H.W. Crocker III, một nhà sử học và tiểu thuyết gia nổi tiếng, trên Catholic Thing, ngày 27 tháng 1, năm 2024, tường trình rằng, năm 1960, Evelyn Waugh thú nhận với một người phỏng vấn BBC rằng ông cảm thấy thoải mái với những người đồng đạo Công Giáo của mình hơn là “với những người ngoại đạo hoặc những người Thệ Phản. Người ta có khá nhiều giả định cơ bản chung đến nỗi không cần phải nói tới nhiều điều. Khi bạn đang nói chuyện với ngay cả những người ngoại đạo vui tính và thông minh nhất, bạn đột nhiên nhận ra rằng điều bạn nói chẳng có ý nghĩa gì với họ cả”.

Tuy nhiên, Waugh làm việc đó dễ dàng hơn chúng ta nhiều. Vào năm 1960, hầu hết mọi công ty truyền thông ở Hoa Kỳ đều tuân thủ Bộ luật Hays hoặc Bộ luật của Hiệp hội Phát thanh viên Quốc gia và phục vụ cho những thiên hướng đạo đức của những người Công Giáo chính thống và những người Thệ Phản bảo thủ.

Vào năm 1960, mọi người Công Giáo mới nhập học tại Đại học Brown (và mọi người Công Giáo mới nhập học ở mọi cơ sở giáo dục đại học khác) đều là người Công Giáo tham dự Thánh lễ Latinh. Ngày nay, gần 40% sinh viên năm thứ nhất vào Đại học Brown khẳng định họ không phải là người dị tính.

Vào năm 1960, “sống chung không cưới xin” (shacking up) là một uyển ngữ để chỉ một điều mà, theo thống kê, về cơ bản không hiện hữu. Không ai đáng xấu hổ hay vô luân đến mức làm điều đó. Ngày nay, khoảng bảy mươi phần trăm các cặp “chơi ở nhà” (kiểu nói văn hoa cho lối sống chung hiện nay) trước khi kết hôn; và 40 phần trăm các ca sinh nở ngoài giá thú.

Vào năm 1960, nếu bạn hỏi bất cứ cô dâu nào tại sao cô ấy lại mặc đồ trắng trong đám cưới, cô ấy sẽ nói với bạn rằng màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, khiết tịnh và đức hạnh của cô ấy. Hãy thử hỏi câu hỏi đó với một cô dâu ngày hôm nay và bạn có thể sẽ nghe rằng màu trắng là “truyền thống”. Có lẽ cô ấy chưa bao giờ nghe đến từ “khiết tịnh”, đại diện cho một nhân đức mà cô ấy chưa bao giờ khao khát, sẽ không nhận ra và trên thực tế sẽ thấy không thể hiểu được. Hãy nhớ rằng, ngay cả các bộ lạc man rợ phía bắc của châu Âu thời La Mã cũng làm tốt hơn về điểm này.

Và tất nhiên, ngày nay, một “đám cưới” thường không phải là điều mà người Công Giáo coi là đám cưới, mà chỉ đơn thuần là một sự sắp xếp chính thức hóa việc sống chung không cheo cưới có lẽ tốt hơn nên mô tả bằng một thuật ngữ khác và được đánh dấu bằng một buổi lễ khác. Tôi đề nghị, như một thuật ngữ thay thế, Gia hạn hợp đồng thuê, có lẽ được chủ nhà thực hiện, mà chính nhờ lòng tốt của ông mà cặp này bắt đầu sống trong tội lỗi lần đầu tiên. Hợp đồng được ký bởi một cặp như vậy có thể bao gồm điều khoản ly hôn nếu một đứa con lòi ra.

Khi Waugh qua đời vào năm 1966, không ai nhầm lẫn về đại danh từ hay sử dụng hạn từ “chuyển giới” hay gặp ác mộng về việc những những người đàn ông mặc giả áo đàn bà (drag queens) làm hư trẻ em trong trường học và thư viện công cộng. Những điều này thật không thể tưởng tượng được. Đối với những người ngoại đạo hiện đại, bao gồm một tỷ lệ dân số lớn đáng kinh ngạc, việc phản đối họ là điều gần như không thể tưởng tượng được.

Chân dung nhà báo Sylvia von Harden của Otto Dix, 1926 [Le Centre Pompidou, Paris]


Ngày nay, giữa những người ngoại đạo, ngay cả những hạn từ đơn giản, những hạn từ mà chúng ta gặp khi mới học đọc - con trai, con gái, mẹ, bố - cũng mang vẻ sợ hãi ngu dốt, có thể là khủng bố, hoặc thậm chí cáo buộc rằng những hạn từ đó có thể cấu thành “bạo lực thực sự”.

Thật đáng kinh ngạc, khi bạn nghĩ về điều đó, rằng Lễ Giáng sinh - và đặc biệt Lễ Phục sinh - không được coi là bạo lực thực sự, vì đó là những sự áp đặt của Kitô giáo lên lịch của chúng ta, một trong số đó đánh dấu việc hành quyết một nhân vật Kitô giáo trong lịch sử. Nhưng với sự kiên nhẫn khác thường, những người ngoại đạo chỉ đơn giản gọi những sự kiện này là “Những ngày lễ vui vẻ” hay “Kỳ nghỉ xuân” và tập trung tâm trí của họ một cách kiên quyết vào ý nghĩa thực sự của các mùa: giảm giá Thứ Sáu Đen và kỳ nghỉ chè chén say sưa ở Bãi biển.

Chủ nghĩa ngoại giáo phổ biến vì nó thần tượng hóa ý chí cá nhân, mà đối với một số người –những người yếu đuối, những người ích kỷ, những người quan tâm đến tiền bạc hay quyền lực hay đơn giản coi bản thân họ trên hết – làm người ta khá say sưa.

Tôi sử dụng hạn từ đó một cách thận trọng, bởi vì chủ nghĩa ngoại giáo hiện đại rõ ràng là một hình thức say xỉn, suy giảm tinh thần và đạo đức, phá hoại luận lý, lý trí và sự công nhận cái tốt, cái đẹp và cái đúng (bao gồm chính ý niệm chân lý khách quan).

Đây là lý do tại sao những người ngoại đạo ngày nay lại là những kẻ nói dối trắng trợn đến thế. Đó là lý do tại sao họ khuyến khích sự sùng bái sự xấu xí trong ngoại hình, lời nói và hành động. Đó là lý do tại sao họ cực kỳ bất khoan dung (lời Kinh Thánh “hãy đến và chúng ta hãy cùng lý luận với nhau” không áp dụng vào họ vì không hề có thực tại khách quan mà hướng về nó chúng ta có thể lý luận với nhau: đơn giản chỉ là ý chí tôi – hay “sự thật của tôi” như họ thường nói ngày nay, đối đầu với ý chí anh).

Và đó là lý do tại sao ngay cả những người ngoại đạo có trình độ học vấn cao nhất - và nhiều người ngoại đạo có trình độ học vấn cao vì hệ thống giáo dục chuyên biệt khen thưởng họ và trừng phạt các Kitô hữu bất đồng chính kiến - cũng có thể ngu dốt đến mức đáng kinh ngạc. Thí dụ, hãy thử hỏi một người ngoại đạo, Tân Ước được viết vào thế kỷ nào, hoặc ông ta giải thích sự Phục sinh ra sao, hoặc tất nhiên, liệu hành vi diệt chủng chống lại những người “duy thực dân” Do Thái có nên bị lên án hay không, và có thể bạn sẽ nhận được rất nhiều câu ngụy biện ba hoa.

Chắc chắn trong số những người trẻ – nhưng cũng với sự đồng ý tổng quát của những người lớn tuổi của họ - chủ nghĩa ngoại giáo là cách chúng ta đang sống hiện nay. Đó là một cách ngu dốt, một cách xấu xa, một cách ngu xuẩn và là một cách gây ra những hậu quả bất hạnh cho thế hệ này và thế hệ mai sau. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ kết thúc và đức hạnh sẽ chiến thắng.

Nhưng điều đó có nghĩa là mỗi người chúng ta phải thực hiện công việc của mình là duy trì - và khôi phục - những gì còn sót lại của nền văn minh Kitô giáo của chúng ta. Khi tôi bắt đầu với Evelyn Waugh, hãy để tôi kết thúc bằng câu nói tôi yêu thích của con trai ông ấy, Auberon, đưa ra một tia sáng trong một thế giới ngày càng tối tăm: “Có vô số điều khủng khiếp đang xảy ra trên khắp đất nước, và những con người khủng khiếp đang thịnh vượng, nhưng chúng ta không bao giờ được cho phép họ làm xáo trộn sự thanh thản của chúng ta hoặc làm chệch hướng chúng ta khỏi nghĩa vụ thiêng liêng của mình là phá hoại và làm phiền họ bất cứ khi nào có thể.” Amen.