Peter Pinedo của hãng tin CNA, ngày 11 tháng 1 năm 2024 tường trình rằng Để đáp lại những hướng dẫn mới của Vatican cho phép các cặp đồng tính luyến ái được ban phép lành mục vụ ngoài phụng vụ, các giám mục Châu Phi đã đưa ra một tuyên bố thống nhất, trong đó các ngài nói rằng sẽ “không có phép lành mục vụ nào cho các cặp đồng tính luyến ái trong các giáo hội Châu Phi”.

Bức thư, được công bố ngày 11 tháng 1, được viết bởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM).

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng bức thư là sự tổng hợp tất cả các ý kiến của các giám mục Châu Phi, được gửi về để đáp lại yêu cầu mà ngài đã đưa ra vào ngày 20 tháng 12.

Trong bức thư, Đức Hồng Y Ambongo nói rằng trong khi các giám mục Châu Phi “tái khẳng định một cách mạnh mẽ sự hiệp thông của họ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” thì các ngài “tin rằng các phép lành ngoài phụng vụ được đề xuất trong Tuyên bố Fiducia Supplicans không thể được thực hiện ở Châu Phi mà không vướng vào những vụ tai tiếng”.

Đức Hồng Y Ambongo cho biết tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican, do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành vào ngày 18 tháng 12, “đã gây ra một làn sóng chấn động” ở Châu Phi và “đã gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều giáo dân, những người thánh hiến, và thậm chí cả các mục tử.”

Đáp lại, Đức Hồng Y Ambongo nói rằng các giám mục Châu Phi nhắc nhở các tín hữu, “như Fiducia Supplicans đã làm rõ ràng” rằng “học thuyết của Giáo hội về hôn nhân và tình dục Kitô giáo vẫn không thay đổi”.

“Vì lý do này, chúng tôi, các giám mục Châu Phi, không cho rằng việc Châu Phi ban phước cho các kết hợp tính luyến ái hoặc các cặp đồng tính là phù hợp bởi vì, trong bối cảnh của chúng tôi, điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn và sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng Châu Phi”, vị Hồng Y người Châu Phi nói như thế.

Bức thư là trường hợp đầu tiên của Giáo hội trên toàn lục địa bác bỏ các phước lành đồng tính như đề xuất trong Fiducia Supplicans.

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng ngôn ngữ được sử dụng trong Fiducia Supplicans là “quá tinh tế để những người đơn giản có thể hiểu được” và “rất khó thuyết phục rằng những người cùng giới tính sống trong một kết hợp ổn định không đòi hỏi tính hợp pháp cho tư thế của họ”.

Bức thư tiếp tục liệt kê thêm nhiều lý do tại sao Giáo hội Châu Phi sẽ không ban phước lành cho các cặp đồng tính, trích dẫn nhiều đoạn Kinh thánh. Một trong những đoạn được các giám mục Châu Phi trích dẫn là điều các ngài gọi là “vụ tai tiếng của những người đồng tính ở Sôđôma” trong sách Sáng thế chương 19; các ngài nói rằng nó chứng minh “đồng tính luyến ái quá ghê tởm đến mức nó đã dẫn đến sự tàn phá cả một thành phố”.

Ngoài những lý do theo Kinh thánh, Đức Hồng Y Ambongo còn nói rằng “bối cảnh văn hóa ở Châu Phi, bắt nguồn sâu xa từ các giá trị của luật tự nhiên liên quan đến hôn nhân và gia đình, càng làm phức tạp thêm việc chấp nhận sự kết hợp của những người đồng tính, vì họ được coi là mâu thuẫn với các chuẩn mực văn hóa và về bản chất là sa đọa.”

“Hội đồng Giám mục Châu Phi nhấn mạnh rằng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải được đối xử tôn trọng và xứng đáng, đồng thời nhắc nhở họ rằng sự kết hợp của những người đồng tính là trái với ý muốn của Thiên Chúa và do đó không thể nhận được sự chúc lành của Giáo hội,” Đức Hồng Y Ambongo nói như thế.

“Vì vậy,” ngài tiếp tục, “các nghi thức và lời cầu nguyện có thể làm lu mờ định nghĩa về hôn nhân - như một sự kết hợp độc chiếm, ổn định và bất khả tiêu giữa một người nam và một người nữ, mở ra cho việc sinh sản - được coi là không thể chấp nhận được”.

Theo Đức Hồng Y Ambongo, lá thư của các giám mục châu Phi “đã nhận được sự đồng ý” của cả Đức Thánh Cha Phanxicô lẫn Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez.

Đức Hồng Y Ambongo kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo “không để mình bị lung lay” trước sự nhầm lẫn đang bao trùm Giáo hội sau khi Fiducia Supplicans được công bố.

Ngài trấn an các tín hữu rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người phản đối quyết liệt bất cứ hình thức thuộc địa hóa văn hóa nào ở Châu Phi, đã hết lòng chúc phúc cho người dân Châu Phi và khuyến khích họ luôn trung thành với việc bảo vệ các giá trị Kitô giáo”.