CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B
“ĐƯỢC TÔN VINH” NGHĨA LÀ GÌ?

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!”. Khi áp dụng “Con Người” cho bản thân, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ ý niệm “Con Người” trong sách Đaniel. Mà “Con Người” trong Đaniel thật mạnh mẽ, thật cao cả.

Chính vì thế, khi áp dụng và công bố về “Con Người” cho chính mình, Chúa Giêsu cho thấy, đây là thời điểm Chúa được tôn vinh. Chúa là Đấng “Con Người”. Chúa là Chúa uy hùng, Chúa tràn đầy sức mạnh, Chúa chiến thắng, Chúa chinh phục và thu phục:
“Có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng bao giờ suy vong” (Đa 7, 14).

Nhưng sau khi tuyên bố “Con Người được tôn vinh” đầy vượt thắng, bản lãnh và vinh quang, Chúa lại gắn vào sự “được tôn vinh” ấy một loạt những lời, những câu thật nghịch lý, nghịch lý đến mức mâu thuẫn, đến mức khó hiểu:
“Nếu hạt lúc gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này…”.

Chắc chắn cách nói của Chúa Giêsu khiến nhiều người chưng hửng, bàng hoàng. “Được tôn vinh” mà lại phải bị “gieo”, phải “chết đi”, phải “ghét sự sống”, phải “xao xuyến”, phải xin “cứu Con khỏi giờ này”… sao?

Nói những lời như thế thì không thể nào là “Con Người” được? “Con Người”, tự bản thân ý niệm này, đã mạnh mẽ, đã đầy oai phong. Đàng này lại là “Con Người được tôn vinh!”, thì sự vinh hiển phải rạng ngời vô cùng?

Chúa làm đảo lộn tất cả mọi ý niệm của người nghe. Chúa làm cho sự chiến thắng, sự tôn vinh, theo cách hiểu thông thường của từng người chúng ta bị lật đổ, bị hụt hẫng. Vậy nghịch lý trong lời dạy của Chúa Giêsu có thật là nghịch lý?

Thật ra, qua những lời này, Chúa dạy tất cả chúng ta trân quý sự sống, gìn giữ sự sống là khi biết sử dụng sự sống. Người ta phải đánh đổi sự sống để có được sự sống mới, có được sự sống ở mức độ cao hơn.

Biết bao nhiêu người dám chấp nhận đánh mất chính mình để mang lại giá trị quý giá hơn cho cuộc đời, cho nhân loại, cho sự nghiệp chung.

Chẳng hạn, tháng 4.1968, cả thế giới xúc động khi hay tin Mục sư Martin Luther King bị sát hại. Tại sao Mục sư Martin Luther King lại được cả thế giới yêu mến?

Mục sư Martin Luther King là người đã chiến đấu không mệt mỏi cho phong trào nhân quyền. Chính ông đã giúp thành công trong việc giành lại quyền bình đẳng cho người da màu.

Mục sư Martin Luther King còn gây một thông điệp về niềm hy vọng công lý trong cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm mang lại thay đổi lớn cho nước Mỹ, chế ngự tâm thức hàng triệu con tim trên toàn thế giới rằng, mọi người hãy yêu chuộng hòa bình, hãy yêu chuộng sự công bằng, hãy yêu chuộng tinh thần bất bạo động.

Mục sư King dư biết việc làm của ông gây phẫn nộ cho nhiều người, ông và gia đình ông phải bị đe dọa, sự sống của ông sẽ vô cùng nguy hiểm.

Nhưng ông hiểu mình phải sống vì chân lý, vì con người, vì tất cả nét đẹp của Tin Mừng Chúa Kitô. Là Mục sư, hằng ngày giảng dạy cho mọi người, Martin Luther King chắc chắn thấm nhuần lời dạy và gương hy sinh của Chúa Kitô. Ông chính là hình ảnh của Chúa Kitô, là bản sao của Chúa Kitô chấp nhận như hạt lúa chôn vùi để đem lại kết quả lớn là sinh nhiều hạt khác.

Mục sư Martin Luther King chết nhưng sự thành công và ảnh hưởng của phong trào đấu tranh do ông để lại mang lại vô vàn lợi ích cho con người, cho sự sống nhân loại, cho tất cả những ai bị chà đạp, bị lối hành xử bất công chèn ép, tấn công… Đó là vinh quang của ông, vinh quang của hạt lúa thối rữa để sinh nhiều hạt khác.

Chúa Kitô đã được “Tôn Vinh” bằng cách hiến trao cuộc sống. Hôm nay chúng ta cũng hãy đi con đường mà Chúa Kitô đã đi. Chỉ có con đường hy sinh, tế hiến, trao dâng… như Chúa Kitô mới là vinh quang của chúng ta.

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!”. Đó là giờ Chúa Kitô vâng phục Chúa Cha để chết thay cho trần gian. Bài học này mỗi Kitô hãy ghi nhớ trong mọi ngày sống của mình, để sống, chết và sống lại như Chúa Kitô. Sự tôn vinh mà Thiên Chúa dành cho những ai trở thành môn đệ của Chúa Kitô là sống rập khuôn những gì Chúa Kitô đã thể hiện.