì Bộ Giáo lý Đức tin đã tiến hành một cách vội vàng bí mật, với sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Do đó, tiến trình đồng nghị hoàn toàn không liên quan đến một vấn đề đã làm rung chuyển Giáo hội. Tại sao đầu tư thêm năng lực vào nó?

Sau Fiducia, câu hỏi không phải là tiến trình thượng hội đồng sẽ quyết định điều gì trong năm nay. Câu hỏi là: Nó có quan trọng không?

11. Sự bác bỏ của Chính thống giáo Coptic

Điểm nổi bật của năm vừa qua là chuyến viếng thăm Rôma vào tháng 5 của Giáo Hoàng Tawadros, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Coptic ở Ai Cập, một trong những Giáo hội Chính thống cổ xưa. Tại cuộc họp đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ công nhận quyết định của Chính thống giáo Coptic về việc “phong thánh” cho 21 vị tử đạo của Libya, bị chặt đầu vào năm 2015 dưới bàn tay của ISIS. Đó là một quyết định đại kết giàu trí tưởng tượng.

Chưa đầy một năm sau, Chính thống giáo Coptic đã đình chỉ mọi cuộc đối thoại với Giáo Hội Công Giáo vì “sự thay đổi quan điểm” của Đức Giáo Hoàng về vấn đề đồng tính luyến ái, như họ gọi nó. Fiducia đã làm tổn hại đến sự hiệp nhất Kitô giáo.

Cuối cùng, những ngày cận kề lễ kỷ niệm được đánh dấu bằng cuộc phỏng vấn “cờ trắng”, gây phẫn nộ ở Ukraine đang đau khổ. Đó là một dạng tóm tắt của năm thứ mười một. Sau một năm đầy biến động, liệu năm tới có yên bình hơn không?